Canalblog
Suivre ce blog Administration + Créer mon blog

ĐƯỜNG VỀ NẺO CHÍNH

28 novembre 2007

BỐN MƯƠI TÁM PHÁP NIỆM PHẬT

Bốn Mươi Tám Pháp Niệm Phật

Thuật giả: Giang Ðô Trịnh Vi Am

Dịch giả: Sa môn Thích Tịnh Lạc

Trong 48 pháp này, tùy phương tiện, hoàn cảnh, trình độ, có thể tùy nghi, không nhứt thiết bắt buộc phải thực hành tất cả. Pháp này khó kết quả, hoặc không hợp, ta hãy đổi sang pháp khác, điều cốt yếu, làm sao cho được “Nhất tâm bất loạn" tức “Niệm Phật Tam muội” là mục đích.

Kết quả tốt đẹp sẽ đến với chúng ta, khi chúng ta biết cách thực hành cho đúng mức.

Người tu Tịnh độ khi gần mạng chung, nên phải dự tính rằng: Phút lâm chung là điều quan trọng cuối cùng của đời người tu hành niệm Phật, nếu giữ gìn không kỹ, vận dụng không khéo, thì chẳng những luống uổng công phu trong một đời là vẫn mang cái khổ lụy luân hồi sanh tử, không sao tránh khỏi.

Kệ Khai Chuỗi

Tay lần trăm tám hột châu,

Dứt trừ tội lỗi, buồn rầu tiêu tan,

Xa lìa khổ ác ba đàng,

Thế gian phiền lụy hóa toàn liên hoa.

Ái hà ngàn thước sóng xao,

Muôn trùng biển khổ lấp đầu than ôi!

Muốn cho khỏi kiếp luân hồi,

Phải mau gấp niệm Nam mô Di Ðà.

NAM

MÔ A DI ÐÀ PHẬT

Thay Lời Tựa

Tôi đã biết niệm Phật từ khi còn bé, vì gia đình cha mẹ đã tu pháp môn Tịnh độ trước khi sinh ra tôi. Nhưng từ trước đến giờ, tôi chưa được gặp tập sách nào chỉ đến phương pháp niệm Phật đầy đủ như tập này. Ðể cho người tu niệm đỡ thắc mắc khi không biết mình phải thật hành cách nào cho có kết quả và phải xoay sở ra sao khi gặp phải chướng ngại trên bước đường tu niệm, nên tôi xin kính dịch để giúp phần phương tiện cho những bạn tu Tịnh độ, tùy hoàn cảnh, căn cơ mà thực hành hầu dễ thu hoạch kết quả mong muốn.

Về lợi ích và giới thiệu Pháp môn Tịnh độ, ở đây tôi xin không đề cập, vì đã có rất nhiều bản nói đến rồi. Vậy tôi cũng xin như thuật giả, là đi ngay vào những phương pháp thực hành mà thôi.

Ðể làm dễ và rộng một phần nào sự tìm hiểu của các bạn đồng tu, sau mỗi pháp, nếu có chỗ nào chưa rõ ràng lắm, hoặc quá gọn tắt, tôi xin có lời giải thích (theo sở hiểu của tôi) và một vài lời bàn giải để làm sáng tỏ cho phương pháp mà thuật giả đã trình bày.

Nhưng dù thế nào cũng sẽ không tránh khỏi ít nhiều thiếu xót, kính mong các bực cao minh và các Liên hữu bốn phương vui lòng bổ chính cho, thật tôi muôn phần cảm tạ.

Trong 48 pháp này, tùy phương tiện, hoàn cảnh, trình độ, có thể tùy nghi, không nhứt thiết bắt buộc phải thực hành tất cả. Pháp này khó kết quả, hoặc không hợp, ta hãy đổi sang pháp khác, điều cốt yếu, làm sao cho được “Nhất tâm bất loạn" tức “Niệm Phật Tam muội” là mục đích.

Kết quả tốt đẹp sẽ đến với chúng ta, khi chúng ta biết cách thực hành cho đúng mức.

Kính cầu nguyện ánh bi quang của đức Phật A Di Ðà soi sáng tự tánh Di Ðà của chúng ta và khi mãn duyên kiếp khổ lụy Ta bà, chúng ta sẽ được thừa nguyện lực của Ngài, đồng được vãng sanh về cảnh giới an lạc.

Nam

Mô Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Phật

Chùa Thiền Tôn, mùa Hạ năm Quí Mão (1963)

Liên Tử Tịnh Lạc

1. NIỆM PHẬT NÊN GIỮ Ý CĂN:

Ðã đem tâm này niệm Phật, phàm tất cả việc tạp thiện, tạp ác (1) đều không nên nhớ, tức hàng ngày chỉ nên làm mọi việc với ý niệm vạn bất đắc dĩ, xong rồi thì xả, đừng để day dích, sẽ chướng ngại tâm niệm của chúng ta. Vả lại, sở dĩ tâm niệm của chúng ta cứ còn dây dưa mãi với những tạp thiện, tạp ác là vì ý địa chưa thuần; nếu ta niệm Phật đến lúc tâm địa sáng tỏ, thời ý địa tự nhiên chuyên ròng nơi quán sát, không duyên tạp sự.

Phải biết, niệm Phật có thể chuyển Phàm thành Thánh, là phương tiện giải thoát thứ nhứt của thế gian và xuất thế gian vậy.

Lời phụ giải:

Sự sống hàng ngày đã chiếm quá nhiều thì giờ của chúng ta, bởi vậy nên những lớp trần ai càng bám riết theo cuộc sống, làm cho chúng ta không rảnh được sự tính toán, mà hễ tính nhiều tức loạn trí, lo âu ắt tổn thần. Thế nên khi xác nhận cuộc sống này chỉ là tạm bợ, trả vay, quay về với cuộc sống tâm linh vĩnh viễn, chơn thật, thì còn gì nữa mà không buông bỏ tất cả giả cảnh, để sống với cảnh giới chơn thường. Phàm, Thánh, mê, ngộ đều ở nơi ý địa của đương nhơn mà thôi!

2. NIỆM PHẬT NÊN GÌN KHẨU NGHIỆP

Ðã dùng miệng này niệm Phật, phàm tất cả những việc SÁT, ÐẠO, DÂM, VỌNG (2) không nên buông lời nói càng, nói quấy. Một khi nói lỡ, nên tự nghĩ rằng: người niệm Phật không nên nói như thế, rồi cố gắng niệm lớn ít tiếng danh hiệu Phật để trấn áp tâm mình và gột tẩy ngay những lời bất thiện ấy.

Lời phụ giải:

Phàm đã mang danh từ Phật tử và đã biết niệm Phật, tất cả phải giữ gìn khẩu nghiệp. Nếu thoảng một lời vô nghĩa thốt ra, tự suy nghĩ ăn năn chẳng ít, huống không có lợi ích gì cho ai, mà còn gây khổ hận cho kẻ khác, thì dầu một tiếng cũng không nên mở miệng. Phật là tượng trưng cho sự thanh tịnh, mà ta lại niệm Phật bằng cái miệng bất tịnh thì phỏng được lợi ích gì? Trong kinh Phạm Võng có chép: “Nhựt nhựt khởi tam nghiệp tội, khẩu tội vô lượng.” Miệng là cửa mở muôn điều ác hay thành vạn sự lành, vậy ta cần phải suy kỹ trong lúc mở lời. Huống chi việc niệm Phật, chúng ta lại càng cần phải giữ miệng cho thật sạch, nghĩa là một lời quấy, một tiếng xấu, nhứt định phải tiêu diệt trong khi chúng còn trong trứng nước, không để chúng thành hình, đừng nói phát ra cửa miệng. Tu thân, tu tâm mà không tu miệng là một khuyết điểm lớn!

3. NIỆM PHẬT PHẢI CHỈNH THÂN NGHIỆP:

Ðã đem thân này niệm Phật, thời trong mọi lúc cũng như trong mọi cử chỉ: đi, đứng, ngồi, nằm, thân cần phải đoan chánh (3). Thân có được đoan chánh thì tâm mới được thanh tịnh. Người niệm Phật nên tự nghiệm điều này, thật không bao giờ dối.

Lời phụ giải:

Thân thể có ảnh hưởng mãnh liện đến tinh thần. Thế nên, muốn cho tinh thần vững mạnh, tin tưởng chí thiết nơi tự lực, tha lực, kiên cố chấp trì câu danh hiệu Phật, tất phải dọn mình cho thật đoan chánh, trước khi niệm. Tâm ta tịnh được là do thân nghiệp không động, không nhiễm. Vậy nên, muốn công phu niệm Phật có kiến hiệu, điều kiện trước tiên là phải giữ gìn thân nghiệp cho đoan chánh.

4. NIỆM PHẬT LẦN CHUỔI:

Niệm Phật một tiếng, tay lần một hột. Chỉ nên niệm bốn chữ, đừng lộn sáu chữ, vì bốn chữ rất dễ thành khối (4). Trong bốn chữ A Di Ðà Phật, hoặc lần chuỗi tại chữ A, hoặc lần tại chữ Ðà, hoạch định cho có phép tắc, không được lầm lẫn, đây là pháp mượn chuỗi để nhiếp tâm vậy.

Lời phụ giải:

Giữ tâm niệm thành khối, danh hiệu Phật, mỗi câu xâu xuốt với nhau không xen hở một tạp niệm nào, ví như xâu chuỗi, hột này dính liền với hột khác, hột hột dính liền với nhau, đó là ý nghĩa của sự niệm chuỗi. Hơn thế nữa, đó là phương tiện nhắc nhở kẻ sơ cơ, chưa thuần với chánh niệm, nhớ lại câu niệm Phật. Kẻ lười nhờ đó mà siêng, kẻ trễ nhờ đó mà gắng. Khi chánh niệm đã tinh thuần, Phật niệm không lìa tự tâm, bây giờ có chuỗi hay không cũng chẳng thành vấn đề. Thế nên kẻ sơ cơ cần nhờ nó để làm phương tiện. Chẳng lẽ sắm chuỗi để mốc à?

5. NIỆM LỚN TIẾNG

Nếu lúc thần trí hôn trầm (5), hay khi vọng tưởng đua khởi, hãy nên trấn tỉnh tinh thần, to tiếng niệm Phật, niệm cho được vài ba trăm tiếng tự nhiên đổi thành cảnh giới an tịnh. Bởi vì nhĩ căn thính lắm, nên ngoại duyên dễ vào, tiếng làm cho tâm động, tạp tưởng nổi dậy, nên phải to tướng niệm Phật để giữ gìn nhĩ căn, hầu mở tỏ tâm linh. Bấy giờ tâm chỉ nghe tiếng của chính mình, mỗi tiếng liên tục, đầy đủ, tất cả những gì phải quấy, nên, hư tự nhiên phóng xả.

Lời phụ giải:

Lúc ta mệt nhọc, trong người hay uể oải, hay sanh chứng ngủ gật, hay cả thân thể lẫn tâm linh như có cái gì đè nặng, bấy giờ nếu ta dùng cách tịnh niệm, thì chỉ càng giúp cho sự mệt nhọc, ngủ gật kia đắc lực. Thế nên ta phải to tiếng niệm Phật, quán sát tiếng niệm Phật kia từ tự tâm lưu xuất, rồi theo lỗ tai vào lại tự tâm, vòng quanh mãi mãi như thế, đến khi nào, tâm ta sáng suốt, ma ngủ gật kia biến mất, chỉ thuần một câu niệm Phật rõ rành mới thôi.

6. NIỆM NHỎ

Nếu lúc tinh thần tán thất, hoặc khi nhiều việc nhọc nhằn hay phải nhiều điều bức bách, thì không cần phải niệm to, chỉ nên thấu liễm thần minh (6) nhỏ tiếng niệm kỹ. Ðến khi hơi thở điều hòa, tinh thần hứng khởi, an định tâm hồn mới nên niệm to tiếng.

Lời phụ giải:

Phương pháp niệm nhỏ là để đối trị bệnh tán loạn. Nhiều khi vì quá bề bộn công việc, mà thân tâm ta phải quá nhọc nhằn, hay có những việc làm ta phải cực lòng, bực trí. Bấy giờ nên dùng pháp niệm nhỏ, vì nếu niệm to sẽ giúp phương tiện cho ma tán loạn thêm sức mạnh. Niệm nhỏ từng tiếng từng câu thật kỹ, thật rõ, lần lần tâm thần ta sẽ được an tịnh, bấy giờ nên niệm lớn.

7. NIỆM THẦM

Nếu tâm khí (7) không được điều hòa, hoặc người hay chỗ có ngại, niệm to, niệm nhỏ đều thấy không tiện, thì chỉ nên động môi, dùng pháp niệm thầm (Kim Cang trì), không bắt buộc nhiều ít, nhưng cần nhứt: mỗi chữ, mỗi câu phải từ tự tâm lưu xuất.

Lời phụ giải:

Pháp này khác với pháp niệm nhỏ trước, vì chỉ được động môi mà không cho phát ra tiếng; nói cho dễ hiểu là chỉ nhép miệng mà thôi. Vả như có người nằm gần ta, hay chỗ ta ở khít gần với kẻ khác, niệm thành tiếng dù lớn dù nhỏ cũng có thể đụng đến họ, vậy nên chỉ nhép miệng niệm thầm, không cần hạn số, bao nhiêu cũng được, miễn sao câu niệm Phật bắt nguồn từ tự tâm, kích động đầu môi, bật thành một thứ âm thanh huyền diệu, không thành tiếng mà vang khắp đại thiên, nhưng vẫn không ngoài đương niệm.

8. MẶC NIỆM

Lại hoặc niệm to, niệm nhỏ đều không hợp, tay lần chuỗi lại hiềm phiền phức, niệm thầm vẫn thấy còn có dấu vết, thì xưa có phương tiện chí xảo là không cần động mồm, không phát ra tiếng, chỉ bắt tâm niệm duyên chuyên một cảnh, âm thầm dùng lưỡi gõ vào răng trước (răng cửa) hay tâm tưởng cũng được, tùy ý, chỉ phải làm sao cho tiếng thật rõ ràng, nhưng tiếng không phải phát ra từ cửa miệng mà phải phát ra từ tự tánh. Tánh nghe lại phải dung thông nội tâm, nội tâm lại phải in nơi đầu lưỡi, đầu lưỡi kéo lấy niệm căn, tự tánh nghe nghe tự tánh, ba thứ dung hội, niệm niệm viên thông, lâu sau sẽ được thành tựu pháp quán: Duy tâm thức.

Lời phụ giải:

Dùng pháp mặc niệm để thành tựu duy tâm thức quán này hơi khó và cao, đa phần dành cho những bực có trình độ khá và cao trên bước đường tu tập. Người thực hành phải dùng quán tâm, không phải dùng niệm tưởng. Không động miệng mà tiếng phải rõ ràng, tiếng ấy là tiếng của tự tâm, dùng lối đem tánh nghe (văn tánh) nghe lại tiếng nói của tự tánh (phản văn văn tự tánh) đó là đã thâm đạt thật tướng của vạn pháp, thâm đạt nhứt thiết duy tâm vậy.

9. ÐIỀU HÒA HƠI THỞ

Hoặc lúc khí tịnh, tâm bình (8), thì trước nên tưởng thân mình đang ở trong vòng hào quang tròn, thầm quán trên đầu chót mũi, tưởng hơi thở ra vào, mỗi một hơi thở thầm niệm một câu A Di Ðà Phật. Phương tiện điều hòa hơi thở, không hưỡn không gấp, tâm niệm và hơi thở nương nhau, theo nhau ra, vào; đi, đứng, ngồi nằm đều nên làm như thế, đừng để gián đoạn. Thường phải tự “mật trì,” nhiếp tâm đã lâu, cả hơi thở lẫn câu niệm, cả hai đều không còn phân biệt, tức thân tâm này cũng đồng với hư không. Trì đến thuần thục, tâm nhãn khai thông, Tam muội thoạt nhiên hiện tiền, chính là “Duy tâm tịnh độ” đó.

Lời phụ giải:

Pháp này cũng giống như Sổ Tức Quán trong Lục diệu môn. Dùng pháp đếm hơi thở, để điều hòa hơi thở ra vào. Mỗi một hơi thở hoặc ra, hoặc vào đều thầm niệm một câu A Di Ðà Phật đều đều, không nên quá gấp cũng không được quá hưởn, vì sẽ làm chướng ngại cho sự chuyên nhứt. Phật niệm không dứt, tâm được thanh tịnh, trí được chuyên ròng không tạp, hòa hợp với sự bao la vô ngại của Thái hư, tất cả đều duy tự tâm, mà hễ tự tâm thanh tịnh thì quốc độ sẽ hoàn toàn thanh tịnh đối với ta vậy.

10. TÙY PHẬN

Hoặc lúc hôn trầm nhiều, thời nên kinh hành niệm Phật, hay khi tạp loạn nhiều thì nên ngồi ngay thẳng, yên lặng mà niệm. Giả sử đi hay ngồi đều không hợp, thời hoặc quỳ, hoặc đứng, cho đến tạm nằm, cũng đều cho phương tiện rộng rãi, có thể niệm Phật được cả. Cốt yếu: bốn chữ hồng danh (9) đừng để một niệm lãng quên, đó là yếu thuật hàng phục tâm ma vậy.

Lời phụ giải: Câu niệm Phật không phải chỉ dành lúc rảnh rang, hay tắm gội sạch sẽ, đến trước bàn Phật, mà nhứt thiết thời không được xao lãng. Bởi tâm niệm chúng sinh hàng ngày quá tạp loạn, hể hở là tạp tưởng xen vào ngay, quấy rối tâm niệm. Như bàn tay quậy vũng nước màn màn, nếu quậy ít hay quên quậy, màn màn sẽ trở lại ngay. Thế nên đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh đều phải cố giữ câu niệm Phật, không cho xen hở. Như ông tướng giữ trại, như con mèo rình chuột, đừng để một niệm gián đoạn. Một câu niệm Phật không xen không hở, tùy phương tiện, tùy trường hợp, miễn sao cố giữ tâm niệm chuyên câu niệm Phật là được.

11. CHỖ NÀO CŨNG NIỆM PHẬT ÐƯỢC

Không luận chỗ sạch hay chăng, hoặc chỗ vắng vẻ hay chỗ chộn rộn, chỗ vừa dạ hoặc nơi thất ý, chỉ “Hồi quang phản chiếu” (10) và suy nghĩ: những cảnh thế này ta đã gặp hơn trăm ngàn muôn ức lần, từ nhiều kiếp đến giờ; chỉ có việc “niệm Phật vãng sanh” là ta chưa có thể thực hành trọn vẹn được, nên vẫn còn bị trong vòng lẩn quẩn luân hồi. Giờ đây ta cũng chẳng quản niệm được cùng chăng, chỉ thề giữ chặt “tâm niệm Phật” này, dầu chết cũng không để dứt “niệm đầu” (11). Tại sao? Bởi niệm đầu mà để một phút gián đoạn, thời tất cả thiện, ác, vô ký (12) bao nhiêu tạp niệm lại sanh. Vì lẽ đó, nên dù lúc đi đại, tiểu tiện hay sản phụ lúc lâm bồn, chỉ chăm chú việc niệm Phật, càng khổ càng niệm, càng đau càng niệm nhiều hơn, như con thơ gọi mẹ, không sợ mẹ hiềm giận, nếu sợ mẹ giận mà không gọi nữa, ắt đứa trẻ sẽ bị sa chân vào hầm phẩn nhơ nhớp, vì những sự dại dột do nó gây nên. Như thế chỉ có chết mất đi mà không làm sao được gặp mẹ.

Lời phụ giải:

Thế thường, có người không hiểu cho rằng: vào chỗ nhơ như nhà xí v.v... mà niệm Phật sẽ có tội. Nhưng trong pháp môn niệm Phật thì không phải vậy. Vì câu niệm Phật lúc nào cũng phải ngự trị trong tâm hồn ta; nếu vì lúc ăn, khi đi cầu v.v... mà để dứt, thì tức nhiên tạp niệm sẽ xen vào, mà hễ tạp niệm xen vào được, niệm này sanh niệm khác, nối luôn không dứt, tránh sao khỏi điều tội lỗi, và tránh sao thoát nẻo sanh tử luân hồi.

Hết thảy chúng ta giờ đây, chưa có thể nhứt thiết thời niệm Phật, nên phiền não niệm xen vào, biết bao điều phiền phức, đau khổ, nhọc nhằn; vậy thời chúng ta hãy cố gắng tập nhiều, tập mãi câu niệm Phật, hễ bận việc thời thôi. bằng hễ rảnh là ta niệm Phật. Không có gì tự nhiên mà được, phải đòi hỏi nhiều cố gắng, nhiều nổ lực, vậy sau mới thành công. Bao nhiêu việc đời sẽ làm ta phiền lụy, muốn tránh bao phiền lụy không chi hơn luôn giữ câu niệm Phật.

Ðức Phật như bà mẹ hiền thương con dại, không có bà mẹ nào là không thương con. Thế nên, ta một lòng tưởng nhớ, tha thiết kêu cầu Ðức Phật sẽ thương mà hiện cứu. Phật không bao giờ bỏ và cũng không bao giờ có giận hờn vì hễ còn giận hờn ắt chưa thể thành Phật, cũng như không có đức Phật, Bồ tát nào mà thiếu lòng từ bi cả.

Xin hãy gắng niệm, đừng khinh mà coi thường.

12. NIỆM PHẬT CÓ ÐỊNH THỜI HAY KHÔNG

Trong pháp thứ mười một, không có định thời, nếu vậy sẽ ít người làm được. Bài này phương tiện nói có định thời là: sớm, tối hai thời, hoạch định thường khóa, từ nay đến suốt đời, không thêm, không bớt, ngoài ra trong suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, có thể niệm được một câu, thì nên niệm một câu, có thể niệm được nhiều câu, thì nên niệm nhiều câu, bất luận niệm lớn hay nhỏ.

Cổ nhơn có bảo:

Ít nói một câu tạp

Nhiều niệm một câu Phật

Ðẹp tốt biết bao nhiêu!

Lời phụ giải:

Vì sợ có nhiều vị, không thể lúc nào cũng giữ câu niệm Phật được (bởi quá bận kế mưu sinh) nên phải phương tiện định thời. Thế là ai cũng có thể tu Tịnh độ pháp môn được. Nhưng điều cốt yếu: khi đã định thời, thì phải cố gìn, đừng để sai siển, dù lúc bịnh hoạn hay đau khổ.

Tuy nhiên, hễ khi nào rảnh rỗi là ta phải nhớ ngay câu niệm Phật.

Ðánh đổi chúng sinh niệm bằng Phật niệm, tuy không được cao siêu nhưng là một phương tiện hiếm có để chuyển mê thành giác vậy.

13. CÓ ÐỐI TRƯỚC TƯỢNG HAY KHÔNG TRONG KHI NIỆM PHẬT?

Lúc đối trước tượng Phật, phải cho tượng này là thật Phật, không cần câu chấp một phương hướng nào, chẳng luận một thân nào trong ba thân của Phật, chỉ tự nghĩ: Ta chỉ nhứt tâm, tâm chỉ nhứt Phật, mắt nhìn tượng Phật, tâm niệm danh Phật, thật hết sức thành kính, mà hết sức thành kính tất được linh cảm.

Lúc không có tượng Phật, nên ngồi ngay ngắn xoay mặt về phương Tây, lúc khởi tâm động niệm, nên niệm tưởng hào quang của đức Phật A Di Ðà trụ trên đỉnh đầu ta, mỗi niệm, mỗi câu, tự chẳng để rơi vào khoảng không, hắc nghiệp cũng có thể tiêu diệt.

Lời phụ giải:

Người sơ cơ chưa có thể quán tự tâm tức Phật, thế nên phương tiện đối trước Phật tượng cho dễ xúc cảnh sanh tâm, nhưng điều cần thiết là phải hết sức thành kính vì hễ có cảm mới có ứng được.

Bài này dạy rõ, khỏi phải bàn luận dài dòng, hành giả nên coi kỹ và theo như thế, tội nghiệp sẽ được tiêu trừ, Phật tâm tự hiện.

14. NIỆM PHẬT TRONG LÚC BẬN RỘN

Nếu niệm được một câu, thì nên niệm một câu, có thể niệm 10 câu, thì nên niệm 10 câu; chỉ làm sao trong 100 điều bận rộn có được trong khoảnh khắc một chút rảnh rang liền buông bỏ thân tâm sáng suốt tụng trì.

Ngài Bạch Lạc Thiên có bài thi rằng:

Ði niệm A Di Ðà

Ngồi niệm A Di Ðà

Ví dù bận rộn như tên

A Di Ðà Phật niệm lên thường thường.

Người xưa dụng tâm như thế, thật không thể chê được!

Lời phụ giải:

Có người quá bận rộn với mực sống, có rảnh đâu nhiều mà niệm Phật; tuy nhiên trong trăm việc bận, chắc cũng có chút thì giờ rảnh, hể rảnh thì niệm Phật, đừng để trí phải nghĩ tưởng vẩn vơ, khổ sầu vô ích. Việc đời chuyện đâu bỏ đó, đeo đẳng làm gì thêm mệt, để thì giờ niệm Phật cho khỏe trí còn hơn không? Có nhiều người để phí bao nhiêu thì giờ tán gẩu những chuyện đâu đâu, chỉ chuốc lấy bao nhiêu điều phiền lụy, do vài câu bất ý trong lúc vui miệng, cũng đủ gây cho lòng những mối lo âu, khổ sở, hay chuốc cho thân những đau đớn lụy phiền!

15. LÚC NHÀN RỖI NÊN NIỆM PHẬT

Trong đời có nhiều kẻ quá ư khốn khổ, muốn chút rảnh cũng không sao có được, nên không thể tu hành. Nay ta được rảnh rang, lại nghe biết được pháp niệm Phật này, cần phải gắng gổ, tương tục thúc liễm thân tâm, chuyên trì Phật niệm; như thế mới không uổng phí tấc bóng quang âm. Nếu để tâm niệm buông trôi, không làm được việc gì, luống tiêu bao ngày tháng, cô phụ bốn ân, một mai vô thường thoạt đến, sẽ lấy gì để chống cự đây?

Lời phụ giải:

Có người cầu được chút rảnh rang để niệm Phật còn không có, ta nay duyên đời không bận buộc, vậy đừng nên bê trễ nữa, hãy cố gắng niệm Phật, đừng để ngày lại, ngày qua, rồi già, rồi chết, đến khi bây giờ dù muốn rảnh được một chút, sống thêm một giờ để niệm Phật cũng không được. Thật tiếc lắm thay!

16. NGƯỜI SANG GIÀU PHẢI NÊN NIỆM PHẬT

Phước đức của đời này đều từ việc tu hành kiếp trước. Những gì tôn quí vinh huê, quá nữa là các bực cao tăng chuyển thế. Nhưng tuy có vinh huê mà không được trường cửu, nếu lại tạo điều nghiệp chướng ắt khó thoát khỏi biển trầm luân. Vậy nên các ngài phải tự suy nghĩ: những gì ta có thể mang theo được khi nhắm mắt? Ấy là công đức niệm Phật. Cũng như thuyền đi nhờ nước. Thế nên, hoặc lập thất niệm Phật, hoặc mời chư Tăng hướng dẫn mình niệm Phật, in khắc kinh sách Tịnh độ, hoặc đặt tượng Phật A Di Ðà để chiêm ngưỡng mà niệm, việc làm tuy ít, nhưng phải dụng công cho nhiều, lại phải chí quyết vãng sanh, đó là con đường tu hành của tất cả mọi người, chẳng luận giàu, nghèo, sang, hèn. Làm vị sứ giả của ngôi Pháp vương còn gì tôn quý hơn!

Lời phụ giải:

Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân, dù ta có nhờ phước đức đã gieo trồng đời trước, hưởng được phú quí vinh huê, song chỉ hưởng tạm mà thôi, khi ba tấc hơi dứt mọi việc buông xuôi, chỉ nắm hai bàn tay trắng. Vậy thì ta có nên bám víu những cái giả ảnh ấy chăng? Chúng ta chắc đã ý thức rõ ràng điều đó. Thế thì chúng ta phải kíp lập thành tích niệm Phật ngay và thật hết lòng cố gắng như chúng ta đã cố gắng lo làm giàu vậy. Người vô trí cho giả là thật, nên chạy theo những cảnh tướng, danh sắc phù phiếm bề ngoài, có được chút vui, song chỉ là cái vui tạm bợ trong chốc lát. Kiếp người chóng tàn, thân người chóng diệt, chỉ có đạo đức thường còn, chân thật, không có những ồ ạt bên ngoài, không có cái vui chốc lát. Xem như Ngài Khổng Tử còn bảo: “Ăn cơm nguội, uống nước lạnh, co tay mà gối đầu cũng có điều vui ở trong vậy!” Cái vui đó mới là cái vui của người trí.

17. KẺ NGHÈO HÈN CŨNG NÊN NIỆM PHẬT

Than ôi! Có kẻ đã đem thân làm nô lệ, bị người khác sai sử, vất vả, khổ sở, mà không cầu mong thoát khỏi, thì về sau càng khổ hơn.

Nên biết bốn chữ Hồng danh chẳng luận sang, hèn, giàu, nghèo, trẻ, già, trai, gái, chỉ cần mỗi ngày vào lúc sáng sớm chí tâm xây mặt về phương Tây, niệm 10 câu danh hiệu Phật, không xen, không dứt, để cầu sanh Cực lạc, thì hiện đời sẽ được hưởng nhiều lợi ích, khi thác tự được vãng sanh. Ðức Phật A Di Ðà thiệt là chiếc thuyền cứu mạng cho mọi người trong biển khổ vậy.

Lời phụ giải:

Ở đời, đâu có ai nghèo đến nỗi không có thân, tâm? Vậy ta nên đem thân, tâm sẵn có đó niệm Phật. Trong kinh Hiền Ngu Nhơn Duyên có đoạn: Tôn giả Ca Chiên Diên độ bà già ở mướn, bán cái nghèo bằng phương pháp Niệm Phật, bà đã đạt kết quả. Vậy chúng ta nên bắt chước bà già ấy bán quách cái nghèo đi cho rảnh, đeo đẳng làm gì thêm khổ? Khổ mà biết là khổ để tìm phương pháp thoát ly ấy là kẻ trí. Khổ mà vẫn không biết là khổ, lại còn cho cái khổ là vui, thì thiệt hết chỗ nói!

18. TỊNH TẾ NIỆM PHẬT

Ðã là người có trí huệ thì đừng để bị mê hoặc, cần phải hết sức tịnh tế niệm Phật để cho trí huệ được thêm kiên cố.

Phải biết, người trí niệm Phật thì thiên hạ sẽ có rất nhiều người niệm Phật. Người trí niệm Phật thời những kẻ tu hành theo ngoại đạo sẽ dễ trở về chánh đạo. Tại sao? Vì tiếng tăm của người trí có thể mở lòng dạ họ, vì có tác dụng trí của người trí cứu rổi họ.

Lời phụ giải:

Việc làm của người trí sẽ mang đến một ảnh hưởng tốt đẹp và hữu ích cho kẻ thấp hay thiếu trí, trong trường hợp việc làm ấy với ý nghiệp lành. Vậy nên người trí phải tỏ ra xứng đáng sự tin tưởng của mọi người, đừng nên để những việc ngu hèn, những thị dục thấp kém gạt gẫm.

Một người có quyền thế tu niệm, sẽ có ảnh hưởng thật tốt đẹp đến những kẻ chung quanh. Nhờ sự khôn khéo, sáng suốt, cộng vào đó sự tin tưởng mãnh liệt của người lân cận, mà người trí khả dĩ làm được những chuyện to tát có ảnh hưởng đến thế đạo nhơn tâm. Làm một mà kết quả được nhiều, đó là điều của nhiều người mong muốn. Ấy thế mà nhiều kẻ có thể làm được lại không chịu làm, hay làm cho lấy có thì thật đáng tiếc rẻ lắm thay!

19. LÃO THẬT NIỆM PHẬT

Ðã không cầu danh lợi, cũng không khoe tài năng, chắc thật tu hành thật là rất khó có người làm được.

Tổ sư dạy: Về phương diện tham thiền, bởi tìm một người si độn cũng không có. Nay người niệm Phật chính lo mình không được si độn mà thôi. Hai chữ “Lão Thật” là một đại lộ thẳng tắp đưa người sang Tây phương vậy. Tại sao? Vì hai chữ Lão Thật là ngoài bốn chữ A Di Ðà Phật không thêm một mảy may vọng tưởng nào.

Lời phụ giải:

Người nhứt tâm niệm Phật, không duyên ngoại cảnh, lòng không chao động trước bất cứ một khuấy rối nào, coi như tất cả không có gì dính líu đến mình, con người ấy bề ngoài hình như kẻ ngây ngô, si độn lắm, nhưng trái lại thật là sáng suốt, thật là thanh tịnh đó. Người như thế thật không phải dễ kiếm! Phương chi, trong pháp môn niệm Phật có câu: Niệm bất nhứt bất sanh Tịnh độ. Mà hễ niệm nhứt thì muôn duyên buông bỏ, chuyên ròng câu niệm Phật. Lòng ta niệm Phật cùng lòng Phật tương ưng. Tây phương không lìa đương niệm, không cần đoán xa xét rộng chi cả mà Phật cảnh vẫn hiện tiền. Hy hữu thay Pháp môn Tịnh độ!

20. ÐƯỢC ÐIỀU VUI MỪNG, NHỚ NIỆM PHẬT

Hoặc nhơn nơi người mà vui, hoặc nhơn nơi việc mà mừng, mối manh tuy nhỏ nhít, nhưng đều là những cảnh vui vẻ của kiếp người. Song phải biết cái vui đó nó hư huyễn không thật, không thể còn lâu, vậy nên nương nơi giây phút tươi vui đó, xoay tâm niệm Phật, thời ắt được nhờ ánh hào quang của Phật, trong thuận cảnh ấy bỏ dứt đi ít nhiều ác niệm, những điều tốt đẹp liên miên, như ý tu hành, mãi đến lúc mạng chung sẽ được vãng sanh Cực lạc, há chẳng vui mừng lắm sao!

Lời phụ giải:

Kiếp sống của ta vui ít khổ nhiều, có vui chăng chỉ là cái vui tạm bợ, chốc lát qua đi, nhường chỗ cho điều đau khổ dày vò con người. Vậy thì cái vui có bền bỉ gì mà ta lại tự hào hay níu nắm nó.

Những điều vui vẻ đáng cho ta ưa thích, vì nó chơn thật, thường còn ấy là cái vui thanh tịnh của tự tâm. Cảnh Cực lạc của Phật A Di Ðà sẵn sàng đón tiếp những con người tự tâm được thanh tịnh. Về được đó rồi còn gì vui hơn?

21. HỨA NGUYỆN NIỆM PHẬT

Trì danh niệm Phật nguyên để cầu vãng sanh nhưng oai phong của chư Phật không thể nghĩ bàn hễ niệm danh hiệu của các Ngài thì sở nguyện đều tùy tâm. Vì lẽ đó, trong kinh dạy: niệm Phật có 10 điều lợi ích (xin xem phần sau). Những việc cầu cúng quỉ thần, tạp tu sự sám, khấn hứa nhiều ác nguyện, tin xằng những việc bói toán xâm quẻ, không bằng dùng phương pháp niệm Phật để cầu nguyện.

Có kẻ hỏi: Vả như niệm Phật mà không ứng nghiệm thì sao?

Ðáp: Ông chưa niệm Phật mà đã lo không ứng nghiệm, chính cái nhơn không ứng nghiệm đó đem đến cái kết quả không ứng nghiệm vậy. Nhơn thế nào thì quả thế nấy, há không đáng sợ lắm sao?

Lời phụ giải:

Phật là đấng đại từ, đại bi, đại trí, đại đức, tối tôn vô thượng, là bậc thầy của trời người sáu đường. Thế thì, khi cầu nguyện sao lại không cầu nguyện nơi các Ngài? Thật cũng lấy làm lạ! Có lắm kẻ sợ ma quỉ yêu tinh hơn sợ Phật, có lẽ cho rằng Phật hiền, ma quỉ dữ chăng? Hay tại lòng mình không chơn chánh, vì có điều tội lỗi, vạy tà nên lờn chánh, ngán tà? Người Phật tử hãy suy nghĩ cẩn thận điều này, kẻo mình là Phật tử mà vô tình làm đệ tử ma!

22. NIỆM PHẬT ÐỂ CẦU CỞI MỞ

Phàm tất cả nghịch cảnh quanh ta, đều do trái duyên nên có hiện (ta phải cố cam nhận chịu) không nên lại khởi ác niệm, để phải dẫn khởi oan trái đến mãi về sau không dứt. Ta phải nên tùy thuận nhận lãnh, có thể tránh được thời tránh, dứt được thời dứt, chỉ tùy nhân duyên mà đừng quên niệm Phật. Phật có vô lượng trí huệ, phước đức quang minh, Ngài sẽ gia hộ cho ta: dù gặp nghịch duyên, trái cảnh, cũng chuyển thành thuận cảnh, thuận duyên ngay.

Lời phụ giải:

Oan gia nghi giải bất nghi kết, đừng nên đem oán trả oán, thì oan trái mới dứt. Vậy chỉ có pháp niệm Phật là ổn nhứt.

Ví dù muôn đắng nghìn cay

Một câu niệm Phật tan ngay cấp kỳ

Niệm Phật dứt bỏ oán thù

Lòng không hung dữ ngục tù đâu vương...?

Niệm Phật mở rộng lòng thương

Oán thân bình đẳng tai ương có nào?...

23. HỔ THẸN TỰ GẮNG NIỆM PHẬT

Phàm đời này hay kiếp trước, ác quả đã thành tựu, thì khổ báo ắt đến, mà một phần khổ ở đời này tức là một phần ác trong kiếp trước, không thể đổ thừa cho vận mạng bất tề, mà chỉ nên tự hổ phận mình chẳng sớm lo tu. Mỗi một khi tưởng Phật, tưởng như lông trong thân đều dựng đứng, năm vóc như rã rời, buồn thương, cảm mến, đau xót, không muốn sống. Như vậy thời mỗi câu, mỗi chữ từ trong gan, tủy mà ra mới là chơn cảnh niệm Phật.

Ngày nay kẻ tăng, người tục niệm Phật, hoặc miệng niệm mà tâm tán, hoặc chỉ nhiếp tâm lúc niệm, dứt niệm thì tâm mê. Lại có người đang lúc niệm Phật xen nói chuyện tạp. Thế thì dù niệm suốt đời cũng không linh cảm. Mọi người thấy vậy, cho rằng: niệm Phật vãng sanh là những lời láo khoét. Lỗi ấy há do Phật sao?

Lời phụ giải:

Ta cùng chư Phật động một thể tánh thanh tịnh, không hai không khác, thế mà các Ngài đã giác ngộ, sáng suốt bỏ giả theo chơn, còn chúng ta lại cứ mãi nhận hư làm thật, bội giác hiệp trần, cam chịu quanh quẩn mãi trong vòng khổ lụy trần ai. Thật còn gì hổ thẹn cho bằng! Vậy nên phải vận dụng tận cùng năng lực, hết chí lo tu, lấy chết làm kỳ hạn, cầu thoát sanh tử, không còn nghĩ ngợi, đắm lụy trần ai, để phải nhiều kiếp trôi chìm trong sông mê, bể khổ.

24. KHẨN THIẾT NIỆM PHẬT

Phàm người ở trong tất cả hoàn cảnh khổ đáng thương, mà ta không thương, tất trái với nhơn tính, nhưng ở trong tất hoàn cảnh đáng thương, ta chỉ thương suông thì làm sao hợp được với tánh Phật? Ðã thương thì phải tìm phương thoát khổ, phải tìm cách cho mọi người rốt ráo thoát khổ. Phải biết rằng: Phật sở dĩ được tôn xưng là Ðấng Ðại Bi, vì Ngài hay cứu khổ cho chúng sinh. Ta do lòng từ bi niệm Phật là cốt cầu lòng từ bi của Phật ban cho, cứu vớt khổ não cho chúng ta, thì cái niệm đó phải khẩn thiết đến bực nào?

Lời phụ giải:

Niệm Phật để cầu thoát sinh tử, mà sinh tử là cái vòng xích vô cùng kiên cố, vì nghiệp hoặc phiền não của chúng ta quá đỗi sâu dày, lại thêm tội chướng ngày càng chồng chất lên thêm, nếu niệm lực không kiên cố, tâm niệm không tha thiết chí thành, thì riêng mình nói đến chuyện giải thoát còn là chuyện xa vời, huống là muốn cứu khổ cho người sao? Vậy ta nên hết lòng khẩn thiết niệm Phật để mong được lòng từ bi chiếu cố của Phật, như con thơ tha thiết trông được về với từ mẫu. Họa chăng?

Chú thích:

(1) Thành khối tức Nhứt Tâm hay Tam muội đó. Niệm Phật cốt giữ một lòng không tán loạn, không xen tạp, như đường đã thành kẹo.

(2) Hôn trầm: nặng nề, ngủ gật, làm cho thân không được tự tại, tâm không được sáng suốt.

(3) Thâu buộc tâm niệm, đừng cho nó chạy theo vọng trần, vọng cảnh tán loạn mất chánh niệm, bấy giờ tinh thần sẽ được sáng suốt.

(4) Tâm khí: Tâm là tâm niệm, khí là hơi thở. Tâm niệm bị loạn động, hơi thở đứt nối không đều, nên gọi là tâm khí không điều hòa.

(5) Khí tịnh tâm bình: hơi thở điều hòa, an tịnh, tâm niệm bình thản, thơ thới.

(7) Thường người ta niệm sáu chữ (lục tự Di Ðà) nhưng suy kỹ thì sáu chữ sẽ khó nhứt tâm và khó thành khối hơn 4 chữ. Ngài Pháp Chiếu Ðại sư trong Ngũ Hội Niệm Phật cũng chủ trương 4 chữ.

(8) Hồi quang phản chiếu: Xoay quán trí trở về quán sát nội tâm, không duyên theo ngoại cảnh.

(9) Niệm đầu: Không phải niệm đầu là lúc đầu khi mới niệm Phật, mà mỗi niệm nối liền nhau, câu niệm Phật trước gối đầu câu niệm Phật sau, không hở không dứt.

(10) Vô ký là không nhứt định thiện hay ác.

(11) Ba thân Phật: Pháp thân, Báo thân, Ứng hóa thân.

(12) Hắc nghiệp: Nghiệp đen, chỉ cho phiền não nghiệp, ác nghiệp.

(13) Buông bỏ thân tâm: nguyên chữ Hán “thân tâm phóng hạ,” ý nói không còn một chút gì dính măc trong tâm, xả bỏ tất cả, nghĩa như câu “huyền nhai tán thủ” là ở trên gộp đá cao, buông tay rơi xuống vực sâu thẳm, không còn níu nắm đâu nữa cả.

(14) Pháp vương là vua của các pháp, ý nói đức Phật đã thâm đạt thật tướng các pháp, ở trên sự vật mà nhìn sự vật.

25. CÚNG DƯỜNG NIỆM PHẬT

Phàm gặp giai tiết (tiết đoan ngũ, tiết trung thu v.v...) hoặc ngày vía Phật, Bồ Tát thì nên hương đăng hoa quả tùy phận cúng dường, nhưng đó chỉ là tài cúng, chưa phải pháp cúng. Pháp cúng thuộc về tâm, quý hơn tất cả tài cúng.

Gần đây, vì tà giáo thạnh hành, bày đặt các pháp cúng kiến, la liệt quả phẩm, tam sanh, heo, dê, gà, vịt có ích gì cho sự tu hành? Thậm chí, còn bày bố trận đồ, chiêu hồn dẫn quỉ, tà mị, dị đoan, càng làm cho hao tài tổn mạng, dối dá bậy bạ, phỉnh gạt người đời.

Chỉ pháp môn niệm Phật thì vạn bịnh tiêu trừ không tốn không hao, lại ít người chịu biết đến. Kính mong những trang thức giả đừng để bị lầm.

Lời phụ giải:

Giết mạng sống của kẻ khác để cúng cầu cho mạng mình được sống, thật là hết sức ích kỷ và vô nhân đạo!

Câu: “Thiên địa vô tư, thần minh ám sát, bất dĩ tế hưởng nhi giáng phước, bất dĩ thất lễ nhi giáng họa” sao không suy xét cho kỹ càng. Thần thánh đâu vì của cúng như tham quan ăn hối lộ sao? Trời đất không có lòng tư vị ai, hễ làm lành thì hưởng quả tốt, làm dữ mắc báo xấu thế thôi. Các bậc thần minh thầm xét nghiệm những tâm niệm, hành vi thiện, ác của mình tùy thời răn phạt, nào phải vì ta cúng tế mà các Ngài bỏ qua những điều tội lỗi của ta đâu?

Hơn nữa, tâm mình ngay, thân mình chánh, có sợ gì mà phải bận tâm lo nghĩ?

Khi niệm Phật, Phật hiệu đã ngự trong tâm ta, lòng ta xứng hợp với lòng Phật, cùng xứng hợp một điển lực thanh tịnh, thì tà ma nào dám nhập? Nghe theo tà mị, dị đoan chỉ càng làm cho hàng thức giả chê cười, mà cũng lại chuốc lấy họa hại không ít do một số kẻ lợi dụng lòng tin tưởng và sợ sệt của ta.

Vậy hãy suy nghiệm cho thật chín chắn.

26. NIỆM PHẬT ÐỂ BÁO ÂN CHA MẸ

Ân của cha mẹ là cái ân to lớn nhứt phải làm sao báo đáp? Cung phụng tất cả những thức uống ăn, lập công danh để hiễn đạt phụ mẫu, chỉ là phép báo đáp của thế gian; mặc dầu không phải là bất thiện, song xét cho tột thì đây chưa phải trọn vẹn (vì dù sao cũng vẫn còn trong vòng khổ lụy của kiếp người). Chỉ có cách là ta niệm Phật và khuyên cha mẹ niệm Phật, đem công đức ấy hồi hướng Tây phương, đó là gieo một hột giống kim cương, về sau ta và cha mẹ cùng tự được giải thoát. Huống chi một câu niệm Phật lại có thể tiêu được vô biên tội chướng. Những ai muốn báo thâm ân cha mẹ, không thể không biết pháp này.

Lời phụ giải:

Cung phụng cha mẹ về mặt vật chất, nào quạt nồng, ấp lạnh, món ngon vật lạ, áo ấm cơm no, đó mới chỉ là cái hiếu thế gian mà thôi. Nếu không lo tu nhơn xuất thế, tất phải đọa lạc tam đồ, quanh đi quẩn lại sanh tử không cùng, sao gọi là báo hiếu trọn vẹn được?

Thế tất phải tìm cách nào cho rốt ráo? Chỉ có Pháp môn Tịnh độ Niệm Phật, cầu sau khi xả báo thân này, nương nhờ nguyện lực của Phật A Di Ðà mà được cùng vãng sanh Cực lạc. Nhờ chiếc thuyền nguyện lực của Phật, bao nhiêu tội chướng của chúng ta dù nặng như đá cũng nương đó mà qua sông dễ dàng. Thế thì công ít mà quả to, ta còn chần chờ gì nữa?

27. BỐ THÍ BẰNG CÁCH NIỆM PHẬT

Phàm thấy người khổ não, trước phải giúp cho họ an thân (cho cơm, cho áo) rồi sau mới an ủi khuyên họ niệm Phật. Bởi vì cứu cái khổ trong nhứt thời, bố thí là gấp, mà cứu cái khổ nhiều kiếp, phương pháp niệm Phật lại gấp hơn. Hoặc thấy người hay vật bị nạn, sức mình không cứu rỗi được phải gấp niệm Phật cầu an cho hồn thức ấy. Hoặc đêm thanh tụng niệm cầu nguyện cho mọi loài thoát khỏi tai ương. Gặp lúc đao binh, tật dịch, năm canh trì niệm Phật danh, cầu cho chúng sanh được tiêu trừ mọi oan khổ.

Nên quán tưởng: Một câu A Di Ðà Phật của ta đây, trên tột trời Hữu đảnh dưới suốt đáy phong luân mọi loài chúng sanh một thời đều được lợi ích. Cách bố thí đó thật không thể nghĩ bàn vậy.

Lời phụ giải:

Trước cho ăn no, mặc ấm để đỡ khổ phần xác, sau khuyên bảo niệm Phật để cứu rỗi linh hồn. Gặp nhiều trường hợp mà sức ta vô khả nại hà, chỉ nên nhứt tâm niệm Phật, vận dùng tất cả điển lành của mình chỉ hướng về kẻ ấy, cầu nguyện cho họ thoát khỏi khổ lụy của kiếp sống triền miên, giải thoát an nhàn nơi thiện cảnh. Một câu niệm Phật diệt oan khiên.

28. TỰ TÂM NIỆM, TỰ TÂM NGHE

Tâm tưởng, rồi mới động đến lưỡi, lưỡi khua động thành tiếng lại trở vào tự tâm, là pháp: Tâm niệm tâm nghe vậy.

Mà hễ tâm niệm tâm nghe thời mắt không thể thấy bậy, mũi không thể ngửi bậy, thân không thể động bậy, vị chủ nhơn ông (tự tâm) đã bị bốn chữ A Di Ðà Phật bắt cóc mất rồi.

Lời phụ giải:

Niệm tức là niệm tự tâm Phật, tai nghe tiếng niệm là nghe tiếng của tự tâm, tiếng ấy từ tự tâm mà ra, rồi lại chạy ngược vào tự tâm, xây vòng như vậy, thời một mảy vọng tưởng cũng không còn, tất cả vọng trần, vọng cảnh cũng từ đấy mà diệt.

Niệm Phật niệm tâm, tâm niệm Phật

Tham thiền tham tánh, tánh tham thiền.

29. NIỆM PHẬT TRONG TIẾNG NIỆM

Tiếng niệm Phật đã thuần thục rồi, thời trong sáu trần chỉ còn một thinh trần. Tất cả sáu căn hoàn toàn gởi nơi nhĩ căn (lỗ tai). Thân cũng không còn cảm biết tới lui, lưỡi cũng không còn biết khua động, ý cũng không còn cảm biết phân biệt, mũi cũng không còn cảm biết hít thở, mắt cũng không còn cảm thấy mở nhắm. Hai thứ viên thông của hai ngài Quán Âm và Thế Chí cũng tức là một, không chi là chẳng viên và chẳng chi là không thông cả. Vì căn tức là trần, trần tức là căn, căn và trần tức là thức. Mười tám giới (1) đều dung hợp thành một giới. Trước chưa được thuần, lâu sau sẽ dần dần thâm nhập.

Phàm trong khi niệm Phật, phải lựa một chỗ vắng, yên, sạch sẽ, khoảng 4,5 thước vuông, đi nhiễu một vòng theo phía tay mặt, rồi sau từ từ cất tiếng niệm Phật, tiếng cao lên dần dần, niệm như vậy độ 3 vòng trở lên sẽ tự cảm thấy tâm, tiếng tỏ bày vòng quanh khắp thái hư, bao bọc cả 10 phương, trùm đầy toàn pháp giới. Ðó là cách an trụ thân tâm, thế giới vào trong tiếng niệm Phật, và đó là đem thân, tâm của mình an trụ trong tiếng niệm Phật mà niệm Phật. Ðây là cảnh thù thắng để tiêu diệt tâm địa phiền não nhơ trược, hành giả cần phải gắng tập cho kỳ được.

30. NIỆM PHẬT TRONG ÁNH SÁNG CỦA TỰ TÂM

Phàm tiếng là tiếng của tự tâm, thì ánh sáng cũng là ánh sáng của tự tâm. Hễ tiếng của tự tâm quanh lộn ở chỗ nào thì ánh sáng của tự tâm phóng ra ở chỗ ấy; nếu ta an trụ trong tiếng của tự tâm mà niệm Phật, tức là an trụ trong ánh sáng của tự tâm mà niệm Phật vậy. Ðây cũng là cảnh thù thắng diệt được lòng tham phiền não nhơ bẩn, hành giả nên gắng siêng tu tập.

31. NIỆM PHẬT TRONG THỂ CỦA TỰ TÂM

Tiếng nói của tự tâm vòng quây và ánh sáng tự tâm chiếu phát, tự nhiên tâm thể phơi bày. Một chơn tâm này như tấm gương tròn lớn (Ðại viên cảnh) rỗng thông sáng suốt, không gì ngăn ngại, mười phương, ba đời, ta, Phật, và chúng sanh, vòng khổ của đời trược, đài sen nơi cảnh tịnh đều là bóng trong gương cả. Cho nên niệm Phật trong tiếng tức trong ánh sáng, trong ánh sáng tức trong gương không phải một, khác. Ðây cũng là cảnh thù thắng tột cùng, diệt hẳn được tâm nhơ, cần phải gia công hết lòng tu tập.

Lời phụ giải:

Tâm thể vốn luôn luôn thanh tịnh (tịch), nhưng hằng phát khởi diệu dụng sai thù (chiếu). Khi chúng ta nhận được toàn thể đại dụng không ngoài tánh thể thường như, thì bấy giờ, tâm, Phật và chúng sanh vốn chỉ là một, rỗng thông, sáng suốt, không gì ngăn ngại. Thật hành pháp niệm Phật mà đạt được như đây, thật quả là bậc đại căn tánh vậy! Muôn pháp đều chỉ là bóng hình trong gương, vốn dĩ hư huyễn, tự sanh, tự diệt, đâu can phạm gì đến tánh thể tự cổ thường như, bất sanh bất diệt của chơn tâm. Thấu triệt được lý này ắt đã thoát được ngoài dòng cương tỏa của không gian và thời gian rồi vậy.

32. KHÔNG DỨT

Buổi sáng niệm, buổi tối cũng niệm; vô sự niệm, hữu sự cũng niệm; chỗ sạch niệm, chỗ nhơ vẫn niệm, không một niệm nào mà không phải là niệm Phật. Giả sử hàng ngày có sự thù tiếp bạn bè, đãi đằng khách khứa, có lúc gián đoạn, nhưng chỉ gián đoạn thinh niệm, chớ không thể gián đoạn được tâm niệm. Niệm Phật mà công phu đến thế, thì dễ thành Tam muội lắm.

33. KHÔNG TẠP

Không xen tạp niệm tức là Chỉ, Chỉ là nhơn của Ðịnh, dừng được tạp niệm, thì chánh niệm (định) tự nhiên phát hiện.

Tạp niệm có 3: Thiện, ác, và vô ký, trừ hết ba thứ mới là không tạp. Tâm cần vắng lặng, vắng lặng thời các niệm thiện, ác không sanh. Tâm cần sáng suốt, sáng suốt thời vô ký niệm không có.

Ngoài Phật không có niệm nên thường vắng lặng, trong niệm có Phật nên thường sáng suốt rõ ràng.

34. KHÔNG DỪNG

Không dừng tức là Quán, Quán là nhơn của Huệ. Câu (niệm Phật) trước đã qua, câu sau chưa đến, câu hiện tại cũng không dừng. Cứ thế mà quán sát, rõ ràng nhưng không thể được (không câu chấp), không thể được nhưng lại rõ ràng. Ðuổi như vậy mãi sẽ thấu đạt lẽ vạn pháp duy tâm, tức Phật tức tâm, tức tâm tức Phật.

Lời phụ giải: (cho cả ba pháp trên)

Niệm Phật tức niệm tự tâm Phật, cho nên không ngại gì chỗ nhơ sạch. Lại chúng sanh vốn đồng một thể tánh chơn tâm với Phật, vì vọng động bất giác nên để tánh Phật vốn sẵn sáng suốt phải bị phiền não vô minh che lấp, làm cho mê tối đảo điên, càng ngày càng chạy theo vọng trần vọng cảnh, xa lần thật thể, nhận giả làm chân; bấy giờ nhất niệm giác ngộ quay về ánh sáng của tâm, thì dễ gì trong một ít thời gian mà có thể bôi xóa đi được những phiền não đen tối vốn nhuộm đậm từ lâu. Thế nên, chúng ta cần phải luôn luôn liên tục theo dõi câu niệm Phật (niệm Phật tức niệm tự tâm Phật) Phật niệm liên tục mãi mãi thì chúng sanh niệm không còn, thế nên dù có bận rộn gì cũng chỉ gián đoạn được thinh niệm mà thôi, chớ làm sao ràng buộc được tâm niệm bên trong của chúng ta? Khi mà tâm chúng ta thuần một Phật niệm thì tạp niệm đâu còn? Tạp niệm bặt dứt (gió dừng) tâm không còn bị gì làm chao động nữa, bấy giờ tự tâm an nhiên tại định (nước lặng) thì muôn tượng hiện bày, không thiếu sót một mảy may, bấy giờ vạn pháp đương nhiên hiển lộ, tự tâm quán chiếu một cách thần diệu phi thường (huệ). Hành giả thật hành pháp môn niệm Phật được như đây quả đã đạt đến viên mãn cứu cánh rồi vậy.

35. TỨC THIỀN TỨC PHẬT

Hoặc khởi từ một câu thoại đầu gọi là tham thiền, hoặc ngồi mà dứt niệm gọi là tọa thiền. Tham hay tọa đều là Thiền cả, Thiền hay Phật đều là tâm cả. Thiền tức là Thiền của Phật. Phật tức là Phật của Thiền. Pháp môn niệm Phật đâu có gì ngại với pháp tham thiền, tọa thiền? Vả lại, người tham thiền có thể dùng bốn chữ A Di Ðà Phật làm một câu thoại đầu, niệm đến, niệm lui, niệm xuôi, niệm ngược, trở lại, xây qua không rời đương niệm, mặc dù không nói tham thiền, mà thiền ở trong đó rồi. Người tọa thiền cần phải đến giai đoạn một niệm tương ưng, hoát nhiên như vinh vào hỗ hư không, mới là Ðắc thủ. Niệm Phật đến lúc nhứt tâm bất loạn, không phải là tương ưng là gì?

Niệm đến lúc tâm không, không phải vĩnh viễn tương ưng sao? Trong lúc niệm Phật, không hôn trầm, không tán loạn, chỉ, quán, định, huệ mỗi niệm viên thành; nếu muốn tìm thiền, thiền ở đâu nữa?

Lời phụ giải:

Thiền tức Tịnh vì Thiền hay Tịnh đều cầu đạt mục đích nhứt tâm bất loạn, phương tiện tuy hai, nhưng kết quả vẫn một, mà Thiền thì khó thập bội!

Trong Quy ngươn trực chỉ có đoạn thí dụ người tu các pháp môn khác, như thiền v.v... mà đi đến mục đích, khác nào như con kiến bò lên núi cao, như con mọt đục từng mắt tre mà lên, từ gốc cho đến tận ngọn. Pháp môn Tịnh độ niệm Phật thẳng tắt nhờ tha lực, như thuyền thuận buồm, xuôi nước, như con mọt đục ngang cây tre mà ra, còn gì nhanh chóng hơn!

36. TỨC GIỚI TỨC PHẬT

Trì giới luật của Phật để trị thân, trì danh hiệu của Phật để trị tâm. Trì lâu thì thân thuần, niệm lâu được tâm không. Tánh của niệm hay tánh của giới không hai; luôn luôn trì giới thì tội lỗi không hiện, luôn luôn niệm Phật, thời lúc lâm chung đánh tan được quỷ môn quan, vượt khỏi ba cõi. Nếu giữ giới đã có công phu, liền đem công đức này hồi hướng Tây phương, chắc chắn được về trung phẩm. Còn như chưa có thể giữ trọn cả hai, thời nên phải siêng niệm Phật, như cứu lửa cháy đầu.

Lời phụ giải:

Trì giới cốt làm cho tự tâm thanh tịnh, vì không gây tội lỗi, không có hối hận. Niệm Phật cũng cốt cho thanh tịnh tự tâm. Vậy nên trì giới tức là niệm Phật. Nhưng niệm Phật là phương tiện thiết yếu hơn khi người chưa giữ giới được trọn vẹn. Thế nên ta hãy cấp tốc niệm Phật, để cho tâm tịnh rồi thì tự nhiên giới được thanh tịnh.

37. TỨC GIÁO TỨC PHẬT

Một Ðại tạng kinh đều từ tâm khởi, tâm nếu không Phật thì giáo lý cũng luống mà thôi. Nhưng có tâm ai mà không Phật? Chỉ vì tự mình không niệm vậy. Người có học giáo lý, ắt có coi kinh Lăng Nghiêm, mà có coi kinh Lăng Nghiêm ắt có kẻ chê đức Thế Chí mà trọng đức Quán Âm, một chút chấp trước đó cũng đủ kết thành nguồn gốc sanh tử, dù học hay, thấy xa, hiểu rộng, chẳng qua chỉ giúp cho cái mầm khổ thêm tươi mà thôi, không giúp ích được gì trong việc thoát ly sanh tử. Xin hãy mau bỏ đi, bỏ tất cả, để tâm niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương, gần gũi đức Di Ðà. Còn nếu không buông bỏ được thì hãy đem công đức học kinh, giảng thuyết này hồi hướng Tây phương, phát bốn điều thệ nguyện rộng lớn, cũng được kết quả không luống. Thoảng hoặc hoằng dương được pháp môn Tịnh Ðộ, nói cho người ta hiểu công đức niệm Phật, thời nháy mắt, động niệm đều là trang nghiêm Tịnh Ðộ, thế thì được vãng sanh thượng phẩm đâu còn nghi gì?

Lời phụ giải:

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Thế Chí tu niệm Phật Tam muội đắc nhập viên thông, còn đức Quán Thế Âm tu nhĩ căn mà được chứng viên thông, hai vị đồng chứng viên thông như nhau. Nhưng vì theo căn tánh tương hợp của chúng sanh Ta bà mà khi vâng lời Phật tuyển trạch viên căn, đức Văn Thù phải chọn nhĩ căn của đức Quán Âm là đệ nhứt, nếu không hiểu hoặc chấp giáo, cho là đức Quán Âm hơn đức Thế Chí, tất sai với tinh thần giáo điển. Thế là vì chấp giáo lý mà có sanh phân biệt hơn kém do cái ngã kiến sẵn có tự hồi nào đến giờ, làm cho ta mê mờ dễ sanh dị kiến, dễ tạo điều khổ ngay trong tự tâm và cái khổ vẫn gắn bó mãi mãi đến vô tận. Thật nguy hiểm thay!

Học, hiểu, giảng hay, nói giỏi mà cứ bị gò bó trong sự học, hiểu, đầu óc phải bị chi ly, phiền toái trong văn tự, ngôn ngữ, có khác gì con tằm mắc trong cái kén, rồi cũng đến chết ở trong đó mà thôi!

Chi bằng đem hết thân mạng để trang nghiêm Tịnh Ðộ, hay dùng cách lão thật niệm Phật để cầu sanh Cực lạc còn hơn, cứ nói thánh nói tướng, bàn ra tán vào, luận dọc luận ngang đều làm rối đạo niệm, không ích gì cho việc thoát ly sanh tử cả!

Thoảng hoặc tận dụng sở học, sở hiểu cùng tất cả sở năng ra xiển dương pháp môn Tịnh Ðộ, hay rộng tán thán công đức niệm Phật, phương tiện diễn dụ khắp ba căn đồng tu hành niệm Phật Tam muội, thời thật ngày vãng sanh về Cực lạc không xa mấy đâu!

38. KHÔNG TRÌ MÀ TRÌ

Khi vừa làm xong một việc gì, hay lúc nói dứt một lời nào, còn chưa kịp đá động đến câu niệm Phật, nhưng bốn chữ Hồng danh của Phật đã nổi hiện lên ngay. Ðây là trạng thái dễ thành Tam muội (chánh định).

39. TRÌ MÀ KHÔNG TRÌ

Trì danh niệm Phật không mỏi chán, khoan khoái lại càng khoan khoái hơn.

Trong lúc niệm Phật, trì niệm bốn chữ thật rõ ràng, niệm đầu không lay động, bốn chữ bỗng nhiên tạm dừng. Cũng không phải có cái niệm tức bốn chữ, cũng không có cái niệm ngoài bốn chữ, như thế có thể tạm gọi là được thắng cảnh, chớ chưa phải thật tâm không. Nhưng siêng năng niệm Phật, cảnh này thường hiện, thời dần dần được tâm không. Nếu nhơn một niệm tâm không liền bị hôn trầm thì gọi là không có Huệ.

Phải biết rằng: tâm càng không thời niệm càng linh, tâm càng không thời niệm càng tịnh, đem cái ta trong tâm Phật mà niệm Phật ở trong tâm ta, không và bất không (có) đâu còn xứ sở? Ví như mặt trời, mặt trăng rực rỡ nơi bửu cung, vòng quanh núi Tu Di, châu lưu chiếu thiên hạ.

Ôi! Còn gì bằng Diệu giác được viên minh!

Lời phụ giải: (cho cả hai pháp trên)

Niệm Phật khi đã đến mức vô công dụng thì tự tại vô ngại, không cần dụng công, không cần tác ý, không niệm mà vẫn không lìa niệm, có niệm cũng không lìa thể vô niệm của tự tâm.

Như khi chúng ta mới tập đi xe đạp, thì cả đầu, mình, hai tay, hai chân đều như vận dụng tất cả, thế mà xe vẫn nghiêng ngả, lủi đây, lủi kia, quanh qua lộn lại, thế mà khi ta đã thuần thục, tay không cần cầm, thân không cần uốn, chân đạp tự nhiên, không dụng công gì mà chiếc xe chạy ngay đi thẳng, không khó khăn như khi ta mới tập.

“Thế thường vô nan sự, đô lai tâm bất chuyên,” ở trên đời không có gì là khó, là không làm được, chỉ sợ ta không làm và có làm lại không bền chí, thì chung qui việc gì cũng chẳng ra việc gì cả. Thế mới đáng ân hận!

40. CÔ THÂN NIỆM PHẬT

Tỳ kheo tu hành không cần bạn lữ. Cảnh niệm Phật càng cô tịch càng hay! Cao thấp tùy hợp, hưởn gấp tùy phần, cốt mong cầu được thành một khối (nhứt tâm). Chính lúc bấy giờ nên biết: thân côi nhưng tâm không côi, vì tâm của chư Phật và đức Di Ðà chưa từng tạm rời ta. Móng lòng là Phật biết, khởi niệm thì Phật hay, lo gì cô tịch? Nếu Pháp môn Tịnh độ còn điều gì chưa thiệt hiểu rõ, nên tìm kinh sách Tịnh độ mà coi. Như kinh A Di Ðà, kinh Quán Vô Lượng Thọ, Thiên Thai Trí Giả Ðại Sư Thập Nghi Luận, Thiên Như Hòa Thượng Tịnh Ðộ Hoặc Vấn, Ðại Hựu Thiền Sư Tịnh Ðộ Chỉ Quy, Long Thơ Tịnh Ðộ Văn, Tịnh Ðộ Thần Chung, Tây Phương Công Cứ, Tây Phương Xác Chỉ, Di Ðà Sớ Sao v.v... Ðây chỉ dẫn một ít điều rõ ràng dễ hiểu, ngoài ra, còn nhiều thứ hay ho hơn, không kể xiết. Nên tìm học hỏi nơi các bậc cao minh thông hiểu Tịnh độ.

Lời phụ giải:

Người tu hành cần nơi vắng vẻ để cho tâm niệm được chuyên, nhứt là tu Tịnh độ. Vì không nhứt tâm tức không thể sanh Tịnh độ, mà muốn nhứt tâm, đầu tiên phải tìm chỗ yên lặng để lắng tâm tư. Như mặt nước có đứng lặng thì muôn sao mới hiện, mà muốn mặt nước lặng không gì hơn là đừng có gió. Khi đã nhập vào thể tịch của tự tâm tức đã nhập vào pháp giới thân của chư Phật, bấy giờ không chỉ một ngọn đèn huệ của ta độc hiện, mà ta đã hòa đồng cùng vô lượng vô biên huệ đăng của mười phương chư Phật, ai bảo là cô tịch? Chỉ sợ ta dại dột không hiểu, mãi lo đua chen chốn trần tục lao xao, đến khi bỏ xác thân này, lại một mình một bóng thui thủi vào chốn địa ngục A tỳ, đây mới thiệt là cô tịch.

41. KẾT KỲ NIỆM PHẬT

Kết kỳ là kết thất (7 ngày làm một kỳ), nếu kết kỳ một mình, thì nên sắm bốn thứ để ăn: cơm khô, trái cây, gừng sống, dầu mè; tám thứ để dùng: lư hương, đèn dầu, bồ đoàn (đồ để ngồi thiền), ghế dựa, áo bông (đồ ấm), khăn hay mũ, thùng vệ sinh, giấy vệ sinh (giấy sút). Ngoài 12 thứ đó, không để một thứ gì cả. Có thể trong suốt một tuần, không cho ai lai vãng, để rảnh rang niệm Phật.

Nếu có 5, 6 người đồng phát tâm kết kỳ niệm Phật, thời cần phải thỉnh một vị hộ thất, lập qui điều cho nghiêm chỉnh dán ở trước cửa.

Tất cả mọi cử động, uống ăn, hương hoa đăng quả, đều do vị hộ thất cung cấp đầy đủ, thời những người đồng thất cũng có thể suốt trong bảy ngày chí tâm niệm Phật. Nếu còn hạn cuộc trong tình chấp buộc ràng, chưa biết những điều lợi hại của việc tu hành, thì đừng nên sớm khinh suất mà làm việc này.

Lời phụ giải:

Sợ không vào thất kết kỳ, thì bao nhiêu công chuyện ngoài đời, hoặc khách khứa bạn bè, không sao được yên tịnh mà niệm Phật. Thế nên cần phải kết kỳ, tức là lập thế trốn khách, trốn việc vậy. Những thứ cần dùng phải sắm đủ, để khỏi phải bận tâm, không nghĩ móng, hoặc nhờ nhỏi người ngoài, hầu yên tâm niệm Phật. Ðây chỉ nói đến bảy ngày, nhưng nếu người nhiều phương tiện, hoặc rảnh rang, có thể kết hai hoặc ba thất v.v... không hạn cuộc. Khi đã quyết định, thì đừng để ngoại sự chi phối, rồi nửa chừng dở thất, nếu chưa hết kỳ mà vội mở cửa, thì thật là chua! Nên biết rằng: người tu, càng tu nhiều ma càng khảo nhiều, nên không thể lơ mơ được, bởi thế nên phải hiểu và phải nhận định kỹ trước khi làm, không thì thua cuộc mà hỏng việc, lại để cười cho kẻ bàng quan.

42. TỤ HỘI NIỆM PHẬT

4,5 người hẹn nhau hội họp tu pháp niệm Phật. Trước hết phải đặt điều ước, trật tự, sau mới bắt đầu niệm. Lúc đầu niệm thì một tiếng mõ một tiếng niệm, một người xướng bao nhiêu người niệm theo, đều đều không nên so le, lộn xộn mà làm loạn động tâm người đồng niệm.

(Pháp này không kết thất như pháp trên, mà tùy phương tiện tu tập thế thôi, bao nhiêu người cũng được, bao nhiêu ngày cũng không hạn cuộc.)

43. NIỆM PHẬT ÐỂ THÀNH TỰU CHO NGƯỜI

Hoặc ở yên một chỗ niệm Phật mà cầu nguyện cho người, hoặc đồng với người khác kết kỳ niệm Phật. Hoặc đem pháp môn niệm Phật chỉ dạy cho người biết, hoặc cho người mượn sách Tịnh Ðộ mà xem, hoặc phá những mối nghi lầm của người khác trong pháp môn này, hoặc khuyên người bền chí niệm Phật, những việc ấy đều tốt và đều có công đức cả.

Nhưng nếu người trong lúc lâm chung mà có mình đến hộ niệm, khiến cho người bịnh luôn luôn nhớ câu niệm Phật, vừa nhớ vừa niệm, làm cho người ấy sau khi tắt hơi rồi được vãng sanh về cõi Tây phương, đó là thành tựu pháp thân huệ mạng cho người, công đức này lại còn thù thắng hơn.

(Pháp này không có gì là khó hiểu cả.)

44. KHI CÓ TAI NẠN NÊN NIỆM PHẬT

Phàm lúc xảy ra tai nạn, mà nhớ phát tâm niệm Phật, tất có kỳ ứng (ứng nghiệm lạ thường). Tuy rằng một nước bị can qua hay một làng bị dịch lệ, mà niệm Phật để cầu, thì một người niệm một người an, trăm người niệm trăm người an. Không phải Phật có lòng riêng, lúc nào cũng ở trong ánh sáng bình đẳng, vô tâm mà ứng hiện. Vì sao? Vì động niệm thành tiếng tự mình rõ biết hào quang sáng của đức Phật A Di Ðà trụ trên đỉnh đầu ta, thời tự nhiên mỗi niệm đầy đủ, mỗi niệm bền chắc, mỗi niệm dài lâu, thời hào quang của Phật chiếu đến gia hộ các vị thiện thần độ trì, tự mình có thể lìa khỏi nạn tai, xin đừng chuyển niệm.

Lời phụ giải:

Có người bảo: niệm Phật làm sao dứt được nạn này, nạn khác? Ðó là tại vì mình không tha thiết, hay niệm mà lòng vẫn nghi ngờ, thì bao nhiêu đó cũng chứng tỏ không đem kết quả tốt đến cho mình rồi. Nên hiểu rằng: Tâm mình lúc bấy giờ chỉ nghĩ có một chuyện niệm Phật ngoài ra không nghĩ gì khác, một niệm quên thân, một niệm an tâm ấy càng kéo dài, thì khổ nào đày ải ta được? Câu “Linh tại ngã bất linh tại ngã” có ý vị lắm thay! Một người rồi nhiều người bắt đầu niệm Phật tức là chuyển ác niệm thành thiện niệm, thiện niệm ấy càng kéo dài thì tai nạn nào mà không khỏi, tội khổ gì mà chẳng an?

Ngoài ra trong kinh ghi 10 điều lợi ích của sự niệm Phật, tôi xin kính ghi chép ra đây để quý vị tin mà cố gắng:

1. Thường được chư Phật ngày đêm hộ niệm, đức Phật A Di Ðà phóng quang nhiếp thọ.

2. Thường được 25 vị Ðại Bồ Tát như đức Quán Thế Âm thủ hộ.

3. Ngày đêm thường được chư thiên cùng đại lực thần tướng ẩn hình ủng hộ.

4. Tất cả Dạ xoa, ác quỉ, rắn độc, thuốc độc đều không thể làm hại.

5. Không bị những tai nạn: nước, lửa, đao, tên, gông, xiềng, lao ngục, giặc cướp, oan gia cùng các thứ chết dữ.

6. Những tội đã làm thảy đều tiêu diệt, những kẻ chết oan vì mình đều được giải thoát, không còn kết oán ràng buộc.

7. Ban đêm nằm ngủ thường thấy điềm lành, hoặc thấy sắc thân thắng diệu của Phật A Di Ðà.

8. Tâm thường vui vẻ, sắc thường tươi nhuận, khí lực đầy đủ, việc làm có kết quả tốt đẹp lợi ích.

9. Mọi người trông thấy đều vui mừng, cung kính hoặc lễ bái cũng như kỉnh Phật.

10. Khi mạng chung tâm không sợ hãi, chánh niệm hiện ra, được Tây Phương Tam Thánh tiếp dẫn sanh về Tịnh độ hưởng sự an vui không cùng!”

45. NIỆM PHẬT TRONG LÚC CHIÊM BAO

Nguyện lực bền chắc, công phu tinh nhuần, ban ngày giữ niệm khăn khăn, ban đêm vẫn giữ niệm khư khư, thời trong giấc chiêm bao tự mình có thể niệm Phật, đó là triệu chứng sắp vãng sanh, vậy phải giữ điều hòa và phải cố gắng lên mãi, đừng lui đừng loạn.

Lời phụ giải:

Niệm Phật đến giai đoạn này, thật đã khá tinh nhuần. Có nhiều người niệm được ban đêm, ban ngày không, lúc thức niệm lúc ngủ không. Như vậy tất còn gián đoạn, do công phu chưa thuần. Phải tập thế nào: luôn luôn giữ niệm niệm Phật, dù khi thức hay lúc chiêm bao. Muốn tập điều này thì trước khi đi ngủ hãy cố niệm Phật cho đến khi nào ngủ mòm mới thôi, lại trước khi lên giường phải đánh thức tâm niệm Phật bằng cách tự dặn dò: muốn thoát ly sanh tử không gì hơn ngươi phải luôn nhớ niệm Phật, dù khi thức hay lúc ngủ. Mỗi hôm nhớ dặn thế, sẽ quen dần dần, tự nhiên có kết quả. Quí vị muốn khuya thức dậy đúng giờ nên tập theo cách này: trước khi đi ngủ phải dặn thành tiếng: “Ðúng 5 giờ (hay 4 giờ tùy) phải thức dậy,” nói đôi ba lần như thế, sáng ra sẽ dậy đúng giờ, nhưng nên nhớ một vài ngày đầu có khi bị xê dịch ít nhiều, vì ý niệm chưa thuần, nhưng sau đó thi sẽ thức đúng dần dần, rồi thì đúng hẳn, mười hôm như một. Ðiều này gọi là tập quen thành lệ chớ không có gì lạ cả.

46. NIỆM PHẬT TRONG LÚC BỊNH

Bịnh là cơ sắp chết, chết là mối quan hệ của các thánh, phàm, tịnh, uế. Trong lúc bịnh (bịnh nặng) phải khởi tưởng niệm là sẽ chết (để không sợ chết). Phải siêng niệm Phật, quyết định chờ chết, ắt có hào quang của Phật đến tiếp dẫn, làm toại chí nguyện vãng sanh của ta. Nếu trong lúc bịnh, dừng không niệm Phật thì tất cả sự ái luyến sợ sệt, phiền não hiện lên rần rần, các thứ tạp niệm nhứt tề nổi dậy. Thế thì con đường sanh tử lấy gì cứu vớt? Ngày xưa có một vị Tăng bịnh nặng, rên thành tiếng “Ôi cha.” Bỗng tự biết người tu lúc nghĩ nhớ đến đạo mà lại rên như thế là sai, liền khởi niệm A Di Ðà Phật. Nhưng cơn đau không chịu dứt, nên một tiếng rên “ôi cha” là một tiếng niệm Phật tiếp theo, ngày đêm không dứt. Khi bịnh lành, thầy bảo mọi người: “Trong lúc bịnh tôi rên thành tiếng “ôi cha” và chen một tiếng niệm A Di Ðà Phật, hôm nay bịnh lành, tiếng A Di Ðà Phật hiện còn mà tiếng rên “ôi cha” chẳng biết biến đâu.”

Hy hữu thay! Ðây là trường hợp tinh tấn trong lúc bịnh vậy.

Lời phụ giải:

Ở đời, có ai khỏi chết, thế mà có kẻ sợ chết đến thành đốn hèn, hay tham sống đến quên chết, thật khổ thay!

Sợ chết rồi cũng không thoát chết, thì có sợ cũng bằng thừa. Ngày xưa có nhiều vị làm những chuyện có thể gọi là đáng buồn cười, thế mà thật là ý vị: Sắm sẵn một cái hòm (quan tài), đêm đêm vào ngủ trong ấy, thật là một việc mà người đời ai cũng sợ. Một người thân, rất thân, vừa mới dứt hơi có kẻ đã không dám léo hánh đến gần, đừng nói dở mặt để xem. Vào ngủ trong hòm, cho biết rằng vị ấy coi cái chết như một giấc ngủ, không có gì đáng sợ, hơn nữa để thấy rằng: Cái chết nó sẵn sàng đến với ta bất cứ lúc nào, để mà không sợ chết, chỉ có lo vun quén cho mình một kiếp sống không bao giờ chết: con đường giải thoát. Vậy chúng ta hãy cố mà niệm Phật, đừng sợ chết, vì cái chết của một xác thân này chỉ là một sự cởi một cái lốt tạm của vô lượng thân vô thường biến chuyển về sau, nếu ta chưa được giải thoát!

47. PHÚT LÂM CHUNG NÊN NIỆM PHẬT

Phút lâm chung nên cố gắng ghi nhớ 4 chữ A Di Ðà Phật đừng để sót quên. Nếu niệm lớn được thời niệm, còn không niệm lớn được thì niệm nhỏ. Trường hợp lớn nhỏ đều không niệm được (vì quá mệt) thì nên ghi khắc thầm tưởng 4 chữ trong thâm tâm, đừng cho quên sót.

Những người hầu hạ chung quanh phải thường nhắc nhở khuyến khích người bịnh nhớ Phật, niệm Phật.

Phải biết rằng: trong nhiều đời, nhiều kiếp, vì ta bị loạn niệm trong lúc này (gần chết) mà phải luân hồi mãi trong vòng ba cõi. Tại sao? Vì sanh tử, luân hồi đều do nhứt niệm làm chủ. Nếu nhứt niệm chuyên chú niệm Phật, thì thân tuy chết nhưng tâm thần không tán loạn, liền theo nhứt niệm ấy vãng sanh Tịnh độ.

Vậy nên hãy nhứt tâm ghi nhớ bốn chữ A Di Ðà Phật đừng quên!

Lời phụ giải:

Người tu Tịnh độ khi gần mạng chung, nên phải dự tính rằng: Phút lâm chung là điều quan trọng cuối cùng của đời người tu hành niệm Phật, nếu giữ gìn không kỹ, vận dụng không khéo, thì chẳng những luống uổng công phu trong một đời là vẫn mang cái khổ lụy luân hồi sanh tử, không sao tránh khỏi. Huống chi thân ta đây do nơi nghiệp thức, nhờ chút tinh cha, huyết mẹ tạo nên, hễ có hình phải có hoại, có sanh tất có tử, thật không vĩnh viễn tồn tại.

Còn cõi ta ở đây, đầy đủ uế trược, ác hiểm, cũng từ nơi vọng nghiệp nhơ bẩn mà sanh, không phải là cảnh thanh tịnh, an nhàn đáng cho ta quyến luyến. Ngày nay ta nhứt tâm niệm Phật cầu khi bỏ thân này được vãng sanh Tây phương Cực lạc, chẳng khác nào bỏ áo cũ dơ, mặc áo mới sạch, thì còn mong gì hơn nữa.

Nếu suy nghĩ, dự tính được như thế, thì đến khi sắp chết, trong lòng không còn tham luyến sắc thân, ngoài không còn đắm mến cõi đời, nhứt tâm chánh niệm trực vãng Tây phương, dù sức muôn trâu cũng không kéo lại được.

48. PHÁT NGUYỆN SÁM HỐI NIỆM PHẬT

Than ôi! Trong đời có thiếu gì kẻ không biết niệm Phật, có người cho niệm Phật là dị đoan nên không chịu niệm, người xuất gia cho niệm Phật là việc tất nhiên của mình phải làm, chớ không biết tại sao phải niệm, kẻ cuồng huệ biết có Phật, nhưng lại không khứng niệm, kẻ ngu si không biết Phật nên không niệm. Ðây là đem so sánh, còn có những ngu phu, ngu phụ, nghe nói lý nhơn quả cũng biết niệm Phật, nhưng lại mong cầu được phước báo đời sau, vẫn không thoát khỏi hột giống luân hồi.

Tìm kẻ thật vì đường sanh tử mà niệm Phật trong trăm người họa chăng chỉ có một hai! Nên biết rằng, người đã niệm Phật, tức xứng hợp với lòng từ của Phật, phát thệ nguyện rộng lớn tế độ chúng sanh. Tất cả tội cấu oan khiên thảy đều sám hối. Tất cả những công đức dù nhỏ dù lớn đều đem hồi hướng Tây phương, như thế mới là CHÁNH NHƠN NIỆM PHẬT.

Lời phụ giải:

Làm một việc gì đều phải có mục đích và tất nhiên phải có đạt đến kết quả của nó. Một việc niệm Phật, siêu xuất luân hồi, vãng sanh Tịnh độ, với mục đích đã nhắm và với kết quả sẽ đạt thật là cao siêu và thật tế, thời hành nhơn ắt phải rõ thấu và tận dụng tri giác của mình, đâu phải những điều huyễn hoặc, vu vơ hay thiển cận mà khinh hốt.

Nhận thức đúng đắn điểm này thời việc làm ắt không đến đỗi luống. Thiệt lòng niệm Phật cầu thoát sanh tử thời cầu mong phước báo hữu lậu ở thế gian làm gì? Vạn vật vô thường của cõi thế gian nào phải là chỗ gởi thân vĩnh viễn của ta đâu? Nhưng đó chẳng qua vì hoặc nghiệp, phiền não nhiều kiếp sâu dày, mặc dầu cũng có hiểu biết đấy, nhưng lại phải chướng dày huệ mỏng, nên rồi phải tự cam với số phận hẩm hiu. Vậy khi đã rõ thông và phát tâm niệm Phật thì phải hết lòng, hết sức sám hối nguyện tiêu trừ tất cả chướng cấu trần lao để lòng thanh thoát, không còn bị những ảo ảnh gạt lường, mới mong đạt thành sở nguyện.

* Chú thích

(1) Trời Hữu đảnh là cõi trời cao tột cảnh trời Sắc giới.

(2) Phong luân: Sắc gió dưới đáy trái đất. Nhờ sức gió mạnh quay tít không ngừng, gây một sức mạnh vô ngần để duy trì thế giới.

(3) 6 căn, 6 trần, 6 thức.

(4) Khi hạ thủ công phu mà đạt được kết quả thì gọi là đắc thủ.


Publicité
28 novembre 2007

CHUYỆN NGƯỜI NIỆM PHẬT ĐƯỢC VÃNG SANH

Chuyện Người Niệm Phật Vãng Sanh về Cực Lạc Thế Giới

A-Di-Đà Phật.

Kính chào chư vị Thượng Thiện, các bạn Liên Hữu, các bạn Đồng Tu, cùng Tất Cả!

Vì muốn mọi người có lòng Tin Kiên Định nơi Pháp Môn Tịnh Độ mà Dharma sẽ post những câu chuyện của Người Niệm Phật vãng sanh về cõi Cưc Lạc từ xưa đến nay.

Chẳng những là muốn mọi người có lòng Tin Kiên Định nơi Pháp Môn Tịnh Độ, mà còn muốn mọi người sao khi nghe qua đều phát Tâm Bồ Đề, một lòng chí thành niệm danh hiệu đức Phật A-Di-Đà và một lòng thiết tha phát Đại Nguyện rộng lớn đem hồi hướng công đức đến pháp giới chúng sanh đồng vãng sanh về cõi Cực Lạc.

Người đời nay tự cho mình là thông minh "lỗi lạc" tu thiền, tu bát chánh đạo, v.v... phỉ báng khinh chê người Tụng Kinh A-Di-Đà, Niệm danh hiệu của đức Phật A-Di-Đà. Cho Tụng Niệm là mê tín. Nào ngờ chính họ đã bị thông minh ràng buộc làm cho "lầm lạc" nên chẳng biết niệm phật, lại còn phỉ báng vướng tội phỉ báng tam bảo đoạ lạc vào ác đạo.

Còn người Tụng Niệm bị khinh chê kia thì thật sự được vãng sanh về cõi Cực Lạc, giải thoát giác ngộ, vĩnh viễn lìa khổ được vui, vĩnh viên thoát ly tam giới, vĩnh viễn không còn chiệu khổ sanh tử luân hồi, vĩnh viễn chẳng còn cách xa đạo quả Vô Thượng Bồ Đề nửa!

Nhưng đức Phật thật là Đại Từ Đại Bi thay! dù là kẻ khen hay chê, phỉ báng hay chẳng phỉ báng hễ nghe qua danh hiệu của đức Phật A-Di-Đà tức thời gieo trồng hạt giống Bồ Đề cho mai sao dù ngàn kiếp sao, vạn kiếp sao, cho đến vô lượng vô biên kiếp về sao thì người ấy cũng được nhờ đã từng biết, đọc, thấy, nghe qua danh hiệu của đức Phật A-Di-Đà đều được giải thoát!

Vì vậy Dharma chẳng ngần ngạy lo sợ bị họ tuôn lời phỉ báng khinh chê, cũng chẳng sấu hổ tụng Kinh A-Di-Đà, Niệm danh hiệu đức Phật A-Di-Đà (ngược lại càn hãnh diện vui mừng chẳng thể kể xiết khi được tự mình hoặc nghe người khác tụng Kinh A-Di-Đà và niệm danh hiệu đức Phật A-Di-Đà) mà phần đông người người áp nhau cho Dharma là mê tín, con két, con vẹt, mái hát cassette để post những câu chuyện của người niệm phật, tụng kinh A-Di-Đà được vãng sanh về cõi Cực Lạc làm lợi lạc tất cả chúng sanh (tín luôn họ).

Dharma vì chúng sanh có thể làm những con vẹt, con két, v.v.. để mà tuyên lưu tiếng pháp âm nhiệm mầu hầu giúp chúng sanh cang cường khó giáo hoá nầy được giải thoát yên vui.

Chư Đại Bồ Tát như Địa Tạng, Quán Âm không ngại xã thân mình vào địa ngục, phân thân đủ loại hình vì chúng sanh mà cứu khổ giáo hoá tất cả chúng sanh. Dharma có làm con két, con vẹt cũng đâu có ngại gì! Miễn sao có thể khuyên người nghe thấy đều phát tâm bồ đề, một lòng niệm phật cầu sanh Cực Lạc, đồng sanh Cực Lạc, Tiến Tu giải thoát đến Diệu Giác Bồ Đề. Người phỉ báng khinh chê cũng được gieo trồng hạt giống bồ đề, nhất định đời vị lai được vì đó mà giải thoát.

Hơn nữa trong Kinh A-Di-Đà có dạy, cõi Cực Lạc thường có các loại chim vi diệu như Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Vỏ, Xá Lợi, Ca Lăng Tần Già, Cộng Mạng, "Ngày đêm sáu thời tuyên lưu tiếng pháp".

Đó đều là do đức Phật A-Di-Đà vì muốn tuyên lưu tiếng pháp mà biến hoá ra "tuyên lưu biến hoá sở tác".

Nguyện đem công đức nầy
Trang nghiêm Phật Tịnh Độ
Trên đền bốn ân nặng
Dưới cứu độ tam đồ
Nếu có ai thấy nghe
Đều phát Tâm Bồ Đề
Hết một báo thân nầy
Cùng sanh cõi Cực lạc

Nguyện hồi hướng công đức nầy đến "tất cả" các bạn cùng pháp giới "tất cả" chúng sanh, đồng sanh Cực Lạc và đồng viên thành Phật Đạo.

Trích trong Kinh A-Di-Đà Sớ Sao của Liên Tông Bát Tổ Liên Trì Đại Sư.


Chánh Văn: Kế nói sự lợi ích của người tụng kinh này như "cuống lưỡi không hư, nhạc trời rước về Tịnh Ðộ", vừa giải oan, vừa vãng sanh. Tụng chưa hết quyển mà ngồi tịch; về Cực Lạc như vào Thiền Ðịnh; khi chết thấy hoa sen trắng, đài bạc đổi thành đài vàng, nhạc dở qua rồi, nhạc hay tiến đến.


Chú Giải: “Cuống lưỡi không hư” là: Trong bộ Trí Ðộ Luận nói: Có vị bí sô tụng kinh Di Ðà, khi sắp lâm chung nói với các đệ tử rằng: "Có Phật A Di Ðà và các vị Thánh chúng đến rước ta kia". Sau khi hỏa thiêu thân cháy mà cuống lưỡi không nám, sắc tướng tự nhiên.

"Nhạc trời rước về Tịnh độ" là: Ðời Tống, ông Ðường Thế Lương tụng kinh Di Ðà mười muôn biến. Một hôm bảo người nhà rằng: "Phật đến rước ta". Nói rồi lạy Phật, ngồi mà qua đời. Ðêm ấy có người đi buôn, nghỉ trên núi Ðạo Vị, nằm mộng thấy phương Tây có hào quang lạ và tràng phan, hương hoa lăng xăng, tiếng nhạc véo von, trên không có tiếng kêu rằng: "Ông Ðường Thế Lương đã sanh về Tịnh Ðộ".

"Vừa giải oan, vừa vãng sanh" là: Ðời Tống đất Thượng Ngu có tên Phùng Mân, lúc trẻ ưa đi săn bắn, thấy con rắn lớn, cầm nác (dao) muốn tới đâm. Lúc ấy con rắn ở dưới gộp đá muốn mổ (cắn) con bò ghé (con). Ông Phùng Mân lăn đá trên gộp xuống đè rắn đến chết. Rắn thường biến làm loài yêu quái để hại Phùng Mân. Nhưng Phùng Mân nhờ tu pháp sám hối, niệm Phật nhiều năm, rắn không làm hại đuợc. Một hôm Mân mời các bạn đồng tu trong hội "Tịnh Ðộ" tụng kinh Di Ðà, rồi Mân chấp tay niệm Phật mà qua đời.

"Tụng chưa hết quyển ngồi tịch" là: Ðời nhà Tần, có ngài Trí Tiên pháp sư hiệu Chơn Giáo ở chùa Bạch Liên, ngài xây mặt về hướng Tây, tu pháp Thập Niệm 13 năm, một ngày 12 thời, không tạm nghỉ.

Một hôm ngài hơi bệnh, bảo tên quán đường hành nhơn tụng kinh Di Ðà, tụng chưa hết quyển, ngài ngồi an nhiên mà qua đời.

“Về Cực Lạc như vào Thiền định”: Ðời Tống ngài Thích Xử Khiêm tinh tấn tu pháp Tịnh Ðộ, một hôm tụng kinh Di Ðà xong và khen ngợi pháp Tịnh Ðộ, ngài bảo trong chúng rằng: “Ta dùng bản tánh vô sanh mà sanh về Tịnh Ðộ”. Nói rồi ngài ngồi ngay thẳng như vào Thiền định, thoạt vậy mà tịch.

“Lúc chết thấy hoa sen trắng”: Ðời Tống có bà Chung Ẩu người ở quận Gia Hòa, mỗi ngày tụng mười biến kinh Di Ðà, niệm Phật không thôi. Một hôm bà bảo các con rằng: "Ta thấy hoa sen trắng vô số, các vị thánh đến rước ta". Bà nói vừa dứt lời liền ngồi ngay thẳng mà tắt thở.

“Ðài bạc đổi đài vàng”: Ngài Hoài Ngọc Thiền sư, người ở đất Thai Châu, thân mặc áo vải, mỗi ngày ăn một bữa, thường ngồi, không nằm, tinh tấn niệm Phật. Ngài tụng 30 muôn biến kinh Di Ðà. Một hôm ngài thấy thánh chúng bên Tây phương Tịnh Ðộ nhiều như số cát sông Hằng, có một vị tay bưng đài bạc từ cửa sổ đi vào. Ngài Hoài Ngọc than rằng: "Suốt đời tôi tinh tấn thề được đài vàng. Vì sao nay được cái nầy?" Nói thế đài bạc liền mất. Ngài Hoài Ngọc quá cảm khích lại càng tinh tấn bội phần. 21 ngày sau, thấy Phật đầy giữa hư không, ngài liền bảo đệ tử rằng: "Ðài vàng đến rước ta sanh về Tịnh Ðộ". Rồi ngài nói bài kệ mỉm cười mà tịch. Quan thái thú ở quận ấy tên Ðoàn Công lấy làm lạ, mới làm bài thi khen ngợi, có câu: "Chi đê chỉ vị, quải kim đài" (157).

“Nhạc dở đi rồi, nhạc hay tiếp đến”: Ðời Nguyên có ông Tử Hoa thiền sư, trong niên hiệu Ðại Lịch năm thứ chín (158) ở chùa Quan Âm, tại đất Nhuận Châu, tụng kinh Di Ðà ròng sáu tháng. Một hôm ngài cảm bệnh, đêm đó nghe mùi hương và tiếng nhạc trên hư không có tiếng bảo rằng: "Nhạc dở qua rồi, nhạc hay tiếp đến, người sẽ vãng sanh". Thế rồi ông niệm Phật giây lâu mà tịch. Mùi hương lạ suốt ngày chưa tan.

000 OOO 000

Minh Triều, đất Cổ Hàng, Chùa Vân Thê, Liên Trì Đại Sư trước tác Kinh A-Di-Đà Sớ Sao. Trích đoạn người niệm Phật được vãng sanh:

Chánh Văn: Nói sự linh nghiệm của người trì danh hiệu Phật hoặc một niệm trong miệng bay ra một đạo hào quang, hoặc một tiếng trong miệng bay ra một vị Phật, hoặc niệm vang động cả rừng, hang, hoặc tiếng niệm thấu đến cung vua hoặc sáu thời kế tiếp niệm mà y báo, chánh báo đầy hư không, hoặc gạch chữ thập để nêu tâm mà được thánh hiền vào hội, cho đến đời nay có những danh lưu tiếp tục.



Chú Giải: Ðây chính là nói rõ pháp tu chấp trì danh hiệu Phật vậy. Ðối với những bậc thánh hiền tu Tịnh nghiệp thành tích rất nhiều, không thể thuật hết. Ở đây chỉ kể lại một vài việc mà người đời đã được nghe thấy rõ ràng, để làm bằng hay làm gương đặng khuyến khích.

"Niệm Phật bay ra hào quang" là đời Ðường có người hỏi ngài Thiện Ðạo đại sư rằng: “Niệm Phật có được sanh về Tịnh độ không?”

Ngài đáp: “Cứ như ngươi sở niệm thế nào thì được toại sở nguyện cũng thế”. Khi đó ngài Thiện Ðạo tự niệm một câu "A Di Ðà Phật" liền có một đạo hào quang từ trong miệng bay ra. Ngài niệm luôn mười câu đến trăm câu hào quang cũng vẫn cứ bay ra như vậy, thành ra cả nhà đầy hào quang. Nghe được sự linh nghiệm ấy nhà vua sắc tứ cho chỗ ngài ở là "Quang Minh Tự". Sau ngài lên cây liễu ngồi ngay thẳng mà tịch.

"Niệm Phật bay ra vị Phật" là ngài Thiếu Khương pháp sư ở núi Ô Long, kiến thiết đạo tràng Tịnh Ðộ, khuyên người niệm Phật. Trong chúng thấy ngài niệm Phật một tiếng, trong miệng bay ra một vị Phật sáng, cho đến mười tiếng niệm, đều có đủ mười vị Phật thứ lớp bay ra như xâu chuỗi. Ðến ngày lâm chung có mấy đạo hào quang đoanh quanh nơi miệng, thoạt vậy mà tịch (162).

"Tiếng niệm Phật vang động cả rừng, hang" là đời Ðường, ngài Ðạo Xước Thiền sư, thường ngày vì trong chúng giảng kinh Vô Lượng Thọ gần 200 biến. Mỗi người tay lần chuỗi, miệng niệm danh hiệu Phật; khi tan hội, mà tiếng niệm còn vang động cả khu rừng.

"Tiếng niệm Phật thấu đến cung vua" là đời Ðường ngài Pháp Chiếu ở đất Tinh Châu lập 5 hội niệm Phật, cảm đến hoàng đế Ðại Tông ở đất trong cung nghe tiếng niệm Phật, vua liền sai sứ đi tìm. Thấy sư khuyến hóa người niệm Phật rất thạnh hành, vua liền mời vào cung. Những người ở trong cung nhờ Sư dạy niệm Phật cũng đến năm hội; vua phong hiệu Sư là "Ngũ Hội Pháp Sư".

"Sáu thời kế niệm" là đời Tấn, ngài Huệ Viễn pháp sư ở Lô Sơn, chế tạo cái đồng hồ bằng hoa sen để phân giờ tu niệm sáu thời niệm Phật (163), lắng lòng nối tưởng; 19 năm sau, đến đêm 30 tháng 7, ở trong nhà Bát Nhã đang ngồi thiền định vừa đứng dậy, thấy thân Phật A Di Ðà đầy cả hư không. Trong hào quang bóng tròn có vô lượng hóa Phật và các chúng Bồ Tát; nước chảy, hào quang đều diễn nói pháp mầu.

Phật nói: “Ta do sức bản nguyện đến an ủi ngươi, bảy ngày nữa ngươi sẽ sanh về nước ta”. Ðúng ngày nói trên, Sư ngồi ngay thẳng mà qua đời.

"Gạch chữ thập để nêu tâm" là đời Tống, ngài Tông Trách Thiền sư ở chùa Trường Lô, tỏ ngộ lý Thiền, Tông, Thuyết gồm thông (164) mà vưng theo qui củ ngài Viễn Tổ ở non Khuôn Lư, lập Liên Hoa thắng hội. Kỷ luật hội đó: mỗi ngày niệm Phật A Di Ðà, hoặc một ngàn tiếng, muôn tiếng chẳng hạn, cứ đến mặt trời lặn thì gạch tréo chữ Thập để ghi nhớ (165). Một hôm nằm mộng, ngài thấy một cậu trai, đầu bịt khăn đen, mặc áo trắng, dung mạo thanh bai, đến bảo ngài Lô Trách rằng: “Tôi muốn vào hội Di Ðà của ông, xin ông ghi cho một tên”. Ngài Lô Trách hỏI: “Ông tên chi?” Người ấy đáp: “Tôi tên Phổ Huệ”; rồi lại nói: “Anh tôi tên Phổ Hiền cũng xin đăng tên”. Nói rồi liền ẩn mất. Ngài Lô Trách thức dậy thuật lại điềm chiêm bao, các vị tôn túc đều nói rằng: “Trong kinh Hoa Nghiêm về phẩm Ly Thế Gian có hai tên vị Bồ Tát ấy”; mới biết thánh hiền thầm giúp. Ngài liền ghi tên hai vị đại sĩ ấy vào đầu sổ (tiêu biểu hai vị hội trưởng của hội niệm Phật).

"Chiêu đại” là đời nay vậy, như ngài Tây Trai, ngài Không Cốc, ngài Thiên Kỳ, ngài Ðộc Phong (166) v.v... Các ngài đây đều là bậc cao tăng đời nay, dốc tín; tinh tu, sánh với cái lành đời trước, nối nhau không dứt, đều chép rõ trong tập Vãng Sanh.

Số là trong ngàn muôn truyện, chỉ ghi chép lại một vài truyện thôi.

000 OOO 000

Chánh Văn: Lại nữa, người ác siêu là như ông Trương Thiện Hòa niệm mười tiếng Phật, tướng địa ngục hiện trước mắt liền tiêu mà được hóa, Phật rước ở giữa hư không.

Loài súc sanh như chim cù dục xưng danh hiệu Phật mà hình hài chôn rồi, sau trên mộ mọc hoa sen. Huống chi là thân người không tội ác mấy! Và được phước báu gọi là tối linh; thêm đủ Tín và Nguyện đều tu; đâu thành luống bỏ.



Chú Giải: "Người ác" là đời Ðường có ông Trương Thiện Hòa làm nghề hàng trâu, khi sắp chết, thấy bầy trâu đến đòi thường mạng cho nó. Lúc ấy ông hoảng sợ, kêu vợ nói: “Mau rước thầy niệm Phật cho tôi”. Nhà sư đến dạy rằng: “Trong kinh nói, khi lâm chung tướng ác (168) hiện ra, nên chí tâm niệm Phật thì sẽ được vãng sanh”.

Ông Trương Thiện Hoà nói: “Ðịa ngục đến gấp, mau đem lư hương đây!” Rồi tay hữu bưng lửa, tay tả cầm hương đốt, day mặt về hướng Tây, chuyên thiết niệm Phật, chưa đầy 10 tiếng, ông tự nói: “Phật đến rước ta”; dứt lời liền tắt thở.

"Loài súc sanh niệm Phật" là đời Tống, tại non Huỳnh Nham, chùa Chánh Ðẳng, sư cụ Quán Công nuôi chim cù dục (sáo). Ngài thường dạy nó niệm Phật không ngớt. Mới hôm đứng chết trong ***g. Ngài Quán Công thương xót đem chôn. Sau trên mộ nó mọc lên đóa sen hồng. Ðào đất xem thử thì hoa sen ấy từ trong chót lưỡi của chim cù dục mọc ra (loài sáo trâu: Toàn sắc đen, khi bay cánh nó điểm trắng).

Ngài Linh Chi Chiếu luật sư làm bài thi khen ngợi, có câu:

"Chim ***g giam hãm không chi lạ;

Ðứng chết, mọc sen mới rất kỳ" ! (169)

Như trên đây đã thuật lại những sự tích trì danh niệm Phật. Từ sự tích: Niệm Phật trong miệng bay ra hào quang và trong miệng bay ra vị Phật, đến đây số là cũng trong muôn ngàn sự tích mà nay chỉ biên có một vài truyện thôi.

Chữ "Thắc" nghĩa là cái ác còn giấu ở trong tâm khảm.

Chữ "tối linh" là nói loài người khôn ngoan hơn muôn loài (170).

Sau rốt kết luận rằng: Người ác niệm Phật còn được vãng sanh, huống chi cái ác chưa ắt bằng như ông Trương Thiện Hòa và súc sanh niệm Phật còn được vãng sanh thay, huống chi hạng tối linh mà gọi là nhân loại. Lấy đó so sánh, biết chắc là niệm Phật được vãng sanh, vậy quyết chắc rằng người niệm Phật, mà hẳn có cả Tín và Nguyện gồm tu thì chỗ làm đâu có hư hỏng!

000 OOO 000

Trích trong Niệm Phật Thập Yếu của Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập:


2. Thiên chúng đến đón chẳng đi

* Ðại sư Tăng Tạng đời Ðường, người xứ Tây Hà. Tuổi nhỏ xuất gia, nép mình thờ người, hết thảy cung kính, chẳng từ lao khổ. Thấy tăng y của người khác liền giặt giũ giùm, rồi lại vá chằm. Ngày nắng gắt, sư cởi áo ngồi trong đám cỏ để thí máu thịt cho các loài muỗi, ve.

Hằng ngày, ngài niệm Phật hiệu chẳng cần ghi số, chỉ nhớ rõ trong tâm, chưa hề thiếu sót. Ðến khi báo tận, thấy chư thiên theo thứ tự đến đón, ngài đều chẳng theo. Ngài chợt bảo mọi người:

- Vừa về Tịnh Ðộ, thấy các thượng thiện nhân rải hoa trên không.

Rồi chắp tay niệm Phật mà hóa.

(theo Cao Tăng Truyện, tập 3)

* Ðại sư Thiện Ngang đời Ðường, người Ngụy Quận. Chí kết Tây Phương, nguyện sanh An Dưỡng. Sau ngài ngụ tại chùa Báo Ứng, biết đã đến lúc bèn bảo trước những người hữu duyên: đầu tháng Tám sẽ chia tay. Ðến kỳ, ngài lên tòa cao, lư tỏa mùi hương lạ, dẫn tứ chúng thọ Bồ Tát giới, dạy dỗ những điều thiết yếu. Chợt thấy thiên chúng rộn ràng, đàn sáo véo von. Ngài bảo đại chúng:

- Trời Ðâu Suất Ðà đến đón ta; nhưng Thiên đạo chính là căn bản sanh tử, chẳng phải chỗ ta ước mong. Lòng thường mong sanh về Tịnh Ðộ, nguyện này chẳng được thỏa hay sao?

Nhạc trời bỗng bặt tiếng. Từ trời Tây, hương, hoa, âm nhạc vùn vụt kéo đến, xoay quanh trên đỉnh đầu, toàn thể mọi người đều thấy. Sư bảo:

- Nay tướng lành Tây Phương đến đón. Ta đi đây.

Nói xong liền tịch, thọ sáu mươi chín tuổi.

(theo Cao Tăng Truyện, tập hai)

Nhận định:

Lúc lâm chung, tứ đại chia lìa là lúc nào vậy? Chư Thiên lần lượt đến đón là cảnh nào đây? Nếu chẳng phải là bậc tín nguyện kiên cố thì ngay trong lúc đó, đối trước cảnh ấy làm sao cưỡng làm chủ tể nổi? Ðây đúng thật là gương sáng thiên cổ cho những kẻ tu Tịnh nghiệp vậy. Nếu không, một phen sanh lên trời sẽ lại đọa trong luân hồi. Xin đừng lầm tin ngoại đạo cầu sanh Thiên Quốc.

000 OOO 000

Trích trong Niệm Phật Thập Yếu của Tịnh nghiệp đệ tử Dịch Viên Mao Lăng Vân cung kính kết tập:

5. Lấy việc lợi lạc chúng sanh làm đầu

Ðại sư Tự Giác đời Ðường, người xứ Bác Lăng. Xuất gia từ nhỏ, học Kinh, Luật, Luận siêng năng suốt cả chín năm, kinh luận nào cũng đều hiểu sâu sắc. Sau ngài trụ tại Trùng Lâm Sơn Viện trong núi Bình, nhặt quả, hái rau, ngày chỉ ăn một bữa, phát tâm đúc tượng đức Ðại Bi Quán Âm và dựng chùa Phật.

Gặp lúc đại hạn, tiết độ sứ xứ Hằng Dương là ông Trương thỉnh ngài cầu mưa. Ngài kiền thành khẩn cáo long thần, mưa to liền đổ xuống. Do đó, thí chủ chen nhau tụ về, đúc được tượng cao bốn mươi sáu thước, chùa cũng dựng xong.

Ngài liền đối trước đàn, thệ nguyện nương nhờ Thánh lực sớm sanh Tịnh Ðộ. Chợt thấy hai đạo kim quang: A Di Ðà Phật và hai vị Ðại Sĩ từ trong quang minh giáng xuống, xòe tay sắc vàng xoa đầu sư, bảo:

- Giữ nguyện chẳng đổi, lấy việc lợi sanh làm đầu. Sanh chốn ao báu mặc tình thỏa nguyện.

Về sau, chợt thấy thần nhân đứng trong mây hiện nửa thân, bảo:

- Thời kỳ sư quy Tây đã đến rồi!

Ngài liền ngồi xếp bằng trước tượng Quán Âm mà hóa.

(theo Cao Tăng Truyện, quyển 3)

Nhận định:

Phàm những việc như: tạo tượng, lập chùa, cầu mưa lợi người v.v… đều là những trợ duyên cho Tịnh nghiệp. Ðem những việc ấy hồi hướng Tây Phương. Do làm được như vậy nên Phật dạy: “Giữ nguyện chẳng đổi, lấy việc lợi sanh làm đầu”. Nếu như ngài chẳng có mật hạnh niệm Phật, làm sao cảm được đức Phật đến xoa đầu?

000 ooo 000

10. Kết xã khích lệ lẫn nhau

Ðại sư Tạo Vi Tỉnh Thường đời Tống là Tổ thứ bảy của Liên Tông. Ngài họ Nhan, người huyện Tiền Ðường. Bảy tuổi xuất gia, mười bảy tuổi thọ Cụ Túc Giới. Ngài lấy việc kiên trì giới luật, chuyên xưng danh hiệu, phát Bồ Ðề tâm, kết xã để khích lệ lẫn nhau làm chánh nhân Tịnh Ðộ.

Ngài trụ tại chùa Chiêu Khánh ở Hàng Châu, hâm mộ di phong Lô Sơn của Tổ Huệ Viễn nên thành lập Tịnh Hạnh Xã. Trong nhóm sĩ phu dự hội có quan Tướng Quốc Văn Chánh Vương Công Ðán v.v… một trăm hai mươi người đều xưng là Tịnh Hạnh Ðệ Tử, còn Tăng thì có đến một ngàn vị đồng tu Tịnh nghiệp.

Ngài cắt máu chép kinh phẩm Tịnh Hạnh của kinh Hoa Nghiêm. Mỗi ngày chép một chữ, ba lạy, nhiễu ba vòng, ba lượt xưng danh hiệu Phật. Chép được ngàn quyển, thí cho ngàn người. Ngài dùng chiên đàn hương khắc tượng Phật Vô Lượng Thọ, quỳ trước tượng, phát nguyện:

- Con cùng đại chúng bắt đầu từ ngày hôm nay trở đi phát Bồ Ðề tâm. Cho đến cùng tột đời vị lai, hành hạnh Bồ Tát. Nguyện hết một báo thân này sẽ sanh An Dưỡng

Một hôm, trong lúc ngồi nghiêm trang niệm Phật, ngài chợt kêu to: “Phật đến rồi!”, tự nhiên hóa. Ðại chúng thấy đất đều có màu vàng ròng. Sư thọ sáu mươi hai tuổi.

(Theo Phật Tổ Thống Ký)

Nhận định:

Kết xã khích lệ lẫn nhau đúng là tự lợi, lợi tha. Nhưng để thực hành được điều này trong hiện tại, phải có bậc hữu đức thống suất đại chúng cộng tu, rất kỵ nam nữ hỗn tạp. Nếu không có được cơ duyên như vậy thì chẳng bằng đóng cửa tiềm tu, so ra còn dễ tinh tấn hơn!

000 ooo 000

15. Chuyên tâm niệm Phật

Ðại sư Hám Sơn Trừng Ấn Ðức Thanh đời Minh, là con nhà họ Thái ở Kim Lăng. Năm mười chín tuổi xuất gia, chuyên tâm niệm Phật, mộng thấy Phật A Di Ðà hiện thân trên không, quang tướng phân minh.

Từ đấy, thánh tượng sáng rực rỡ luôn hiện diện trước mắt ngài. Sau ngài đến Ngũ Ðài tu Ðịnh, phát minh được bổn tâm sẵn có. Ngài cắt máu chép kinh Hoa Nghiêm, mỗi một nét bút hạ xuống là một câu niệm Phật. Lâu dần, động tịnh hệt như nhau.

Sau ngài ẩn cư trong Lao Sơn là chỗ bọn ngoại đạo sanh sống. Thoạt đầu, chẳng có ai nghe đến danh hiệu Tam Bảo, nhưng lâu sau, ai nấy đều biết niệm Phật. Lý Thái Hậu hạ lệnh chở vàng đến dựng chùa, ban tấm biển đề tên chùa là Hải Ấn. Vua giận dữ, sai đầy ngài đi Lôi Châu. Nhân đấy, ngài trùng hưng tổ đình Tào Khê.

Về sau, ngài được vua hạ chiếu tha cho về, bèn kết am trong Lô Sơn, tu Tịnh Nghiệp càng thêm chuyên gắng. Ngài đột ngột đi về Tào Khê, thị hiện bịnh nhẹ, tắm gội, thắp hương, bảo đồ chúng rằng:

- Hãy nghĩ tới việc lớn sanh tử, vô thường mau chóng.

Ðoan tọa mà tịch, có quang minh chiếu rực tận trời, thọ bảy mươi tám tuổi, nhục thân hiện vẫn còn.

(theo Mộng Du Tập)

Nhận định:

Thánh tượng thường hiện, động tịnh nhất như thì đúng là tu hành Tịnh Nghiệp thật tinh cần. Vì chẳng chứng đắc chút ít đã cho là đủ nên nhục thân của ngài tồn tại vĩnh viễn. Xét ra, ắt ngài phải sanh trong Thượng Phẩm Thượng Sanh nơi Thật Báo Tịnh Ðộ hoặc Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ trong thế giới Cực Lạc.


16. Bỏ Thiền tu Tịnh

Ðại sư Ngẫu Ích Trí Húc đời Thanh là Tổ thứ chín của Liên Tông. Ngài họ Chung, người Ngô Huyện. Lúc tuổi trẻ, tự lấy việc học Nho làm trách nhiệm, viết sách bác Phật. Ðến khi ngài đọc được tác phẩm Trúc Song Tùy Bút của tổ Vân Thê bèn đốt những sách mình đã viết.

Năm hai mươi tuổi, nhân đọc kinh Ðịa Tạng bèn phát chí xuất thế, hằng ngày tụng danh hiệu Phật. Năm hai mươi bốn tuổi, nghe pháp sư Cổ Ðức giảng kinh, nghi tình chợt phát, dụng tâm tham cứu, chứng ngộ rỗng rang. Ngài liền bế quan ẩn tu ở Ngô Giang. Bị bịnh gần chết, ngài mới nhất ý cầu sanh Tịnh Ðộ.

Lúc bịnh giảm chút ít, ngài bèn kết đàn trì chú Vãng Sanh bảy ngày. Sau đấy, ngài ẩn tu tại Linh Phong, trước thuật những tác phẩm xiển dương Tịnh Ðộ được lưu truyền rộng rãi.

Ngài chợt thị hiện có bịnh, dặn dò sau khi trà tỳ hãy đem tro ngài hòa với bột đem thí cho các loài chim, cá để chúng được kết duyên Tây Phương. Sau đó, khi bịnh đã khỏi hẳn, ngài bèn ngồi xếp bằng, hướng về Tây, giơ tay lên mà tịch, thọ năm mươi bảy tuổi.

Ba năm sau, mở khám đựng nhục thân của ngài ra, tóc đã mọc dài phủ tai, vẻ mặt vẫn như lúc sống; môn nhân chẳng nỡ tuân theo di mạng nên lập tháp thờ ở Linh Phong.

(theo Linh Phong Tông Luận)

Nhận định:


Gặp lúc bịnh gần chết mới bỏ Thiền tu Tịnh. Sách Niệm Phật Trực Chỉ viết:

“Tinh tấn là chẳng vì chút bịnh duyên nhỏ hay lớn mà biếng nhác cái hạnh. Nếu như bị túc nghiệp sai sử thì nên tụng Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Ðà Ra Ni. Trì một lần, diệt được tất cả các tội: ngũ nghịch, thập ác nơi thân. Trì được ba mươi vạn biến, quyết sẽ sanh về Tịnh Ðộ”.

Kinh Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Thần Chú có nói:

“Nếu tụng được chú này thì A Di Ðà Phật thường ngự trên đảnh người ấy, ngày đêm ủng hộ chẳng để cho oán gia có dịp hãm hại. Hiện đời thường được an ổn; lúc mạng sắp hết, tùy ý vãng sanh”.

Vì thế, lúc ngài vừa bớt bịnh liền kết thất trì chú bảy ngày. Những người ham Thiền Tịnh Song Tu hãy bắt chước ngài lấy việc chuyên tu làm trọng.

000 ooo 000

15. Chuyên tâm niệm Phật

Ðại sư Hám Sơn Trừng Ấn Ðức Thanh đời Minh, là con nhà họ Thái ở Kim Lăng. Năm mười chín tuổi xuất gia, chuyên tâm niệm Phật, mộng thấy Phật A Di Ðà hiện thân trên không, quang tướng phân minh.

Từ đấy, thánh tượng sáng rực rỡ luôn hiện diện trước mắt ngài. Sau ngài đến Ngũ Ðài tu Ðịnh, phát minh được bổn tâm sẵn có. Ngài cắt máu chép kinh Hoa Nghiêm, mỗi một nét bút hạ xuống là một câu niệm Phật. Lâu dần, động tịnh hệt như nhau.

Sau ngài ẩn cư trong Lao Sơn là chỗ bọn ngoại đạo sanh sống. Thoạt đầu, chẳng có ai nghe đến danh hiệu Tam Bảo, nhưng lâu sau, ai nấy đều biết niệm Phật. Lý Thái Hậu hạ lệnh chở vàng đến dựng chùa, ban tấm biển đề tên chùa là Hải Ấn. Vua giận dữ, sai đầy ngài đi Lôi Châu. Nhân đấy, ngài trùng hưng tổ đình Tào Khê.

Về sau, ngài được vua hạ chiếu tha cho về, bèn kết am trong Lô Sơn, tu Tịnh Nghiệp càng thêm chuyên gắng. Ngài đột ngột đi về Tào Khê, thị hiện bịnh nhẹ, tắm gội, thắp hương, bảo đồ chúng rằng:

- Hãy nghĩ tới việc lớn sanh tử, vô thường mau chóng.

Ðoan tọa mà tịch, có quang minh chiếu rực tận trời, thọ bảy mươi tám tuổi, nhục thân hiện vẫn còn.

(theo Mộng Du Tập)

Nhận định:

Thánh tượng thường hiện, động tịnh nhất như thì đúng là tu hành Tịnh Nghiệp thật tinh cần. Vì chẳng chứng đắc chút ít đã cho là đủ nên nhục thân của ngài tồn tại vĩnh viễn. Xét ra, ắt ngài phải sanh trong Thượng Phẩm Thượng Sanh nơi Thật Báo Tịnh Ðộ hoặc Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ trong thế giới Cực Lạc.


16. Bỏ Thiền tu Tịnh

Ðại sư Ngẫu Ích Trí Húc đời Thanh là Tổ thứ chín của Liên Tông. Ngài họ Chung, người Ngô Huyện. Lúc tuổi trẻ, tự lấy việc học Nho làm trách nhiệm, viết sách bác Phật. Ðến khi ngài đọc được tác phẩm Trúc Song Tùy Bút của tổ Vân Thê bèn đốt những sách mình đã viết.

Năm hai mươi tuổi, nhân đọc kinh Ðịa Tạng bèn phát chí xuất thế, hằng ngày tụng danh hiệu Phật. Năm hai mươi bốn tuổi, nghe pháp sư Cổ Ðức giảng kinh, nghi tình chợt phát, dụng tâm tham cứu, chứng ngộ rỗng rang. Ngài liền bế quan ẩn tu ở Ngô Giang. Bị bịnh gần chết, ngài mới nhất ý cầu sanh Tịnh Ðộ.

Lúc bịnh giảm chút ít, ngài bèn kết đàn trì chú Vãng Sanh bảy ngày. Sau đấy, ngài ẩn tu tại Linh Phong, trước thuật những tác phẩm xiển dương Tịnh Ðộ được lưu truyền rộng rãi.

Ngài chợt thị hiện có bịnh, dặn dò sau khi trà tỳ hãy đem tro ngài hòa với bột đem thí cho các loài chim, cá để chúng được kết duyên Tây Phương. Sau đó, khi bịnh đã khỏi hẳn, ngài bèn ngồi xếp bằng, hướng về Tây, giơ tay lên mà tịch, thọ năm mươi bảy tuổi.

Ba năm sau, mở khám đựng nhục thân của ngài ra, tóc đã mọc dài phủ tai, vẻ mặt vẫn như lúc sống; môn nhân chẳng nỡ tuân theo di mạng nên lập tháp thờ ở Linh Phong.

(theo Linh Phong Tông Luận)

Nhận định:


Gặp lúc bịnh gần chết mới bỏ Thiền tu Tịnh. Sách Niệm Phật Trực Chỉ viết:

“Tinh tấn là chẳng vì chút bịnh duyên nhỏ hay lớn mà biếng nhác cái hạnh. Nếu như bị túc nghiệp sai sử thì nên tụng Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Ðà Ra Ni. Trì một lần, diệt được tất cả các tội: ngũ nghịch, thập ác nơi thân. Trì được ba mươi vạn biến, quyết sẽ sanh về Tịnh Ðộ”.

Kinh Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Ðắc Sanh Tịnh Ðộ Thần Chú có nói:

“Nếu tụng được chú này thì A Di Ðà Phật thường ngự trên đảnh người ấy, ngày đêm ủng hộ chẳng để cho oán gia có dịp hãm hại. Hiện đời thường được an ổn; lúc mạng sắp hết, tùy ý vãng sanh”.

Vì thế, lúc ngài vừa bớt bịnh liền kết thất trì chú bảy ngày. Những người ham Thiền Tịnh Song Tu hãy bắt chước ngài lấy việc chuyên tu làm trọng.

26. Làm việc nặng vẫn niệm Phật không gián đoạn

Ðại sư Cụ Hạnh Nhật Biện thời Dân Quốc, người huyện Hội Lý ở Vân Nam. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đi ở rể nhà họ Tăng ở Diêm Nguyên, sanh được hai con trai. Nhà nghèo, ngài phải làm thuê cho Chúc Thánh ở núi Kê Túc. Năm hai mươi mốt tuổi, ngài dẫn cả nhà tám người xin đi xuất gia, thọ Cụ Túc.

Hòa Thượng Hư Vân dạy ngài tu pháp môn Niệm Phật Cầu Sanh Tịnh Ðộ. Ngài bèn dứt bỏ các duyên, nhất tâm hệ niệm. Ngài tai điếc, mặt mũi xấu xí, không biết chữ, ngày trồng rau, đêm lễ bái, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát.

Rảnh rỗi thì tập tịnh tọa, học khóa tụng và các kinh điển, tự siêng gắng hết sức. Sư vừa đi tham bái tứ đại danh sơn trở về đất Ðiền (Vân Nam), gặp lúc ngài Hư Vân trùng hưng chùa Vân Thê, hỏi:

- Thầy đã đi thăm quyến thuộc chưa?

Sư thưa:

- Con chẳng bận tâm đến họ.

Hòa Thượng lại hỏi:

- Thầy tính làm gì?

Thưa:

- Những việc nặng nhọc nhất không ai chịu nổi, con sẽ gánh vác.

Phàm là những việc nặng như đắp tường, lợp nhà, trồng rau, trồng cây, vác đá, đào đất, quét tước, nấu nướng, ngài đều làm không lúc nào ngơi tay, nhưng không một khắc nào để câu niệm Phật bị gián đoạn.

Khi đêm xuống, vào lúc chỉ tịnh, ngài bèn lễ các kinh Kim Cang, Dược Sư, các kinh Tịnh Ðộ; cứ một chữ là một lạy. Tảng sáng, hồng chung vừa gióng, đã lên điện tham dự khóa tụng như thường, chưa hề ngủ nghỉ. Ngài tự vá áo, hoặc chằm vá áo giùm bạn đồng tham, mỗi một mũi kim là một câu Phật hiệu.

Trong kỳ hạn kết giới, được thỉnh làm Tôn Chứng, ngài bèn bán y, đem hết tiền mua sắm vật dụng để thiết trai cúng dường đại chúng. Hỏi ngài sẽ đi đâu, chỉ cười không nói. Giới đàn hoàn tất, ngài ngầm lên điện sau cùng, ngồi xếp bằng, hướng về Tây niệm Phật, dùng lửa tự thiêu, thọ ba mươi sáu tuổi. Hình trạng vẫn như lúc sống, mùi hương lạ lan tận ra xa.

Ðại chúng tranh nhau đến xem, vừa đánh khánh, di thể ngài chợt sụp xuống, hóa thành tro.

(theo Hư Vân Hòa Thượng Niên Phổ)

Nhận định:

Một chữ chẳng biết, nhưng lúc làm công việc nặng nhọc chưa hề gián đoạn niệm Phật. Chúng ta là những kẻ biết chữ đọc được sách, nếu cứ lơi là để uổng phí ngày tháng trôi qua há chẳng biết thẹn chăng?

Nhưng tự thiêu là chưa đắc tam muội. Chớ nên manh nha vọng niệm như vậy để khỏi bị ma dựa phát cuồng, vĩnh viễn đọa trong ác đạo!

29. Xả Quán niệm Phật

Ðại sư Huệ Tam Tư Nguyên thời Dân Quốc, người huyện Uyển Bình tỉnh Hà Bắc. Năm mười bảy tuổi xuất gia. Ít lâu sau, thọ Cụ Túc, vào học trường Phật Giáo Học Hiệu tại tỉnh An Huy, nghiên cứu tinh tường nội điển.

Ngài nhận trách nhiệm trụ trì chùa Sùng Thọ và Quảng Thiện ở Bắc Kinh. Ngài kiến lập, hưng khởi đạo tràng Hoa Nghiêm. Trước giờ Ngọ mỗi ngày, ngài tụng kinh Hoa Nghiêm. Cuối năm, ngài kết Hoa Nghiêm Phật Thất, lãnh đạo đại chúng huân tu pháp Chơn Không Pháp Giới Quán; từng đốn nhập Pháp Giới Ðịnh. Sau khi khai tịnh, mới ngộ được hư không pháp giới lý sự vô ngại, pháp hỷ tràn đầy, khen là chưa từng có.

Từ đấy, ngài càng thêm tinh tấn, tu Quán chẳng lùi. Tháng Mười Một năm Dân Quốc thứ ba mươi bảy (1948), ngài đến Ðài Loan lúc bốn mươi tám tuổi, lãnh trọng trách giảng dạy tại Phật Học Viện chùa Viên Quang ở Trung Lịch. Năm sau, ngài đến Sở Giảng Dạy Học Tập Phật Học ở Tân Trúc giảng dạy Phật giáo, đồng thời giảng kinh ở chùa Nhất Ðồng suốt bảy năm.

Sư thường sống tại các chùa ở Ðài Bắc, Nội Hồ, Nam Ðầu… để giảng kinh, độ chúng không đếm nổi. Năm năm mươi lăm tuổi, ngài sáng lập chùa Phước Huệ trên núi Linh Sơn ở xã Thọ Lâm, Ðài Bắc. Mỗi năm, vào tháng Bảy, ngài lập pháp hội Ðịa Tạng kéo dài bảy ngày, truyền U Minh Giới một lần. Mỗi năm, tại Ðài Loan, khi truyền tam đàn đại giới và giới tại gia, sư thường được suy cử vào một trong tam sư. Cả cõi âm lẫn dương gian đều được lợi, pháp hóa lợi ích vô cùng!

Năm sáu mươi sáu tuổi, sư lại càng thêm thường tinh tấn, hằng khóa niệm Phật mỗi ngày là ba vạn câu. Năm tám mươi tuổi liền bắt đầu niệm Phật, tọa thiền cộng tu, và khởi xướng nghĩa chẩn cứu dân nghèo và thí thuốc trong khuôn viên nhà chùa; sáng lập thư viện để mọi người đến đọc sách; đề xướng, lo liệu việc giảng giải, học hỏi Phật học. Hạnh lẫn giải càng thêm sâu, phước huệ song tu.

Sư từng đáp ứng lời thỉnh sang Mỹ hoằng pháp, qua Ðại Hàn truyền giới, người thọ giới lên đến hơn năm ngàn người. Giữa trưa ngày mồng Tám tháng Bảy năm Dân Quốc 75 (1986), sau khi dùng cơm, sư chợt nói:

- Ta muốn đi đây!

Liền triệu tập tất cả đệ tử trong chùa, dặn dò:

- Sau khi ta mất, các con nên hợp tác với nhau.

Sau bữa cơm chiều, ngài không bịnh gì, đang đứng mà hóa, thọ tám mươi sáu tuổi.

(theo tạp chí Từ Vân số 126)

Nhận định:


Ðại Sư mỗi ngày tụng kinh Hoa Nghiêm, tu Chơn Không Quán, từng nhập Pháp Giới Ðịnh, từ đấy tu Quán chẳng lui sụt. Ðến năm sáu mươi tuổi, bắt đầu mỗi ngày hằng khóa niệm Phật ba vạn tiếng; đấy là bỏ Quán niệm Phật.

Từ năm tám mươi tuổi trở đi, chợt lại tọa Thiền, niệm Phật cộng tu. Ðấy là tuổi già tịnh tọa niệm Phật, chứ chẳng phải là Thiền Tịnh Song Tu. Không bịnh, đang đứng mà hóa, nhất định phải là Thượng Phẩm Thượng Sanh.

000 ooo 000

65. Chuyên cầu thoát khổ

Thời Dân Quốc, một người phụ nữ nghèo ở huyện Từ Khê tỉnh Triết Giang, không biết họ, nhà nghèo, con ngỗ nghịch. Một ngày nọ bị con mắng nhiếc, tâm đau đớn, khó nhẫn, đến than thở với vị Tăng ở gần nhà. Vị Tăng bảo:

- Bà đã biết khổ; sao chẳng đem cái khổ ấy bán đi?

Hỏi:

- Làm sao bán được đây?

Tăng bảo:

- Bà chuyên niệm A Di Ðà Phật cầu sanh Tây Phương. Lâm chung Phật đến tiếp dẫn đi thì vĩnh viễn thoát khỏi các nỗi khổ, chỉ hưởng các sự vui. Ðấy là bán khổ đi đó!

Bà nói:

- Mẹ con tôi sống chung một phòng. Giường và bếp kê chung một chỗ. Dưới gầm giường có chuồng heo. Bẩn thỉu như vậy làm sao niệm Phật được?

Tăng bảo:

- Không hề chi, bà sống tại gia thì chỉ cốt sao thường niệm, lúc rảnh có thể đến chùa lễ Phật.

Bà liền phụng hành đúng như lời dạy, chuyên cầu thoát khổ, niệm Phật không gián đoạn. Ba năm sau, trước lúc sắp lâm chung vài tháng, bà nói trước với con:

- Ngày tháng đó ta sẽ sanh Tây Phương. Ngươi đừng có đi ra ngoài, vì ta lo liệu hậu sự để trọn đạo làm con.

Người con chẳng tin; ít lâu sau, bà nhắc lại cũng chẳng tin. Vài ngày trước khi mất, chợt ngửi thấy mùi hương lạ, tìm khắp nơi chẳng biết từ đâu ra, mới tin lời mẹ là thật. Ðến kỳ, cả nhà trông chừng, thấy mẹ tắm gội, thay áo, ngồi ngay ngắn niệm Phật qua đời.

(theo Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)

Nhận định:

Dùng cái tâm sợ khổ để niệm Phật là pháp mầu nhiệm bậc nhất để thoát khổ. Nếu chẳng phải là nhà nghèo, con ngỗ nghịch, tâm đau buồn khó chịu đựng nổi thì làm sao cam tâm chuyên cầu thoát khổ niệm Phật sanh Tây? Thuận, nghịch đều là phương tiện; nghịch cảnh còn thù thắng hơn thuận!

000 000 000

47. Dụng công mãnh liệt

Cư sĩ Tiền Dực Sơn tự Vạn Dật đời Thanh, người huyện Thường Thục, làm nghề nấu rượu, thích chè chén. Ít lâu sau, ông tu Tịnh nghiệp, tận lực sửa đổi lề thói cũ, tránh sát sanh, dứt rượu thịt, khuyên mẹ ăn chay trường niệm Phật.

Một người con của ông bịnh lao, niệm Phật qua đời, mọi người phỉ báng, ông vẫn thờ Phật như cũ. Vợ mất, ông vẫn điềm nhiên, cự tuyệt người khuyên tục huyền:

- Có con nhưng nó đã mất rồi, tôi cưới vợ nữa để làm gì? Chí tôi xuất thế, lẽ nào còn thèm thuồng có người nối dõi ư?

Nhà cửa bị lửa cháy, ông hướng lên không, nguyện:

- Nghiệp của tôi đáng bị lửa cháy, chỉ xin đừng làm tổn hại đến nhà hàng xóm.

Lửa tắt, quả nhiên nhà hàng xóm vô hại. Ông chợt mắc bịnh thổ huyết, tâm sanh tử càng thiết tha, niệm Phật càng mạnh mẽ. Ðến lúc bịnh nguy kịch, ăn vào là ói ra ngay. Người chú là Tạ Phượng Ngô kể chuyện cổ đức nhịn ăn để thấy Phật, ông vui vẻ bảo:

- Có phương cách tiện lợi lớn như vậy, tôi phải dũng mãnh làm theo!

Ông liền tắm gội, đến trước bàn Phật, thắp hương, phát thệ: giữ trai giới bảy ngày, bỏ tiền phóng sanh cầu sanh Tịnh Ðộ. Ðêm ngày niệm Phật chẳng sót, có khát chỉ ăn dưa mà thôi. Có người hỏi: “Cả đêm chẳng ngủ, chẳng mệt mỏi hay sao?” Ông nói:

- Chẳng ngủ có lợi là niệm Phật được nhiều. Lúc tôi chưa bịnh chẳng được an nhàn; nay do bịnh mới được nhàn, đúng là lúc phải dốc sức, làm sao còn mệt nhọc được?

Hết kỳ hạn, thần thức hôn loạn, ông cả sợ, chắp tay đặt trên gối, ra lệnh đốt ngón tay. Ông Tạ nói:

- Lúc này, ngươi phát nguyện ấy thì cũng giống như đã đốt ngón tay rồi, chẳng bằng nhất ý cầu về Tây Phương thì hơn.

Ông liền nhắm mắt niệm Phật, lúc đầu còn miễn cưỡng, sau do dụng công mạnh mẽ, dần dần thần chí an định. Lại được mười mấy người trợ duyên, tiếng niệm Phật liên tục suốt ngày đêm. Ông chợt thấy Tây Phương Tam Thánh hiện tiền, quang minh, tướng hảo, toan cất thân lên kim đài; chợt nghe trên không có tiếng nói:

- Thân ông chưa sạch!

Ông liền sai lấy nước thơm tắm gội xong, Tam Thánh hiện như cũ, liền bảo người nhà rằng:

- Tôi đã đến được Tịnh Ðộ, thấy vô số hoa sen, tôi ngồi trên đó, sướng chẳng thể nói nổi!

Ông chỉ vào thân mình bảo:

- Ðây chẳng phải là thân ta!

Một lát, lại bảo:

- Phật đông nghẹt cả nhà!

Ngồi hướng về Tây, qua đời, thọ ba mươi tám tuổi.

(theo Tục Tịnh Ðộ Thánh Hiền Lục)

Nhận định:


Ðoạn được rượu thịt là tham độc đã hết. Bị cười chê chẳng đoái hoài là sân độc đã hết. Con chết, vợ mất vẫn điềm nhiên là ái căn đã đoạn. Cự tuyệt lời khuyên lấy vợ lần nữa, chẳng mong có người nối dõi là si độc đã hết.

Vì vậy, gặp phải nghịch cảnh, ông vẫn có thể chẳng thối thất cái tâm ban đầu; dù bịnh tật khổ sở vẫn giữ vững chánh niệm. Dù vì nghiệp chướng hiện tiền khiến thần thức hôn loạn, ông vẫn có thể dụng công mạnh mẽ, lại được trợ duyên nên nhanh chóng cảm được tướng tốt lành là đài vàng, thần hồn ngao du cõi Sen, thật đáng làm gương vậy!

ooo 000 ooo

48. Trợ niệm đắc lực

Cư sĩ Dương Liên Hàng thời Dân Quốc, người huyện Dư Diêu tỉnh Triết Giang. Nhà nghèo, làm nghề buôn bán. Nghe lời ông Ðồng Giác Hàng tu Tịnh nghiệp, lâu ngày đối với giáo nghĩa giải ngộ siêu quần.

Ông tham dự Liên Xã niệm Phật. Vì bị bịnh nên lại sát sanh, dần dần xa lìa các liên hữu. Sau bịnh nguy kịch, liên hữu bảo ông ắt phải chết. Tự xét mình không thể nào qua nổi, ông hoảng sợ, hối hận, bèn gắng sức đến trước Phật, tận tình bày tỏ, dốc lòng thành sám hối, lại giữ Ngũ Giới, thề chẳng tái phạm.

Từ đấy trở đi, ông buông bỏ vạn duyên, quét sạch ái dục, nhất tâm thầm niệm Phật hiệu đợi lúc lâm chung. Liên hữu biết công năng trì danh của ông nông cạn nên trước hết vì ông thỉnh người trợ niệm. Hai ngày sau, liên hữu cũng trợ niệm. Ông chợt thấy thần khí thanh sảng, mộng thấy quang minh. Ðến canh hai, liên hữu sắp ra về, chẳng biết rằng đến lúc đó, việc trợ niệm đã có hiệu lực. Ông liền bảo:

- Tôi chưa đến được Tây Phương, xin liên hữu lớn tiếng niệm Phật trợ niệm suốt đêm, đừng để lỡ!

Mọi người lại cao giọng niệm Phật, lại luôn luôn khích lệ ông. Chợt ông mỉm cười bảo:

- Tôi nay đã đến Tây Phương rồi, hoa sen đẹp quá! Ao báu đẹp quá! Quang minh đẹp quá!

Mắt ông nhìn chăm chú vào tượng Phật mà qua đời. Mọi người vẫn trợ niệm đến khi thân ông đã lạnh mới thôi, chẳng cho người nhà khóc than. Ðến trưa hôm sau, đảnh đầu ông vẫn còn ấm, thọ ba mươi tuổi!

(theo Cận Ðại Vãng Sanh Truyện)

Nhận định:

Công phu trì danh nông cạn mà được vãng sanh là do sức liên hữu trợ niệm. Trợ niệm khẩn yếu như thế đó. Xin hãy đề xướng rộng rãi. Nếu như không có liên hữu thì xin hãy dùng băng niệm Phật để trợ niệm, tạm dùng làm phương tiện cũng có thể được hưởng đại lợi vãng sanh vậy!

000 ooo 000

45. Giác chiếu niệm Phật

Cư sĩ Phạm Dụng Hòa tự Nguyên Lễ đời Thanh, người huyện Tiền Ðường. Lúc nhỏ học Nho, thờ cha mẹ rất có hiếu. Lúc cha mẹ bịnh, trước sau, ông đã cắt thịt bắp tay hòa với thuốc trị lành bịnh cho cha.

Bước vào tuổi tráng niên, cha mẹ mất, vợ chết, ông từ bỏ trần duyên, tu tập huyền công (cách tu hành của Ðạo giáo) hơn mười năm, đạt chút linh nghiệm. Về sau, ông đọc những tác phẩm của ngài Vân Thê có phần tỉnh ngộ, bèn thọ Tam Quy, Ngũ Giới, nhất chí kiên trì, thậm chí những thứ làm bằng lông thú, dệt bằng tơ tằm, ông chẳng hề khoác vào thân. Bỏ hết những điều mình đã tu tập, chuyên tu Tịnh nghiệp. Ông ham làm lành, thí thuốc, phóng sanh, giúp đỡ người nghèo, chẳng nề nhọc mỏi. Gặp Tăng chúng nghèo bịnh, ông liền cúng dường chẳng thiếu gì.

Về sau, ông bế quan niệm Phật suốt trăm ngày. Lúc hơi thở ông vừa trở nên yên tịnh thì cách tu huyền thuật trước kia chợt hiện ra, nhận thấy khí Thiên Ðịa cuồn cuộn, mù mịt trong không trung xông thẳng vào miệng, mũi, chạy thẳng vào huyệt Ðan Ðiền, hòa hợp với nguyên khí của chính mình, [cảm thấy] khinh an chẳng thể diễn tả nổi. Giây lát, có một đứa bé cao mấy tấc từ đảnh đầu vọt ra, lãng đãng trước mặt; được một chốc, nó lại theo đảnh đầu trở vào.

Từ đấy trở đi, mỗi khi đến lúc hết sức tịch tịnh, vong niệm thì liền có đứa bé bước ra, trở vào như trên. Thoạt đầu, ông rất vui; lúc sau, ông chợt nghĩ:

- Ðây há chẳng phải là năm mươi thứ Ấm Ma như đã nói trong kinh Lăng Nghiêm đó ư? Nếu cho là kỳ đặc thì sẽ bị lạc vào quần ma! Niệm Phật chí tại Tây Phương, thánh cảnh chẳng hiện, sự này ích chi?

Ngay khi đó, ông liền giác chiếu, chánh niệm hiện tiền, đứa bé chẳng xuất hiện nữa. Ðối với yếu chỉ Duy Tâm, ông khế ngộ sâu xa; Tín - Hạnh - Nguyện lực càng thêm thuần thục. Thường bảo với mọi người rằng:

- Ðối với cửa ải hiểm yếu bậc nhất trong cuộc đời này nếu có chút phần chẳng rõ thì sẽ lạc vào bàng môn. Vì vậy, tu hành chẳng thể không thận trọng vậy!

Chợt ông kết liễu mọi việc, dặn dò, từ biệt bè bạn, ngồi niệm Phật qua đời. Lúc liệm, đảnh đầu vẫn còn nóng, thọ sáu mươi ba tuổi.

(theo Nhiễm Hương Tục Tập)

Nhận định:

Từng tu tập huyền công của ngoại đạo, nguyện thường giác chiếu nên khỏi bị đọa vào bàng môn. Chánh niệm hiện tiền, quần tà tự diệt.

46. Mật hạnh tinh tấn


Cư sĩ họ Trần đời Thanh, không rõ tên là gì, là chú họ của các ông Thế Anh, Mậu Tài ở huyện Thường Thục. Mỗi sáng dậy, ông thắp hương yên lặng tụng kinh, niệm Phật. Dù gió, mưa, lạnh, nóng đều chẳng gián đoạn. Suốt mấy năm như thế người nhà chẳng hay vì ông hành mật hạnh.

Trước khi mất ba tháng, ông tự bảo đã đến lúc sắp mất, người nhà thấy ông không bịnh tật gì nên không tin. Ba ngày trước khi mất, ông thị hiện bịnh nhẹ, vẫn đi đứng như thường. Ðến ngày, ông tọa hóa, người nhà kêu khóc; ông bèn mở mắt, dạy sơ lược vài lời, rồi nói: “Ta đi đây!” Lại yên lặng, thân bốc ra mùi hương lạ ba ngày mới hết.

(theo Vãng Sanh Cận Nghiệm Lục)

Nhận định:

Cổ nhân mật hạnh, dù nóng hay lạnh chẳng gián đoạn, dù là người nhà cũng chẳng hay biết. Nay thì hành nhân rêu rao khoe mẽ nhưng một ngày nóng mười ngày lạnh, cho nên người niệm Phật thì nhiều mà kẻ vãng sanh lại ít. Hãy dè dặt, hãy thận trọng

Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.

Nam

Mô A-Di-Đà Phật.
Namo Amitabha Buddha.

28 novembre 2007

TRỢ NIỆM NGƯỜI LÂM CHUNG

VẤN ĐỀ NGƯỜI NIỆM-PHẬT

LÚC LÂM-CHUNG ĐƯỢC VÃNG-SINH

HAY KHÔNG?

1.HỎI:  Nếu bảo rằng người Niệm-Phật đều được vãng-sinh  Tây-Phương, tại sao tôi thấy có nhiều người xuất-gia cũng như tại-gia, bình-thường cũng hay Niệm-Phật và nói rằng mong được vãng-sinh.  Nhưng đến lúc lâm-chung, thì chết một cách mơ mơ hồ hồ.  Không thấy mấy ai được thực-sự vãng-sinh là tại sao?

ĐÁP:  Đó là do người Niệm-Phật đến lúc lâm-chung không đủ nhân-duyên.  Nếu nhân-duyên đầy-đủ thì chắc-chắn được vãng-sinh.

2.   HỎI:  Nhân-duyên là sao?

    ĐÁP:  Người tu bình-sinh chân-tín, thiết-nguyện, Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương mà đến lúc lâm-chung vẫn có được tâm-niệm nầy, thì đó là “nhân” TỰ-LỰC.  Nếu bình-sinh chưa biết về tín-nguyện, Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương, đến lúc lâm-chung may mắn được gặp thìện-hữu hướng-dẫn mà sinh tín, phát nguyện, cầu sinh Tây-Phương, thì đó cũng là “nhân”  TỰ-LỰC.  Giáo-chủ Tây-Phương Cực-Lạc Thế-Giới là Đức Phật A-Di-Đà cùng vạn-đức hồng-danh của Ngài có thể khiến cho chúng-sinh được sinh sang cõi Tây-Phương Cực-Lạc, thì đó là “duyên” THA-LỰC.

Lúc lâm-chung mà được thiện-hữu trợ-niệm, cũng là “duyên” THA-LỰC.

3.   HỎI:  Người tu đến lúc lâm-chung mà đầy-đủ nhân-duyên thì chắc-chắn được vãng-sinh, xin giải rõ lý nầy.

ĐÁP:  Người tu đến lúc lâm-chung mà chân tín, thiết nguyện, Niệm-Phật thì Đức Phật A-DI-ĐA` là “duyên” THA-LỰC, còn cái tâm năng-niệm là “nhân”  TỰ-LỰC.  Ngay lúc đó, dùng cái tâm năng-niệm mà niệm Đức Phật A-DI-ĐÀ thì Đức Phật A-DI-ĐÀ nhân cái tâm năng-niệm mà hiển-hiện.  Cái tâm năng-niệm lại nhờ sự hiển-hiện của Đức Phật A-DI-ĐÀ mà được thanh-tịnh.  Ngay phút giây đó, chính là TỰ-LỰC và THA-LỰC cảm-ứng đạo-giao, nhân-duyên hòa-hợp, do đó mà được vãng-sinh Tây-phương Cực-lạc.

4.   HỎI:  Người Niệm-Phật đến lúc lâm-chung mà không đủ nhân-duyên thì không được vãng-sinh.  Xin giải rõ lý nầy.

        ĐÁP:  Người tu lúc bình-sinh tín-nguyện Niệm-Phật mà công-phu chưa được thuần-thục, thì đến lúc lâm-chung tuy có tín-nguyện cầu sinh Tây-Phương (có “nhân”),  nhưng bị bệnh khổ và đủ thứ phiền-não bức-bách nên cái tâm Niệm-Phật khởi lên không nổi.  Nếu không có thiện-hữu hướng-dẫn, trợ-niệm (không “duyên”), lại gặp thân-thuộc không hiểu đạo-lý, cứ khóc-lóc, hỏi-han thì tâm người tu khởi lên đủ thứ tạp-niệm mà không được vãng-sinh.  Trường-hợp nầy gọi là có “nhân” mà không “duyên” nên không thể vãng-sinh.

        Lại cũng có người bình-thường tín-nguyện Niệm-Phật cho có lệ.  Đến lúc lâm-chung may-mắn được thiện-hữu trợ-niệm (có “duyên”), thân-thuộc cũng không khóc lóc làm chướng ngại.  Khổ nỗi người tu tự tâm mình sinh điên-đảo, tham-luyến thế-gian, không khởi tâm Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương (không “nhân”), bởi vậy theo ái-dục mà đầu thai các nẻo thiện ác.  Đây gọi là có “duyên” mà không “nhân” nên không thể vãng-sinh.

        Lại cũng có người bình-thường Niệm-Phật chĩ để cầu cho gia-đạo bình-an, mạnh-khỏe sống lâu v..v… Do đó đến phút lâm-chung thì chỉ có sợ chết.  Khi bệnh chưa nặng lắm thì cũng Niệm-Phật nhưng để cầu lành bệnh chứ không hề có tâm-nguyện cầu vãng-sinh (không “nhân”).  Đến khi bệnh trở nên nguy-kịch thì bệnh khổ bức-bách do đó không thể Niệm-Phật.  Thân-thuộc cứ theo thế tình mà làm động tâm thêm, lại không được thiện-hữu trợ-niệm (không “duyên” nên không thể vãng-sinh.

5.   HỎI:  Vậy thì người tu Niệm-Phật đến lúc lâm-chung, thế nào là nhân-duyên đầy đủ để được vãng-sinh?

ĐÁP:  Như có hạng người đại căn-cơ, lúc bình-sinh chân tín, thiết nguyện, Niệm-Phật.  Tín-nguyện đã rất chân-thiết, công-phu Niệm-Phật lại rất thuần-thục.  Đến lúc lâm chung, không cần phải người khác trợ-niệm mà vẫn cứ một mực tín-nguyện Niệm-Phật, tâm-niệm an trụ nơi hồng-danh của Đức Phật A-Di-Đà.  Kinh A-Di-Đà chép:  “Nhất tâm bất loạn tất được vãng-sinh.”  Là chỗ nầy.  Đây gọi là nhân-duyên đầy-đủ của hàng thượng-căn.

        Cũng có hạng người tu binh-thường chân-tín, thiết-nguyện nhưng công-phu Niệm-Phật chưa được thuần-thục.  Đến lúc lâm-chung thì lòng tín-nguyện cầu sinh Tây-Phương so với lúc bình-thường lại càng tha-thiết, không bị bệnh khổ hay các chướng-duyên làm dao-động.  Lại có được thiện-hữu trợ-niệm.  Nhờ vậy tâm của người nầy niệm-niệm an-trụ nơi hồng-danh của Đức Di-Đà mà được vãng-sinh.  Đây là nhân-duyên đầy-đủ của hàng trung-căn.

        Cũng có hạng người lúc bình-thường không biết gì về tín-nguyện Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương.  Đến lúc lâm-chung may-mắn được gặp thiện-hữu khai-thị.  Hoặc nói về y-chánh thanh-tịnh tran-nghiêm của Thế-Giới Cực-Lạc khiến tâm người nầy sinh hoan-hỷ hân-cầu.  Lại nói về Bổn-Nguyện tiếp-dẫn chúng-sinh của Đức A-Di-Đà khiến tâm người nầy sinh chánh-tín mà quyết-đinh Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương.  Quyến-thuộc lại chịu nghe theo sự hướng-dẫn của thiện-hữu, không làm điều gì có thể khiến cho tâm người bệnh dao-động.  Nhờ vậy ngay phút lâm-chung, người nầy Niệm-Phật với sự tha-thiết như đứa bé thơ bị lạc mẹ.  Do đó được từ-lực của Phật tiếp-dẫn mà vãng-sinh.  Đây là nhân-duyên đầy-đủ của hàng hạ-căn.

6.   HỎI:  Người lúc bình-thường hoàn-toàn chưa biết tín-nguyện Niệm-Phật, đến lúc lâm-chung gặp được thiện-hữu khai-thị, sau khi nghe xong, tâm sinh hoan-hỷ, tín-thụ, phát-nguyện Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương.  Quyến-thuộc cũng không gây ra các chướng-ngại.  Lại được trợ-niệm mà vãng-sinh Tây-Phương.  Sao mà dẽ-dàng như vậy được?.

        ĐÁP:  Xin giải rõ thêm.  Người nầy lúc bình-thường chưa hề tín-nguyện, Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương là vì KHÔNG BIẾT.  Đến lúc lâm-chung gặp được thiện-hữu khai-thị mà sinh tâm quyết-định tín-nguyện Niệm-Phật.  Điều nầy chứng-tỏ rằng đời trước đã có căn-duyên Niệm-Phật.  Đây là “nhân” thù-thắng.  Được thiện-hữu khai-thị, trợ-niệm là “duyên” thù-thắng.  Trường-hợp nầy hy-hữu rất ít có.

7.   HỎI:  Chúng tôi là hàng Phật-tử tại gia.  Nếu đến phút lâm-chung của người thân mà không mời được thiện-hữu trợ-niệm thì phải làm sao đây để giúp thân-nhân được vãng-sinh?

    ĐÁP:  Quý vị có lòng như vậy thật đáng quý.  Xin đọc kỹ những điều hướng-dẫn sau đây.

      NHỮNG ĐIỀU MÀ QUYẾN-THUỘC

CỦA NGƯỜI LÂM-CHUNG CẦN CHÚ-Ý

        1.  Theo Phật-Pháp, phút lâm-chung là thời điểm rất quan-trọng của một kiếp người.  Vì sao vậy?  Vì đây là lúc có sự đột biến để thăng hay giáng theo sáu đường.  Những diều xảy ra ở phút lâm-chung (cận-tử-nghiệp) ảnh-hưởng rất lớn đến sự thăng-giáng nầy.  Đối với người tu Tịnh-Độ thì lại càng cực-kỳ trọng-yếu.

        2.  Khi có người thân sắp lâm-chung, nếu có Hội Trợ-Niệm cần phải mời họ đến.  Khi họ đã đến thì tất-cả mọi người trong nhà phải tuyệt-đối tuân theo sự hướng-dẫn của họ, không được xen ý riêng của mình vào.  Nếu không có Hội Trợ-Niệm thì người trong nhà lo trợ-niệm cũng được, cần-yếu là theo đúng Phật-Pháp (sẽ được trình-bày cặn-kẽ ở những phần sau).  Điều quan-trọng cần tuân-thủ là hãy làm ma-chay, đừng sát-sanh và cả nhà an chay trong thời-điểm nầy.  Khi bệnh người thân trở nặng thì chỉ lo trợ-niệm chứ ĐỪNG CHO UỐNG NHÂN-SÂM HAY TIÊM THUỐC HỒI-SINH.  Vì làm vậy rất trở-ngại cho chuyện vãng-sinh Tây-Phương.  Xin ghi nhớ điều nầy.

        3.  Phải biết rằng khi người thân lâm-chung, họ phải theo một trong bảy đường sau:  Ba đường dữ (Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sinh),  Ba đường lành (Trời, Người, A-tu-la), và Thánh-đạo Tây-Phương Cực-Lạc.  Mình trợ-niệm để giúp họ được vãng-sinh Tây-Phương, vĩnh-viễn thoát khỏi sáu nẻo luân-hồi.  Trái lại, nếu mình khóc-lóc, kêu réo, thở-than thì chỉ khiến cho họ động tâm mà đọa vào ba đường dữ.  Hãy suy-nghĩ cặn-kẻ điều nầy.

        4.  Trong kinh-điển Phật đã dạy tường-tận rằng nếu đọa vào ba đường dữ thì chịu muôn vàn thống-khổ, nhất là địa-ngục thời-gian lại rất dài lâu.  Những điều nầy là sự thực, chứ không phải là chuyện ngụ-ngôn mà Đức Phật đặt ra để răn đời.  Trái lại nếu được vãng-sinh Tây-Phương thì vĩnh viễn thoát khỏi ba đường dữ, được ở địa-vị bất thối-chuyển, thân-cận Đức A-Di-Đà và thánh chúng mà an vui tu-tập.

        5.  Nếu người bệnh bình-thường đã có tâm-nguyện Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương thì rất tốt.  Nếu không có tín-tâm hoặc không thông-hiểu về chuyện Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương thì người thân hãy giải-thích cho họ hiểu rằng “làm người không phải vĩnh-viễn cứ làm người.  Có sáu đường sinh-tử luân-hồi, trong đó ba đường dữ rất thống khổ mà lại dễ đọa vào.  Ngược lại Thế-giới Tây-Phương của Đức A-Di-Đà thì rất là an-lạc, được sinh sang đó thì vĩnh-viễn không bị đọa vào ba đường dữ.  Phước-lạc của người được sinh sang đó thật không thể nghĩ-bàn.  Điều-kiện để được vãng-sinh thì do Bổn-Nguyện của Đức A-Di-Đà nên rất dễ-dàng.  Hễ có tín-nguyện mà niệm Danh-hiệu của Ngài (NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT) thì lúc lâm-chung chắc-chắn được Ngài đến rước về cõi Tây-Phương Cực-Lạc.

        6.  Tâm-niệm của người sắp lâm-chung ảnh-hưởng rất lớn đến kiếp lai-sinh của họ (Cận-tử-nghiệp) do đó người thân làm sao để họ không bị phiền-não.  Khi họ còn tỉnh-táo hãy hỏi rõ những gì cần căn-dặn.  Làm sao để họ yên-tâm mà ra đi.  Tuyệt-đối đừng đem những vấn-đề nhiêu-khê của kiếp người mà làm họ bận-tâm trong thời điểm nầy.  Phải biết rằng làm vậy thì không những người chết bị đọa lạc, mà người sống cũng sẽ bị chướng-duyên nặng-nề trong tương-lai.

        7.    Nếu có thân-hữu hoặc bà con đến thăm người bệnh, thì trước khi họ gặp người bệnh hãy yêu-cầu họ đừng nói hay làm gì có thể gây chướng-duyên cho vấn-đề vãng-sinh.

        8.  Vấn-đề trợ-niệm cũng phải hết sức tế-nhị.  Khi người bệnh còn tỉnh-táo, hãy hỏi kỷ về ý-muốn của ho.  Ví dụ muốn được lớn tiếng trợ niệm hay niệm vừa đủ nghe là được, dùng khánh, mõ hay chuông v..v…Tùy theo hoàn-cảnh mà thiết-trí tượng Đức A-Di-Đà chứ không phải nhất-thiết là phải ở hướng Tây.  Đừng chấp-chặt theo hình-thức mà làm người bệnh phiền-não.

        9.   Cũng có người bệnh do nghiệp-chướng của họ mà không muốn người khác thế họ Niệm-Phật, không muốn nghe người khác Niệm-Phật, hoặc nghe Niệm-Phật thì bực-bội.  Gặp trường-hợp nầy quyến-thuộc hãy đến trước bàn Phật, thành-khẩn vì họ mà cầu xin sám-hối.  Xin kể hai chuyện mới xảy ra gần đây.  Năm ngoái có một vị cư-sĩ, khi mẹ ông bị bệnh sắp mất, ông liền mời Hội Trợ-Niệm đến nhà để hộ-niệm cho mẹ.  Mẹ ông khi nghe Niệm-Phật, trong lòng bức-rức chịu không nổi nên yêu cầu đừng niệm!  Thầy quy-y của vị cư-sĩ thấy vậy, biết rằng đây là nghiệp-chướng phát hiện, liền tụng cho bà mấy bộ kinh Địa-Tạng.  Vị cư-sĩ cũng hết-sức thành-khẩn đối trước phật ăn-năn sám-hối cho mẹ.  Sau đó, bà đột-nhiên hoan-hỷ muốn nghe Niệm-Phật mà an-nhiên vãng-sinh.  Lại có một vị cư-sĩ khác, cha ông bị bệnh khi sắp mất thấy một người đàn bà và một con chó đến đòi mạng.  Cư-sĩ liền Niệm-Phật sám-hối cho cha thì ông không còn thấy nữa.  Sau đó cha ông lại thấy hai nhà sư hiện đến nói rằng:  “Ông đời trước ngăn-cản chúng tôi vãng-sinh,  nay chúng tôi đến để cản ông đây”.  Cư-sĩ lại vì cha đối trước Phật sám-hối và cầu siêu cho hai vị tăng.  Cha ông không còn thấy họ nữa.  Sau cùng cha ông thấy một lão tăng hiện đến mà bảo rằng:  “Oan-nghiệp của ông đã được tiêu trừ, ba lần bảy nữa ông sẽ được vãng-sinh.  Cứ nói ‘ba lần bảy’ là con ông hiểu.”.  Cả nhà đều cho rằng ‘ba lần bảy’ là 21 ngày.  Trợ-niệm bấy lâu đã mệt nay lại thêm 21 ngày quả thật là khó-khăn.  Không ngờ 21 giờ sau thì người cha được vãng-sinh.  Hai câu chuyện có thật trên đây cho thấy sự trọng-yếu của vấn-đề trợ-niệm lúc lâm-chung.

        10.  Khi người bệnh sắp tắt thở thì nếu đã có người trợ-niệm, thân-nhân hãy đối trước bàn Phật A-Di-Đà,  khẩn thiết cầu xin Ngài tiếp-dẫn thần-thức người chết vãng-sinh Tây-Phương.  Nếu người trợ-niệm ít hoặc không có, thân-nhân hãy đến gần người sắp chết mà trợ-niệm.  Nhớ là đừng đứng ngay trước mặt vì ở thời điểm nầy người chết rất dễ động tâm, trở ngại chánh-niệm.  Do đó không nên để cho thấy mặt.  Giọng Niệm-Phật nhớ đừng bi-lụy vì sẽ khơi dậy tình-cảm nơi người chết, khó mà vãng-sinh.  Thân-nhân cần ghi nhớ hai điều nầy.

        11.  Sau khi người chết đã tắt thở nhưng thi-thể chưa lạnh hẳn (nghĩa là thần-thức còn đó chưa đi), thân-nhân cần để ý các điều sau:

a.      Vẫn tiếp-tuc lớn tiếng Niệm-Phật trợ-niệm.

b.      Hãy coi chừng đừng để ruồi muỗi đậu lên thi-thể người chết vì họ vẫn còn cảm-giác!

c.      Đừng khám-xét thi-thể để đoán xem đi về đâu vì làm vậy rất có hại cho người mất.

d.      Nếu có ban Trợ-Niệm phải tuyệt-đối tuân theo sự hướng-dẫn của họ.

e.      Tuyệt-đối đừng tin theo các hủ-tục phổ-thông của thế-gian.  Xin nêu ra đây vài điều:               

·          Cho rằng khi thi-thể còn nóng, khớp xương còn mềm-mại, phải thay quần áo cho họ lúc nầy.

·          Cho rằng khi người thân tắt thở cần phải khóc lớn để đẩy lui hung-tinh!

·          Cho rằng hễ tắt thở là phải lo liệm ngay, nếu không sẽ mắc nợ “miên-sàng” v..v..

28 novembre 2007

TỨ DIỆU ĐẾ & 12 NHÂN DUYÊN

Tứ Diệu Đế

bantayvatoasennho2

Sau đó, Đức Thế Tôn bảo các vị tỳ kheo: "Nầy các tỳ kheo, bởi vì không thông hiểu, không thấu đạt Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) mà ta cũng như quý vị từ lâu đã phải trải qua nhiều kiếp luân hồi trong vòng sinh tử. Bốn sự thật ấy là gì?
Vì không thông hiểu Sự Thật về Khổ (Khổ Đế) mà chúng ta luân hồi, không thông hiểu Sự Thật về Nguồn Gốc của Khổ (Tập Đế), không thông hiểu về Sự Thật về Đoạn Diệt Khổ (Diệt Đế), không thông hiểu Sự Thật về Con Đường Diệt Khổ (Đạo Đế), mà chúng ta đã phải luân hồi trong vòng sinh tử. Bằng cách thông hiểu, bằng cách thấu đạt Sự Thật về Khổ, Sự Thật về Nguồn Gốc của Khổ, Sự Thật về Đoạn Diệt Khổ, Sự Thật về Con Đường Diệt Khổ, lòng tham thủ về sinh hữu được đoạn tận, sự hỗ trợ để sinh hữu được phá hủy, và từ đó không còn phải tái sinh nữa."
-- Kinh Đại Niết Bàn (Trường Bộ, 16)

Đức Phật giảng về sự Giác Ngộ của Ngài:
"Tri kiến phát sinh, minh sát phát sinh, tuệ giác phát sinh, hiểu biết phát sinh, minh kiến phát sinh trong ta, về những điều mà từ trước ta chưa từng nghe đến:

-- Đây là Sự Thật Tuyệt Đối về Khổ ... Khổ nầy phải được thông hiểu ... Khổ nầy vừa được thông hiểu.
-- Đây là Sự Thật Tuyệt Đối về Nguồn Gốc của Khổ ... Nguồn Gốc nầy phải được đoạn tận ... Nguồn Gốc nầy vừa được đoạn tận.
-- Đây là Sự Thật Tuyệt Đối về Sự Diệt Khổ ... Diệt Khổ nầy phải được trực nghiệm ... Diệt Khổ nầy vừa được trực nghiệm.
-- Đây là Sự Thật Tuyệt Đối về Con Đường Diệt Khổ ... Con Đường nầy phải được thực chứng ... Con Đường nầy vừa được thực chứng.

Nầy các vị tỳ kheo, khi nào mà sự hiểu biết và nhận thức nầy của ta -- với ba vòng chuyển và mười hai kết hợp về bốn Sự Thật Tuyệt Đối đó -- không tinh thuần, ta không thể khẳng định rằng ta là Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, vượt hơn tất cả mọi loài trong vũ trụ, chư thiên, ma quỷ, phàm phu, tu sĩ, vua chúa và thường dân. Tuy nhiên, ngay khi sự hiểu biết và nhận thức nầy của ta -- với ba vòng chuyển và mười hai kết hợp về bốn Sự Thật Tuyệt Đối đó -- hoàn toàn thật sự tinh thuần, ta đã khẳng định rằng ta là Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, vượt hơn tất cả mọi loài trong vũ trụ, chư thiên, ma quỷ, phàm phu, tu sĩ, vua chúa và thường dân. Tuệ giác và tri kiến phát khởi trong ta: 'Sự Giải Thoát đã xảy ra. Đây là kiếp sống cuối cùng. Không còn phải tái sinh nữa.' "
-- Kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng, LVI-11)

1. Diệu Đế về Khổ - Dukkha Ariya Sacca

Định nghĩa:
"Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Đế về Khổ: Sinh là khổ, già là khổ, chết là khổ; ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng là khổ; liên kết với những điều không ưa thích là khổ, cách ly những điều ưa thích là khổ; không đạt được những gì mong muốn là khổ; tóm lại, cả năm uẩn (*) để tham thủ là khổ"
-- Kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng, LVI-11)
(*) Năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Sáu căn:
"Và thế nào là Diệu Đế về Khổ? Câu trả lời phải là sáu căn đều khổ. Sáu căn đó là gì? Là căn của mắt (nhãn căn), căn của tai (nhĩ căn), căn của mũi (tỷ căn), căn của lưỡi (thiệt căn), căn của thân (thân căn), và căn của ý (ý căn). Đây là Sự Thật Cao Quý về Khổ."
-- Tương Ưng, LVI-14
Khổ như lửa cháy:
"Tất cả đều là lửa cháy. Cái gì là lửa cháy?
-- Mắt là lửa cháy. Hình sắc là lửa cháy. Nhận thức từ mắt là lửa cháy. Tiếp cận qua mắt là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy thuộc vào sự tiếp cận qua mắt, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.
-- Tai là lửa cháy. Âm thanh là lửa cháy. Nhận thức từ tai là lửa cháy. Tiếp cận qua tai là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy thuộc vào sự tiếp cận qua tai, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.
-- Mũi là lửa cháy. Mùi hương là lửa cháy. Nhận thức từ mũi là lửa cháy. Tiếp cận qua mũi là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy thuộc vào sự tiếp cận qua mũi, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.
-- Lưỡi là lửa cháy. Vị nếm là lửa cháy. Nhận thức từ lưỡi là lửa cháy. Tiếp cận qua lưỡi là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy thuộc vào sự tiếp cận qua lưỡi, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.
-- Thân là lửa cháy. Vật xúc chạm là lửa cháy. Nhận thức từ thân là lửa cháy. Tiếp cận qua thân là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy thuộc vào sự tiếp cận qua thân, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.
-- Ý là lửa cháy. Tư tưởng là lửa cháy. Nhận thức từ ý là lửa cháy. Tiếp cận qua ý là lửa cháy. Những gì sinh khởi tùy thuộc vào sự tiếp cận qua ý, cảm giác như là khoái lạc, đau đớn, hoặc không lạc không đau, đều đang thiêu cháy. Thiêu cháy với gì? Thiêu cháy với ngọn lửa tham, lửa sân, và lửa si. Ta nói với quý vị rằng tất cả đều đang thiêu cháy với sinh, già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng."
-- Tương Ưng, XXXV-28

2. Diệu Đế về Nguồn Gốc của Khổ - Dukkha Samudaya Ariya Sacca

"Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Đế về Nguồn Gốc của Khổ: lòng tham thủ làm cho sinh hữu -- kèm theo với ham muốn và ưa thích, thêm vào chỗ nầy chỗ kia , nghĩa là tham thủ các dục lạc, tham thủ thường sinh, tham thủ đoạn sinh."
-- Kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng, LVI-11)

Ai sống trong đời này,
Bị ái dục buộc ràng
Sầu khổ sẽ tăng trưởng,
Như cỏ Bi gặp mưa.
Ai sống trong đời này
Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy
Như giọt nước lá sen. (Pháp Cú, 335-336)

Như cây bị chặt đốn,
Gốc chưa hại vẫn bền
Ái tùy miên chưa nhổ,
Khổ này vẫn sanh hoài. (Pháp Cú, 338)

3. Diệu Đế về Sự Diệt Khổ - Dukkha Nirodha Ariya Sacca

"Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Đế về Diệt Khổ: sự tàn lụn và ngưng không còn tàn dư, sự xuất ly, sự từ bỏ, sự giải phóng, và sự buông bỏ lòng tham thủ"
-- Tương Ưng, XLVI-11
Tháo gỡ các nguyên nhân về khổ:
"Ta bảo với các vị tỳ kheo, việc chấm dứt các lậu hoặc không thể nào có được nơi những người không thấy và không biết. Thấy gì và biết gì? 'Đây là sắc, đây là nhân của nó, đây là sự tan biến của nó. Đây là cảm thọ, đây là nhân của nó, đây là sự tan biến của nó. Đây là tưởng, đây là nhân của nó, đây là sự tan biến của nó. Đây là hành, đây là nhân của nó, đây là sự tan biến của nó. Đây là thức, đây là nhân của nó, đây là sự tan biến của nó.' Việc chấm dứt các lậu hoặc chỉ có thể xảy ra nơi những người thấy và biết như thế.
Tuệ giác về sự đoạn diệt khi đoạn diệt hiện hữu là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là sự giải phóng.
-- Giải phóng là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là sự lạnh nhạt.
-- Sự lạnh nhạt là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là sự chán chường.
-- Chán chường là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là tri kiến về bản chất của sự vật.
-- Tri kiến về bản chất của sự vật là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là tâm định tĩnh.
-- Tâm định tĩnh là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là thư thái.
-- Thư thái là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là khinh an.
-- Khinh an là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là hỷ.
-- Hỷ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là lạc.
-- Lạc là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là tín tâm.
-- Khổ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là tái sinh.
-- Tái sinh là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là hữu.
-- Hữu là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là thủ.
-- Thủ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là tham muốn.
-- Tham muốn là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là thọ.
-- Thọ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là tiếp xúc.
-- Tiếp xúc là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là sáu xứ (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
-- Sáu xứ là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là danh sắc.
-- Danh sắc là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là thức.
-- Thức là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là nghiệp hành.
-- Nghiệp hành là do duyên sinh. Nó không thể xảy ra nếu không do duyên sinh. Duyên sinh của nó là gì? Đó là vô minh.
Cũng như khi chư thiên làm mưa sấm, trút nước vào vùng núi cao, nước nầy chảy xuống theo triền dốc, làm đầy các khe núi, hang động. Khi các khe và hang động đầy tràn, nước sẽ chảy xuống các hồ nhỏ. Khi các hồ nhỏ đầy tràn, nước sẽ chảy xuống các hồ lớn. Khi các hồ lớn đầy tràn, nước sẽ chảy xuống các dòng suối. Khi các dòng suối đầy tràn, nước sẽ chảy xuống các sông lớn. Khi các sông lớn đầy tràn, nước sẽ chảy ra đại dương. Cùng thế ấy:

Hành có vô minh là duyên,
Thức có hành là duyên
Danh sắc có thức là duyên
Sáu xứ có danh sắc là duyên,
Tiếp xúc có sáu xứ là duyên,
Thọ có tiếp xúc là duyên,
Tham muốn có thọ là duyên,
Chấp thủ có tham muốn là duyên,
Hữu có chấp thủ là duyên,
Sinh có hữu là duyên,
Hoạn khổ có sinh là duyên,
Tín tâm có hoạn khổ là duyên,
Lạc có tín tâm là duyên,
Hỷ có lạc là duyên,
Khinh an có hỷ là duyên,
Thư thái có khinh an là duyên,
Tâm định tĩnh có thư thái là duyên,
Tri kiến về bản chất của sự vật có tâm định tĩnh là duyên,
Chán chường có tri kiến về bản chất của sự vật là duyên,
Lạnh nhạt có chán chường là duyên,
Giải phóng có lạnh nhạt là duyên,
Tuệ giải thoát có giải phóng là duyên."
-- Tương Ưng, XII-23

Lý Duyên Sinh:
"Phương cách cao quý nào cần phải được nhận thấy đúng đắn và phân biệt rõ ràng bằng trí tuệ? Đây là lúc một người đệ tử cao sang quán xét được rằng:
Khi cái nầy hiện hữu thì cái kia hiện hữu
Từ việc khởi sinh cái nầy thì có khởi sinh cái kia.
Khi cái nầy không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu,
Từ việc đoạn diệt cái nầy thì có đoạn diệt cái kia."

Nói cách khác:
"Vô minh là duyên của hành,
Hành là duyên của thức,
Thức là duyên của danh sắc,
Danh sắc là duyên của sáu xứ,
Sáu xứ là duyên của tiếp xúc,
Tiếp xúc là duyên của thọ,
Thọ là duyên của tham,
Tham là duyên của chấp thủ,
Chấp thủ là duyên của hữu,
Hữu là duyên của sinh,
Sinh là duyên của già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng
Đó là nguồn gốc rốt ráo của hoạn khổ.

Giờ đây, chấm dứt và đoạn diệt vô minh, đưa đến đoạn diệt hành.
Đoạn diệt hành đưa đến đoạn diệt thức,
Đoạn diệt thức đưa đến đoạn diệt danh sắc,
Đoạn diệt danh sắc đưa đến đoạn sáu xứ,
Đoạn diệt sáu xứ đưa đến đoạn diệt tiếp xúc,
Đoạn diệt tiếp xúc đưa đến đoạn diệt cảm thọ,
Đoạn diệt cảm thọ đưa đến đoạn diệt tham muốn,
Đoạn diệt tham muốn đưa đến đoạn diệt chấp thủ,
Đoạn diệt chấp thủ đưa đến đoạn diệt hữu,
Đoạn diệt hữu đưa đến đoạn diệt sinh
Đoạn diệt sinh đưa đến đoạn diệt già, chết, ưu sầu, than khóc, đau đớn, buồn rầu, và tuyệt vọng.
Đó là sự chấm dứt rốt ráo các hoạn khổ.
Đây là phương cách cao quý cần phải được nhận thấy đúng đắn và phân biệt rõ ràng bằng trí tuệ"
-- Tăng Chi, X-92

4. Diệu Đế về Con Đường Diệt Khổ - Dukkha Nirodha Gamini Patipada Ariya Sacca

Bát Chánh Đạo:
"Nầy các vị tỳ kheo, đây là Diệu Đế về Con Đường Diệt Khổ, đó chính là Con Đường Tám Chánh (Bát Chánh Đạo): Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định."
-- Kinh Chuyển Pháp Luân (Tương Ưng, LVI-11)
Bát Chánh Đạo là Pháp Thừa (Dhammayana):
"Này Ananda, Con Đường Tám Chánh nầy là đồng nghĩa với cỗ xe tối thượng, là cỗ xe Pháp, là sự chiến thắng vô thượng trong mọi chiến trận nhiếp phục tham, sân, si."
-- Tương Ưng, V-4

Định nghĩa về tám chi phần:
"Này các vị tỳ kheo, thế nào là chánh tri kiến? Đó là sự thông hiểu về khổ, sự thông hiểu về nguyên nhân của khổ, sự thông hiểu về sự diệt khổ, và sự thông hiểu về con đường diệt khổ.
Thế nào là chánh tư duy? Đó là tư duy về sự xuất ly, tư duy về vô sân, tư duy về vô hại.
Thế nào là chánh ngữ? Đó là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm.
Thế nào chánh nghiệp? Đó là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ hành động tà dâm.
Thế nào là chánh mạng? Đó là đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng.
Thế nào là chánh tinh tấn? Đó là tinh tấn ngăn chận không cho khởi sanh các bất thiện pháp chưa sanh, tinh tấn trừ diệt các bất thiện pháp đã sanh, tinh tấn phát khởi các thiện pháp chưa sanh, và tinh tấn duy trì các thiện pháp đã sanh.
Thế nào là chánh niệm? Đó là sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán thọ trên thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời; sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, điều phục mọi tham ưu trên đời.
Thế nào là chánh định? Đó là ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền-na thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ; rồi làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú vào Thiền-na thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm; rồi ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú vào Thiền-na thứ ba; rồi xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào Thiền-na thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh."
-- Tương Ưng, V-8

Tìm lại Con Đường Cũ Xa Xưa:
"Có một người đang đi theo một con đường mòn trong rừng. Đột nhiên người ấy tìm ra được một con đường cũ xa xưa mà các vị tiền nhân thường dùng. Người ấy liền đi theo con đường ấy. Sau đó, người ấy tìm lại được thành phố cổ xưa mà ngày trước đã có nhiều người trú ngụ, với các công viên, vườn cây, hồ ao, đền đài tráng lệ. Người ấy trở về, báo cáo với vua và các quan đại thần: 'Thưa bệ hạ, khi thần dân đi theo con đường mòn trong rừng, thần dân đã tìm lại được một con đường cũ xa xưa. Thần dân liền đi theo con đường ấy. Sau đó, thần dân tìm lại được thành phố cổ xưa mà ngày trước đã có nhiều người trú ngụ, với các công viên, vườn cây, hồ ao, đền đài tráng lệ. Kính xin bệ hạ hãy trùng tu lại thành phố ấy.' Sau đó, nhà vua và các quan đại thần quyết định trùng tu thành phố cổ đó, và về sau, thành phố nầy trở nên phồn thịnh, đông dân cư, phát triển lớn mạnh và giàu có.
Cùng thế ấy, ta đã tìm lại con đường cũ xa xưa, một con đường mà các Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác đều đi qua trong các thời kỳ trước. Con đường cũ xa xưa đó là gì? Đó là Con Đường Tám Chánh: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Ta đã đi theo con đường ấy.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về già và chết, tri kiến về nguyên nhân của già và chết, tri kiến về đoạn diệt già và chết, tri kiến về con đường đoạn diệt già và chết.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về sinh, tri kiến về nguyên nhân của sinh, tri kiến về đoạn diệt sinh, tri kiến về con đường đoạn diệt sinh.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về hữu, tri kiến về nguyên nhân của hữu, tri kiến về đoạn diệt hữu, tri kiến về con đường đoạn diệt hữu.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về chấp thủ, tri kiến về nguyên nhân của chấp thủ, tri kiến về đoạn diệt chấp thủ, tri kiến về con đường đoạn diệt chấp thủ.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về tham muốn, tri kiến về nguyên nhân của tham muốn, tri kiến về đoạn diệt tham muốn, tri kiến về con đường đoạn diệt tham muốn.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về thọ, tri kiến về nguyên nhân của thọ, tri kiến về đoạn diệt thọ, tri kiến về con đường đoạn diệt thọ.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về tiếp xúc, tri kiến về nguyên nhân của tiếp xúc, tri kiến về đoạn diệt tiếp xúc, tri kiến về con đường đoạn diệt tiếp xúc.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về sáu xứ, tri kiến về nguyên nhân của sáu xứ, tri kiến về đoạn diệt sáu xứ, tri kiến về con đường đoạn diệt sáu xứ.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về danh sắc, tri kiến về nguyên nhân của danh sắc, tri kiến về đoạn diệt danh sắc, tri kiến về con đường đoạn diệt danh sắc.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về thức, tri kiến về nguyên nhân của thức, tri kiến về đoạn diệt thức, tri kiến về con đường đoạn diệt thức.
Theo con đường đó, ta đã có được tri kiến về nghiệp hành, tri kiến về nguyên nhân của nghiệp hành, tri kiến về đoạn diệt nghiệp hành, tri kiến về con đường đoạn diệt nghiệp hành.
Tri kiến được như thế, ta đã truyền dạy lại cho các nam và nữ tu sĩ, nam và nữ cư sĩ, để đời sống thánh thiện nầy được trở nên hùng mạnh, huy hoàng, quảng bá sâu rộng cho chư thiên và loài người".
-- Tương Ưng, XII-65

Con đường giải thoát:
Nầy Subhada, nếu giáo pháp nào mà không hàm chứa Bát Chánh Đạo thì giáo pháp đó không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự lưu, Tu đà hoàn), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư đà hàm), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A na hàm), không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A la hán).
Nầy Subhada, nếu giáo pháp nào có hàm chứa Bát Chánh Đạo thì giáo pháp đó sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự lưu, Tu đà hoàn), sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư đà hàm), sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A na hàm), sẽ đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A la hán).
Nầy Subhada, giáo pháp của Ta có hàm chứa Bát Chánh Đạo nên giáo pháp đó đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ nhất (Dự lưu, Tu đà hoàn), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ hai (Nhất lai, Tư đà hàm), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ ba (Bất lai, A na hàm), đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thứ tư (Vô sanh, A la hán). Các hệ giáo pháp khác đều không đào tạo các vị sa môn đạt đạo quả thánh, đắc tuệ giải thoát. Nầy Subhada, khi nào các vị sa môn tu tập và truyền giảng Chánh Pháp một cách đúng đắn thì thế giới nầy sẽ không bao giờ trống vắng các bậc A la hán giải thoát.
-- Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh, 16:214

000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000000

Mười hai nhân duyên

S: pratītya-samutpāda; P: paṭicca-samuppāda; Hán Việt: Thập nhị nhân duyên (十 二 因 緣); nguyên nghĩa là Duyên khởi (緣 起), Nhân duyên sinh ( 因 緣 生 ), nhưng vì luật nhân duyên này bao gồm mười hai nhân duyên (điều kiện, s: nidāna) nên gọi là Mười hai nhân duyên (s: dvādaśanidāna hoặc dvādaśāṅga-pratītyasamutpāda).

Một trong những giáo lí quan trọng nhất của đạo Phật. Nguyên lí này chỉ rõ, mọi hiện tượng tâm lí và vật lí tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm thành một vòng với mười hai yếu tố. Các yếu tố này làm loài hữu tình cứ mãi vướng mắc trong Luân hồi (s: saṃsāra).

Nguyên lí mười hai nhân duyên và giáo pháp Vô ngã (s: anātman; p: anattā) là hai giáo pháp làm rường cột cho tất cả các tông phái Phật giáo. Các nhân duyên (nguyên nhân chính và điều kiện phụ) này gồm có 12 yếu tố như sau:

1. Vô minh (無 明; s: avidyā; p: vijjā), sự không thấu hiểu Tứ diệu đế, không hiểu Khổ là tính chất căn bản của đời sống;

2. Vô minh sinh Hành (行; s: saṃskāra; p: saṅkhāra), hành động tạo nghiệp. Hành động này có thể tốt, xấu hay trung tính. Hành có thể ở trong ba dạng, Thân, khẩu, ý;

3. Hành sinh Thức (識; s: vijñāna; p: viññāṇa), làm nền tảng cho một đời sống tới. Thức này đi vào bụng mẹ. Thức lựa chọn cha mẹ đúng như Hành tốt xấu qui định;

4. Thức sinh Danh sắc (名 色; s, p: nāmarūpa), là toàn bộ tâm lí và vật lí của bào thai mới, do Ngũ uẩn (s: pañcaskandha; p: pañca-khandha) tạo thành;

5. Danh sắc sinh Lục căn (六 根; s: ṣaḍāyatana; p: saḷāyatana), là các giác quan, sáu căn (năm giác quan và khả năng suy nghĩ là sáu);

6. Lục căn bắt đầu tiếp xúc với bên ngoài gọi là Xúc ( 觸; s: sparśa; p: phassa);

7. Xúc sinh Thụ (受; s, p: vedanā), là cảm nhận của con người mới với thế giới bên ngoài;

8. Thụ sinh Ái (愛; s: tṛṣṇā; p: taṇhā), luyến ái xuất phát từ ham muốn, vô minh;

9. Ái sinh Thủ (取; s, p: upādāna) là điều cá nhân mới muốn chiếm hữu cho mình;

10. Thủ sinh ra Hữu (有; s, p: bhāva), là toàn bộ điều mà ta gọi là tồn tại, sự sống, thế giới.

11. Hữu sinh ra Sinh (生; s, p: jāti), một thế giới và cá nhân mới xuất hiện hẳn hoi;

12. Sinh sinh ra Lão tử (老 死; s, p: jarāmaraṇa), vì có Sinh nên có hoại diệt.

Người ta có thể nhìn mười hai nhân duyên dưới nhiều cách phân tích khác nhau. Cách phân tích thông thường có tính thời gian là: yếu tố 1-2 thuộc về đời sống cũ, yếu tố 3-7 là điều kiện và nguyên nhân sinh thành của đời sống mới, yếu tố 8-10 là kết quả trong đời sống hiện tại, yếu tố 11-12 chỉ đời sống tương lai.

Mười hai nhân duyên chỉ rõ tính chất liên hệ lẫn nhau của dòng chảy »Tâm«, »Vật« của thế giới hiện tượng, trong đó những khái niệm quan trọng nhất là »Ta«, »Người«, »Sinh vật«. Nếu thuyết vô ngã chỉ rõ thế giới và con người do các yếu tố giả hợp kết thành với nhau, thật chất là trống rỗng; thì thuyết nhân duyên có tính chất tổng hợp các yếu tố đó, chỉ ra rằng mọi hiện tượng thân tâm đều bắt nguồn từ những hiện tượng khác. Sự phụ thuộc lẫn nhau đó có thể nhìn dưới khía cạnh đồng thời hoặc có thứ tự thời gian.

Thuyết Mười hai nhân duyên được các trường phái Phật giáo giải thích khác nhau. Tiểu thừa cho rằng thuyết này đã giải thích nguyên nhân của khổ và tất cả mọi pháp hữu vi (s: saṃskṛta) đều có nguyên nhân và điều kiện mới sinh ra nên chúng vô ngã – không có một tự tính nào. Như thế thuyết Mười hai nhân duyên nhằm dẫn đến quan điểm vô ngã.

Trong Ðại thừa, Mười hai nhân duyên được sử dụng để chứng minh sự không thật của sự vật và đặc biệt trong Trung quán tông (s: mādhyamika), Mười hai nhân duyên được định nghĩa là tính Không. Kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa nhấn mạnh rằng, Mười hai nhân duyên không nên hiểu theo thứ tự thời gian. Thuyết này nói lên sự liên hệ của vạn vật một cách tổng quát.

000OOO000

“Thế nào là pháp duyên sanh[15]? Là vô minh, hành,... Dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới[16]. Pháp này Như lai đã tự giác tri, thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển bày; rằng: Duyên vô minh có hành, cho đến, duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, não, khổ.

Theo các nhà Tiểu thừa thì pháp duyên sinh này dù có Phật ra đời hay không ra đời pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới. Pháp này Như Lai đã tự giác tri thành Đẳng chánh giác, vì chúng sanh mà diễn nói chỉ dạy, hiển bày, rằng:

- Chúng sanh từ vô thỉ cho đến nay, vì vô minh hoặc nghiệp các phiền não theo đó mà khởi, nên đối với thật sự, thật lý không nhận thức một cách rõ ràng minh bạch. Đó gọi là VÔ MINH.

- Vì đối với thật sự, thật lý không biết rõ nên tạo ra các tác nghiệp. Đó gọi là HÀNH

- Khi nghiệp nhân quá khứ mang thần thức đi thác thai trong sát-na ban đầu. Đó gọi là THỨC.

- Sau khi nhập thai, thì cá thể kia có đầy đủ hai yếu tố là sắc (chỉ cho thân xác),phi sắc (chỉ cho thọ, tưởng, hành, thức); nhưng lúc này sáu giác quan chưa hoàn thành. Đó gọi là DANH SẮC. Danh (thọ, tưởng, hành, thức) sắc (chỉ cho xác thịt).

- Sau khi nhập thai xong, sáu giác quan của thai nhi bắt đầu dần dần tăng trưởng hình thành. Đó gọi là LỤC NHẬP

- Sau khi thai nhi ra đời, thời gian từ 1 tuổi cho đến 3 tuổi là thời gian đứa trẻ bắt đầu dùng sáu giác quan (lục căn) của mình tiếp xúc với hoàn cảnh chung quanh (lục trần) của mình để phát sinh biết (lục thức). Trong thời gian này, tuy có sự tiếp xúc, có phát sinh ra biết, nhưng những cảm giác đối với việc khổ việc vui chưa nhận ra rõ ràng minh bạch được. Đó gọi là XÚC.

- Khi đứa bé lên 4 tuổi và cho đến 15 tuổi, đây là thời gian đối với những việc khổ, vui đứa bé bắt đầu có cảm giác phân biệt rõ ràng, từ đó sinh ra tri giác; nhưng thời gian này chưa khởi lên tham dục. Đó gọi là THỌ.

- Con người theo thời gian càng lớn, ham muốn dục vọng càng tăng trưởng. Lòng dục thúc đẩy (Ý) được thể hiện ra ngoài hành động (thân, khẩu), nhưng vẫn chưa tìm cầu sâu rộng lắm. Đó gọi là ÁI.

- Khi tuổi hoàn toàn trưởng thành, con người muốn đạt được tất cả mọi thứ mong cầu, nên đi khắp nơi tìm kiếm đem về cho mình. Đó gọi là THỦ.

- Vì có sự tìm cầu, chứa nhóm cho mình, nên các hoặc nghiệp cũng từ đó phát sinh. Đó gọi là HỮU.

- Do nghiệp lực hiện tại, nên sau khi từ bỏ xác thân này, lại phải tiếp tục dẫn khởi thần thức ở trong sát-na đầu thai vào trong tương lai. Đó gọi là SANH.

- Mỗi sát-na, từ khi sinh cho đến khi từ bỏ thân mạng, giai đoạn thời gian này gọi là LÃO TỬ.

Đó là cách quán lưu chuyển hay còn gọi là quán thuận qua mười hai nhân duyên, ngược cách quán này gọi là quán hoàn diệt hay còn gọi là quán nghịch bắt đầu từ vô minh khát ái diệt bằng không tạo ra tác nhân thì thọ quả hành cũng không, … cho đến sanh, lão tử cũng không hiện hữu, và như vậy vòng xích mười hai nhân duyên không còn nữa. Đó là cách giải thích thông thường quán thuận nghịch theo kinh nguyên thỉ của các nhà Tiểu thừa.

28 novembre 2007

BÁT CHÁNH ĐẠO

BÁT CHÁNH ĐẠO

Cư Trần Lạc Đạo


Trong cuộc đời này, trên thế gian này, con người khi gặp, những việc tai biến, những sự bất trắc, chuyện bất như ý, thường có khuynh hướng, cầu nguyện van xin, tổ tiên ông bà, thánh thần thiên địa, ngọc hoàng thượng đế, Bồ Tát Phật Tổ, từ bi gia hộ, thương xót cứu giúp, cho được bình yên, tai qua nạn khỏi.  Nhưng chính thực ra, chúng ta ai ai, cũng hiểu biết rằng: các việc cầu nguyện, chỉ có tác dụng, giúp cho con người, tạm được an tâm, chỉ trong giây phút, cầu nguyện đó thôi.  Chứ có mấy ai, cầu gì được nấy?  Cầu nguyện van xin, không được đáp ứng, chẳng lẽ thiên địa, không lòng bác ái, Bồ Tát Phật Tổ, không tâm từ bi?  Còn như chư Phật, thường được gọi là: cứu độ chúng sanh, nhưng bằng cách nào, và như thế nào?

Đạo Phật chỉ dạy: cầu nguyện van xin, không phải cứu kính.  Theo như quan niệm, đạo Phật xưa nay, cầu nguyện được xem, như lời chúc lành, những điều mong muốn, rất là thiết tha, chỉ với mục đích: hoàn toàn vị tha, không pha vị kỷ, vì người hết lòng, chứ không vì mình, bằng cách phát tâm, đại từ đại bi.  Chẳng hạn như là: chúng ta cầu nguyện, thế giới hòa bình, quốc thới dân an, phong điều vũ thuận, chúng sanh an lạc.  Mỗi khi làm được, việc làm nào tốt, có được công đức, hay phước báu nào, chúng ta cũng đều, hồi hướng cầu nguyện, đến cho tất cả, mọi loài chúng sanh, đều được trọn thành, Phật đạo vô thượng.  Chẳng hạn như là: chúng ta cầu nguyện, ông bà cha mẹ, đều được mạnh khỏe, bình yên vui vẻ, sống lâu trăm tuổi.  Song các việc đó, có được hay không, còn tùy phước duyên, của riêng cha mẹ.  Tuy nhiên cần biết, cầu nguyện như vậy, cũng nói lên được, tấm lòng hiếu thảo, tha thiết chân thành, của các con cháu, gia tộc nội ngoại.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:

Hãy tự thắp đuốc,

tự mình bước đi.

Thắp sáng trí tuệ,

ngọn đuốc chánh pháp.

Nghĩa là mọi người, tự mình tích cực, chuyển hóa thân tâm, bằng cách cố gắng, học hiểu giáo lý, của chính đạo Phật, ngọn đuốc Chánh Pháp, soi đường chỉ lối, giúp cho con người, thoát ly phiền não, cuộc đời khổ đau, nếu như thực sự, áp dụng vào trong, đời sống hằng ngày.  Đó chính là cách, duy nhất không hai, thập phương tam thế, chư Phật Bồ Tát, cứu độ chúng sanh.  Những người Phật Tử, chân chánh cầu đạo, cần nên nhớ kỹ, nhớ rõ điều này.

* * *

Theo như giáo lý, của chính đạo Phật, con người cần phải, can đảm nhìn nhận, sự thực đó là: cuộc đời trần thế, khổ nhiều vui ít, nhưng không vì thế, tư tưởng tiêu cực, bi quan yếm thế, ngán ngẩm chán chường.  Trái lại cần phải, tích cực tìm phương, để được giác ngộ, và được giải thoát, không hề thụ động, chấp nhận số mạng, không hề tin chuyện, cầu nguyện van xin.  Để giúp chúng sanh, được sống an vui, xả trừ triền phược, cắt đứt trói buộc, dẹp tan phiền não, thoát ly đau khổ, ở trong tam tạng, kinh điển giáo lý, Đức Phật chỉ dạy: con đường chân chánh, hay: "Bát Chánh Đạo".

Bát chánh đạo là: phương pháp giản dị, rất thích hợp với, đời sống hằng ngày, của các chúng sanh, chỉ nhằm mục đích, cải thiện tâm lý, ngôn từ hành động, giúp đỡ con người, hiểu rõ thấy rõ, đâu là tà đạo, và biết cách sống, đúng theo chánh đạo.  Bát chánh đạo giúp, chúng sanh hướng về, tiến đến đời sống, chí diệu cao siêu, hay ít ra cũng, xây dựng cho được, đời sống an lạc, và thêm hạnh phúc.  Vì vậy cho nên, đôi khi kinh sách, gọi bát chánh đạo, là: bát thánh đạo.

Bát chánh đạo là: con đường chân chánh, dẫn đưa chúng sanh, đến chỗ giác ngộ, và được giải thoát, gồm có tám điều, chân chánh đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

* *

1.- CHÁNH kiến: Trước hết, chúng ta nhận thức mọi sự sự vật vật hiện hữu, tức là muôn pháp trên thế gian, khắp pháp giới, đều do nhân duyên sinh, không trường tồn và sẽ biến diệt.  Đó là: "Lý Nhân Quả" và "Lý Vô Thường", hai chánh kiến quan trọng mọi người cần thấu triệt.

A.- Thế nào là chánh kiến: Chánh kiến là kiến thức chân chánh.  Nghĩa là con người cần có sự hiểu biết và sự nhận thức sáng suốt và hợp lý.  Chánh kiến có ích lợi giúp con người không sống trong mê lầm, điên đảo.  Người có chánh kiến, thấy như thế nào, thì nhận đúng như thế ấy, không thay đổi trắng đen, không kỳ thị xấu tốt, không phê phán hay dở.  Chánh kiến là sự hiểu biết và nhận thức không bị tập quán, thành kiến, dục vọng hay tâm phân biệt, ngăn che và làm sai lạc.  Người có chánh kiến, hiểu biết tường tận, thế nào là chánh tà, chơn ngụy, đại tiểu, thiên viên, nhưng luôn luôn sống với tâm bình thường, tâm chính trực và tâm bất tùy phân biệt.

*

a) Lý nhân quả: Chúng ta ai ai cũng biết: "Gieo nhân nào gặt quả nấy".  Thí dụ như có hột cam gieo xuống đất, gọi là "nhân", cộng thêm nước tưới, ánh sáng, phân bón, công chăm sóc, gọi là "trợ duyên", chúng ta sẽ gặt hái được "quả cam", sau một thời gian nào đó.  Không thể nào gieo hột cam ngọt lại gặt quả chanh chua được, hay ngược lại.  Lý nhân quả còn được gọi là lý nhân duyên.

* Không bao giờ có quả mà không có nhân.  Có mây mới có mưa, có lửa mới có khói, gieo gió mới gặt bão, sinh sự thì sự sinh.  Không thể nào tự nhiên có cái cây mọc lên, mà không có hạt giống trong đất.  Không thể có chuyện tự nhiên chúng tới chửi mình, mà mình chẳng có làm gì hết, trong kiếp này hay những kiếp trước!  Đó là sự thực, là chân lý.  Đó là lý nhân quả hay lý nhân duyên.  Nhận rõ quả báo của hành vi, ngôn từ và ý niệm của chính mình như vậy, chúng ta sẽ không trách người, trách trời, trách đất gì hết, chỉ biết trách mình, cho nên không còn phiền não và khổ đau nữa.  Trái lại, chúng ta tích cực sửa đổi tâm tánh, tu tâm dưỡng tánh, làm sao cho mỗi ngày một tốt đẹp hơn, để cuộc đời được sáng sủa hơn, gia đình được hạnh phúc hơn.

* Việc này sinh ra do việc kia đã sinh ra.  Không có chuyện gì xảy ra, dù lớn hay nhỏ, dù quan trọng hay bình thường, mà không do có chuyện khác xảy ra trước đó.  Thí dụ như chúng ta có cái bánh để ăn, nguyên do trước đó có bột, có đường và có công thợ, dĩ nhiên cũng do chúng ta có tiền mua, hoặc có người đem cho.  Thí dụ như: Cơ thể phát phì, nguyên do ăn uống quá độ.  Nghèo túng, nguyên do làm biếng.  Bệnh tật, nguyên do thiếu vệ sinh.  Con cái không có tình thương đậm đà, nguyên do cha mẹ không thường xuyên chăm sóc, gần gũi.  Thiên hạ thù ghét, nguyên do lời nói khó nghe.  Vợ chồng lục đục, nguyên do thiếu sự cảm thông, thiếu sự hiểu biết, thiếu sự hòa hợp.  Ngoài ra, còn biết bao nhiêu nguyên do khác nữa.

* Muôn sự muôn việc trên thế gian này đều do nhân duyên sinh.  Mọi sự mọi việc không do ông trời, không do một đấng tạo hóa đầy quyền năng nào tạo ra cả.  Có người cho rằng: chính con người sinh ra thượng đế, bởi vì thượng đế chỉ là sản phẩm do con người tưởng tượng mà thôi.  Mỗi đạo giáo, mỗi dân tộc, mỗi thời gian, có mỗi quan niệm khác nhau về thượng đế.  Thượng đế, nếu có thực, không thể để cho các người thế gian lợi dụng danh nghĩa và phải là đấng chí công vô tư.  Tại sao lại có những chuyện: trời thương người này hơn người kia, cho người này sung sướng hơn người kia, người này sinh ra khỏe mạnh, trong cảnh giàu sang, người kia sinh ra tật nguyền, trong cảnh nghèo khó, dân tộc này giàu sang sung sướng, dân tộc khác nghèo nàn khổ cực?

Theo giáo lý của đạo Phật, sở dĩ người này khác người kia về phương diện này hay phương diện nọ, bởi vì mỗi người tạo tác nghiệp nhân khác nhau, cho nên nhận nghiệp quả khác nhau.

Cũng như người làm bánh thì ăn bánh, người nấu chè thì ăn chè.

Chính mình làm mình hưởng. Chính mình làm mình chịu.

Đó mới thực là chí công vô tư vậy.

*

b) Lý vô thường: Chúng ta ai ai cũng biết: "Có sinh ắt có diệt".  Nghĩa là muôn sự muôn vật trên thế gian này đều không tồn tại vĩnh viễn.

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy:

Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng.

Nghĩa là bất cứ vật nào có hình tướng, nhìn thấy được bằng cặp mắt thường, lớn như quả núi, tòa nhà, nhỏ như tấm thân chúng ta, như hạt cải, hạt cát, tất cả đều hư vọng, đều trải qua bốn giai đoạn: "sinh, trụ, dị, diệt".  Mọi vật sinh ra, trụ thế một thời gian ngắn dài, rồi cũng biến dị và cuối cùng cũng bị diệt mất!  Thí dụ như: Cây bông hồng từ hạt giống trong đất sinh ra, mọc lên, trổ hoa.  Hoa hồng khoe hương sắc, ít ngày sau héo úa, tàn lụi, trở thành phân bón cho bông hồng khác sau này.  Cuộc đời cứ như thế tiếp diễn không ngừng, đạo Phật gọi là "sự luân hồi", cũng như bánh xe quay mãi, quay mãi vậy.

Hiểu được như vậy, khi của cải vật chất, xe hơi đồ đạc bị mất mát hư hao, khi con cái lỡ tay đập bể hay làm hư hại vật gì, dù quí giá đến đâu, thậm chí khi người thân đến lúc qua đời, chúng ta sẽ không khổ đau nhiều.  Hiểu được như vậy, khi gặp một việc tai biến, một sự bất trắc, một chuyện bất như ý, thậm chí tán gia bại sản, người thân biến thành kẻ thù, chúng ta cũng sẽ không đau khổ nhiều.  Chuyện gì rồi cũng sẽ qua, có gì tồn tại mãi mãi đâu mà cố chấp, tranh đua hơn thua, cái mạng sống này còn không giữ được nữa, huống là thứ gì khác trên đời này?  Có ai sống mãi không chết?  Có ai trẻ mãi không già?  Có ai khỏe mãi không đau?  Đó là lý vô thường.

Sách có câu: Bèo hợp rồi tan, trăng tròn rồi khuyết.  Cuộc đời cứ như thế xoay vần đổi thay, không bao giờ dừng.  Thường xuyên quán chiếu, tin sâu "Lý Nhân Quả" và "Lý Vô Thường", cuộc đời của con người sẽ an lạc và hạnh phúc hơn.

Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có dạy:

Nhân duyên hòa hợp hư vọng hữu sinh.

Nhân duyên ly tán hư vọng hữu diệt.

Nghĩa là: Muôn sự muôn vật trên thế gian này do nhân duyên hình thành, tạm gọi là sinh.  Muôn sự muôn vật do nhân duyên tan rã, tạm gọi là diệt.  Thí dụ như: Một chiếc xe mới được hình thành do tất cả các bộ phận, các phụ tùng ráp lại, tạm gọi là sinh.  Đến khi xe hư, các phụ tùng, các bộ phận được tháo rời ra, chiếc xe không còn nữa, tạm gọi là diệt.  Thí dụ khác: Tấm thân tứ đại của chúng ta cũng vậy, hình thành do đất, nước, gió, lửa, tạm gọi là sinh.  Sống đời một thời gian nào đó, khi hết nhân duyên, thì cát bụi trở về với cát bụi, tạm gọi là chết.  Tại sao vậy?  Bởi vì khi đó, chính là lúc chúng ta bắt đầu một kiếp khác.  Bánh xe luân hồi đang chuyển động đó vậy.

*

B.- Thế nào là tà kiến: Ngược lại, tà kiến là sự hiểu biết và nhận thức sai lầm.  Theo quan điểm của Phật giáo, cho sự hiện hữu của tự thân và hoàn cảnh đều là tự nhiên, không có quả báo cùng nhiều duyên khác tập hợp, đó là tà kiến và mê tín.  Chấp thượng đế tạo vật, phủ nhận nhân quả nghiệp báo, chủ trương định mệnh, phủ nhận kết quả của hành nghiệp, đó là tà kiến và mê tín.  Quan niệm thương ghét khác biệt giữa người và người, giữa người và vật, coi thú vật sinh ra để nuôi sống con người, đó là tà kiến và mê tín.

Cố chấp thành kiến, quan niệm phân biệt phải trái, đúng sai cố định, đi tới kết luận, người nào không tin theo tín ngưỡng như mình, đều phải bị trừng trị nghiêm khắc, phải bị đọa địa ngục đời đời, đó là tà kiến và mê tín.  Chấp theo thần thoại, đồng bóng bói toán, xem sao giải hạn, định hướng nhà cửa, tin bướng tin càn, tin vô căn cứ, làm bể cái gương, điềm không may mắn, đầu năm quét nhà, tài lộc ra cửa, mùng năm mười bốn hăm ba của dân ta, con số 13 của dân tây, cho là xui xẻo, đó là tà kiến và mê tín.  Đốt vàng mã, tiền bạc, xe hơi, nhà lầu, áo quần, hình nhơn bằng giấy, cho người chết xài dưới âm phủ, đó là tà kiến và mê tín.  Không may đau bệnh, không khám bác sĩ, không đi bệnh viện, không muốn uống thuốc, không chịu kiêng cữ, lại đi xem bói, thỉnh bùa chú giấy, đem về đốt uống, nước tiên nước thánh, nước suối nước sông, chẳng hạp vệ sinh, cũng đem về uống, đó là tà kiến và mê tín.

Nói chung, những điều gì phản khoa học, trái với chân lý, không theo lý trí, chẳng thể xét suy, không thể kiểm chứng, đều được gọi là tà kiến và mê tín.  Tà kiến và mê tín thường có nơi những người có lòng cố chấp nặng nề, chấp ngã và chấp pháp, dù người bình dân, hay kẻ học thức, ở ngoài thế gian, cũng như trong đạo.  Đức Phật ra đời, thuyết pháp độ sinh, phá màn vô minh, dẹp tan tà kiến, mê tín dị đoan, chỉ nhằm mục đích, khai thị chúng sanh, ngộ nhập trí tuệ bát nhã, trong Kinh Pháp Hoa, gọi là Tri Kiến Phật, để được giác ngộ và giải thoát.

* *

2.- CHÁNH tư duy: Sách có câu: "Bình an dưới thế cho người thiện tâm".

Người thiện tâm luôn luôn nghĩ tốt, nghĩ đúng, nghĩ thiện, cho nên làm tốt, làm đúng, làm thiện, và nói tốt, nói đúng, nói thiện.  Người thiện tâm là người có tâm trí luôn luôn được bình an, thảnh thơi, thư thái.

A.- Thế nào là chánh tư duy: Chánh tư duy là sự suy nghĩ chân chánh.  Nghĩa là con người cần phải nghiệm xét, nghĩ suy, quán chiếu một cách đúng đắn, hợp với chân lý, không trái với lẽ phải, có lợi cho mình và cho người.  Chúng ta thường xuyên suy nghĩ đến "giới, định, tuệ" để tu tập giải thoát, suy nghĩ nguyên nhân gây đau khổ cho chúng sanh, để giải thích và khuyến tu, suy nghĩ những hành vi lỗi lầm, những lời nói sai trái và những tâm niệm xấu xa của chính mình để sám hối và cải đổi.  Tất cả những điều đó gọi là chánh tư duy.

Chư Tổ có dạy:

Phản quan tự kỷ bổn phận sự.

Nghĩa là quay lại chiêm nghiệm, suy xét, quán sát tự tâm chính mình là phận sự của chúng ta.  Chánh tư duy có ích lợi giúp con người không sống trong đen tối, không phạm lỗi lầm do mê tín dị đoan.

Ngày xưa, thời Đức Phật còn tại thế, có một người con của vị quốc sư, tên là Ma Ha Ca Chiên Diên, đến với Đức Phật xin được xuất gia tu hành.  Đức Phật hỏi nguyên do nào ông phát tâm như thế.  Ông trả lời rằng: Bởi vì ông chiêm ngưỡng 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Đức Phật.  Đức Phật bèn nói: Như vậy, sau này khi thân tướng Như Lai già yếu, ông không còn phát tâm nữa sao?  Lần thứ hai, ông lại đến xin được xuất gia.  Đức Phật lại hỏi nguyên do.  Lần này ông đáp:  Bởi vì ông tôn trọng pháp âm vi diệu của Đức Phật.  Đức Phật bèn nói: Như vậy, sau này khi Như Lai không thuyết pháp, ông không còn phát tâm nữa sao?  Lần thứ ba, ông lại đến xin được xuất gia.  Đức Phật cũng hỏi nguyên do.  Lần này ông đáp: Bởi vì ông kính phục chư tăng tu hành nghiêm túc, cẩn mật.  Đức Phật bèn nói: Như vậy, sau này khi tình cờ thấy vị tăng nào tu hành không như ý ông, ông không còn phát tâm nữa sao?

Ba lần xin được xuất gia đều không toại nguyện, dù ông hết lòng tán thán tam bảo bên ngoài: Phật, Pháp, Tăng.  Lần sau cùng, ông đến với Đức Phật và bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn, từ lâu con đã nghe Thế Tôn thuyết pháp, con đã suy nghĩ tường tận chín chắn. Sau đó, đem áp dụng cho bản thân, áp dụng trong gia đình, con thấy có ích lợi thiết thực, tâm được khinh an, gia đạo được yên vui. Cho nên con phát tâm xuất gia để tu hành rốt ráo, cho đến giác ngộ và giải thoát, để tự lợi và lợi tha. Ngưỡng mong Đức Thế Tôn rủ lòng từ bi hứa khả.  Lần đó, Đức Phật chấp nhận.  Sau này, Đại Đức Ma Ha Ca Chiên Diên trở thành vị đệ tử nghị luận bậc nhứt trong tăng đoàn thời Phật.

Lời tác bạch của Đại Đức Ma Ha Ca Chiên Diên mang ý nghĩa sâu sắc trong nhà Phật: Ngài đã nghe Đức Phật thuyết giảng giáo lý, đã suy nghĩ một cách chín chắn tường tận, mới đem áp dụng vào đời sống của Ngài và của gia đình.  Đó chính là ba bước "văn, tư, tu" để phát triển trí tuệ bát nhã.  Văn có nghĩa là nghe, là học hỏi, là nghiên cứu.  Tư có nghĩa là tư duy, là suy nghĩ chân chánh.  Tu có nghĩa là sửa đổi, là thực hành, là áp dụng.  Còn được gọi là "Tam Tuệ Học" trong Phật giáo.  Ba lần đầu, Ngài hướng lòng tôn kính đến tam bảo bên ngoài, nên chưa được chấp nhận.

Sau cùng, Ngài biết "phản quan tự kỷ", hướng về "tam bảo tự tâm", biết đường hướng tu hành, để phát sanh trí tuệ.  Nghĩa là Phật Tử biết hướng về bản tánh sáng suốt của tự tâm gọi là Phật, hướng về pháp môn vi diệu của tự tâm gọi là Pháp, hướng về bản thể thanh tịnh của tự tâm gọi là Tăng.  Do đó Ngài được chấp nhận, bởi vì đạo Phật là đạo giác ngộ và giải thoát, con người đến với đạo Phật bằng cửa trí tuệ, chứ không phải bằng niềm tin như các tôn giáo khác. 

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:

Tin tưởng Như Lai mà không hiểu Như Lai, tức là phỉ báng Như Lai.

Đó chính là chánh tư duy vậy.

*

B.- Thế nào là tư duy bất chánh: Ngược lại, sự suy nghĩ ích kỷ, lợi mình hại người gọi là tư duy bất chánh.  Người nào suy nghĩ đến chuyện tà thuật để mê hoặc lòng người, suy nghĩ đến những phương cách sâu độc để hại người hại vật, suy nghĩ đến mưu cơ để trả thù báo oán, suy nghĩ đến tài sắc danh vọng, đều gọi là tư duy bất chánh.  Người nào luôn luôn suy nghĩ đến chuyện lợi mình hại người như vậy, chắc chắn cuộc sống không bình an, luôn luôn bất ổn, hại người nên sợ người hại, gạt người nên sợ người gạt.

* *

3.- CHÁNH ngữ:

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật có dạy:

Không nên nói lời vô nghĩa. Phải giữ gìn lời nói.

Lời nói phải chân thật, đúng lúc, hợp Chánh Pháp,

ích lợi cho mình cho người.

Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật có dạy:

Dù nói hàng ngàn lời vô ích, không bằng chỉ nói một lời đúng

Chánh Pháp, có ích lợi làm cho tâm người nghe được an tịnh.

A.- Thế nào là chánh ngữ: Chánh ngữ là lời nói chân chánh.  Nghĩa là con người nên nói lời thật thà lương thiện, công bình ngay thẳng, công minh chính trực, có ích lợi chánh đáng.  Chánh ngữ là lời nói thành thật và sáng suốt; lời nói ngay thẳng hợp lý, hòa nhã, rõ ràng và giản dị; lời nói ích lợi, dung hòa, khuyến tấn và duy nhất.  Chánh ngữ là lời nói hợp Chánh Pháp, có ích lợi, đem lại hòa bình, yên vui cho mọi người mọi nơi.  Người giữ gìn chánh ngữ là người dè dặt khẩu nghiệp, cẩn trọng lời nói, không bao giờ nói sai sự thực, không thiên vị, không xuyên tạc, không vu oan giá họa, không hăm he hù dọa.

Cổ nhân có dạy: "Hãy uốn lưỡi bảy lần truớc khi nói".  Uốn lưỡi đến bảy lần thì khỏi nói luôn.  Lúc đó gọi là ngộ đạo, bởi vì: "Đạo bổn vô ngôn thuyết", bởi vì: "Ngữ ngôn đạo đoạn".  Nghĩa là đạo lý cao siêu, vốn không thể nói, không có lời nào diễn đạt được.  Khi còn nói lên được, đó chỉ là phương tiện hướng dẫn mà thôi.  Cho nên muốn kiến đạo, đừng chấp lời nói, đừng chấp văn tự.  Thí dụ như có người dùng ngón tay để chỉ mặt trăng cho người khác thấy.  Ngón tay chỉ là phương tiện.  Mặt trăng mới là mục đích cứu kính.  Thấy được mặt trăng gọi là thấy đạo, kiến đạo.  Cho nên muốn thấy mặt trăng, đừng chấp ngón tay thế này thế nọ.

Tục ngữ có câu: "Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".  Trong xã hội hay gia đình, nếu mọi người đều thực hành hai câu trên, xã hội sẽ an vui, gia đình sẽ hạnh phúc.  Vợ chồng con cái trên thuận dưới hòa, cộng đồng trên kính dưới nhường, cuộc đời tươi đẹp biết là bao nhiêu.  Một lời nói nói ra làm cho người nghe hoan hỷ, nụ cười tươi tắn, tâm trí khinh an, đó gọi là chánh ngữ vậy.

*

B.- Thế nào là tà ngữ: Ngược lại, lời nói bất chánh hay tà ngữ là lời nói không chánh đáng, phi lý, tổn hại đến đời sống cùng danh dự của người.  Một lời nói ra có khi làm người nghe phải xức dầu cù là, nhức óc nhói tim, có khi ngất xỉu tắt thở luôn, đó là lời nói sâu độc, hiểm ác, đay nghiến, nguyền rủa, nhiếc mắng, thô tục.  Một lời nói ra có khi làm tan vỡ hạnh phúc gia đình người khác, đó là lời nói đặt điều thêm bớt, thay trắng đổi đen, nước lã khuấy nên hồ, lộng giả thành chơn, có nói không, không nói có.

Một lời nói ra có khi làm người khác mang họa vào thân, đó là lời nói vu khống cáo gian, vu oan giá họa cho người.  Một lời nói ra có khi làm người khác lầm lẫn, đó là lời nói không đúng sự thực, không ngay thẳng, thiên vị, dua nịnh, xuyên tạc, ngụy biện, trau chuốt, với mục đích thủ lợi.  Một lời nói ra có khi làm người khác xung đột oán thù, thưa gởi kiện tụng, đó là lời nói dối trá, gây chia rẽ, đâm bị thóc thọc bị gạo, có di hại cho mọi người và muôn vật.  Những người có nhiều tự ái, thường khó lòng nhịn được khi nghe những lời nói trái ý, không thuận theo ý mình, thường hay tranh cãi bằng mồm hoặc bằng thư rơi.

Có những lời nói vô nghĩa, nhưng cũng có thể làm cho người khác bực mình, tức giận, bất an.  Chẳng hạn như có người nói mình ngu như con bò mà bày đặt dạy đời.  Lời nói đó thực ra vô nghĩa lý, bởi vì mình không ngu, mình không phải là con bò, cho nên không cần phải quan tâm đến những lời nói như vậy.  Trong Pháp Tứ Y, Đức Phật có dạy: "Y  nghĩa bất y ngữ".  Nghĩa là chúng ta chỉ nên quan tâm đến ý nghĩa, không nên chấp vào lời nói.  Được như vậy, chúng ta bớt nhiều phiền não trên thế gian này.

* *

4.- CHÁNH NGHIỆP:  Con người thường có ba nghiệp, đó là: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.  Ở đây, chúng ta chỉ bàn về thân nghiệp.  Còn khẩu nghiệp thuộc phần chánh ngữ và ý nghiệp thuộc phần chánh niệm.

A.- Thế nào là chánh nghiệp: Chánh nghiệp là nghề nghiệp và hành động chân chánh.  Nghĩa là con người nên chọn nghề nghiệp chân chánh, hành động một cách ngay thật, có ích lợi chánh đáng cho mình và cho người.  Chánh nghiệp có ích lợi giúp con người mang lại bình an, hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người xung quanh.

Người giữ gìn chánh nghiệp là người dè dặt thân nghiệp, luôn luôn thận trọng, giữ gìn mọi hành động, cử chỉ, cách cư xử của mình, để không làm thương tổn đến quyền lợi, nghề nghiệp, địa vị, danh giá, hạnh phúc và tánh mạng của mọi người.  Người giữ gìn chánh nghiệp là người hành động theo lẽ phải, biết tôn trọng quyền sống và hạnh phúc của mọi người và muôn vật, tôn trọng nghề nghiệp, không xâm phạm tài sản của mọi người, không trác táng, tận tâm với chức nghiệp, biết hy sinh để giải thoát khổ đau cho mọi người.  Người giữ gìn chánh nghiệp là người giữ gìn tam nghiệp được thanh tịnh.

Kinh sách có câu:

Tam nghiệp hằng thanh tịnh.

Đồng Phật vãng tây phương.

Nghĩa là nếu biết giữ gìn tam nghiệp luôn luôn được thanh tịnh, chúng ta cùng với chư Phật, hiện đời sống trong cảnh giới niết bàn, tự tại giải thoát, không phiền não, chẳng khổ đau, không sợ địa ngục, chẳng cầu niết bàn.

*

B.- Thế nào là tà nghiệp: Ngược lại, tà nghiệp tức là hành vi hay động tác không chánh đáng, phi lý bất lương, tổn hại mọi người.  Ủó là các hành vi sát hại bạo tàn, giết người hại vật coi như trò giải trí, thú vui tiêu khiển, vui thích trên sự đau đớn của con người và của con thú, trộm cắp của cải, chiếm đoạt tài sản, xúi giục kiện thưa, thưa kiện kiếm tiền, ăn chơi trụy lạc, xa hoa trác táng, khuyến khích người khác xa hoa trác táng, thượng đội hạ đạp, giẫm lên người khác để tiến thân, bất chấp thủ đoạn, đe dọa mạng sống, sáng tác thư rơi, nặc danh khủng bố, tinh thần người khác.

* *

5.- CHÁNH mạng:  Có một vị thiền sư khi tuổi đã cao, vẫn cứ ngày ngày làm lụng như mọi người khác, các đệ tử thấy vậy bèn đem giấu các dụng cụ làm việc của thầy.  Ngày đó, vị thiền sư không làm việc được, nên chẳng chịu ăn uống, và dạy rằng:

"Nhứt nhựt bất tác, nhứt nhựt bất thực".

Nghĩa là: "Một ngày không làm là một ngày không ăn".

A.- Thế nào là chánh mạng: Chánh mạng là mạng sống chân chánh.  Nghĩa là con người cần sinh sống một cách chánh đáng, có đời sống lương thiện, ngay thật, trong sạch, không bạo tàn, không hèn mạt.  Chánh mạng có ích lợi giúp con người có cuộc sống bình đẳng, tương kính, không bị rẻ khinh.  Người giữ gìn chánh mạng là người sống một cuộc đời có ý nghĩa, lợi mình, lợi người, không ăn bám ai, cũng chẳng ăn không ngồi rồi.  Người theo đúng chánh mạng là người sinh sống theo lẽ phải, biết tôn trọng quyền sống và hạnh phúc của mọi người, tôn trọng nghề nghiệp, không xâm phạm tài sản, tận lực làm việc, không tổn hại mọi người và muôn vật, sinh sống với tài năng chân chánh, không giả dối lừa gạt mọi người, sinh sống thanh cao không luồn cúi, không thượng đội hạ đạp, sinh sống theo chánh giáo, không mê tín dị đoan.

*

B.- Thế nào là tà mạng: Ngược lại, tà mạng là sinh sống bất lương, gian tham, không chánh đáng, phi lý, phạm pháp, có tổn hại trực tiếp hay gián tiếp đến mọi người, làm tổn hại chúng sanh, giết thú lột da, cưa ngà xẻ thịt, moi óc bẻ sừng, vặt lông làm đồ trang sức, may áo may quần, cúng trăng cúng sao, tiên đoán vận mệnh, xem quẻ bói xăm, coi tuổi tình duyên, tương lai gia đạo, ăn gian nói dối, lường gạt mọi người, giao dịch gạt gẫm, sáng chế vũ khí, giết người hại vật, chế đồ giả mạo.  Quan niệm một ngày ăn cướp bằng ba năm làm, sống theo lối nước đục thả câu, ngư ông hưởng lợi, đó là tà mạng.

* *

6.- CHÁNH tinh tấn:

Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật có dạy:

Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc gì khó.

Ví như nước chảy mãi, đá cũng phải mòn.

Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Đức Phật có dạy:

Người học đạo phải nên kiên tâm, trì chí, tinh tấn, dũng mãnh,

không sợ cảnh khổ trước mắt, phá diệt tà tâm, đạt thành đạo quả.

A.- Thế nào là chánh tinh tấn: Chánh tinh tấn là sự siêng năng chân chánh.  Nghĩa là con người siêng năng làm những việc có ích lợi cho mình và cho người.  Chánh tinh tấn có ích lợi giúp con người cải tạo thân tâm ngày một thanh tịnh, tốt đẹp hơn, cuộc đời có ý nghĩa hơn.  Người theo đúng chánh tinh tấn bao giờ cũng phản quan tự kỷ, quay lại xét mình, siêng năng chuyển hóa tâm trí, cải đổi tánh tình.

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có dạy:

Chư ác mạc tác.

Chúng thiện phụng hành.

Tự tịnh kỳ ý.

Thị chư Phật giáo.

Nghĩa là: Không bao giờ nên làm các điều ác, các điều bất thiện, dù là nhỏ nhặt.  Luôn luôn tinh tấn làm tất cả các điều thiện, dù là điều thiện rất nhỏ.  Tự thanh tịnh tâm ý của chính mình.  Đó là lời dạy của thập phương tam thế chư Phật.  Người theo đúng chánh tinh tấn bao giờ cũng siêng năng sám hối, trừ bỏ những lỗi lầm tội ác đã sinh, siêng năng tu tập các pháp lành, ngăn ngừa tội ác chưa sinh, siêng năng làm việc thiện để tạo thêm phước, phát triển việc lành, siêng năng tu tâm dưỡng tánh, việc thiện chưa sinh làm cho phát sinh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vậy, không hề đổi thay, không chút chán chường.

Sách có câu: "Có công mài sắt có ngày nên kim", nói lên sự kiên tâm bền chí, nhẫn nại phi thường, trải qua thời gian năm tháng, không sờn lòng, không khuất phục, để đạt cho bằng được mục đích cao cả của mình.  Người tu theo hạnh tinh tấn của Bồ Tát Đại Thế Chí, làm các việc thiện, cứu người giúp đời, không biết mệt mỏi, không hề nản lòng, không màng tính toán, không chút so đo, không chịu ngừng nghỉ, mặc dù đang gặp nghịch cảnh, đang mắc khổ nạn, đang gặp oán thù, mặc dù có gặp người lấy oán báo ân, cũng vẫn bình thản.  Đó là chánh tinh tấn vậy.

*

B.- Thế nào là tinh tấn bất chánh:  Ngược lại, có rất nhiều người siêng năng làm những việc bất chánh.  Đó là những người chuyên sát nhơn hại vật, gian xảo trộm cắp.  Có những người siêng năng trong các việc dối trá hiểm độc, sáng tác thư rơi, dua nịnh xuyên tạc, rượu chè cờ bạc, xa hoa phung phí, phỉ báng mọi người.  Cũng có những người siêng năng bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu, soi mói đời tư, viết thư nặc danh, ngụy tạo chứng cớ, thưa gởi kiện tụng, làm khổ chúng sanh.

* *

7.- CHÁNH niệm:

Trong Kinh Đại Tập, Đức Phật có dạy:

Nếu thường xuyên giữ được chánh niệm,

tâm không loạn động,

dứt trừ được phiền não,

thì chẳng bao lâu đắc thành quả vô thượng bồ đề.

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:

Không hạnh phúc nào có thể so sánh với sự yên tĩnh của tâm trí.

A.- Thế nào là chánh niệm: Chánh niệm là sự nhớ nghĩ chân chánh.  Nghĩa là con người có những ý niệm chánh đáng, những đạo lý giác ngộ và giải thoát.  Chánh niệm có ích lợi giúp con người sống trong an ổn, yên vui, không tạp niệm, ngày ăn ngon, tối ngủ yên.  Người giữ gìn chánh niệm là người dè dặt với ý nghiệp, luôn luôn nhớ nghĩ tứ trọng ân: ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân đất nước, ân mọi người, nhớ nghĩ lỗi lầm để sửa đổi.  Người giữ gìn chánh niệm là người sống trong cảnh giới an lạc và hạnh phúc.  Để giúp giữ gìn chánh niệm, Đức Phật có dạy bốn phương pháp tập trung tư tưởng như sau: quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã.  Các pháp quán tưởng này trong kinh sách gọi là "Tứ niệm xứ".  Tứ nghĩa là bốn.  Niệm nghĩa là thường nhớ nghĩ.  Xứ nghĩa là nơi chốn.

*

a) Quán thân bất tịnh: Nghĩa là quán tưởng thân mình là tập hợp những thứ bất tịnh, không trong sạch, nhơ nhớp, được bọc ngoài bởi lớp da cũng chẳng mấy gì sạch sẽ cho lắm.  Khi mạnh khỏe thì còn tạm tạm.  Khi ốm đau, tai nạn, bệnh hoạn, già nua, thân mình nhơ nhớp, máu mủ tanh hôi, ghẻ chốc gớm ghiếc, da dẻ nhăn nhúm, đến lúc tắt thở, sình chương hôi thúi, không ai chịu nổi!  Món ăn dù ngon, đưa vô miệng rồi, lỡ rớt ra ngoài, không dám ăn lại!

b) Quán thọ thị khổ: Nghĩa là quán tưởng sự cảm thọ, thọ nhận là khổ.  Do tâm tham lam, con người thọ nhận đủ thứ vật chất của cải để vinh thân phì gia, không cần biết của thọ nhận chính hay tà, bo bo giữ gìn, đến lúc chết, sinh lòng tiếc của, nhắm mắt không yên.  Do tâm sân hận, con người thọ nhận đủ thứ lời nói khó nghe, dù vô nghĩa, để bực dọc, tức tối, bất an, sinh lòng thù oán.  Do tâm si mê, con người thọ nhận những tư tưởng mười năm báo thù không muộn, do điều gì bất như ý, chạm chút tự ái, cũng hăm he thưa kiện, nhứt định trả thù, để rồi gây ra biết bao nhiêu đau khổ cho người, dù thân hay thù.  Nói vắn tắt là: Thọ nhiều thì khổ nhiều, chấp nhiều thì mệt nhiều.  Buông xả thì thanh thản, tha thứ thì thư thái.  Chuyện rất đơn giản, thực hành không dễ dàng, nhưng không phải bất khả.

c) Quán tâm vô thường: Nghĩa là quán tưởng cái tâm nhỏ hẹp của mình luôn luôn thay đổi, mới nghĩ thế này liền nghĩ thế khác, lúc thương yêu đắm đuối lúc thù hận ngập tràn, lúc thân lúc thù, lúc vui lúc buồn, lúc thương lúc ghét, lúc hiền thiện lúc gian tà.  Tâm của chúng ta luôn luôn dính với cảnh trần bên ngoài, kinh sách gọi là tâm phan duyên.  Cảnh trần bên ngoài thuận ý, vừa tai thì vui thích.  Cảnh trần bên ngoài nghịch ý, chói tai thì tức tối.  Nếu chỉ chạy theo sự sai khiến của cái tâm vô thường như vậy, con người tạo tác không biết bao nhiêu nghiệp chướng, cho nên trôi lăn, trầm luân trong sinh tử không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp!

Trong kinh sách có câu: "Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền".  Nghĩa là khi nào tâm của chúng ta không còn dính với cảnh trần nữa, thản nhiên trước sự thịnh suy, thăng trầm của đời sống, bình thản trước những lời khen tiếng chê, vượt qua được sóng gió của cuộc đời, tức nhiên tâm của chúng ta sẽ được khinh an, tự tại, niết bàn và thiền định rồi đó vậy.

d) Quán pháp vô ngã: Nghĩa là quán tưởng các pháp trên thế gian này đều không có bản thể nhứt định, gọi là vô ngã.  Các pháp, là tất cả sự sự vật vật trên cuộc đời, không có cái gì cố định.  Tất cả chỉ là một dòng chuyển biến không ngừng.  Con người thấy đó mất đó.  Chuyện gì rồi cũng đổi thay, rồi cũng qua mau.  Đừng phí sức, đừng bận tâm với các pháp của thế gian.  Chẳng hạn như có câu: "Hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai", hoặc: "sau cơn mưa trời lại sáng".

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:

Chư pháp tùng nhân duyên sanh.

Chư pháp tùng nhân duyên diệt.

Nghĩa là muôn sự muôn vật trên đời tùy theo nhân duyên mà sanh ra, cũng tùy theo nhân duyên mà diệt đi.  Không có cái gì, vật gì có thực tướng, không có cái gì, vật gì tồn tại vĩnh viễn.  Người ta chửi mình do mình gây nghiệp bất thiện cảm với người.  Người ta chửi mãi mỏi miệng thì cũng ngưng thôi, tức giận làm chi cho mệt!  Đừng đưa cái bản ngã của mình, tức là cái tôi, cái ta, tây phương gọi là "EGO", ra hứng những ngọn lửa của thế gian, thì mình đâu có bị đốt cháy, đâu có bị nhiệt não, đâu có bị khổ tâm, đâu có bị ngày ăn không ngon, tối ngủ chẳng yên.  Ngọn lửa không thể đốt hư không được, sẽ tự dập tắt thôi.  Vô ngã đơn giản là như vậy đó!

*

B.- Thế nào là tà niệm, tạp niệm, vọng niệm:  Ngược lại, tà niệm là những ý niệm không chánh đáng, vọng niệm là những ý niệm hư dối, tạp niệm là những ý niệm lung tung linh tinh lang tang.  Những người luôn luôn nhớ nghĩ lỗi người để phê bình chỉ trích, nhớ nghĩ oán thù để phục hận trả thù, nhớ nghĩ ngũ dục: tiền tài, nhan sắc, danh vọng, ẩm thực, thùy miên, luôn nhớ nghĩ đến những thành tích xấu xa, gian giảo, để tự hào tự đắc, đó gọi là tà niệm, tạp niệm hay vọng niệm.

Chư Tổ có dạy:

Nội cần khắc niệm chi công.

Ngoại hoằng bất tranh chi đức.

Nghĩa là: Bên trong, chúng ta cố gắng, khắc phục tâm niệm, lăng xăng lộn xộn, giữ gìn chánh niệm, chăn giữ ý nghiệp, đó mới thực là: công phu tu tập, đúng theo Chánh Pháp.  Bên ngoài, chúng ta cố gắng, giữ gìn chánh ngữ, canh chừng khẩu nghiệp, không thích tranh cãi, không thèm hơn thua, đó là đức độ, người tu theo Phật.  Cho dù có bị phỉ báng, có gặp nghịch cảnh, cũng vẫn bình tĩnh thản nhiên, ngoài mặt cũng như trong lòng, không khởi lên bất cứ tâm niệm gì cả.

* *

8.- CHÁNH định:  Muốn được cuộc sống an lạc và hạnh phúc, chúng ta phải khắc phục tâm ý của chính mình.  Khắc phục tâm ý và an trụ tâm ý là mục đích chính yếu của người tu theo đạo Phật.  Chế ngự được, khắc phục được tâm viên ý mã, tức là tâm như con vượn, ý như con ngựa nhảy nhót lung tung, chúng ta mới đạt được chánh định, đó là cảnh giới niết bàn, an nhiên tự tại, không khổ đau, chẳng phiền não.

A.- Thế nào là chánh định:  Chánh định là sự thiền định chân chánh.  Nghĩa là con người tập trung tư tưởng vào một vấn đề chánh đáng, đúng với chân lý, hợp với lẽ phải.  Người đạt được chánh định là người bình tĩnh, thản nhiên trước bát phong của cuộc đời.  Chánh định có ích lợi giúp con người phát triển trí tuệ, mau tiến đến giác ngộ và giải thoát.  Tâm trí của con người thường xuyên lăng xăng lộn xộn, nhớ nghĩ lung tung, linh tinh lang tang, không có dừng nghỉ, từ đông sang tây, từ cổ chí kim, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ thế giới năm châu đến phụ nữ nhi đồng, từ quốc gia đại sự đến hang cùng ngõ hẹp, hết chuyện gia đình đến chuyện hàng xóm, chuyện xưa chuyện nay, thương ghét tốt xấu, thị phi phải quấy.  Tất cả những chuyện như vậy làm cho tâm của chúng ta luôn luôn loạn động.  Tâm loạn động thì trí bất an. Ngày ăn không ngon, tối ngủ chẳng yên.

Để giúp con người đạt được chánh định, Đức Phật dạy các pháp quán tưởng, trong kinh sách gọi là "Ngũ đình tâm quán", gồm năm pháp dừng tâm và trụ tâm, như sau đây:

a) Quán sổ tức: Nghĩa là quán tưởng bằng cách đếm hơi thở ra hơi thở vào, để đối trị tâm loạn động.  Đến khi thuần thục, chỉ cần theo dõi hơi thở, không cần đếm số như lúc mới bắt đầu, đó gọi là tùy tức quán.  Sách có câu: "Thở vào tâm tĩnh lặng. Thở ra miệng mỉm cười".

b) Quán bất tịnh: Nghĩa là quán tưởng thân mình là một tập hợp những thứ bất tịnh, không có gì đáng quan trọng, khi chết thân mình chỉ còn là một cái thây ma không ai dám đến gần, kể cả những người thân thiết nhất trên đời, để đối trị tâm tham dục.

c) Quán từ bi: Nghĩa là quán tưởng mọi người đều bình đẳng, đều có Phật Tánh như nhau, đều đáng thương như nhau, thương người như thể thương thân, để diệt trừ tâm sân hận, thù hằn, oán hờn, ganh ghét, ích kỷ, đố kỵ.  Không thể chỉ vì một chút tự ái nhỏ nhặt, một chút mặt mũi, danh dự nào đó, có thể tạo nghiệp oán thù, kiện tụng thưa gởi.  Cổ nhân có dạy: "Chuyện gì mình không muốn người khác làm cho mình, thì mình đừng làm cho người khác", cho dù với mục đích trả thù, trừng trị kẻ khác, vì bất cứ lý do gì!

d) Quán nhân duyên: Nghĩa là quán tưởng tất cả muôn pháp đều do nhân duyên sinh ra, cho nên giả hợp, không bền vững, không tồn tại vĩnh viễn, để đoạn trừ si mê, chấp ngã và chấp pháp.  Muốn thực hành pháp quán này, cần thấu triệt và tin sâu "Lý Nhân Quả" hay "Lý Nhân Duyên".

e) Quán giới phân biệt: Nghĩa là quán tưởng lục căn tiếp xúc với lục trần sinh ra lục thức, tất cả đều giả tạm, không thực.  Lục căn, là sáu cơ quan của thân, đó là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, tiếp xúc với lục trần, là sáu cảnh trên trần đời, bao gồm: sắc tướng, âm thinh, mùi hương, mùi vị, cảm xúc, ký ức.  Sự tiếp xúc đó gây nên những cảm giác, những ấn tượng, gọi là lục thức.  Trong kinh sách, lục căn, lục thức và lục trần gọi chung là thập bát giới, giới phân biệt.

Thí dụ như mắt trông thấy sắc là viên kim cương, bèn sinh lòng ham thích.  Sự ham thích đó chỉ giả tạm, không nên theo.  Bây giờ thấy thích, về sau có thể không còn thích nữa.  Nhưng nếu theo nó, thì chúng ta phải lo tranh giành, lo kiếm tiền, làm việc quần quật, đầu tắt mặt tối, từ sáng sớm đến khuya lơ, để mua sắm cho bằng được, cho nên cực khổ tấm thân, mệt nhọc trí óc.  Thí dụ như tai nghe thấy tiếng khen thì khoái chí, thích ý, tối ngủ không được, cứ nhớ tới hoài.  Nếu tai nghe thấy tiếng chê tiếng chửi, thì đâm ra bực dọc tức tối, càng khó ngủ hơn, cho nên tấm thân cực khổ trăm bề.  Trong kinh sách, có bài kệ như sau:

Mắt trông thấy sắc rồi thôi,   (không dính, thôi được thì tốt)

Tai nghe thấy tiếng nghe rồi thì không.      (không mắc, lơ được thì hay)

Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng,   (bình thản, tâm được khinh an)

Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân.    (giải thoát, khỏi phiền não và khổ đau)

*

B. - Thế nào là tà định hay tà thiền:  Ngược lại, tà định hay tà thiền là sự bình tĩnh trong việc làm tổn hại đến mọi người, lạnh lùng tàn nhẫn khi thấy người khốn khổ đớn đau, không chút xót thương, không hề tình cảm.  Những người tu tập thiền định để luyện trường sanh bất tử, thiền định để dối gạt người, đều không phải là chánh định.

* * *

Tóm lại, bát chánh đạo là pháp môn rất thiết yếu, rất thực tế, rất thông dụng cho bất cứ ai, không cứ phải là Phật Tử, trên thế gian này, muốn xây dựng một cuộc sống có ý nghĩa, muốn sống trong an lạc và hạnh phúc.  Bát chánh đạo giúp con người cải thiện tự thân.  Con người do mê mờ nên hành vi bất chánh, ngôn ngữ đảo điên, ý niệm tà vạy, chạy theo dục vọng, sống theo tà đạo, làm việc bất lương.  Trái lại, nếu con người biết tu theo bát chánh đạo thì sẽ chuyển hóa được những sự bất chánh nói trên, kiến tạo được một đời sống chân chánh, ích lợi, an lạc và hạnh phúc.

Bát chánh đạo giúp con người cải tạo hoàn cảnh.  Hoàn cảnh là phản ánh của tự tâm.  Tự tâm bình thản thì hoàn cảnh an vui.  Tự tâm rối loạn thì hoàn cảnh bất an.  Trong kinh sách, tự tâm gọi là chánh báo, hoàn cảnh gọi là y báo.  Chánh báo thế nào thì y báo thế ấy.  Người có tâm lương thiện thì sống trong cảnh hiền lành.  Người có tâm gian ác thì luôn luôn sống trong cảnh âu lo căng thẳng, thấp thỏm phập phồng.

Trên thế gian này, sở dĩ có những hoàn cảnh khổ đau, bởi vì con người không biết sống theo bát chánh đạo.  Nếu mọi người đều biết sống theo bát chánh đạo, không cần phải thờ Phật, thì thế gian này chính là thiên đàng, là cực lạc.  Đừng đứng núi này trông qua núi nọ.  Như vậy chỉ khổ thân và khổ tâm mà thôi.  Tùy theo chỗ ở thường an lạc.

Sách có câu:

Tâm buồn cảnh được vui sao

Tâm an dù cảnh ngộ nào cũng an.

Chư Tổ có dạy:

Tu mà không học

đúng là tu mù.

Học mà không tu

đúng là tủ sách.

Nghĩa là người phát tâm thực hành việc tu sửa thân tâm mình, mà không chịu học giáo lý, không tìm hiểu Chánh Pháp, ai nói gì cũng nghe, ai bảo gì cũng tin, đúng là mù quáng.  Còn người chỉ biết lo nghiên cứu, học rộng hiểu nhiều, không lo tu tâm dưỡng tánh, không chịu quán sát tự tâm, chỉ lo phê bình chỉ trích người khác, đúng là cái tủ, cái đãy, hay cái bị đựng sách mà thôi, chẳng ích lợi gì cả.  Thí dụ như có người suốt ngày đếm tiền ở nhà băng của chủ, có người suốt ngày chăn trâu ngoài đồng cho chủ, chiều về đến nhà, tiền không có, trâu cũng không!

Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có dạy:

Tuy có học rộng hiểu nhiều mà không tu hành,

cũng đồng như người không học hiểu.

Chẳng khác nào người nói ăn mà không ăn,

trọn không thể nào no được.

Theo quan điểm của Phật giáo, không cần phải thờ phượng Đức Phật Thích Ca, hay bất cứ vị Phật nào, vị Bồ Tát nào, chỉ cần sống đúng theo tinh thần bát chánh đạo, bất cứ người nào cũng đều được an lạc và hạnh phúc, cao hơn nữa, đều được giác ngộ và giải thoát.  Bằng như ngược lại, lập bàn thờ Phật tại gia, đi chùa lễ lạy, mà không sống đúng theo tinh thần bát chánh đạo, dù là Phật tử tại gia hay xuất gia, cũng chẳng có ích lợi gì!  Đó mới thực là chí công vô tư, mới thực là chánh đạo vậy.

***

Publicité
28 novembre 2007

BÍ ẨN VỀ TIỀN KIẾP HẬU KIẾP

Bí Ẩn Về Tiền Kiếp Hậu Kiếp

Đoàn Văn Thông

---o0o---

Dấu Tích Luân Hồi


Dấu tích luân hồi là dấu ấn của một thời quá vãng

Trước đây, vấn đề Luân Hồi, Tái Sinh, Tiền Kiếp, Hậu Kiếp chỉ được xem như là vấn đề của một số thuyết tôn giáo.

Ngày nay, chính các nhà khoa học, đã bắt đầu thực sự tiến bước vào sâu trong lãnh vực nghiên cứu vấn đề. Từ những năm của thập niên 60 cho đến này (1993) danh sách những nhà khoa học tên tuổi đã dấn thân vào việc tìm hiểu vấn đề luân hồi đã dài thêm ra và chắc chắn trong tương lai, sẽ có một số kết luận trung thực cho vấn đề đầy tính cách thâm sâu huyền bí này.

Qua hàng ngàn câu chuyện có thật đã xảy ra trên khắp thế giới với những chứng cớ và tư liệu rõ ràng chứng minh vấn đề luân hồi chuyển kiếp đã được thu thập. Nhưng các nhà nghiên cứu, nhất là các nhà khoa học còn muốn thêm càng nhiều càng tốt những hiện tượng đã xảy ra có liên hệ đến những gì mà họ gọi là "những tài liệu chứng minh". Những hiện tượng mà theo họ có thể xem là những dấu tích của Luân Hồi theo các nhà khoa học, nếu luân hồi là có thật thì ít trên những chặng đường chuyển hóa từ kiếp này đến kiếp khác phải có những dấu vết rơi rớt lại không nhiều thì ít cũng giống như trong lịch trình tiến hóa của sinh vật nói chung và con người nói riêng đã có nhiều dấu tích còn lại trên cơ thể sinh vật và sự kiện ấy đã giúp các nhà sinh vật học, nhất là cổ sinh vật học biết được những gì đã xảy ra trong quá khứ xa xăm mà thời gian có khi hàng vạn năm đến hàng triệu năm.

Nói tóm lại, dấu tích luân hồi là những gì khả dĩ giúp chứng minh Luân hồi là có thật, hay ít ra cũng là hình ảnh của dấu ấn một thới quá vãng nào đó ở con người. Để dễ hiểu hơn, chúng ta thử đọc câu chuyện có thật sau đây đã xảy ra tại Ấn Độ: "Vết sẹo từ tiền kiếp" mà báo India Today đã đăng tải như sau:

Titu là một cậu bé mới 5 tuổi có cha mẹ là Samti và Makhavia Pratxa ở làng Varkhe... Lúc cậu bé vừa lên năm thì người mẹ rất ngạc nhiên khi nghe cậu lập đi lập lại những câu nói lại lùng:

"Tôi chính là người đ àn ông chủ cửa hàng bán máy phát thanh ở Agra. Vợ tôi là Uma, tôi phải đên đó. Tôi chính là Suresh Vema" Cha cậu bé cũng rất ngạc nhiên khi nghe con mình nhắc lại câu nói này, người cha kéo con lại phía bên mình và hỏi:

- "Con có thể nói rõ thêm cho ba nghe về điều con nói không? Cậu bé chậm rãi ngước mắt nhìn vào cõi xa xăm rồi nói:

- "Câu chuyện xảy ra từ thuở xa xưa, nhưng tôi nhớ rõ như mới ngay hôm qua... Hôm ấy tôi lái xe hơi về nhà. Vừa bước xuống xe, tôi đã cất tiếng gọi vợ tôi Uma đâu! Uma đâu ra xem quà này... Bỗng nhiên tôi thấy có hai người lạo về phía tôi và bắn hai phát súng vào đầu tôi. Tôi ngã nhào ngày giữa sân... Trời ơi!

Vừa kể đến đây, cậu bé Titu ôm đầu kêu thét lên:

- "Quân giết người! quân khốn kiếp!", rồi liệng đồ đạc vào ngưới ch với vẻ hằn học lạ lùng. Sợ quá, cha mẹ cậu bé vội vã cùng với cậu tìm đến vùng Agra và dò hỏi xem nhà của người bán máy phát thanh ở đâu. Dân chúng vùng đó đã chỉ cho họ một căn nhà dưới một ngọn đồi. Hai vợ chồng liền đến ngay căn nhà ấy và gặp một người đàn bà ra mở cửa. Vừa trông thấy người đàn bà, Titu chạy lại kêu lên vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ:

- Trời ơi! Uma!

Người đàn bà ấy chính là Uma. Cha mẹ cậu bé sợ quá đến nỗi gai ốc đầy mình. Ngạc nhiên và kinh hãi hơn nữa là khi họ hỏi về người chồng của bà ta (bà Uma) thì bà này cho biết như sau:

- Chồng tôi đã qua đời từ lâu rồi. Lúc ấy chồng tôi lái xe về nhà thì bị hai người đàn ông nấp sẵn đâu đó bắn chết. Tôi sống với hai con từ đó đến nay.

Điều kỳ lạ hơn nữa là cậu bé Titu đã bất thần hỏi bà Uma một câu khi thấy chiếc xe hơi đậu ở cạnh nhà.

- Chiếc xe này của ai? Còn chiếc xe của tôi đâu?

Bà Uma vô cùng kinh ngạc và sợ sệt, bà nhìn hai con và trả lời cậu bé với đôi mắt ngơ ngác:

.. Chiếc xe cũ bán rồi... nhưng sao cậu bé này lại có cử chỉ và lời nói lạ lùng vậy?

Sau khi cha mẹ cậu bé Titu kể hết mọi chuyện cho người đàn bà có tên là Uma nghe thì người đàn bà nảy lại càng kinh ngạc hơn nữa.

Câu chuyện có thật này mà báo chí Ấn Độ đã đăng tải làm xôn xao mọi người đã gây kinh ngạc cho giới khoa học không ít. Tại Ấn Độ, Tiến sĩ Narender Chadha (đại học Delhi) là giáo sư chuyên nghiên cứu về các vấn đề khoa học và siêu hình đã lưu ý đến câu chuyện này. Đặc biệt giáo sư Eminde ở Đại học Virginia Hoa Kỳ cũng đã tìm gặp gia đình cậu bé Titu. Điều kỳ lạ được phát hiện sau đó là vết đạn ở gần thái dương nơi đầu cậu bé. Hỏi cha mẹ cậu thì từ ngày sinh cậu ra cho đến lúc 5 tuổi, cậu bé Titu không có một vết thương nào trên người do té ngã hay bị đâm, bắn gì cả. Vết sẹo tìm thấy trên, theo lời kể của cha mẹ cậu bé, có ngay từ khi cậu bé Titu chào đời. Để chắc chắn hơn, các nhà nghiên cứu đã đến ngay nhà hộ sinh ở làng Varkhe để yêu cầu được xem lại hồ sơ sinh sản của người đàn bà tên là Uma. Trong hồ sơ có ghi một câu "Cháu bé có vết sẹo lạ ở thái dương khi mới lọt lòng mẹ". Lạ lùng hơn nữa là khi được thân nhân đồng ý để cơ quan điều tra khai quật mộ chí của người chủ tiệm Suresh Verma để giảo nghiệm tự thi thì thấy dấu vết viên đạn xuyên qua đầu ở ngay vị trí tương ứng với vị trí vết sẹo xuất hiện nơi đầu cậu bé Titu. Phải chăng đây là dấu tích luân hồi còn lưu lại nơi cháu bé hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Tuy nhiên điều thắc mắc lớn lao vẫn còn tồn tại là do đâu mà một cháu bé mới 5 tuổi như bé Titu lại có những trí nhớ cùng lời nói hết sức lạ lùng hoàn toàn trùng hợp với những gì đã xảy ra trước khi cháu ra đời?

Từ câu chuyện có thật trên và vô số các trường hợp tương tự đã xảy ra trên khắp thế giới các nhà nghiên cứu đã có được một số nhận xét sơ khởi như sau:

- Có những dấu hiệu lạ xuất hiện trên cơ thể của hài nhi lúc chào đời. Những dấu tích ấy có từ lúc hài nhi còn trong bào thai nghĩa là còn trong bụng mẹ.

- Những dấu tích ấy thường khó được giới y khoa giải thích rõ ràng về nguyên nhân. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp chính đứa bé có mang dấu tích trên cơ thể, sau khi chào đời được 5, 6 năm đã cho biết xuất xứ của dấu tích ấy qua câu chuyện mà bé kể. Chuyện được thuật lại về cái gọi là tiền kiếp của chính đứa bé và nội dung câu chuyện có liên quan đến dấu tích ấy.

- Về câu chuyện có thật của cậu bé Titu thì vết sẹo ở thái dương có thể là vết sẹo của tiền kiếp, có thể nói đó là dấu tích của Luân hồi.

Sở dĩ đi đến kết luận ấy là do 3 nguyên nhân:

Thứ nhất, cậu bé Titu mới lên 5 tuổi, trí óc còn quá non nớt, có thể nói thẳng là chẳng có chút ký ức nào trong đầu óc nhưng lại nói lên những điều không ai có thể ngờ được rằng đó là lời của một đứa bé 5 tuổi. Thứ hai, vết sẹo trên thái dương cậu bé đã có trước khi chào đời, nghĩa là có từ bào thai còn trong bụng mẹ.

Thứ ba, nội dung câu chuyện mà cậu bé đã kể có liên quan đến dấu tích trên cơ thể của cậu có trước khi ra đời. Dấu tích đó là vết sẹo mà theo lời cậu bé kể thì vết sẹo ấy có là do súng bắn. Tại sao lại có trường hợp lạ lùng ấy?

Cho đến nay, câu chuyện có thật này và rất nhiều câu chuyện có thật tương tự khác đã làm cho các nhà khoa học tâm. Sự quan tâm ấy có nhiều lý do: Lý do đầu tiên không phải là vấn đề hấp dẫn đầy vẻ siêu hình huyền bí mà chính là sự kiện từ lâu các nhà khoa học tuy tỏ ý không quan tâm nhưng sự thật họ chưa có dữ kiện hay bằng chứng để chứng minh rằng có hiện tượng luân hồi (Mytempsychosis) một hiện tượng mà nếu khám phá được có thật thì sẽ làm đảo lộn nhiều lý thuyết từ xưa đến nay không những về một số chu trình vật chất mà còn liên hệ đến sự hiểu biết thâm sâu vi diệu hơn về cấu trúc của vật chất là các trạng thái nguyên tử. Lý do thứ hai là xác định lại lối định nghĩa về một vài hiện tượng đặc biệt xuất hiện ngay trên cơ thể của hài nhi khi chào đời. Nhiều hài nhi sinh ra có cơ thể dị dạng mà ta thường gọi là quái thai, thì đó là do sự lệch lạc trong giai đoạn phát triển phôi (embryo) hay là do những nguyên nhân sâu xa nào khác? Một vài hiện tượng thông thường xảy ra từ xưa đến nay về dấu vết giống vết chàm, vết bớt trên da hài nhi xuất hiện trước khi chào đời có phải do những nguyên nhân nào khác lạ lùng thâm sâu hơn là theo định nghĩa thông thường của ngành y học hiện nay?

Vết Chàm, Vết Bớt, Vết Sẹo Trên Da Trẻ Sơ Sinh

Nhiều hài nhi lọt lòng mẹ, trên cơ thể xuất hiện vài dấu vết lạ. Những dấu vết ấy được khẳng định (các nhà y học) có trước khi đứa bé chào đời. Hình dạng và màu sắc thường khác nhau.

Theo bách khoa tự điển thế giới (the world book encyclopedia) xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1961 thì vết chàm xuất hiện trên da của trẻ sơ sinh được gọi là Brithmark (vết bớt). Vết chàm hay vết bớt năm trên da hài nhi. Trong y khoa, dấu vết ấy còn được gọi là Angle Bite (vết cắn của thiên thần) sở dĩ gọi như vậy là do vết bớt xuất hiện khá kỳ lạ và quả thật cho đến khoa học chưa hoàn toàn hiểu được thấu đáo nguyên nhân.

Thật ra, vết cắn của thiên thần còn để chỉ những vết chàm, vết bầm tự nhiên xuất hiện trên da không riêng trẻ em mà đôi khi người lớn. Ở Việt Nam, trong nhân gian thường gọi đó là vết ma cắn màu xanh xuất hiện một thời gian rồi biến mất, đừng nhầm với vết bớt màu hồng đỏ. Vết bầm màu xanh được giải thích là do các mạch máu nhỏ (vi tí huyết quản bị vỡ vì nguyên nhân nào đó như va chạm mà ta vô tình không để ý).

Vết bớt có khi ẩn trong da, có khi nổi cộm lên sờ thấy mềm, thường có màu sắc của rượu vang được gọi là dấu vết của rượu vang đỏ (port wine marks), có khi đỏ tươi như trái dâu tây nên còn được gọi là strawberry marks. Theo một số nhà y học giải thích thì vết bớt này sở dĩ có hài nhi mới sanh là do ở người mẹ là chính, do những tác động bên ngoài lên cơ thể người mẹ hay tự bản thân cơ thể người mẹ đã ảnh hưởng lên thai nhi trước khi hài nhi chào đời. Mặc dầu vậy, giải thích này đến nay, những vết ấy chẳng ảnh hưởng gì lên cơ thể đứa bé và người ta có thể tẩy, xóa hoặc cắt đi bằng cách dùng kim điện để đốt hay dùng những phương thức vật lý đặc biệt khác.

Thật ra không phải đứa bé nào khi lọt lòng mẹ có dấu vết ấy khi lớn lên đều kể lại quá khứ xa xăm hay tiền kiếp mình giống như trường hợp của bé Titu. Những vết chàm, vết bớt xuất hiện trên da hài nhi mới chào đời là dấu vết thuộc cấp độ thấp. Các nhà nghiên cứu đã thu thập vô số các loại dấu vết trên da của trẻ sơ sinh từ nhiều nơi trên thế giới. Giáo sư Ian Stevenson đã nghiên cứu 10.623 trường hợp về hiện tượng đầu thai, luân hồi và đặc biệt chú ý đến các trường hợp có dấu vết bẩm sinh và đương sự đã đưa ra những sự kiện liên quan xảy ra từ kiếp trước. Có nhiều loại dấu vết; Vết chàm, vết bớt, xuất hiện cạn trên da của hài nhi thuộc cấp độ nhỏ. Dấu vết mạnh mẽ, sâu đậm và nổi rõ có khi lún sâu hay nổi cao giống vết sẹo từ một vết thương được cho là dấu vết đáng quan tâm về nhiều phương diện cả y khoa lẫn siêu hình. Bác sĩ Mills cũng là người đã chuyên tâm nghiên cứu các dấu vết bẩm sinh và bác sĩ đã có được một bộ sưu tập dồi dào hình ảnh và sự kiện về những dấu vết lạ lùng này.

Cấp độ trung gian giữa vết chàm và vết sẹo trên cơ thể hài nhi là vết thâm đen dày. Đây là dấu vết xuất hiện trên da đôi khi tạo thành một mảng dày như lớp da thú vật. Có khi trên lớp da ấy lại còn có lông mọc tua tủa chẳng khác nào da trâu. Trong các hồ sơ lưu trữ tại các bệnh viện có ghi lại các trường hợp về các dấu về các dấu vết lạ lùng này. Năm 1878, tại Hoa Kỳ có một người tên là Blake, lúc sinh ra, phần nửa phần cơ thể bao bọc bởi một lớp da dày màu xám đen sần sùi như da voi, da trâu, trên thế giới nhiều người có những dấu vết ấy xuất hiện hoặc ở mặt, ở cổ, ở ngực, ở tay chân... Hình ảnh mà nhiều người thấy khá rõ là chính tổng thống Nga Sô McGobachev cũng có dấu vết màu đỏ port-wine marks ngay trên trán và giới y khoa cho rằng đó là dấu vết bẩm sinh.

Cho đến nay thật sự chưa ai giải thích khác hơn về các dấu vết ấy, nghĩa là sự giải thích vẫn trong vòng luẫn quẫn như: đó là dấu vết bẩm sinh do người mẹ khi mang thai chịu ảnh hưởng của một vài tác nhân nào đó như chất thuốc uống, hoặc thuốc xức trên da người mẹ hoặc thức ăn hay một tác nhân nào khác như những xáo trộn trong sự chuyển biến của cơ thể lúc còn là bào thai hay do sự lệch lạc về cấu tạo, thàng lập của tế bào, nhiễm thể, gen, do bệnh lý của cha mẹ, do hiện tượng di truyền.v..v..

Những Trường Hợp Chứng Minh

Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã không chịu ngừng ở giải thích đó, họ muốn tìm hiểu nguyên nhân sâu xa hơn và nhất là khi những câu chuyện có thật liên quan đến các dấu vết lạ lùng đó xảy ra thì không những các nhà nghiên cứu nghiệp dư, tài tử mà ngay cả các nhà chuyên môn, các nhà khoa học cũng đều nhảy vào vòng nghiên cứu. Thật ra vấn đề đã có từ lâu, trong nhân gian, con người đã nghĩ rằng: có thể có cái gì đó ẩn tàng từ những vết tích trên cơ thể trẻ sơ sinh. Tại sao vết tích ấy lại có từ lúc hài nhi ở trong bụng mẹ? Họ tin rằng đó là vết tích của kiếp trước còn sót lại qua sự đầu thai. Nhiều câu chuyện có thật đã chứng minh những gì mà từ lâu con người đã nghi ngờ và nghĩ đến. Chuyện cậu bé Titu với vết sẹo bẩm sinh do súng bắn từ tiền kiếp là một trong hàng ngàn chuyện có thật đã xảy ra trên thế giới cũng như câu chuyện có thật về trường hợp cô bé Winnie Easland đã làm ngạc nhiên giới khoa học:

I. Chuyện có thật về bé Winnie Easland

Bé Winie Easland mất năm 1961 nhưng hồ sơ của bé lại được nhà nghiên cứu và sưu tập các vấn đề liên quan tới sự đầu thai là Ian Stevenson lưu giữ cẩn thận.

Stevenson vừa là nhà phân tâm học vừa là bác sĩ tại Virginia (Hoa Kỳ). Theo hồ sơ ấy thì cô bé Winnie Easland chết vì tai nạn xe hơi lúc mới sáu tuổi. Mặc dù các bác sĩ đã tận tình cứu giúp và giải phẫu cẩn thận nhưng vì vết thương quá nặng nên cô bé qua đời. Năm 1964, người mẹ cô bé bất hạnh này lại sinh được một bé gái nữa khi cô bé này vừa tròn sáu tuổi thì bổng nhiên cô bé có những lời nói cử chỉ lạ lùng. Cô bé nói với mẹ "Má ơi! con chính là Winnie đây!" khi xem tập ảnh của gia đình thì cô bé chỉ hình của bé Winnie và nói: "con đây này!" và cô bé đã kể rằng kiếp trước mình đã bị tai nạn được đưa vào bệnh viện giải phẫu nhưng vết thương quá nặng nên đã qua đời. Điều kỳ lạ đáng lưu ý là khi mới lọt lòng mẹ cô bé này đã có một dấu vết giống như đường mổ lớn nằm bên hông của cơ thể. Đó là một dấu vết bẩm sinh. Theo bác sĩ Ian Stevenson thì phải chăng đó là dấu vết của một tai nạn của tiền kiếp và dấu vết ấy vẫn còn theo đuổi đến kiếp hiện tại? Đó là dấu vết của luân hồi? Cũng theo bác sĩ Stevenson thì trong hơn hàng nghìn trường hợp nghiên cứu về vấn đề tiền kiếp và hậu kiếp thì có khoảng vài trăm trường hợp có thể kiểm nghiệm xác định qua những dấu vết bẩm sinh trên cơ thể. Bác sĩ Stevension cho rằng đó chính là dấu ấn của những gì xảy ra từ kiếp trước và sẽ giúp minh chứng cho những khám phá tiếp theo về tiền kiếp của những người mang dấu tích ấy.

II. Chuyện có thật về bé SanJay ở Ấn Độ

Bác sĩ Stevenson đã thu thập vô số chuyện lạ liên quan đến tiền thân của con người. Sau đây là một số câu chuyện có thật do bác sĩ Stevenson đã đưa ra với đầy đủ bằng chứng: Câu chuyện xảy ra tại hai ngôi làng ở miền nam Ấn Độ. Một gia đìng nọ có một đứa bé mới sinh đặt tên là SanJay đứa bé này mới lọt lòng mẹ đã có dị tật đó là các ngón ở bàn tay mặt bị cụt. Theo sự chuẩn đoán của các y sĩ tại nhà hộ sinh thì đó là dấu tích bẩm sinh. Nhưng đối với bác sĩ Stevenson thì đây là trường hợp đáng lưu ý vì theo bác sĩ thông thường rất nhiều trường hợp trẻ mới sinh ra có các ngón tay ngắn hoặc có khi không có ngón tay và thường thì cả hai tay. Riêng trường hợp đứa bé này, các ngón ở bàn tay mặt không phải ngắn mà có dạng thể như bị cắt ngang nên đầu ngón tay cụt rút lại như thành sẹo. Sự nghi ngờ của bác sĩ Stevenson trùng hợp với hiện tượng lạ kỳ về đứa bé ấy. Đứa bé đã nói với người mẹ một câu làm mọi người ngạc nhiên: "Bàn tay mặt của con ngày trước đã bị cái máy quạt nghiền nát các ngón. Lúc đó con ở tại ngôi làng cách xa làng này khoảng 8 cây số. Cha mẹ và anh con lúc đó hiện nay vẫn còn sống..." Thế rồi, đứa bé đòi mẹ dẫn mình tới căn nhà ở ngôi làng đó. Tại đó có một gia đình có đứa con trai chết vì bị máy cắt đứt các ngón tay.

Về sau Sanjay đã kể lại như sau: "Lúc tôi đến thì đang có đám cưới trong làng, anh tôi cũng tới dự. Tôi biết ba má và anh tôi (những người thân ở kiếp trước của tôi) nhưng họ không biết tôi. Họ chỉ nghe chuyện tôi bảo rằng tôi là em và con trong gia đình họ. Nhiều người vừa cười vừa nói như đùa: "Này, cháu bé hãy nói đi, tại sao mấy ngón tay cháu lại bị đứt vậy? Còn mẹ tôi ( người mẹ kiếp trước của tôi) thì bảo:" nếu là con của mẹ thì hãy chỉ cho mọi người cái máy ở đâu, cái máy đã cắt mấy ngón tay con đó?" Sau đó tôi dẫn mọi người đi chỉ chổ cái máy và lúc đó trong khi mọi người còn ngạc nhiên thì tôi vẫn quả quyết tôi chính là con của mẹ kiếp trước của tôi đây." Bác sĩ Psricha đã hỏi Sanjay thật kỹ ông nói: cháu còn nhớ lại lần bị cái máy cắt mấy ngón tay như thế nào không? thì đứa bé cho biết như sau: Người cha của cháu (tiền kiếp) thường uống rượu. Buổi chiều ông về nhà và quay máy, lúc ấy cháu loay hoay bên cái máy và rồi bàn tay bị cuốn vào bánh xe, cháu thét lên, ba cháu cố gắng kéo tay cháu ra. Thế rồi các ngón tay đứt lìa. Mọi người chạy lại. Họ mang cháu đến bệnh viện... Mẹ cháu vừa khóc, vừa bế cháu lên xe bò..." và sau đó cháu thiếp đi... vì đường đến bệnh viện quá xa nên cháu đã chết sau đó."

Sau cuộc thử thách thực hư về những gì chứng minh đứa bé trước đây (tiền kiếp) là con của gia đình này, đứa bé được người mẹ ruột (hậu kiếp) dẫn đến nhà của gia đình cha mẹ có người con trước đây bị chết vì bị cái máy cắt đứt năm ngón tay (tiền kiếp). Cuộc hội ngộ thật lạ lùng. Đứa bé đã thốt lên một câu như người lớn: tôi đã chết một lần và tôi lại được sinh lần nữa và ở đây". Bác sĩ Pasricha hỏi người đàn bà mà đứa bé nhận là mẹ mình rằng: " nếu quả thật cháu bé này là con của bà, cho dù bà ở kiếp trước thì bà tính sao?" Người đàn bà trả lời: " Dĩ nhiên là tôi vui vẽ chấp nhận cháu là con tôi. Cháu đã muốn tôi làm mẹ thì tôi quyết định rằng cháu là con tôi..."

Riêng đối với người mẹ mới sinh ra cháu bé thì tình cảnh thật vô cùng nan giải. Bà khóc thút thít nắm tay đứa bé vừa mếu máo vừa nói: "con là con của mẹ, Sanjay à!" Thế rồi chung cuộc, các bô lão trong làng đã đứng ra dàn xếp ổn thỏa. Đứa bé là con chung của hai gia đình. Giờ đây đứa bé đã là một thanh niên mạnh khỏe và vui vẻ hòa đồng giữa hai nhà. Anh ta thường nói: khi tôi đến ở nhà này, tôi lại nóng lòng mong về lại nhà kia, rồi khi tôi đến ở nhà kia, tôi lại nóng lòng muốn về nhà này... Hiếm ai có được nhiều cha mẹ anh em ruột như tôi."

Hiện nay người con trai tái sinh này có đến 7 người anh và cứ đều đặn, anh ở nhà này một tháng rồi lại đến nhà kia ở một tháng. Hai gia đình ở hai làng cách xa nhau 8 cây số tự nhiên có một mối liên lạc thân tình, đó là đứa con chung của hai kiếp.

III. Chuyện có thật về cô gái ở Miến Điện.

Một trường hợp khác do bác sĩ Stevenson nêu lên cũng đã gây một ấn tượng sâu sắc lạ lùng về hình ảnh của vết tích tiền kiếp. Đó là trường hợp của một cô gái Miến Điện (nay đã có gia đình) cô gái này có dấu vết bẩm sinh, lúc sinh ra bàn tay mặt các ngón bị cụt gần sát ở bàn tay, cô thường nhớ lại dĩ vãng của cô thật lạ lùng, đó là tiền kiếp của cô, một dĩ vãng quá xa xăm. Điều đặc biệt lúc ấy cô là một người đàn ông, và người đàn ông này đã tạo nhiều điều đau khổ cho người vợ khiến người vợ phải tự vẫn. Bà mẹ vợ căm hận, quyết tìm cách trả thù cho con gái nên đã thuê một tay giết mướn, tên này đã dùng một thanh kiếm chém người đàn ông này khi anh ta đang đi xe đạp. Lúc đó vì sợ quá, anh vừa đưa tay ra đỡ vừa kêu lên: trời ơi! đừng giết tôi!... Nhưng tên giết mướn đã đưa một đường kiếm cắt đứt các ngón tay người đàn ông và rồi đâm chết. Bức ảnh mà bác sĩ Strverson đã đưa ra trong một buổi thuyết trình tại đại học Virginia Hoa Kỳ cho thấy rõ bàn tay cô gái với các ngón tay bị cụt, đó chính là dấu tích còn lại của kiếp trước của cô, (lúc ấy cô là một người đàn ông).

IV Chuyện có thật về cháu bé ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bác sĩ Stevenson còn nêu lên trường hợp một đứa bé Thổ Nhĩ Kỳ mà bác sĩ dã chụp hình được. Đứa bé này tự nhiên kể lại tiền kiếp của mình từng chi tiết: kiếp trước là một chủ máy xay bột. Một hôm có sự xích mích với khách hàng và không may, chủ máy xay bột bị đánh chết, bởi một vết thương nặng sau đầu. Khi sinh ra đứa bé này có một dấu vết bẩm sinh rất lạ giống như dấu tích bởi một chấn thương gây ra. Vị trí có dấu vết ấy hoàn toàn trùng hợp với những gì mà đứa bé ấy đã mô tả về những gì đã gây ra cái chết trong tiền kiếp.

Bác sĩ Stevenson đã thu thập rất nhiều sự kiện liên quan đến các vết tích của tiền kiếp. Bác sĩ cho rằng: Có nhiều trường hợp các vết tích này không liên hệ đến vấn đề di truyền và có dạng thể rất lạ lùng mà các nhà sinh vật học cũng như giới y khoa không thể kết luận đó là do sự lệch lạc trong giai đoạn chuyển từ phôi đến thai hoặc nhiễm sắc thể có sự cố nào đó. Có lần bác sĩ Stevenson đã chụp ảnh và quan sát 1 dấu vết đặc biệt trên thân mình một cháu bé vừa mới sinh giống vết thương do đạn bắn. Có 2 dấu vết tương ứng nhau. Dấu trước nhỏ tròn trong khi dấu sau rộng hơn và không đều. Có khoảng 15 trường hợp tương tự đã được bác sĩ Stevenson sưu tập và chụp ảnh đầy đủ để tìm tài liệu nghiên cứu và bác sĩ hy vọng vấn đề sẽ rõ hơn thêm khi cháu bé lớn lên, có thể cháu sẽ tự nhiên kể lại những gì xảy ra ở kiếp trước...

Hiện nay, những dấu vết bẩm sinh đang được các nhà nghiên cứu lưu tâm không phải đều thể hiện qua các vết chàm vết sẹo trên cơ thể mà những dấu tích ấy đôi khi còn xuất hiện ở cấp độ rõ nét hơn và hiện hữa dưới dạng thể như một cơ quan của cơ thể ngoài ra theo các nhà nghiên cứu thì còn có một số dấu tích khác trên cơ thể con người cần được lưu tâm tìm hiểu thêm. Sau đây là một số dấu tích chính:

Hài Nhi Có Đuôi.

Đối với các nhà khoa học thì đây là một trong những trường hợp về quái thai dị dạng. Tuy nhiên nếu giải thích rằng quái thai là hiện tượng phát sinh do sự lệch lạc về các gen ở nhiễm sắc thể trong lãnh vực di truyền thì dó chưa phải là tận cùng của nguyên nhân của vấn đề dù cho là giải thích là hoàn mỹ thì điều này cũng chứng tỏ trong gen ấy có ẩn chứa những gì liên quan đến loài khác. Khi thấy một hài nhi có đuôi xuất hiện nhiều nghi vấn đã đặt ra: Tại sao cơ thể hài nhi không bị lệch lạc hay tạo quái tượng mà trái lại cơ thể lành lặn, mạnh khỏe nhưng chỉ có thêm một cái đuôi mà thôi. Cái đuôi ấy do đâu mà có. Darwin dựa vào thuyết tiến hóa của mình để giải thích rằng cái đuôi chính là đốt xương cùng của cột sống kéo dài ra. Ở người đốt xương cùng chính là cái đuôi của loài động vật có vú, qua sự tiến hóa hằng triệu năm để thành người cái đuôi rút ngắn lại. Vậy theo thuyết cấu tạo và giao thoa của nhiễm sắc thể, gen di truyền cũng như theo thuyết tiến hóa của Darwin, sự giải thích nguyên nhân nào hài nhi có đuôi vẫn chưa được rõ ràng trong khi từ cổ đại đến nay có vô số những trường hợp các con trẻ mới sinh có đuôi một cách kỳ dị.

Những trường hợp đặc biệt này được tìm thấy qua các tài liệu lưu trữ ở các bệnh viện. Năm 1872, Lissner cho biết có trường hợp một bé gái vừa mới chào đời đã mang sau mông một cái đuôi. Năm 1884, Lissner lại có dịp thấy một trường hợp tương tự: một bé gái có đuôi đo được

13 cm

. Nhiều trường hợp hài nhi chào đời cơ thể có đuôi được thấy ở nhiều nơi. Oliver Wendell Holwes năm 1890 cho biết ở Luân Đôn (Anh) có một đứa bé trai có cái đuôi thật lớn, quan sát cái đuôi ấy, các nhà y khoa khẳng định rằng chẳng khác gì mấy với đuôi loài vật như đuôi bò, đuôi trâu. Ở Đông Dương người ta cũng tìm thấy nhiều trường hợp tương tự. "Bé Mọi" là tên của một bé trai 12 tuổi có đuôi dài. Bartels đã mô tả rõ ràng 21 hài nhi chào đời với cái đuôi mọc dài ra từ đốt xương cùng. Chính nhà sinh vật học nổi danh Charles Darwin (Anh) là người đã từng theo dõi, nghiên cứu các trường hợp về người có đuôi và đã cho rằng đây là một trong nhiều hiện tượng chứng minh về sự tiến hóa của sinh vật).

Tại đại học Cambridge và New York, các nhà khoa học đã ghi nhận trường hợp một hài nhi da đen (sinh gần Louisville) mới chào đời 8 tuần lễ nhưng đã có đuôi dài 5cm.

Nhiều người có đuôi và đặc biệt ở phần cuối đuôi còn có một túm lông trông giống như đuôi bò, trâu hay sư tử.

Ở Hibernia cũng có nhiều trường hợp như vậy. Nhiều người có đuôi khá dài. Theo một tài liệu y khoa ghi trong cuốn Medical Curiosities của Geotge M. Gould và Walter L. Pylle thì vào năm 1690, Blachard đã trông thấy và mô tả một người đàn ông tên là Emanuel Koning, người này có đuôi và Gosselin cũng thấy tại bệnh viện một người có đuôi dài khoảng 10cm.

Hài Nhi Có Sừng, Có Gạc

Trường hợp đặc biệt khác đáng lưu ý là người có sừng, có gạc trông như sừng tê giác, sừng trâu, bò được nhiều nhà y học quan tâm. Howse, Cooper và Treves đã thu thập nhiều trường hợp đặc biệt về người có sừng (Hurman horms). Những người này khi mới sinh ra có sừng có gạc ở đầu hay mặt, càng ngày sừng càng lớn và dài ra. Có người sừng mọc ở trán, ở mũi, ở hai bên đầu trông giống như loài thú có sừng. Lamprey (bác sĩ ở Luân Đôn) đã có lần thấy một người có sừng ở Phi Châu, cái sừng phát sinh do xương hàm trên phát triển dài ra. Có người sừng này lại phát triển ngay trước trán.

Warren cho biết đã có lần đo được đo chiều dài một chiếc sừng mọc trước trán một người đàn bà là

6 inches

, vào năm 1696, một người đàn bà ở Pháp có sừng dài

12 inches

mọc ngay trước trán.

Năm 1886 ngay tại Học Viện Y Khoa, có lần nhà nghiên cứu Vidal đã giới thiệu và tường trình về trường hợp một người đàn bà có 2 sừng mọc trên đầu, mỗi sừng dài

10 inches

. Một trường hợp khác, một người đàn bà sống gần York có cái sừng mọc ngay ở mặt. Sau một lần té ngã, cái sừng bị gãy nhưng sau đó sừng ấy vẫn còn tiếp tục mọc lại.

Người Có Nhiều Vú.

Một trong những trường hợp đặc biệt khác mà từ lâu được các nhà nghiên cứu về sinh lý học cũng như về hiện tượng siêu hình lưu tâm là người có nhiều vú. Charles Darwin đã gọi trường hợp này là một trong những trường hợp của hiện tượng trở lại giống cũ "hiện tượng lại giống". Theo đó thì qua sự tiến hóa của toàn bộ cơ thể một cơ quan nào không còn cần thiết sẽ thoái hóa dần để rồi mất hẳn. Trong thời gian thoái hóa sẽ còn một giai đoạn chuyển tiếp dài và cơ quan ấy vẫn còn lưu lại trên cơ thể mà cấp độ hiện hữu giảm dần để chỉ còn lại dấu vết, ví dụ ở bào thai người có giai đoạn phôi có khe mang như cá... Từ cổ đại, người có nhiều vú được tượng trưng bởi tượng thần Artemisia hay Diana (ở Đông Phương cổ đại). Nhiều nhà nghiên cứu đã sưu tập các trường hợp này khá nhiều.

Năm 1876, Peuch đã thu thập được 77 trường hợp về người có nhiều vú, Engstrom cũng đã tham gia nghiên cứu. Bartholinus (Thomas) đã quan sát một cá thể dị hình, đó là một người đàn bà có ba vú. Gardneer đã mô tả một người đàn ông có 4 vú. Trong khi đó có người đã gặp một người đàn ông có đến 6 nuốm vú. Khi người này ở trần nằm ngủ trông phần ngực bụng anh ta giống con heo nái với hai dẫy vú. Ngay ở Hoa Kỳ người ta cũng biết nhiều người có nhiều vú trong đó hai người Việt Nam hiện sống tại California (một người có 4 vú, một người có 6 vú).

Người Voi

Ở Leicester có một trường hợp rất lạ về người Voi (elephant man). Đây là một người đúng nghĩa về hình dạng, cách ăn uống sinh hoạt và đi đứng nhưng gương mặt và thân hình phần lớn cấu tạo bởi lớp da sần sùi giống da voi. Điều đáng lưu ý là trước khi người này được sinh ra đời không lâu thì bà mẹ anh ta bị một con voi ở gánh xiếc tấn công nhưng may mắn thoát chết. Người voi đi đứng và nằm ngồi có vẻ khó nhọc vì cái đầu quá nặng, rồi ngày 11 tháng 4 năm 1890, trong khi đang nằm ngủ trên giường, người voi bất thình lình trở mình, cái đầu nặng nề đã không chuyển đổi kịp vì thế cho nên đã làm lệch khợp xương cổ. Trong cuốn Autour du monde có thuật lại chuyện một người đàn bà tên Mu Mu (người Sudan Phi Châu) sinh hạ một lần hai bé trai.

Cặp sinh đôi này có dạng thể rất kỳ dị, thoạt nhìn vào trong gương mặt giống voi con và hai đứa bé này chỉ sống được một năm thì tự nhiên cả hai đều bị bệnh viêm màng não mà qua đời. Điều đáng chú ý là gia đình dòng họ người đàn bà này chuyên sinh sống bằng nghề săn bắn voi để lấy ngà. Câu chuyện có thật này đã được các nhà nghiên cứu về hiện tượng luân hồi quả báo ghi nhận để giải thích phần nào về vấn đề nghiệp quả. Phải chăng gia đình người đàn bà này đã tàn hại không biết bao nhiêu loài voi mà quả báo tượng trưng là sinh hạ hai đứa con sinh đôi có dáng thể của loài voi và bị chết yểu? Phải chăng đó lài giai đoạn đầu của lời cảnh báo, nhắc nhở về những hành động mà gia đình dòng họ này đang gieo rắc?

Người Có Lông Như Lông Thú.

Đây là trường hợp khá phổ biến trên thế giời từ xưa đến nay và được các nhà nghiên cứu chụp hình cẩn thận, rõ ràng để làm tài liệu. Phần lớn các hình nhi thuộc trường hợp này khi chào đời thân mình có đầy lông, sau đó càng ngày lông càng mọc dài và dày như loài thú. Vào thế kỷ thứ 16, một tài liệu của Aldrovandus đã ghi nhận ở đảo Canry có một gia đình 4 người, tất cả đều giống loài chó lông xù vì từ mặt đến thân mình đều có lông dài bao phủ. Tuy nhiên họ vẫn ăn uống, sinh hoạt và nói chuyện bình thường.

Năm 1883, người ta đã đem một cô bé người Trung Hoa tên là Krao (lúc đó lên 7 tuổi) đến biểu diễn ở Anh, Pháp, Hoa Kỳ, cô bé chẳng có gì đặc sắc ngoài bộ lông dài và dày màu đen bao phủ toàn bột cơ thể trông xa chẳng khác nào một con thú.

Ngày 30 tháng 9 năm 1977, ở Trung Hoa có một cháu bé chào đời cháu bé này được đặt tên là Yu Zhenhuan mà nét độc đáo là cơ thể cháu bé đều phủ bởi lớp lông măng mọc dài, màu đen trông giống một con mèo.

Theo Yule và Crawford, hai nhà sưu tập các dấu vết luân hồi thì ở Miến Điện có một gia đình mà từ cha, mẹ đến con gái và cháu gái đều có lông bao phủ cơ thể. Đặc biệt ở mặt, có lông măng còn mọc dài bao phủ rất dày trông giống như loài khỉ.

Một nhà báo Hồng Kông kể lại rằng: có một gia đình Trung Hoa sống ở Ma Cao có đứa con gái giống khỉ (từ mặt mày tay chân đều có lông mọc dày dáng dấp cử chỉ cũng rất giống khỉ). Cô gái này chỉ cất tiếng lí nhí như khỉ vượn chớ không nói được tiếng người và chết năm 1954. Theo người trong vùng cho biết thì cha mẹ côn này chuyên nấu và sản xuất cao khỉ. Người mẹ cô gái hàng ngày phải rạch da và lột da khỉ với từng mảng lông lớn.

Phải chẳng hình cảnh ấy cứ ăn sâu và chồng chất mãi trong ký ức khiến lúc mang thai bà vẫn bị ám ảnh khiến đứa con sinh ra mang hình ảnh của loài khỉ, vượn? Câu chuyện có thật này đã được đăng tải trong báo hàng ngày của Thượng Hải năm 1995.

Những Dấu Tích Kỳ Dị Khác

Theo các nhà nghiên cứu về các dấu tích kỳ lạ trên cơ thể hài nhi thì có nhiều dấu tích rất đặc biệt xuất hiện trên cơ thể của đứa bé vừa chào đời. Người ta tự hỏi đó là dấu tích của quá khứ, của luân hồi hay của hiện tượng lệch lạc cấu tạo có sự biến chuyển của phôi tử giai đoạn phôi đến thai nhi) tạo ra quái thai? Theo tài liệu y khoa của tiến sĩ George M. Gould và Walter L. Pyle (trong cuốn Medical curiosities, xuất bản vào năm 1982 ở Hoa Kỳ thì năm 1493, đã có trường hợp một hài nhi chà đời mà cơ thể mang dạng thể của 2 loài sinh vật: từ đầu xuống ngang thắt lưng là dạng thể người với 2 tay, đầu, mặt mũi, tai miệng và thân mình bình thường. Nhưng từ thắt lưng trở xuống lại có dạng của loài chó với 2 chân đầy lông và cái đuôi hơi cong.

Theo Lycosthenes thì vào năm 1110, tại Liège có một người đàn bà sinh hạ một hài nhi, đầu, mặt và 2 tay đều thuộc dạng người nhưng phần còn lại thì có dạng thể một.

Năm 1547, ở Cravovia có một hài nhi rất lạ: Đầu người nhưng có mũi dài như mũi loài voi, chân có màng bơi giống như chân ngỗng hay chân vịt ngoài ra từ đốt xương cùng lại có đuôi mọc dài. Ở Huế có một gia đình chuyên làm thịt heo, mỗi ngày vợ chồng nhà này giết khoảng 2 đến 3 con heo. Năm 1967, người vợ có thai và sinh hạ một bé trai. Kỳ lạ thay, khi hài nhi chào đời tại bệnh viện ở Huế thì cô mụ và các y tá (trong đó có chị Sen, chị này là nhân chứng) kinh hãi vì thấy gương mặt hài nhi rất kỳ dị, hai mắt ti hí còn mũi và miệng kéo dài dính nhau trông giống như một con heo. Hài nhi chỉ sống được ba tháng thì qua đời. Người hàng xóm kể rằng, trước khi đứa bé ấy chết có một chuyện lạ là người chồng chở 2 con heo sau vườn thì trong nôi, đứa bé vùng khóc thét lên rồi tắt thở. Hai vợ chồng này sợ quá từ bỏ nghề giết heo và cùng nhau vào Quảng Ngãi mở một cơ sở làm gạch. Trong vụ Tết Mậu Thân, cả hai vợ chồng đều trúng đạn chết bên đường, câu chuyện có thật này do anh L.V.H. học sinh Đệ tam A Quốc Học Huế là người đã ở và ăn cơm tháng tại gia đình này kể lại.

Một Số Suy Đoán Từ Các Dạng Thể Kỳ Lạ Bẩm Sinh.

Qua những hiện tượng đã xảy ra từ những hình ảnh kỳ dị của hài nhi, những tin về lý thuyết Luân hồi cho rằng: đó là một trong những hình ảnh của quá khứ xa xăm, quá khứ ở đây chính là tiền kiếp. Trong hầu hết các kinh sách của những tôn giáo nói về luân hồi, thường nhắc đến một câu đại ý như sau:

"Muốn biết kiếp trước thế nào thì hãy nhìn vào hiện tại..." Câu này ám chỉ rằng một người nào đó đang sống trên cõi thế gian này nếu y muốn biết tiền thân của y ra sao thì y chỉ cần nhìn lại thân phận y bây giờ. Con người của y hiện tại là tấm gương phản chiếu lại hình ảnh y của kiếp trước. Xét về cuộc sống vật chất, nếu y đau khổ, nghèo nàn thì đó là điều chứng tỏ kiếp trước y đã làm cho người khác đau khổ, nghèo nàn hay hoang phí, thản nhiên trước khổ đau của người khác. Xét về thể chất thì nếu y có một thân hình kỳ dị thì cứ nhìn theo những nét đặc trưng trên cơ thể mà suy đoán kiếp trước y đã tạo ra nghiệp ác nào đó trên thân xác kẻ khác hoặc với cả thú vật. Như trường hợp một hài nhi dị tướng mà tiến sĩ George M. Gould và Walter L.Pyle đã nêu ra có nửa thân hình của người và nửa thân hình của chó, những người tin vào thuyết luân hồi đều cho rằng tiền kiếp của đứa bé mới ra đời này có thể là loài chó nên khi tái sinh. Vì một lý do nào đó mà dấu vết và hình dạng nguyên thuỷ của kiếp trước đó là một người tàn ác đã hành hạ dã man lên vô số các loài chó.

Những người Ai Cập cổ đại, người Hy Lạp, một số người da đỏ vùng Bắc Mỹ, nhiều dân tộc ở Phi Châu, Á Châu và những dân thuộc các đảo Thái Bình dương... đều tin vào thuyết luân hồi, tái sinh, họ còn tin vào thuyết con người có thể đầu thai làm thú vật( thuyết animism), hoặc thú vật có thể đầu thai làm người. Bởi sự luân hồi là một sự tiến hoá. Theo quan niệm của những người tin vào thuyết luân hồi thì ở kiếp này ăn ở phúc đức hiền lương thì kiếp kế tiếp sẽ hưởng được sự tốt lành. Con người phải trải qua nhiều kiếp do bởi nghiệp lực, hay nói khác đi do những gì mình đã tạo ra trong lúc còn sông( Kiếp hiện tai). Trải qua nhiều kiếp như thế, nếu mỗi kiếp đều tạo nghiệp lành thì dĩ nhiên kiếp kế tiếp hưởng được thành quả tốt do nghiệp trước đó tạo nên. Nếu tạo nghiệp lành qua nhiều kiếp liên tục tức là đã có một sự tiến hóa tốt lành từ kiếp này đến kiếp khác, càng về sau càng tốt hơn thêm. Dĩ nhiên sự tiến hóa trong luân hồi ấy sẽ giúp linh hồn đi đến chỗ an lành siêu thoát sau này. Nếu linh hồn ấy từ loài thú vật thì trải qua sự tiến hóa của nhiều kiếp linh hồn ấy sẽ đầu thai làm người và khi đã thành người cũng phảo chịu trải qua các kiếp luân hồi tái sinh và nếu tiếp tục tạo được nghiệp lành qua nhiều kiếp người, tức là tạo sự tiến hóa về nghiệp trong luân hồi ở kiếp người thì chắc chắn linh hồn này sẽ tới được cõi tốt lành siêu thoát không còn tái sinh nữa... Do đó, đối với các hình ảnh về người có đuôi, người có lông như loài thú, người có nhiều vú, hay có sừng có gạc v.v... đều được họ giải thích đó là những dấu tích của luân hồi, hay dấu ấn của tiền kiếp. từ một vết chàm,vết sẹo tới lớp da sần sùi có lông tua tủa trên người của hài nhi nào đó mới chào đời, cho đến các hình ảnh dị kỳ hơn của một cơ thể biến thái có dạng thể người lẫn thú... gớm ghiếc... tất cả đều có liên quan đến những gì trong tiền kiếp mà người ấy đã sống, đã hành động....

Cũng theo những người theo thuyết luân hồn chuyển kiếp hay luân hồi quả báo thì mặc dù chi tiết hành động của con người ở tiền kiếp ra sao đã khiến tạo ra trong hiện tại những đặc điểm xuất hiện trên cơ thể thì họ chưa biết rõ, nhưng họ tin chắc rằng đó là viết tích của những gì từ kiếp trước. Là hậu quả của hành động ở tiền kiếp.

Các vị Lạt Ma Tây Tạng cho rằng: "Những gì mà khoa học gọi là quái thai thì đó chỉ là cách gọi". Các nhà khoa học khi thấy một hài nhi chào đời mang dạng thể dị kỳ thì gọi đó là quái thai (Monster) vì do những lệch lạc nào đó trong khâu di truyền cá thể hay trong khi chuyển biến từ phôi đến bào thai có sự xáo trộn, bất đồng bộ. Mới đây, khi khoa học di truyền (gentics) phát triển, các nhà khoa học còn cho rằng: do sự chuyển hóa, sắp xếp, phân chia hay lệch lạc của các gen trong nhiễm sắc thể (Chromosome) mà phát sinh ra quái thai. Cũng theo các nhà sinh vật học, các hình ảnh lạ xuất hiện trên cơ thể người dù cấp độ nhỏ như vết chàm, mảng da sần sùi cho đến người có bộ mặt gớm ghiếc, chân tay dị dạng... đều phát sinh từ những nguyên nhân vừa kể và ngoài ra còn do sự tác động của bệnh lý ví dụ bệnh giang mai dễ sinh quái thai khi người mẹ hay người cha mang bệnh này, hoặc đôi khi còn do tác dụng của thuốc uống thuốc chích vì dụ người mẹ dùng một loại thốc nào đó trong khi đang mang thai có thể làm biến đổi lịch trình chuyển hóa của bào thai. Có nhiều thuốc ngừa thai gây lên bệnh quái thai... Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu chuyên về luân hồi thì vấn đề không thể truy nguyên từ nửa chừng của sự kiện bằng những gì thấy trước mắt. Thật sự cách giải thích của các nhà khoa học chỉ hợp lý (theo lãnh vực khoa học) đối với một vài sự kiện mà thôi. Riêng đối với trường hợp của bé Titu, của bé Winnie Easland thì quả thực các nhà khoa học chưa hoàn toàn giải thích đầy đủ, bởi lẽ khoa học thực nghiệm chỉ chứng nhận những gì có tính cách rõ ràng, có chứng cớ hiển nhiên thì những trường hợp đã xảy ra (có đến hàng nghìn trường hợp) như đã nói trên dù sao cũng vẫn có chứng cớ và đó là điều làm cho một số nhà khoa học phải khựng lại ở giai đoạn giải thích hiện tượng vì họ cảm thấy có nhiều trường hợp không thể nào giải thích theo lý thuyết khoa học mà họ thường dùng được.

R. Ruly, nhà vật lý nổi danh đã đi vào lãnh vực nghiên cứu các hiện tượng siêu linh cho rằng: "những nhà khoa học không nên cứng nhắc khi giải thích mọi hiện tượng xảy ra thoe một chiều với luận lý mà con người đã có vì hai vấn đề; một là con người sẽ càng ngày càng khám phá ra nhiều sự kiện mới và hai là con người đang sống trong một không gian giới hạn của quả đất nên mọi vấn đề thường bị giới hạn trong khoảng không gian đó. Cũng như chịu ảnh hưởng, tác động của những hiện tượng cơ học, vật lý ở không gian đó mà thôi.

Thật ra, từ lâu, một số lớn vấn đề đã được giới khoa học quan tâm nghiên cứu và những khám Phá ấy thường bắt nguồn từ những gì có tính cách đơn giản, bình thường hoặc đôi khi đượm màu mê tín, hoang đường từ những nhận định phát sinh trong dân gian hay từ các tôn giáo. Do đó một số lớn các nhà khoa học đã không ngừng thu thập tất cả mọi tài liệu, ngay cả những tài liệu mà sự kiện xảy ra có tính cách mơ hồ hoặc đôi khi đầy vẽ ma quái lạ lùng vì theo họ, một ngày nào đó, sự kiện sẽ có thể được chứng minh rõ ràng. Nhà bác học Einstein cũng đã có lần phát biểu như sau: Thuyết tương đối được phát sinh từ một nghi vấn về một định lý mà ra.

Sự nhận thức của con người là cả một sự tiến hoá dài.ngay lý thuyết và nhận đọnh của các nhà khoa học đã tiến những bước rất dài, dĩ nhiên cũng đã đi từ những sai lầm này đến sai lầm khác và được cải thiện sữa đổi, hoàn chỉnh. Chắc chắn trong tương lai sẽ có những vấn đề khoa học "sẽ phải sữa đổi" khi khám phá ra những sự kiện mới hơn...

Ngược dòng lịch sử nhân loại, không hiếm những nhận định sai lầm phát sinh từ các nhà khoa học.Thuyết tự nhiên sinh xuất hiện cách đây mấy thế kỷ với sự tham gia của biết bao nhà khoa học. Có ai nghĩ rằng thời đó nhiều khoa học gia tin rằng bùn sinh ra giun và thịt sinh ra giòi? Cũng như từ cổ đại vẫn có nhiều nhà khoa học tin rằng sự phối hợp giữa chó và người sẽ sinh ra người có dạng thể chó và người sẽ sinh ra người có dạng thể chó. Từ lâu trong dân gian cũng tin chuyện rắn phủ mèo thì mèo sẽ sinh mèo tam thể. Rồi khi kính hiển vi ra đời thuyết tự nhiên sinh trở thành một lý thuyết đầy khôi hài và khi khoa di truyền học phát sinh thì thuyết phối hợp giữa loài người và loài vật để sinh ra loài mới cũng bị xóa tan...

Có thể nói cuối thế kỷ thứ 20 là thời gian chuyển biến trong sự nghiên cứu của các nhà khoa học. Thay vì tập trung nghiên cứu mọi vấn đề theo hướng thuận thì các nhà khoa học quay ngược lại sự nghiên cứu nghĩa là tìm hiểu lại vấn đề hay các hiện tượng của quá khứ.

Ngày xưa Darwin và trước đó là Cuvier cũng đã có những thuyết truy nguyên từ quá khứ như thuyết Đại biến của Cuvier đã mô tả quả đất qua nhiều thời đại với những cuộc đại biến xảy ra đã làm một số lớn sinh vật bị tiêu diệt rồi đến một thời đại khác với những sinh vật bị tiêu diệt rồi đến một thời đại khác với những sinh vật khác xuất hiện rồi lại bị cuộc đại biến khác (do biển tiến vào lục địa hay biển rút khỏi lục địa, sóng thần, núi lửa động đất v..v..) Còn Darwin, nhà sinh vật học Anh nêu thuyết tiến hóa của sinh vật và thuyết biến đổi của cơ thể sinh vật theo môi trường. Darwin còn cho hiện hài nhi sinh ra có đuôi, có lông phủ đầy, ngực có nhiều vú... là hiện tượng lại giống (lại là quay về, trở lại, lại giống là quay trở lại giống cũ). Hiện tược lại giống thật ra chỉ là một ý niệm xét về hình dạng cơ thể mang tính chất của giống của giống này và giống k¸ch như cơ thể mang tính chất của giống này và giống khác như cơ thể hai nhi có đuôi, theo Darwin cái đuôi này là dấu tích của sự tiến vì con người là cả một quá trình tiến của sinh vật. Con người có thể xem như là kết quả của một sự tiến hóa tự động vật có vú... Trong sinh vật học, các sinh vật tiến hóa từ nước lên cạn. Theo Darwin, ruột thừa của con người là dấu tích củu ruột tịt ở loài nhai lại khi đã tiến hóa, những gì không cần thiết cho đời sống mới sẽ thoái hóa dần. Tuy nhiên, như đã nói trên, hiện nay các nhà nghiên cứu không những tìm hiểu, sưu tập mọi hiện tượng, lý thuyết, ý tưởng cổ xưa mà còn tìm cách chứng minh các sự kiện ấy cũng như các hiện tượng về ma quỷ. Trở lại trường hợp các dấu tích luân hồi, ngoài các câu chuyện có thật như chuyện bé Titu ở Ấn Độ hay bé Winnie Easland với chứng cớ rõ ràng, trong dân gian tản mạn biết bao trường hợp lạ lùng nhưng có lẽ vì xảy ra quá thường nên con người đôi khi không còn cho đó là quan trọng hoặc thấy rồi nhưng sự kiện chưa được giải thích rõ ràng nên cũng quên đi. Một trường hợp khi phổ biến mà dân Việt nam thường gặp là vấn đề con ranh con lộn, đó là vấn đề một vấn đề có liên quan nhiều đến dấu vết bẩm sinh và là một đề tài lạ lùng, lý thú hấp dẫn và đầy vẻ thâm sâu huyền bí.

---o0o---

12 novembre 2007

GIÁO TRÌNH THỰC TẬP THIỀN ĐỊNH

page1_2.
Để xem hình được rõ mời quí đạo hữu click vào photo

GIÁO TRÌNH THỰC TẬP THIỀN ĐỊNH 

Bài 1:
KHÁI NIỆM

I – Thiền Quán là nói chung cho tất cả các phương pháp (pháp môn) nhiếp tâm vào Định.
Các pháp môn đó có thể là theo dõi (Quán) Hơi Thở, Niệm Phật, Niệm Chú, Khán Thoại Đầu, Quán Lý Bát Nhã, Tri Vọng (theo dõi Tâm), Minh Sát Tuệ...
Đạo Phật được xem như một cây. Trong đó:
– Rễ cái tượng trưng cho lòng tôn kính Phật và lý tưởng giải thoát.
– Những rễ phụ tượng trưng cho những tâm hạnh Đạo Đức.
– Thân cây tượng trưng cho phước tích lũy được do làm lợi ích cho chúng sinh.
– Các cành nhánh tượng trưng cho các pháp môn tu hành.
– Vô số lá tượng trưng cho Ba nghìn oai nghi tám muôn tế hạnh.
– Hoa tượng trưng cho sức Định.
– Và quả tượng trưng cho Tuệ giải thoát.
Như vậy, điều đầu tiên của một đệ tử Phật là phải có lòng tôn kính Phật sâu sắc cũng như có một ý niệm rõ ràng về mục tiêu giải thoát.
Kế theo, người đệ tử Phật phải tu tập vô số những tâm hạnh Đạo Đức như Từ Bi, khiêm hạ, nhẫn nhục, chân thật, bình đẳng, trầm tĩnh, vị tha...
Do những Đạo Đức này mà người đệ tử Phật làm vô số điều lợi ích cho chúng sinh và tích lũy được vô lượng phước để chuẩn bị cho công phu Thiền định tiếp theo. Thiếu phước, không một ai có thể nhiếp tâm vào Định được. Ngày xưa khi một Tỳ kheo đắc Alahán, Đức Phật luôn luôn cho biết nguyên nhân ban đầu là vị này đã gieo một duyên phước với một vị Thánh nào đó trong quá khứ. Còn chúng ta ngày nay phải lấy tất cả chúng sinh làm phước điền, nghĩa là phải thương yêu và làm lợi ích cho chúng sinh một cách triệt để vô điều kiện và không giới hạn.
Càng sống vị tha chừng nào, chúng ta càng dễ vào Định chừng nấy.
Có tất cả những điều trên rồi thì tùy duyên mỗi người sẽ theo một pháp môn. Điều chúng ta cần lưu ý là KHÔNG CÓ MỘT PHÁP MÔN NÀO ĐẦY ĐỦ TẤT CẢ ƯU ĐIỂM.
Mỗi pháp môn hay ở mặt này và dở ở mặt khác. Vì thế việc độc tôn một pháp môn nào là tuyệt đối thù thắng chỉ là sự hiểu lầm và gây chia rẽ trong Phật pháp.
Đến khi nhờ một pháp môn (sau khi đã có các căn bản phía trước) thì người đệ tử Phật sẽ tỏa ra bên ngoài những chiếc lá oai nghi tế hạnh giống hệt nhau, dù họ tu những pháp môn khác nhau. Những phong cách đó được kể ra như là thái độ hiền lành, trầm tĩnh, độ lượng, ung dung, đĩnh đạc, chân thành, sáng suốt, kiên nhẫn và đôi khi khôi hài...
Càng tu đúng, mọi người càng giống nhau đến kỳ lạ, dù trước đây họ khác nhau về mọi thứ. Những phong cách đó đi lần về phía giống như Đức Phật và các vị Alahán. Nhưng Đức Phật là sự thành tựu oai nghi tuyệt đối hoàn hảo. Nơi Phật dù một cái cất chân, đưa mắt, cất tay... tất cả đều đẹp đẽ, thanh thoát và đầy oai lực.
Vì thế, những trường hợp biểu lộ phong cách quái đản, kỳ cục, bừa bãi, phóng túng... đều không nên được xem là khuôn mẫu.
II – Các mức Định thì chúng ta vẫn lấy Bốn Mức Thiền làm tiêu chuẩn mà Đức Phật nhắc đi nhắc lại mãi trong rất nhiều bài kinh. Thậm chí, trước khi nhập Niết Bàn, Đức Phật mấy lần xuất nhập các từng mức Thiền định như là một Di Ngôn không lời cuối cùng cho hậu thế.
Trước Đức Phật, nhiều Đạo Sĩ Ấn Độ cũng đạt được các mức định khá sâu và tìm thấy một cõi Tâm vi diệu, rỗng rang, sáng suốt, phủ trùm mênh mông. Họ dừng lại ở đó, tôn thờ cái Tâm đó là tuyệt đối, là Chân Ngã, là Đại Ngã. Đức Phật cũng học với các Đạo Sĩ đó và cũng thành tựu như vậy, nhưng Ngài, với trí tuệ của một vị Phật tương lai, đã cảm thấy cái tâm đó chưa phải là tận cùng tuyệt đối, nên đã bỏ đi tự tìm lấy cái còn lại.
Dưới cội Bồ Đề, Phật cũng nhập trở lại các mức Thiền định và cuối cùng vượt qua cái mà các Đạo Sĩ Ấn Độ không vượt qua nỗi, đó là Ngã Chấp.
Phật đã cảnh giác điều này qua sự phân biệt về 3 loại chấp ngã :
– Thô phù Ngã Chấp : chấp thân này là Thật Ta, đó là cái chấp thô thiển, cạn cợt nhất của phàm phu.
– Ý sở thành Ngã Chấp : chấp tư tưởng là Thật Ta, đó là cái chấp của người có trí thức văn hóa, của các triết gia.
– Vô Sắc Ngã Chấp : ngoại đạo Ấn Độ tu tập Thiền định đạt được Định Vô Sắc với Tâm rỗng rang, sáng suốt, phủ trùm và cho đó là Đại Ngã.
Rồi đến khi Phật nhập Niết Bàn, các vị Alahán lần lượt ra đi, những đệ tử Phật về sau này không đủ sức vượt qua chấp ngã và do đó phát sinh 2 trường hợp :
– Một, một số vị cũng dừng lại tại đó, tôn thờ cái trạng thái Tâm mình đã chứng được là bằng với Phật, là tuyệt đối chân thật.
– Hai, một số vị khác tuy không thể tiến lên xa hơn, nhưng vẫn cho rằng trạng thái tâm mình đã chứng được vẫn còn tiềm tàng cái chấp ngã sâu kín.
Trong hai trường hợp trên, trường hợp thứ nhất là rơi trở lại kiến giải của Ngoại Đạo Ấn Độ thời Đức Phật; còn trường hợp thứ hai là vẫn đi đúng đường của Phật.
Ngày hôm nay, khi tiêu chuẩn hóa lại con đường thực tập Thiền Quán, chúng ta vẫn phải chọn cái mục tiêu mà ngày xưa Đức Phật đã nhắm đến, đã đạt được, đã vượt hơn các ngoại đạo đương thời, đó là VÔ NGÃ.
Dù chúng ta có đạt được các kết quả trong Thiền định như nhiếp được tâm, xuất hiện nhiều trạng thái mới mẽ, an lạc hơn ngày xưa, sáng suốt hơn lúc trước, thì vẫn phải cảnh giác rằng cái Tâm đó vẫn còn chứa đựng ngã chấp mãnh liệt và đầy nguy hiểm. Những phiền não chỉ tạm yên nghỉ đôi chút chứ chưa được đoạn trừ hẳn. Nếu có được sự kích động của kiêu mạn thì vô số các phiền não khác như tham lam, ô nhiễm, sân hận... sẽ trổi dậy như thác đổ sóng xô, và cuốn chúng ta đi vào đọa lạc. (xin xem Tâm Lý Đạo Đức, Chơn Quang)
III – Sau này khi loài người tiến bộ hơn, họ sẽ biết rằng Thiền định là phương tiện để đạt được hạnh phúc, Trí Tuệ. Thiền định cũng làm cho loài người trở thành một “loài người mới” cao cấp hơn vì năng lực của tâm được phát triển và sử dụng với vô số điều ky diệu.
Lúc đó, Thiền sẽ được đem ra mổ xẻ, phân tích, thí nghiệm, hệ thống hóa, tiêu chuẩn hóa và sẽ trở thành một môn khoa học thực nghiệm với nhiều nguyên lý, định lý.
Ở mức độ thấp, Thiền được xem là một môn thể dục dưỡng sinh, vệ sinh thần kinh giúp con người giải tỏa bớt sự căng thẳng trong cuộc sống.
Ở mức độ cao, Thiền được xem là sự thực hành một triết lý của Hạnh Phúc, vì sự bình an nội tâm là hạnh phúc thù thắng hơn bất cứ trò vui nào của thế gian.
Ở mức độ khác, Thiền được xem là chìa khóa để con người tăng thêm khả năng của mình về nhiều phương diện, trong đó năng lực tâm linh, khả năng phán đoán bằng trực giác, những phép lạ bắt đầu được tìm hiểu nghiêm túc.
Đó là điều sẽ xảy ra. Nhưng việc đó đến sớm hay muộn đều do từng người chúng ta có nỗ lực thực hành Thiền định từ bây giờ hay không.
Đức Phật là một biểu tượng tuyệt vời về công phu thực tập Thiền Quán. Chúng ta là đệ tử Phật thì phải hết sức thực hành và hệ thống hóa, tiêu chuẩn hóa lại để đem Thiền tặng cho nhân loại. Chúng ta sẽ đem đến cho nhân loại một loại Thiền đầy tính khoa học và khách quan, không hạn cuộc bởi hình thức tông phái hay pháp môn.
Một ngày nào đó, các trẻ em đến trường đều được học về Thiền và học về Luật Nhân Quả Nghiệp Báo. Đó là ngày mà thế giới trở thành thiên đường như các vị Thánh từng mơ ước.
_________________

BÀI 2

ĐIỀU THÂN

I – Thông thường Thiền là công việc của Tâm, là công phu kiểm soát tâm, nhiếp Tâm vào an định. Tuy nhiên Tâm và Thân là hai thành phần liên quan rất chặt chẽ. Những gì của Tâm đều ảnh hưởng đến Thân và những gì của Thân đều ảnh hưởng đến Tâm.

Từ lâu chúng ta dễ vội vàng đi vào Pháp môn Dụng Tâm mà quên đi công phu Điều Thân làm căn bản. Lâu dài về sau, do thân không chuẩn nên tâm bị ảnh hưởng, sức định có thể bị ngăn trở.

Thêm nữa, do không Điều Thân nên cái chấp thân tồn tại mãi. Và khi cái chấp thân tồn tại thì chấp ngã có điều kiện để phát triển. Và khi chấp ngã phát triển thì Đạo Đức đổ vỡ. Và khi Đạo Đức đổ vỡ thì Phước mất. Phước mất thì sức định không hiện diện nữa .

Đó là tiến trình Nhân Quả của Tâm.

Vì thế, căn bản của Thiền chính là Điều Thân trước. Điều Thân càng vững chắc thì việc dụng tâm càng dễ dàng. Có nhiều người chỉ mới điều thân đã cảm nghe an lạc, tinh thần đã sáng suốt hơn mạnh mẽ hơn .

II – Trong việc Điều Thân, trước hết hành giả phải ngồi đúng tư thế kiết già, phải cố gắng ngồi kiết già, đừng ngồi bán già. Ngồi bán già tuy dễ nhưng lâu dài Tâm trở nên lỏng lẻo vì Thân không được khóa chặt.

Có những người gân cứng (có thể do lớn tuổi) nên bắt chân kiết già rất khó. Người này phải xoa bóp, bẻ nắn chân một lát trước khi bắt chân kiết già.

Một điều quan trọng nữa là không nên kê gối mềm để dễ ngồi thẳng lưng – hay gọi là bồ đoàn. Nhiều người cảm thấy kê một cái gối tròn, mềm thì ngồi dễ thẳng lưng và vững hơn vì thân sẽ dồn sức nặng vào ba điểm: mông và hai đầu gối. Nhưng thật ra ngồi bồ đoàn có những điều tai hại sau:

– Chính cái dễ thẳng lưng nên hành giả không cần dụng tâm để giữ lưng thẳng. Đâu ngờ rằng chính sự cố gắng thường xuyên giữ lưng thẳng làm tăng sức mạnh tinh thần về sau.

– Về lâu dài, sức mạnh dồn vào ba điểm không ổn định bằng sức nặng trải dài theo cả hai đùi như người không sử dụng bồ đoàn.

– Nói là ba điểm chứ thật ra là bốn điểm vì nơi mông có 2 xương mông 2 bên. Sức nặng dồn vào 2 xương mông không đều nhau vì hai chân bắt chéo chân trước chân sau không đều. Lâu ngày một bên xương sẽ xệ xuống nhiều hơn và làm cho hành giả có cảm giác đau cấn.

– Ngồi không kê gối thì đầu tiên một bên đầu gối bị vênh lên. Nhưng không ngại, ngồi một lát thì đầu gối sẽ hạ xuống sát. Với nữa, khi ngồi quen không cần kê gối, ta sẽ thấy thật là dễ chịu an ổn hơn là kê gối. Đi đâu cũng không cần đem theo bồ đoàn, chỉ cần một mặt phẳng gì đó là ngồi Thiền được.

Dĩ nhiên là không mặt quần áo chật chội. Nhưng cũng không nên mặc quần ngắn thiếu Trang Nghiêm. Cởi đồng hồ và nới lưng quần.

– Ánh sáng nên được để dịu, đừng sáng quá cũng đừng tối đen. Tránh chỗ gió thổi đến từ sau lưng. Nơi yên tỉnh vẫn là chỗ thích hợp nhất cho việc tọa Thiền. Nơi xứ ta do luật Môi Trường không được tôn trọng nên ở phố thị mọi người tự do mở máy hát vang động sang cả nhà hàng xóm. Ai cũng chịu quen nên không đấu tranh để giành lại sự yên tĩnh. Đó là một thiệt thòi cho sức khỏe cộng đồng và nhất là cho người tu tập Thiền Định.

– Nếu sắp xếp thời gian đều đặn mỗi ngày để tọa Thiền thì tốt. Còn không thì tùy những lúc thuận tiện mà ngồi. Không nên ngồi những lúc bụng còn no. Uống một ngụm nước trước khi ngồi cũng rất tốt.

– Không nên bày tỏ, khoe khoang cho người khác biết là mình có tu tập Thiền Định vì có thể làm công phu bị lui sụt. Nên ngồi chỗ không ai trông thấy, trừ khi phải ngồi với Đại chúng.

III – Nên lễ Phật ba lễ trước khi ngồi Thiền, với lòng tôn kính tuyệt đối. Khi đã ngồi đúng tư thế, nên chắp tay niệm Phật ba lần. Nếu ngồi một mình thì niệm thầm. Nếu ngồi tập thể thì niệm chung với Đại chúng.

Giữ tay chắp đó và tiếp tục tác ý thầm như sau :

– Nguyện trên chư Phật gia hộ cho con trải lòng thương yêu khắp tất cả chúng sinh, dù là thế giới hưũ hình hay thế giới vô hình – cho con thương yêu cả loài người cũng như chim thú trên rừng, cá trong nước.

– Nguyện trên Chư Phật gia hộ cho con giữ được lòng khiêm hạ, lúc nào cũng thấy mình như cỏ rác, cát bụi.

– Con nguyện lòng quyết tâm giữ được sự vô nhiễm trong sạch.

Ba tác ý trên phải huân tập suốt đời mồi khi tọa Thiền.

IV – Sau đó để tay xuống, lòng bàn tay trái đặt lên lòng bàn tay phải và bắt đầu thực hành Điều Thân theo các bước như sau :

Ngồi đúng cách.

Thường là chân trái bắt lên trước, chân phải kéo lên sau.

Để ý giữ lưng cho thẳng, không được để lưng cong chùng xuống, cũng đừng ưỡn lưng quá thẳng sẽ làm đầu bị căng. Hai vai giữ xuôi đều tự nhiên. Mắt mở rõ và nhìn xuống một điểm gần trước mặt. Giai đoạn mới tuyệt đối không được nhắm mắt, vì phải mở mắt mới thấy thân mình có lắc, động, nghiêng hay không khi so sánh với cảnh vật chung quanh.

Lưỡi gác trên chân răng trên (hơi ép ra một chút )

Hai tay phải hơi khuỳnh ra ngoài, đừng buông xuôi ép sát vào hông.

Đầu không ngẩng lên, có vẻ hơi cúi xuống một chút xíu.

a– Biết rõ toàn thân.

Luôn luôn biết rõ toàn thân, từ đầu đến chân, biết rõ từng ngón tay, từng bắp thịt. Biết một cách nhẹ nhàng, nhưng biết rất rõ.

Việc biết rõ toàn thân này có hai cái lợi :

+ Một, giúp cho cơ thể được khỏe hơn .

+ Hai, tạo dần sức Tỉnh giác biết rõ mà về sau sẽ dùng để kiểm soát tâm, để ứng dụng vào pháp môn dụng Tâm.

Tâm thức chúng ta rất phức tạp. Nếu không có sức Tỉnh giác mạnh, chúng ta không thể thấy rõ được Tâm mình. Và việc luyện tập phát triển sức Tỉnh giác là do 2 nguyên nhân gần và xa.

– Gần là chính cái Biết rõ toàn thân sẽ tạo thành sức tỉnh giác về sau.

– Xa là chính những cái phước ta tích lũy được từ trước sẽ tạo thành sức Tỉnh giác khi ta cần phải kiểm soát tâm.

Trong các kinh điển Nikaya, Đức Phật cũng dạy cái tác ý biết rõ toàn thân qua câu:

“Biết rõ toàn thân ta thở vào; biết rõ toàn thân ta thở ra. . .”

b – Giữ thân bất động nhưng mềm mại.

Đuơng nhiên khi tọa Thiền, chúng ta phải giữ thân bất động. Song song với việc Biết rõ toàn thân, chúng ta nhẹ nhàng giữ thân bất động không nhúc nhích. Từng bắp thịt, ngón tay... đều được giữ yên không cử động. Cái tác ý Giữ Thân bất động lâu ngày sẽ là một sự hỗ trợ lớn lao cho việc nhiếp tâm vào Định sau này.

Nếu không tác ý giữ thân bất động, thân sẽ không được vững chắc và có thể bị nghiêng ngửa, lay động, nhúc nhích về sau. Khi đó, tâm cũng bị ảnh hưởng rất nặng và sức định sẽ bị phá.

Tuy nhiên, giữ thân bất động không có nghĩa là kềm chặt, gồng cứng thân người. Toàn thân phải được ở trong trạng thái mềm mại.

Bất động nhưng phải mềm mại.

Không nhúc nhích nhưng cũng không gồng cứng.

Chúng ta phải luôn luôn kiểm soát coi chừng ngồi yên một lát sẽ có những thớ thịt, ngón tay... tự nhiên gồng cứng lên. Phải nhận ra và nhanh chóng thả lỏng lại.

c – Quán thân là vô thường hư ảo.

Ngồi yên theo dõi thân chừng vài phút, chúng ta lại tự nhủ thầm:

“Thân này là Vô thường Hư ảo.”

Lâu lâu lại tự nhắc như vậy.

Cái công phu Biết rõ toàn thân cộng với tác ý giữ thân Bất động mềm mại là sự chuẩn bị cho việc dụng Tâm theo pháp môn kế theo. Nhưng vì do chú ý vào thân quá có thể làm phát triển cái chấp về thân, xem thân là quan trọng.

Hơn nữa, dù bình thường, việc Quán thân này là Vô thường cũng là một pháp tu quan trọng trong đạo Phật.

Tóm lại, Điều thân, ngoài việc ngồi đúng cách, còn có 3 tác ý quan trọng:

Một là Biết rõ toàn thân.

Hai là Giữ thân bất động nhưng mềm mại.

Ba là Thấy thân là Vô thường hư ảo.

Công phu Điều thân ban đầu rất quan trọng. Không chỉ quan trọng ở buổi đầu mà vẫn quan trọng đến suốt đời tu hành. Sau này khi hành giả đã tiến đến những giai đoạn dụng Tâm cao hơn thì công phu Điều thân vẫn không được bỏ qua.

V – Giám Thiền.

Thông thường khi mới tập Thiền tọa, Đại chúng cần phải được theo dõi bởi một vị Giám Thiền có kinh nghiệm. Người Giám Thiền phải chịu cực theo dõi sửa chữa tư thế ngồi cho Đại chúng từng chút một. Một chút sai ban đầu không được sửa kỹ sẽ thành cái tật lâu dài về sau.

Người Giám Thiền phải tinh ý nhận ra nơi người đang ngồi một chút xíu nghiêng, một chút xíu lêch vai, lưng hơi chùng, mắt đảo tròng, thậm chí phải nhìn ra được bắp thịt nào đang bị gồng cứng.

Người ngồi Thiền không kỹ, hai tay dễ bị buông vào sát hông. Phải nhắc họ khuỳnh 2 tay ra xa hông.

Phải coi chừng ánh mắt họ nhìn không không đúng ở giữa, hoặc nhìn quá xa, và tuyệt đối không cho nhắm mắt.

Nếu nhìn thấy họ ngồi có vẻ không đẹp, không thư thái, không nghiêm trang thì phải biết còn có cái gì chưa hoàn chỉnh.

Nếu chúng hơi đông hơn 20 người thì phải có 2 người Giám Thiền, vì Giám Thiền cho kỹ lưỡng thì rất cực chứ không đơn giản. Mắt phải tinh, tâm phải sáng thì Giám Thiền mới có thể phát hiện ra cái sai rất nhỏ của người đang ngồi.

Nên tập cho Đại chúng luân phiên làm Giám Thiền vì đây là công việc khá nặng nhọc.

Người Giám Thiền phải đi nhẹ nhàng êm ái, nhưng mắt phải quan sát rất kỹ. Có thể dùng một cây Thiền bảng dẹp để khỏi phải chạm tay trực tiếp vào thân người mỗi khi cần sửa. Chạm cây Thiền bảng rất khẻ vào lưng hay vai để người ngồi hiểu ý mà sửa lại.

Nếu sửa trên đầu thì nên dùng ngón tay nhè nhẹ.

Đôi khi phải nói nhỏ để người ngồi biết mà sửa.

Thường là thấy ai bị sai cái gì thì sau khi sửa xong phải theo dõi lại thường xuyên vì họ hay bị lập lại cái sai đó. Phải sửa và theo dõi đến khi nào thấy hết hẳn cái tật đó mới thôi.

Người nào hôn trầm thì thường là do không Biết rõ toàn thân.

Có người bị rung vì gân cứng quá. Ngồi vài bữa sẽ hết.

Vừa chính mình ngồi Thiền, vừa giám Thiền cho huynh đệ thì sẽ có thêm kinh nghiệm.

BÀI 3
HƠI THỞ - XẢ THIỀN

I- Có nhiều loại Hơi Thở được dùng trong công phu tu tập Thiền Quán. Nhưng Hơi Thở được nêu ra ở bài này không phải là Pháp Môn tu tập. Qua đến phần Pháp Môn, chúng ta sẽ nêu ra loại Hơi Thở được dùng để nhiếp tâm vào Định.
Hơi Thở trong giai đoạn hiện nay chỉ là sự phát triển cao hơn của phương pháp Điều Thân, nghĩa là có tính chuẩn bị cho việc dụng tâm về sau. Hơi Thở này có hai tác dụng.
– Một là hỗ trợ sức khỏe.
– Hai là tạo thành tiềm lực tinh thần.
Và chính cái tiềm lực Tinh Thần đó là sức mạnh để sau này hành giả nhiếp tâm vào Định được dễ dàng hơn.
II- Trước khi nói về Hơi Thở, chúng ta biết qua về nguyên lý Âm Dương (xin xem Đạo Phật với triết lý Âm Dương, Chơn Quang). Nguyên lý này cho rằng mọi cấu thể đều có thể chia làm 2 phần.
– Một phần khuất kín.
– Hai là phần bộc lộ.
Phần khuất kín được gọi là Âm và phần bộc lộ được gọi là Dương.
Sau khi quan sát mọi hoạt động tác dụng của hai phần Âm và Dương trong các cấu thể, chúng ta nhận ra rằng chính cái phần Âm (khuất kín) là cái nền, cái gốc của toàn bộ Cấu Thể. Ví dụ như rễ cây nằm khuất kín dưới đất chính là phần quan trọng cho toàn bộ cái cây, móng nhà chìm sâu dưới đất là căn bản quan trọng cho toàn bộ cái nhà; phần máy móc chíp điện tử nằm bên trong CPU là phần quyết định cho những hình ảnh hiện ra trên màn hình Monitor của computer.
Nhưng đa phần chúng ta dễ bị thu hút bỡi cái hào nhoáng bên ngoài (Dương) hơn là chú ý đến cái gốc Âm nằm khuất đằng sau.
Cũng vậy, khi tu tập, chúng ta hay chú ý đến phần tâm, hoạt động của não ở trên (Dương) hơn là để ý đến phần bụng ở dưới. Không ngờ rằng chính cái lực được tích lũy dưới bụng mới là cái gốc của sức mạnh tinh thần ở trên.
Vì vậy, để chuẩn bị cho việc nhiếp tâm về sau, chúng ta phải tập luyện Hơi Thở Bụng. Hơi Thở Bụng được tập luyện lâu ngày sẽ trở thành sức mạnh ở gốc Âm và tạo thành tiềm lực tinh thần hỗ trợ rất mạnh cho việc nhiếp tâm khi chúng ta đi vào pháp môn tu tập.
III- Chúng ta phải tu tập Điều Thân cho thật kỹ trước khi bước vào Hơi Thở Bụng. Đừng vội vàng đi vào Hơi Thở Bụng trong khi công phu Điều Thân chưa thuần thục.
Hơi Thở là một phương pháp khó. Nhiều người tu tập Hơi Thở không lâu đều bị cảm giác nghẹn, tức, khó chịu. Riết rồi họ rất sợ khi nghe nói đến Hơi Thở.
Lúc nào chúng ta cũng phải Thở ra Thở vào, thở một cách vô ý thức. Đến khi có ý thức, có chú ý đến Hơi Thở thì Hơi Thở lại bị mất tự nhiên, bị trở ngại.
Cái gốc của vấn đề nằm ở PHƯỚC. Nếu Hơi Thở bị trở ngại quá đáng tức là Phước chúng ta chưa đủ. Phải cố gắng sống đời vị tha, khiêm hạ và lễ Phật thật nhiều.
Nguyên nhân thứ hai là vì chúng ta chưa nắm vững phương pháp Thở. Dưới đây là những Nguyên Tắc cho việc tu tập Hơi Thở.
1. Không cố gắng thở dài.
Khi Hơi Thở đã thuần thục, chúng ta có thể kéo một hơi thở rất dài. Nhưng ban đầu, việc kéo dài hơi thở sẽ làm chúng ta mệt và nghe nghẹn tức nơi ngực dưới. Vì vậy, ban đầu, chúng ta chỉ Thở dài hơn bình thường một ít. Không được cố gắng Thở dài quá.
Sau này thuần thục, dù không cần cố gắng, Hơi Thở sẽ dài một cách tự nhiên dễ chịu.
2. Thở một cách êm ái nhẹ nhàng.
Chúng ta phải chọn cho mình một cường độ Hơi Thở sao cho tự mình cảm thấy an lạc dễ chịu. Đó sẽ là Hơi Thở thích hợp với thể tạng riêng của mình. Thường thì Hơi Thở đó êm ái nhẹ nhàng. Tuyệt đối không được Thở mạnh vì muốn lấy cho nhiều hơi, nhiều oxy. Lúc Tọa Thiền, cơ thể ta không cần nhiều oxy như lúc làm việc.
3. Hơi Thở chỉ đi ngoài Da.
Trong việc tập Thở Bụng, hơi thở sẽ được cảm thấy như đi từ trên xuống tận Đan Điền, Khí Hải ở bụng dưới, dưới rốn 5 phân. Nhưng Tuyệt Đối chúng ta không được tưởng tượng dẫn Hơi Thở đi sâu trong thịt, chỉ tưởng tượng Hơi Thở đi phơn phớt ngoài Da. Nếu tưởng Hơi Thở đi sâu, ta sẽ cảm nghe nghẹn tức. Hơi Thở đi ngoài da làm cơ thể chúng ta sảng khoái khỏe khoắn.
Hơi Thở gì đi xuống bụng ?
Nếu theo những kiến thức khoa học hiện nay thì chỉ có Hơi Thở đi vào 2 buồng phổi là hết, không hề có Hơi Thở nào đi xuống bụng cả. Tuy nhiên đây lại là sự thật. Thật sự tồn tại những luồng lực vô hình chi phối khắp cơ thể con người.
Tây Y chưa có khái niệm gì về các luồng lực vô hình này nên phương pháp chữa trị của họ vẫn để lại rất nhiều bịnh nan y. Còn những bịnh họ cho là chữa được thì để lại rất nhiều phản ứng phụ. Có khi phản ứng phụ còn nguy hiểm hơn cả cơn bịnh được chữa.
Ngược lại, Đông Y từ xưa đã ý thức về sự chi phối của các luồng lực vô hình này và vận dụng kiến thức đó vào việc chữa bịnh. Họ thấy được cái gốc của vấn đề nên việc chữa trị ít để lại phản ứng phụ. Dĩ nhiên sự kết hợp cả hai là điều rất cần thiết cho một nền y học hoàn hảo của ngày mai. Nhưng vấn đề là phải nhận ra sự tồn tại những luồng lực vô hình đang xen trong cơ thể.
Trong việc tập thở bụng, thở sâu, chúng ta chỉ lợi dụng hơi thở vật lý để kích thích sự hoạt động của các luồng khí lực vô hình này. Lâu ngày khi Hơi Thở Bụng thuần thục, chúng ta tạo được một nguồn lực dưới ở Đan Điền bụng dưới.
4. Thở Bụng.
Khi thở vào, bụng được phình ra.
Khi thở ra, bụng được hóp vào.
Dĩ nhiên là việc phình bụng hay hóp bụng được vận động một cách nhẹ nhàng, vừa phải. Không được cố gắng phình cho nhiều, hóp cho nhiều.
Và điều quan trọng là Hơi Thở ở dưới bụng cũng chỉ ở ngoài Da, dù có vẽ tràn đầy chung quanh Đan Điền. Không cảm thấy Hơi Thở ở sâu trong ruột.
5- Vẫn biết rõ toàn thân.
Như đã nói, Điều Thân là nền tảng của Thiền Định. Dù chúng ta có tu dần dần lên những phương pháp khác thì Điều Thân vẫn không được để mất. Điều Thân giống như một cái sàn rộng mà từ từ chúng ta đặt thêm lên đó các món khác.
Chúng ta điều khiển Hơi Thở vẫn trên căn bản Biết Rõ Toàn Thân, giữ thân Bất Động mềm mại, vẫn lâu lâu tự nhắc Thân Vô Thường Hư Ao.

IV- HƠI THỞ 3 THÌ.
Hơi Thở như trên là Hơi Thở 2 thì, một thì ra và một thì vào. Sau 6 hoặc 7 tháng tu tập Hơi Thở 2 thì khá thuần thục, ta sẽ chuyển sang Hơi Thở 3 thì. Nên nhớ là không được thở 3 thì vội. Chỉ khi nào Hơi Thở 2 thì đã quá tự nhiên, dễ dàng và dài thì mới được chuyển sang Hơi Thở 3 thì.
Hơi Thở 3 thì là:
– Hít vào (phình bụng ra).
– Giữ yên lại (toàn thân bất động mền mại).
– Thở ra (hóp bụng vào).
– Chưa cần hít vào liền (giống như thì 4).
Thời gian mỗi thì lệ thuộc vào cảm giác do chính mình thường xuyên kiểm soát. Hít vào ở mức độ như vậy ta cảm thấy vừa đủ; giữ yên lại một chút như vậy ta cảm thấy vừa đủ; thở ra...Tất cả đều phải chú tâm để kiểm soát xem có thích hợp hay không.
Lúc giữ yên lại khi đã đầy hơi là vô cùng ích lợi cho việc tích tụ Nội Lực. Tuy nhiên, nếu hơi thở 2 thì chưa thuần thục thì không nên gắng vội giữ hơi thở 3 thì.
Hỏi: Phép tập thở như vậy có đi quá xa Chánh pháp hay không ?
Đáp: Phép tập thở như vậy chỉ là một cái Thuật để chuẩn bị cho công phu Thiền Định tiếp theo. Thuật thở này sẽ biến thành tà pháp nếu chúng ta hướng tâm về mục tiêu tà vạy như Trường Sinh, Sức Khỏe, Thần Lực...Thuật thở này sẽ biến thành chánh pháp nếu chúng ta có một hướng đi xác quyết về mục tiêu Vô Ngã.
Trong cuộc sống, không phải chỉ phép tập thở này mới là Thuật mà còn vô số các sinh hoạt khác cũng là Thuật, như cách nấu ăn, cách may mặc, cách nói chuyện, cách làm văn... Nếu ta dùng những Thuật đó vào việc tà thì nó thành tà. Nếu ta dùng những Thuật đó cho một đời sống Đạo Đức Thánh Thiện thì nó là chánh. Chánh hay Tà do cách sử dụng của chúng ta.
Hơn nữa, việc tích tụ nội lực bằng tập thở là cách hỗ trợ rất lớn cho việc nhiếp tâm vào Định về sau.
V- XẢ THIỀN.
Quyết định đã đến lúc Xả Thiền hay chưa là một việc làm của Trí Tuệ.
Nếu còn có thể chịu đựng cái đau chân, cái mỏi mệt để tiếp tục ngồi mà chúng ta vội Xả Thiền thì đó là sự phí phạm - Mà sự phí phạm nào cũng làm tổn phước. Lâu ngày chúng ta mất dần ý chí, và không còn phước để ngồi lâu nữa.
Nếu đã đau mỏi nhiều mà ta vẫn ráng hết sức để ngồi thì đó lạm dụng Ý Chí. Ý Chí bị lạm dụng sẽ làm tăng trưởng Ngã Chấp, đưa đến kiêu mạn, nóng nảy...
Vì vậy chúng ta chọn lúc Xả Thiền sau cho không phí phạm ý chí khi vẫn còn sức để ngồi thêm, và không lạm dụng ý chí khi đã quá đau mỏi.
Việc quy định thời gian chung cho Đại Chúng chỉ là việc làm gượng gạo tạm thời chứ không hợp lý.
Có những lúc ta có thể ngồi thêm nhưng vì trách nhiệm với Đại Chúng, vì đến giờ phải làm việc chùa gì đó nên phải Xả thì không mất tội phí phạm Ý Chí. Đời sống Vị Tha vẫn giữ cho chúng ta cái phước để tu về sau.
Trước khi vận động Xả Thiền, chúng ta tác ý cầu nguyện cho tất cả chúng sinh đều được Giải Thoát.
Kế đó thở mạnh ba lần.
Cúi đầu và ngước đầu nhẹ nhàng khoảng 10 lần.
Quay đầu qua lại nhẹ nhàng khoảng 10 lần.
Rồi chuyển động 2 vai nhẹ nhàng khoảng 10 lần.
Rồi xoay eo (cả phần trên quay theo) qua lại khoảng 10 lần.
Rồi bóp bóp 2 bàn tay, chà 2 bàn tay cho nóng áp lên đôi mắt.
Rồi dùng tay xoa mặt, đầu, tai, cổ, lưng, ngực, hông, sườn. Xoa càng kỹ càng tốt.
Rồi từ từ kéo chân ra, xoa chân.
Ngồi yên thư thái khoảng nửa phút rồi thông thả đứng lên đi bách bộ (kinh hành).
VI- VÀI THẮC MẮC.
Hỏi: Khi ngồi thiền mà mồ hôi ra nhiều thì sao?
Đáp: Đó là do thân nhiệt tăng. Thân nhiệt tăng vì nguồn lực từ gốc Âm ở bụng dưới bốc lên. Nếu không có phương pháp thở bụng để bổ sung thì ngồi thiền lâu ngày sẽ làm cho người ta yếu mất âm lực. Khi âm lực đã yếu thì ngồi thiền ít ra mồ hôi.
Người tích tụ được Âm lực mạnh hay người có định thì mồ hôi cũng bớt ra.
Hỏi: Các pháp môn đều chú trọng việc dụng tâm. kiểm soát Tâm, tác ý nơi Tâm, mà tâm là hoạt động của não ở trên. Như vậy việc dụng Tâm luôn luôn làm lực chạy lên trên và làm gốc Âm bị trống?
Đáp: Đúng vậy! Các pháp môn đều làm lực chạy lên trên. Do đó, trước khi đi vào pháp môn, chúng ta phải khôn ngoan tập thở bụng để giữ gốc Âm lại.
Hỏi: Khi mới ngồi thiền thường hay có cảm giác ngứa ngáy trên mặt như có con gì bò, tại sao?
Đáp: Đó là phản ứng (hay dị ứng) của thần kinh mặt khi chúng ta đang đi ngược lại sự biến động, sự xao động từ trước. Ngồi thiền một thời gian sẽ hết.
Những tư tuởng bất thiện cũng làm xuất hiện cảm giác ngứa mặt khi ngồi thiền.
Hỏi; Đạo Đức và Phước ảnh hưởng đến công phu Thiền Định như thế nào?
Đáp: Cực kỳ quan trọng! không có Đạo Đức và không có phước, không ai có thể tiến sâu vào Thiền Định.
Thiền Định đúng làm tăng trưởng Đạo Đức (và cả phước) và Đạo Đức làm tăng trưởng Thiền Định.
Trước khi tu tập Thiền Định, chúng ta phải tu dưỡng Đạo Đức đến chỗ gần như thuần thiện (Xin xem Tâm Lý Đạo Đức, Chơn Quang). Nhiều người cho rằng chỉ việc tinh tấn hết sức mình thì có thể vào Định được. Thực sự không phải vậy. Chính công đức lễ Phật, Đời Sống Vị Tha và Tâm Khiêm hạ là nền tảng cho công phu Thiền Định.

Bài 4
CÁC PHÉP QUÁN PHÁ CHẤP

I– Nếu không phân tích Tâm theo cơ cấu năm Uẩn (Ấm) một cách chi li phức tạp, ta có thể chia Tâm theo hai phần đơn giản: Gốc và Ngọn.
Ngọn của Tâm, hay bề ngoài của Tâm là những ý nghĩ mà ta có thể thấy được.
Gốc của Tâm, hay bề trong của Tâm, là những tính tình khuynh hướng, quan niệm, thành kiến, Đạo Đức, tình cảm... mà ta không thấy rõ lắm.
Chính cái gốc đã tạo thành cái ngọn. Chính những tính tình, tình cảm, khuynh hướng, quan niệm, Đạo Đức... bên trong tạo thành những ý nghĩ bên ngoài.
Nếu chúng ta tu tập Thiền Định mà chỉ lo nhiếp tâm để phá trừ vọng tưởng tức là chúng ta chỉ lo cái ngọn mà không lo cái gốc. Đã có rất nhiều, rất nhiều người nhiếp tâm được, phá được vọng tưởng mà nhân cách vẫn kém cỏi, Đạo Đức vẫn khuyết lở, tính tình vẫn chưa tốt. Họ tạm thời vặt hết lá cây nhưng gốc cây chưa đốn. Gốc bên trong còn thì lá sẽ mọc lại không mấy khó khăn.
Người tu thiền khôn ngoan là người vừa lo dọn lá bên ngoài vừa lo đốn gốc bên trong, vừa dùng một pháp môn để nhiếp tâm, vừa dùng các phép Quán để phá trừ những quan niệm kiến chấp sai lầm bên trong. Người tu tập thiền định phải khéo léo sử dụng các phép Quán phá chấp trước khi đi chuyên sâu vào việc nhiếp tâm yên tĩnh theo một pháp môn nào đó.

II– Một phép Quán truyền thống theo hệ thống Bát Nhã là Quán Vô Thường. Theo phép Quán này, Hành Giả cố gắng trong từng phút giây của cuộc sống đều tự nhủ thầm rằng tất cả đều vô thường, nghĩa là tất cả đều đang thay đổi, đang biến dịch... Hành Giả nghĩ đến thân và thấy thân là vô thường, ngày nào đó sẽ tan hoại. Hành Giả nhìn thấy thế giới và thấy mọi điều trong thế giới này đều sinh rồi diệt, sinh rồi diệt không đứng yên. Hành Giả nhìn lại Tâm và thấy Tâm là dòng tư tưởng không dừng trụ, hết ý nghĩ này sang ý nghĩ khác biến đổi liên tục.
Hành Giả quan sát như vậy trong bốn oai nghi, trong mọi phút giây của cuộc sống.
Kết quả của phép Quán này là làm cho trong thâm sâu tâm tưởng chúng ta rời xa sự tham đắm vào thân, tâm và cảnh. Vì không còn tham đắm, không còn xem quan trọng với mọi thứ, chúng ta không còn bận tâm để suy nghĩ nữa. Cái sức mạnh ngấm ngầm bên trong thúc đẩy chúng ta suy nghĩ, bây giờ không còn nữa. Do vậy, dù chưa đắc định, tâm ta đã nghe thảnh thơi nhẹ nhàng. Có những người chỉ Quán Vô thường này thôi mà đã đắc định và đạt Đạo Quả luôn.
Đôi khi vài người đã suy diễn lý Vô Thường này theo hướng rất “tích cực”. Họ cho rằng nhờ có lý Vô Thường mà người ta có thể biến đổi sự vật từ xấu thành tốt. Ví dụ, nhờ mọi việc có thể thay đổi được mà người ta đã chế tạo nên xe hơi máy bay, , phi thuyền… Nếu không thì không có gì thành tựu cả. Lối giải thích như vậy làm người ta yêu đời hơn và ít muốn tu hơn!

III– Một phép Quán cao hơn của lý Bát Nhã là xem cuộc đời chỉ là giấc mộng.
Ngay trong cuộc sống hiện tại này, Hành Giả thấy tất cả chỉ là giấc mộng hư ảo. Mọi cảnh chỉ như giấc chiêm bao. Cả người đang tu cũng chỉ là người trong mộng. Những cảnh xe cộ ngược xuôi, phố xá náo nhiệt hay cảnh rừng núi u tịch, chùa am thanh vắng... đều là chuyện chiêm bao.
Tuy nhiên, những điều huyễn hóa trong chiêm bao này lại diễn tiến theo Luật Nhân Quả Nghiệp Báo. Vì vậy, tuy mọi chuyện là huyễn hóa mà vẫn không sai lý Nhân Quả, tuy không sai lý Nhân Quả mà vẫn là huyễn hóa.
Hành Giả vẫn nỗ lực làm phước nhưng vẫn biết người làm phước và quả báo vị lai đều là huyễn hóa. Hành giả vẫn siêng năng lễ Phật nhưng vẫn biết Phật và chúng sanh đều là “không tịch”, rỗng lặng.
Thâm nhập được phép Quán này tâm Hành Giả trở nên yên tĩnh, lắng sâu, sáng suốt. Nhưng cái tâm thanh tịnh đó cũng chỉ là huyễn hóa, người được cái tâm đó cũng chỉ là huyễn hóa.
Lý Bát Nhã này nói mãi không cùng.
Ngoài hai phép Quán quan trọng trên, còn có lý Duyên Hợp, xem mọi thứ đều do nhiều nhân duyên hợp thành, không có thực thể cố định.
Lý Bát Nhã này phá chấp rất tốt, giúp tâm thanh thản không còn bận tâm đến mọi chuyện. Tuy nhiên, một phản ứng phụ sẽ xảy ra là tâm Từ Bi sẽ bị suy yếu dần do thái độ lãnh đạm với cuộc đời. Tâm Từ Bi là một thuộc tính của Thánh. Thiếu Từ Bi, chúng ta sẽ khó vào được dòng Thánh. Vì vậy, ngoài những phép Quán để phá chấp như trên, chúng ta phải có những phép Quán để tăng trưởng Đạo Đức. Một phản ứng phụ khác cũng được ghi nhận là vì không còn thấy có mục đích nào để hướng tới nên hành giả dễ bị mất dần ý chí. Để vượt qua khuyết điểm này, hành giả phải siêng năng lễ Phật.

IV– QUÁN TỪ BI (xin xem Tâm Lý Đạo Đức)
Từ Bi là lòng thương yêu tất cả chúng sinh khắp trong ba cõi sáu đường. Lòng thương yêu này có hai tính chất:
– Không đòi hỏi được thương trở lại một cách vị kỷ.
– Với người khác phái thì không xen lẫn một chút ham muốn ô nhiễm nào.
Khi ngồi thiền lễ Phật, Hành Giả trải lòng thương yêu đến vô tận vô biên trùm phủ muôn loài, cả thế giới hữu hình lẫn thế giới vô hình, cả loài người hay loài thú, cả cõi trời hay địa ngục.
Còn trong cuộc sống thì khi tiếp xúc với ai đều âm thầm trải lòng thương yêu họ. Đối với người khác phái thì phải gạn sạch tâm ô nhiễm trước rồi mới hướng tâm Từ Bi đến họ sau.
Phải thực hành Quán Từ Bi trong khi ngồi thiền cũng như trong đời sống, đến khi nào ta nhận thấy lòng mình thực sự hiện diện một lòng thương yêu chúng sinh một cách sâu đậm tràn đầy. Như vậy khi Quán Bát Nhã để phá chấp, ta không bị rơi vào thái độ lãnh đạm với chúng sinh, dần dần thành tựu một cuộc sống vị tha trọn vẹn.

V– TRỪ DIỆT KIÊU MẠN.
Tâm kiêu mạn tàn phá công đức một cách khủng khiếp. Khi trong tâm hồn của chúng ta tồn tại một mầm mống nhỏ của kiêu mạn, điều đó có nghĩa là ba đường ác đã có lối vào. Người thành công sẽ dừng lại, người ở địa vị cao sẽ bước xuống, người chưa nhiễm ô sẽ bị nhiễm... Do đó, kẻ thù nguy hiểm nhất của người đi tìm Giải Thoát chính là tâm kiêu mạn nơi mình.
Để trừ diệt kiêu mạn, chúng ta phải thực hành như sau:
– Khi vào ngồi thiền, tác ý mình chỉ là cỏ rác, là cát bụi tầm thường.
– Khi tiếp xúc với mọi người, âm thầm khởi tâm tôn trọng họ.
– Tránh hẳn sự khoe khoang, không nói cái hay của mình cho người khác biết. Tận trong thâm tâm, nếu mình tự cho mình có ưu điểm gì, đạt được kết quả tu tập nào, phải nghĩ rằng những điều đó chỉ là cát bụi so với chư Thánh.
– Không được có ý tranh hơn với ai, xin nhấn mạnh là chỉ mới có ý là phải sám hối. Mỗi khi nghe kể về ưu điểm của người khác, chúng ta phải chân thành vui mừng cho họ. Nhưng không được so sánh để tìm xem mình hơn họ chỗ nào. Lúc nào cũng mong cho chúng sinh đạt được tiến bộ vượt bực trên đường tu tập.
Rất nhiều người ban đầu tu hành tiến bộ, sau đó vì tâm hơn thua mà đã thối đọa. Hành Giả phải hết sức cẩn thận về điều này.

VI– VÔ NGÃ
Trí tuệ cao nhất trong Phật Pháp chính là Vô Ngã. Dù rất nhiều kinh điển Đại Thừa diễn tả về lý tánh, pháp thân... chúng ta phải khẳng định là Vô Ngã mới là Trí Tuệ tối hậu. Rất nhiều ngoại đạo đắc định rất sâu nhưng chưa đạt đến Vô Ngã nên không thể bằng Phật hay các vị Alahán.
Vô Ngã là cái rất khó vượt qua. Vì vậy dù tu hành rất tinh tấn và có đạt được kết quả nào đó, chúng ta phải tự cảnh giác rằng Bản Ngã vẫn còn tồn tại. Có khi chúng ta đạt được trạng thái Tâm rỗng rang, thanh tịnh, thênh thang, thấy như không còn gì bên trong nữa, vậy mà vẫn phải hiểu rằng Bản Ngã chưa hề nhúc nhích.
Những phép Quán Bát Nhã ban đầu cũng giúp làm nhẹ Ngã Chấp. Còn về sau khi đi sâu vào Pháp Môn để nhiếp tâm, thỉnh thoảng chúng ta cũng phải tự nhủ thầm:
“Cái Ta này không có thật”
Nhiều người tu tập Thiền Định đạt được kết quả ban đầu như định được Tâm, hoặc bất ngờ tỏ ngộ và tâm chuyển sang một trạng thái sáng suốt rỗng rang khác, để rồi sau đó tâm kiêu mạn xuất hiện nhiều hơn lúc chưa tu. Đây là điều có thật, và khá phổ biến. Sở dĩ có tình trạng này vì lúc đó Hành Giả mãi lo chiêm ngưỡng trạng thái của Tâm mà quên rằng Bản Ngã vô hình ở đằng sau vẫn âm thầm tồn tại.
Vì vậy, người tu Phật phải lấy Vô Ngã làm mục tiêu tối hậu để không bị lạc lối hay tự mãn giữa đường.

VII– Những phép Quán như trên là sự chuẩn bị dọn dẹp kiến chấp và tăng trưởng Đạo Đức để công phu Thiền Định tiếp theo được thuận lợi suôn sẻ. Riêng hai phép Quán Vô Thường, Mộng Huyễn có thể được dùng như pháp môn để tu tập lâu dài nếu Hành Giả có duyên.

Hỏi: Khi ngồi Thiền, chân bị đau, Quán cái đau là hư ảo, nhưng tại sao cái đau vẫn không hết?
Đáp: Cái đau là hư ảo, cái cảm giác khó chịu là hư ảo, cái ý muốn hết đau cũng là hư ảo.
Hỏi: Trong cuộc sống, có khi nhớ các pháp là hư ảo, nhưng có khi quên. Những khi quên thì thấy tâm xao động lăng xăng. Làm sao cho đừng quên?
Đáp: Lúc nào nhớ các pháp là hư ảo thì phải quan sát một cách sâu sắc. Nhờ thấm nhuần nên bớt bị quên hơn.
Hỏi: Quán sát một cách sâu sắc là như thế nào?
Đáp: Trước hết thấy các pháp bên ngoài là hư ảo, huyễn hóa, sau đó thấy người quan sát cũng là hư ảo huyễn hóa, những trạng thái lăng xăng hay thanh tịnh cũng là hư ảo huyễn hóa… Thật ra chính phước trong vô hình đã hỗ trợ cho trí Quán như thế. Nhờ phước này mà bất cứ pháp nào đến, ta cũng đều nhanh chóng thấy nó là huyễn hóa để không chạy theo. Trường hợp, gặp việc mà không nhớ rằng các pháp là huyễn hóa, có nghĩa là phước còn thiếu.
_________________

Bài 5
CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC .

I- Trong Bát Chánh Đạo, Chánh Niệm là Chánh Đạo thứ bảy. Chánh Niệm chuẩn bị cho Chánh Định.
Niệm có nghĩa là nhớ, là không quên, không đánh mất. Không quên, không mất cái gì?
Chánh Niệm là không quên pháp môn mà mình đang áp dụng tu tập trong tâm.
Như trước đã nói, trong đạo Phật có nhiều pháp môn tu tập thiền định. Mỗi pháp môn đều có ưu và khuyết điểm không giống nhau. Tùy duyên mỗi người sẽ chọn một pháp môn thích hợp.
Chánh Niệm nghĩa là giữ được pháp môn của mình trong từng giờ phút của cuộc sống.
Tuy nhiên tất cả pháp môn đều có một chỗ chung đồng không thể phủ nhận. Đó là sức Tỉnh Giác Biết rõ vọng tưởng, không bị đồng hóa với vọng tưởng, không trôi theo vọng tưởng và có thể hóa giải vọng tưởng.
Dù chúng ta tu bất cứ pháp môn nào, nhưng đến lúc tiến bộ, tâm ta đều xuất hiện trạng thái Tỉnh Giác giống hệt nhau. Nơi ánh sáng Tỉnh Giác này, vọng tưởng vừa khởi lên là bị Biết, bị tách ra thành một đối tượng bên ngoài. Vì vậy cái Chú Ý của ta (xin xem Năm Ấm là gì, Chơn Quang) không trôi miên man theo vọng tưởng từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác. Vọng tưởng không được sự hỗ trợ của cái Chú Ý nên yếu ớt và tự tan biến.
Lúc mê, mỗi vọng tưởng đều kéo cái Chú ý của ta đi theo nó. Trong thế giới mênh mông phức tạp của vọng tưởng, cái Chú Ý bị dẫn dắt vào đủ thứ chuyện trên đời của Tình, Tiền, danh vọng, vật chất, hơn thua, thù oán, chiến tranh, bệnh tật...
Lúc tỉnh, cái Chú Ý không trôi theo vọng tưởng nên cũng không đắm chìm vào những chuyện trần thế. Lúc đó ta dễ hiểu ra thế gian này là Vô Thường Hư Ao.

II– Vì vậy, có thể tách ra khỏi các pháp môn, chúng ta vẫn sử dụng được phương pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác để kiểm soát tâm trong giai đoạn Tiền Chánh Định ( Trước khi vào Chánh Định).
Trong rất nhiều bài kinh Nikaya, Đức Phật luôn dạy rất kỹ giai đoạn tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác như là một điều kiện quan trọng để bước vàoThiền định thật sự.
Vị Tỳ Kheo trong mọi oai nghi, sinh hoạt đều luôn luôn Tỉnh Giác kiểm soát Tâm. Dù đó là lúc cất chân, hay nhấc tay, lúc ăn uống hay nghỉ ngơi, lúc nói năng hay yên lặng, lúc đại tiện hay tiểu tiện, lúc xoay đầu hay nhìn ngó, lúc đông người hay vắng vẻ... đều kỹ lưỡng nhưng nhẹ nhàng theo dõi xem Tâm mình có bị vọng tưởng khởi lên hay không.
Thiền Tông Trung Hoa gọi phương pháp này là Chăn Trâu (Theo Thập mục ngưu đồ). Từ ngày nay gọi là Tri Vọng.
Có 3 điều quan trọng cho phương pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác này.
Thứ nhất, dù làm bất cứ việc gì, Ta không chú ý vào công việc mà Chỉ lo chú ý kiểm soát tâm. Đừng sợ công việc không chu đáo kỹ lưỡng. Tâm yên tĩnh thì tự động công việc sẽ chu đáo kỹ lưỡng. Nếu chú ý vào công việc tức là Tâm chạy ra ngoài, hơn nữa sự thay đổi từ việc này sang việc khác suốt cả ngày làm Tâm ta bị thay đổi theo, nếu ta chú ý vào nó. Do đó, chỉ lo Theo dõi Tâm chứ không chú ý theo công việc.
Thứ hai, nếu ta cố gắng theo dõi tâm mà lại hay quên rồi miên man trôi theo vọng tưởng, điều đó có nghĩa là tại ta thiếu phước. Vì vậy phải cố gắng lễ Phật sám hối thật nhiều và ráng làm lợi ích cho mọi người, nhất là giúp người trong việc tu tập. Điều đó cũng có nghĩa là Âm lực ở bụng dưới chưa nhiều. Hành giả cần tập Hơi thở bụng nhiều thêm nữa.
Thứ ba, mầm mống của vọng tưởng xuất phát từ vùng não phía sau, nơi Đại não giáp Tiểu Não. Ý thầm kín thì hoạt động khắp não bộ, riêng ý phát khởi có ngôn ngữ lời nói thì xuất phát từ một điểm tại đấy. Vì thế, khi theo dõi tâm, Hành giả để ý nhiều ở vùng não phía sau sẽ dễ phát hiện những vọng tưởng còn mới manh nha. Một cái hay nữa là để ý ở phía sau như vậy, nhìn thấy tâm niệm vi tế như vậy, Hành giả dễ thấy được những sai lầm của mình về mặt Đạo Đức, do đó nhanh chóng sửa đổi làm tăng trưởng Đức hạnh, làm mỏng nhạt ngã chấp.
Người để tâm ở phía trước lâu ngày dễ bị phát triển Ngã Chấp. Ngã Chấp phát triển thì kiêu mạn phát sinh. Kiêu mạn phát sinh thì nhiều lỗi lầm nối tiếp xuất hiện. Hành giả cần cẩn thận điều này.
Sau một thời gian thực hành Chánh Niệm Tỉnh Giác thuần thục, Tâm hành giả sẽ xuất hiện trạng thái rỗng rang, tỉnh sáng thường xuyên. Cái tỉnh sáng này vằng vặc rõ ràng trước mặt. Hành giả có khả năng phát hiện những tâm niệm rất vi tế từ khi nó chưa kịp khởi. Do vậy, Đạo Đức của hành giả dần dần hoàn thiện, khả năng Nhẫn Nhục tăng cao.
Trong Nikaya, Đức Phật đưa ra tiêu chuẩn làm kết quả cho người đã thuần thục Chánh Niệm Tỉnh Giác. Đó là phá được Năm Triền Cái. Năm Triền Cái được phá kể như sau:

– Phá được hôn trầm – có thể thức khuya mà vẫn tỉnh táo.
– Phá được tham ái– không còn niệm ưa thích người khác phái, nhưng chưa phá hẳn được tham dục.
– Phá được sân – có khả năng bình thản trước nghịch cảnh.
– Phá trạo hối – không còn ray rứt vì lỗi lầm nhưng không phạm lỗi.
– Phá nghi – vững niềm tin với Tam Bảo, lòng tôn kính Phật vô biên, xác định đường đi đến giải thoát không hồ nghi do dự.
Nhiều người đến chỗ này rồi tự cho mình đã Kiến Tánh, đã Chứng Thánh. Thật ra mức độ này chưa phải Sơ Thiền.

III– CHÁNH NIỆM THEO TỪNG PHÁP MÔN.
Trên đây là phương pháp Chánh Niệm thẳng tắt kiểm soát tâm. Kế đây chúng ta nói về ý nghĩa Chánh Niệm theo pháp môn.
Ví dụ, người tu pháp môn Niệm Phật, lúc nào cũng ráng giữ tâm không quên câu Niệm Phật, cũng được gọi là Chánh Niệm. Hoặc người tu pháp môn Bát Nhã, lúc nào cũng nhớ Quán thấy mọi thứ đều hư ảo không thật, cái gì đến với mình đều nhớ liền đó là hư ảo, như vậy cũng được gọi là Chánh Niệm.
Hoặc người tu pháp môn công án, thoại đầu, lúc nào cũng truy tìm xem ý nghĩa công án đó, thoại đầu đó như thế nào, như vậy cũng được gọi là Chánh Niệm.
Tu Chánh Niệm phải giữ kỹ trong mọi thời mọi lúc không để quên mất. Nhưng vì giai đọan này hành giả chưa thuần thục nên dễ bị “thất niệm” quên mất pháp môn, bị vọng tưởng dẫn đi lang thang.
Phước là điều kiện quan trọng để không bị mất Chánh Niệm.
So sánh giữa lối Chánh Niệm Tỉnh Giác thẳng tắt ở trên với Chánh Niệm dùng đến pháp môn thì Chánh Niệm bằng pháp môn dễ giữ hơn. Câu niệm Phật dễ nhắc người ta nhớ lại công phu hơn. Còn chỉ dùng cái Biết để theo dõi tâm thì không cụ thể nên dễ bị mất.
Người căn cơ cao thì có thể chỉ cần ráng tự biết lấy tâm mình, tự kiểm soát lấy vọng tưởng vẫn có thể không mất Chánh Niệm. Người căn cơ thấp thì phải dùng pháp môn làm phương tiện hỗ trợ.
Chư Tổ ngày xưa lập pháp môn Niệm Phật cũng rất có lợi cho chúng sinh. Rất nhiều người nhờ Niệm Phật rồi cũng nhiếp tâm vào định.

IV. CHÁNH NIỆM VỚI HƠI THỞ BỤNG.
Trong đời sống dường như chúng ta không thể tập trung vào hơi thở bụng. Nếu đã từng tích lũy hơi thở bụng thì trong lúc đang thở bình thường, bụng vẫn thoi thóp nhẹ nhàng.
Khi đang còn tập hơi thở bụng để tích lũy Âm lực, chúng ta chưa được gọi là tu tập Chánh định. Đó chỉ là giai đoạn chuẩn bị mà thôi.
Khi ngồi kiết già thở bụng, nếu còn biết rõ khu vực Đan điền thì tạm gọi là có Chánh niệm. Nếu quên Đan điền để chạy theo vọng tưởng thì gọi là thất niệm. Phải quay trở lại Đan điền.
Khéo thấy hơi thở đầy cả bụng nhưng phải giữ hết sức nhẹ nhàng. Không được có một chút gồng nơi bụng. Không được có lực nơi bụng. Nguyên tắc phải giữ là:
“Hơi thì đầy, Lực thì không.”
Hỏi: Khi thở ra có tưởng thấy hơi thở từ bụng đi ngược ra mũi không?
Đáp: Không nên. Tưởng như vậy thì Âm lực không thành tựu vì bị chạy lên lại. Lúc nào cũng để ý ở Đan điền. Hơi thở ra thì có biết là đi ra, nhưng không cần biết nó đi ra như thế nào. Để tránh dẫn hơi đi ngược lên, có khi người ta còn tưởng khi thở ra, hơi đi ra bằng hậu môn.
Hỏi: Khi thở bụng thấy toàn thân ấm lên, đúng hay sai?
Đáp: Đúng! Ấm một cách dễ chịu là đúng.
_________________

Bài 6
DỤNG CÔNG LINH ĐỘNG

1. Tiến trình tâm không bao giờ suôn sẻ
Trong các bài học trước, chúng ta nói qua các phương pháp dụng công căn bản của Thiền Quán, nhưng chưa thật sự chuyên sâu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện kỹ lưỡng các sự dụng công đó sẽ tạo nên nền tảng vô cùng quan trọng cho những gia đoạn về sau. Mỗi gia đoạn dụng công như điều thân, hay hơi thở bụng… Chúng ta nên thực tập qua nhiều tháng trước khi bước sang giai đoạn kế tiếp.
Điều mà tất cả hành giả đều tự thân kinh nghiệm là tiến trình của tâm không bao giờ suôn sẻ. Có khi chúng ta thấy tâm được an lạc tỉnh giác nhưng cũng có khi chúng ta thấy tâm bị loạn động mê mờ. Không phải cứ tu là tâm vào định dần dần, mà kỳ thật, chúng ta sẽ thấy khi tiến khi lùi rất bất chừng.
Có khi chúng ta đang sử dụng một phương pháp dụng công rất thích hợp và tâm yên lắng dần. Chợt vài hôm sau tâm trở nên rối loạn m à phương pháp đó không giải quyết gì được. Đằng sau sự không suôn sẻ của tâm là nhiều nguyên nhân phức tạp, có khi của kiếp này, có khi của kiếp trước. Ngay cả có những người từng vào định mà sau đó thối thất bỏ tu, hoặc sau đó trở nên điên loạn. Vì vậy hành giả không bao giờ được chủ quan cho mình sẽ thẳng tiến một khi bước đầu có kết quả, không bao giờ được cố chấp một phương pháp duy nhất khi tạm thời dụng công thấy đắc lực, phải hiểu rằng phía trước còn đầy những bất ngờ, những khó khăn, những cạm bẫy rất dễ làm chúng ta lạc lối.

2. Dụng công linh động.
Bốn phương pháp ban đầu sẽ được linh động ứng dụng để giữ tâm luôn luôn tỉnh giác không loạn động. Dưới đây là những gợi ý, chứ không bắt buộc, để hành giả hiểu được sự linh động cần thiết trong việc dụng công.
Khi bắt đầu vào tọa thiền, chúng ta chấp tay niệm Phật và phát nguyện như trong bài điều thân đã nêu ra, rồi sau đó kiểm soát khắp thân chừng vài phút, thấy ổn rồi, chúng ta bắt đầu thở bụng.
Khi để tâm Đan Điền thấy cả một bầu Đan Điền rỗng không sáng tỏ, hơi thở ra vào bụng phòng xẹp rõ ràng, và vọng tưởng không khởi, thì cứ tiếp tục thở bụng.
Nhưng có trường hợp người vào thở bụng lại khó nhiếp tâm hơn là kiểm soát tâm từ vùng não phía sau. Nên người này sau khi điều thân liền để ý ở sau não cho tâm lắng yên rồi mới thở bụng. Tuy thở bụng mà tâm vẫn chủ yếu là để ý kiểm soát ở sau não.
Có trường hợp người để tâm sau não thì thấy rất yên nhưng sợ mất chân âm nên khéo léo biết suốt từ trên đầu, khắp người và bụng dưới trong khi vẫn điều hòa hơi thở nhẹ nhàng.
Có trường hợp người đang dụng công bình thường an ổn theo phương pháp để ý sau não hay thở bụng, chợt hôm nọ vọng tưởng thở mãi không khắc phục được, liền đổi qua Quán từ bi. Người này Quán tưởng trãi tâm thương yêu cùng khắp chúng sinh trong pháp giới, đến tận chúng sinh trong cõi vô hình. Duy trì trạng thái Quán từ bi như vậy thật lâu, sau đó tự nhiên vọng tưởng bớt khởi và người này trở lại sự dụng công như trước.
Có trường hợp người đang dụng công bình thường chợt bị vọng tưởng dấy động không dứt được, liền đổi qua Quán Bát Nhã thấy tất cả ta cùng vạn hữu chỉ là hư ảo mộng huyễn Quán sát một lát thì vọng tưởng lắng dịu rồi mới trở lại dụng công như trước.
Có trường hợp người đang dụng công bình thường, chợt bị vọng tưởng từ đâu tuôn khởi không thể kềm chế, liền xoay lại tìm xem trong mấy ngày qua mình đã phạm phải lầm lỗi gì. Khi tìm ra lỗi thì niệm Phật cầu sám hối. Niệm Phật sám hối suốt mười mấy phút như vậy rồi tâm mới yên lắng để trở lại dụng công như cũ. Có người không tìm thấy lỗi nhưng cũng vẫn niệm Phật sám hối một lát thì mới tu tiếp được.
Có trường hợp người Quán Bát Nhã thấy các pháp đều là hư ảo không thật có, tâm dần dần trở nên tỉnh sáng, rỗng rang, yên lắng. Đến khi tâm yên lắng rồi, cái tác ý Quán tưởng cũng phải bị dẹp bỏ. Lúc đó hành giả tự nhiên lui lại chỉ còn để ý vùng não phía sau xem chừng có niệm nào khởi lên hay không. Rồi một thời gian dài cứ để ý trên đầu mãi nên chân âm bị hao tổn, người này phải lập tức bổ sung phương pháp điều thân và thở bụng. Nếu không sẽ phát sinh những dạng thiền bệnh khó chịu.
Có trường hợp trong đời sống bình thường, hành giả lúc nào cũng giữ gìn sự dụng công tu tập thiền Quán. Nhưng đến khi đi qua chỗ đông người hay tiếp xúc với mọi người, hành giả liền khởi Quán từ bi thương yêu tất cả. Nhờ có từ bi nên công đức của tâm được phát triển và thiền định được tiến bộ.
Có trường hợp đang giữ gìn chánh niệm trong đời sống bình thường, hành giả phải đối diện với nghịch cảnh gay gắt như bị vu khống, bị mưu hại, bị hoạn nạn, nghèo khó, bệnh tật… Lúc đó những phương pháp bình thường khó giữ cho tâm được bình thản mà phải tạm đổi sang phương pháp Quán Bát Nhã, Niệm Phật, suy nghiệm Nhân Quả Nghiệp Báo, Quán thân vô thường, Quán từ bi… mới giúp tâm đỡ buồn khổ.
Trường hợp những thuận cảnh đến làm phát sinh sung sướng như được khen tặng, đỗ đạc, giàu sang, tiếng tăm, được thương quý… hành giả dễ bị xuất hiện tâm kiêu mạn hoặc tâm tự hào bí mật. Vì vậy lúc đó chúng ta phải tác ý khiêm hạ, phải thấy mình chỉ là cát bụi, là cỏ rác, là chưa đáng chút xíu nào so với chư Phật chư Thánh, hoặc tác ý những thành công này là nhờ sự gia hộ của Tam Bảo, sự dạy dỗ của bao nhiêu thầy bạn. Nhờ như vậy, chúng ta hóa giải bớt phần nào tâm tự hào hay kiêu mạn.

3. Dụng công phối hợp.
Trong thực tế tu hành, không ai chỉ dụng công bằng một phương pháp duy nhất.
Nếu nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy cùng một lúc chúng ta đang thực hiện nhiều phương pháp có tính hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, từ phương pháp điều thân căn bản được thực hiện khá thuần thục chúng ta ghép thêm phương pháp thở bụng.
Như vậy tâm ta phải cố gắng nhiều hơn để vừa thở bụng một cách chuyên chứ mà vẫn kiểm soát được thân mình. Chính sự cố gắng đó là vọng tưởng bớt khởi.
Rồi có người lại thấy nhiều lúc hơi thở bụng không êm ả, không suôn sẻ, bị rối loạn, bị xáo trộn. Xem kỹ lại, sự trở ngại đó là do vọng tưởng từ trên não gây nên. Vì vậy người này phải để ý từ vùng não phía sau – nơi xuất phát vọng tưởng – để kiểm soát, để hóa giải, để diệt trừ vọng tưởng đó. Khi vọng tưởng từ vùng não phía sau được ngăn chận, hơi thở bụng sẽ êm ả trở lại.
Nhưng có người vừa kiểm soát tâm từ vùng não phía sau vừa để ý thở bụng thì thấy dễ chịu. Ngược lại, có người phối hợp cả hai thì thấy căng đầu khó chịu, thấy hơi nóng đi từ gáy lên đầu làm nhức đầu. Đó là do dồn tâm lực trên đầu nhiều quá nên có chút dằn ép. Trường hợp như vậy thì nên bỏ cái để ý ở trên não mà chỉ chú ý ở bụng để kéo lực tích tụ xuống dưới lại.
Có người phối hợp hơi thở với câu niệm Phật lại thấy tâm được yên lắng hơn. Mỗi khi hít vào cùng lúc niệm Phật một câu, thở ra cũng cùng lúc niệm Phật một câu. Trong sự phối hợp như vậy, hành giả vẫn biết toàn thân, vẫn hơi thở vào đầy bụng, và vẫn niệm Phật rõ ràng.
Có người đang dụng công, chợt bị vọng tưởng khởi lên quấy phá, liền chú ý kỹ hơn, biết rõ hơn vào đối tượng đang tu như bụng dưới, hay câu niệm Phật… thì vọng tưởng yên lại. Có người lại phải lui về để ý ở não sau hóa giải vọng tưởng rồi mới quay lại phương pháp dụng công đang thực hiện.
Trong đời sống bình thường, hơi thở bụng dưới khó thực hiện được suôn sẻ. Hành giả chỉ nên để tâm ở sau não để kiểm soát vọng tưởng, hoặc ai có duyên thì giữ câu niệm Phật. Như vậy dễ giữ tâm hơn.
Mỗi khi giao tiếp với mọi người thì phải khởi tâm từ bi thương yêu mọi người và khởi tâm khiêm hạ tôn trọng mọi người. Nên tùy duyên và siêng năng làm lợi ích cho mọi người. Đừng chấp là phải chuyên chú giữ tâm thanh tịnh và sợ làm phước quá rồi loạn tâm. Chấp tu nội tâm quá sẽ biến thành ích kỹ, mà ích kỹ là nguyên nhân của đau khổ ràng buộc.
Tâm từ bi và đời sống vị tha cũng chính là thiền định. Đừng hiểu thiền định chỉ là nhiếp tâm thanh tịnh.
Thiền định có hai nghĩa: Nghĩa hẹp là nhiếp tâm thanh tịnh. Nghĩa rộng là một đời sống thánh thiện.
Cả hai ý nghĩa đó hỗ trợ qua lại cho nhau.
Người muốn nhiếp tâm được thanh tịnh phải có một đời sống vị tha thánh thiện – và ngược lại, người muốn có một đời sống thánh thiện phải nhiếp được tâm yên lắng.
Ở những người công phu chưa thuần thục, khi nói năng giao tiếp thì tùy theo phương pháp mà mình đang ứng dụng để giữ tâm. Bên ngoài thì vẫn tùy thuận đối tiếp, nhưng bên trong vẫn lặng lẽ tu tập. Hoặc hành giả vừa nói chuyện vừa kiểm soát tâm từ sau não; hoặc hành giả vừa nói chuyện vừa niệm Phật; hoặc vừa nói chuyện vừa quán Bát Nhã thấy ta và mọi người đều là hư ảo. Lúc nói chuyện hơi thở không còn ra vào bình thường nên không thể vừa nói chuyện vừa theo dõi hơi thở.
Có người thích hợp với phương pháp theo dõi hơi thở thì khi làm lụng, đi tới đi lui… lúc nào cũng nhẹ nhàng biết rõ hơi thở ra hơi thở vào.

4. Kinh hành
Bây giờ thì nhiều người thích dùng chữ Thiền Hành, nghĩa là vừa đi vừa tu tập Thiền Định. Còn nào giờ chúng ta vẫn dùng từ kinh hành với nghĩa tương tự.
Kinh hành được thực hiện trong những trường hợp sau đây:
– Một, sau khi tọa thiền.
– Hai, trước khi tọa thiền.
– Ba, lúc bụng còn no sau khi ăn.
– Bốn, lúc ngồi thiền bị hôn trầm.
– Năm, lúc rỗi việc nhưng chưa tiện ngồi thiền.
Đọan đường để đi kinh hành thì tùy điều kiện cụ thể. Có khi đó là một hành lang đi vòng quang Chánh điện, vòng quanh tịnh thất; có khi đó là một lối đi trong vườn; có khi đó là một lối đi trong tăng xá; có khi đó chỉ là một khoảng ngắn vài mét trong thất kín…
Đừng chọn lối đi ngoằn ngoèo không ổn định vì làm tâm bị chi phối. Lối đi hoặc đi vòng quanh, hoặc đi thẳng tới lui là thích hợp hơn cả. Lối đi lên xuống triền núi hay bậc thang cũng không hay lắm.
Sau khi tọa thiền, chúng ta thường đi kinh hành một chút để tập quen dần việc giữ gìn công phu tu hành từ tịnh ra động.
Trước khi tọa thiền, chúng ta cũng nên kinh hành vài phút để chuẩn bị cho tâm đi từ cảnh động vào cảnh tịnh.
Sau khi ăn no đi nghỉ liền dễ bị mê, vì thế nên đi kinh hành một lát cho lưng bụng bớt.
Khi ngồi thiền bị hôn trầm nên xả ra đi kinh hành để phá cơn hôn trầm nếu cơn hôn trầm đó là do ám nghiệp tạo nên.
Việc dụng tâm trong khi kinh hành thì khá giống khi tọa thiền, chỉ là khó phối hợp nhiều phương pháp một lúc.
Ví dụ, người đi kinh hành chỉ để ý kiểm soát tâm sau não, hoặc chỉ niệm Phật, hoặc chỉ để ý hơi thở ra vào.
Tuy nhiên, từng bước chân nhẹ nhàng chạm đất cũng là một phần tâm chú ý xuống dưới và tạo thành âm lực ở dưới gốc.
Khi đi hai tay buông thỏng tự nhiên, không giữ cứng cũng không đông đưa nhiều. Tốc độ đi thong thả vừa phải, không đi nhanh cũng không kềm giữ đi chậm. Nên chọn lối đi kinh hành nơi thanh vắng, hoặc nếu đông người thì phải là những người cũng đang đi kinh hành.
Hỏi: Vì sau phải dụng công linh động hoặc dụng công phối hợp?
Đáp: Mục đích của việc tu tập thiền định là nhiếp tâm thanh tịnh không vọng tưởng. Vì vậy chúng ta đừng cố chấp một phương pháp nào mà phải biết khéo léo uyển chuyển sử dụng cách này cách kia để nhiếp tâm.
Hỏi: Thời gia đi kinh hành là bao nhiêu so với thời gian tọa thiền?
Đáp: Dĩ nhiên chúng ta ưu tiên cho tọa thiền, còn lại là kinh hành
_________________

Bài 7
TRIẾT LÝ VỀ TÂM

1. Tâm là một môi trường của những hoạt động tinh thần như suy nghĩ, tình cảm, sáng tạo, ghi nhớ, hồi tưởng, hiểu biết, phán đoán, chú ý, thiền định vân vân…
Tâm là cái không thể được nhận biết bằng 5 giác quan thông thường. Nghĩa là từ bên ngoài ta không thể "nhìn thấy" Tâm, không thể "nghe thấy" Tâm, không thể "sờ" Tâm vân vân… Vì vậy trong Đạo Phật, Tâm được gọi là Danh vì có cái tên là Tâm, mà không có hình dáng như thể xác định gọi là sắc.
Chỉ có Tâm tự biết lấy chính nó phần nào.
Nghĩa là nơi mỗi người, chúng ta tự biết mình đang suy nghĩ gì, buồn vui ra sao. Nhưng chúng ta chỉ biết phần nào mà thôi vì những hoạt động của Tâm mà thuộc loại phức tạp thầm kín thì ta không thể tự biết được hết.
Những người bên ngoài, nếu là người tinh ý, thì chỉ dựa vào nét mặt để đoán một ít tâm trạng của chúng ta. Trừ trường hợp những người có thiền định thâm sâu là có thể không cần dựa vào nét mặt vẫn có thể, bằng Tâm của họ, cảm nhận được Tâm của ta khá chính xác.

2. Nếu xét theo quan điẻm vật lý, Tâm chỉ là những hoạt động của não bộ. Các nhà nghiên cứu về sinh lý não đang tiếp tục tìm kiếm từng chức năng của mỗi vùng não (trung khu não) để biết rõ về hoạt động của Tâm. Mỗi vùng não phụ trách một khả năng nào đó của Tâm, ví dụ người ta tìm thấy vùng não phụ trách về ngôn ngữ, vùng não chữ viết, vùng não sáng tạo tư duy trừu tượng, vùng não để nhìn nghe, vùng não khoái cảm. Bây giờ người ta còn có thể khoan sọ lấy đi một ít thùy não để chữa chứng thèm ma túy (không còn nghiện mà vẫn còn thèm), cái thèm rất khó dùng ý chí thắng nỗi.
Như vậy, nếu đứng trên quan điểm duy vật, Tâm là cái gì có thể phân tích, mổ xẻ, tác động vì nó chỉ là hoạt động của não bộ mà thôi.
Tuy nhiên, liên tiếp khắp nơi trên thế giới, nhiều khả năng kỳ lạ của Tâm được ghi nhận khiến cho quan điểm duy vật về Tâm không còn đứng vững. Đúng là Tâm hoạt động dựa vào não bộ, nhưng ngoài ra Tâm còn nhiều khả năng vô cùng lạ lùng mà khoa học chưa thể giải thích. Người ta đã ghi nhận được khả năng tiên tri nơi một số nhà ngoại cảm kiệt xuất; hoặc khả năng thấu thị thần nhãn nhìn thấy cảnh vật từ khoảng cách rất xa; hoặc khả năng thôi miên điều khiển Tâm người khác; hoặc khả năng chữa bệnh bằng cách truyền năng lực tinh thần, vân vân. Tất cả những trường hợp đó đều được kiểm chứng là đúng.
Như vậy, nơi con người đang sống, hoạt động của Tâm dựa vào não bộ, nhưng cũng có thể vượt ra khỏi phạm vi vật lý bình thường.
Vì Tâm dựa vào não bộ, mà não bộ là thuộc về thân xác cho nên những tác động vật lý của thân chắc chắn có ảnh hưởng đến Tâm. Ví dụ, sự mỏi mệt của cơ thể có thể làm cho tinh thần yếu đuối; một cảm giác đau đớn có thể làm cho Tâm bấn loạn; một số nội tiết tố có thể thay đổi tính tình; một số bệnh có thể làm Tâm không còn giống lúc trước; dưới tác dụng của rượu có thể làm con người ta bị kích động…
Một người nghèo đói phải vất vả kiếm sống thì khó có thể có thái độ tự tin thoải mái như người giàu có no đủ; người khiếm thị thì cái cảm nhận về thế giới bên ngoài khác hẳn với người thường.
Nhưng ngược lại, Tâm mới chính là chủ nhân của cái xác này.
Cái thân thể này muốn cử động, nói năng, làm việc đều phải nhận được mệnh lệnh của Tâm. Giá trị của con người chính là trí tuệ, tình cảm tính tình của họ. Nếu đem sức mạnh cơ bắp so sánh thì con người thua rất nhiều loài vật trên địa cầu. Chỉ một con voi hiền lành đủng đỉnh ăn lá cây cũng bỏ xa con người về sức khỏe. Nhưng con người đã làm chủ trái đất này và đang chinh phục không gian bởi cái tâm kỳ diệu đó.
Như vậy, Tâm làm chủ Thân và Thân ảnh hưởng Tâm.

3. Theo Đạo Phật, Tâm chia làm bốn phần, phần chính:
– Thọ (cảm xúc khổ vui) – Tưởng (phần tâm cạn bên ngoài tái hiện lại cái được nhận biết bởi 5 giác quan) – Hành (phần tâm sâu bên trong xử lý, phân tích, phán đoán, sáng tạo… những thông tin từ bên ngoài đưa vào) – Và Thức (cái biết, đỉnh cao của hoạt động của Tâm) – Xin xem Năm Ấm là gì, Chơn Quang.
Ngoài ra còn những phần khác có liên quan như:
– Cái chú ý (chỗ Tâm tập trung để biết và giải quyết) – Tình cảm (những thương ghét, hâm mộ, khinh bỉ, tôn kính…) – Ký ức (lưu trữ thông tin, kiến thức…)
Mỗi phần của Tâm đều phối hợp với những phần còn lại của Tâm để hoạt động một cách nhịp nhàng hiệu quả. Sự phối hợp của các vùng não có thể được phân tích dưới khía cạnh khách quan vật lý là sự trao đổi hóa học tại các đầu Synapse của tế bào não khiến cho các tín hiệu não lan truyền lẫn nhau. Còn phân tích theo khía cạnh chủ quan tâm lý là sự hỗ tương ảnh hưởng do chúng đều ở trong môi trường của Tâm.
Điều quan trọng trong triết lý về Tâm của Đạo Phật là "Tâm chứa đựng một cái chấp ngã tiềm tàng mãnh liệt".
Chấp Ngã là gì?
Chấp Ngã là một tâm lý, một ý niệm sâu kín nhất, sâu kín hơn tất cả loại hoạt động nào của Tâm khiến người ta tự thấy mình là trung tâm của mọi nhận thức, tự thấy mình khác với thế giới bên ngoài; và thấy thế giới bên ngoài là đối tượng trong khi mình là chủ thể.
Bình thường, khi ta nhìn cảnh vật, thì ta là bản ngã chủ thể và cảnh vật là đối tượng khách thể; khi ta lắng tai nghe nhạc thì ta là Bản Ngã và tiếng nhạc là đối tượng (pháp); khi ta nhìn bàn tay thì Bản Ngã đồng hóa với đôi mắt và bàn tay là đối tượng bên ngoài; nhưng khi lấy tay rờ lên mắt thì Bản Ngã đồng hóa với bàn tay (xúc giác) và mắt trở thành đối tượng bên ngoài; khi ta le lưỡi liếm ngón tay (vị giác) thì Bản Ngã đồng hóa với lưỡi và ngón tay trở thành đối tượng bên ngoài; ngược lại, khi ta lấy ngón tay rờ lưỡi thì Bản Ngã đồng hóa với ngón tay (xúc giác) mà lưỡi đã trở thành đối tượng bên ngoài.
Như vậy, Bản Ngã thường biểu hiện qua nơi giác quan được sử dụng.
Nhưng Chấp Ngã không đơn giản chỉ là sự biến đổi theo giác quan, đồng hóa theo giác quan như thế, mà thật sự Chấp Ngã luôn luôn tạo thành khuynh hướng vị kỷ nơi mỗi người. Từ khuynh hướng vị kỷ này, con người bị đẩy vào 2 điều khác, đó là:
– Một, bất an đau khổ.
– Hai, đủ các tâm bất thiện như tham lam, sân hận, kiêu mạn, tham ái vân vân…
Đó là lý do tại sao ta thấy con người rất dễ đi về phía bất thiện bởi vì khuynh hướng vị kỷ là một điều rất tự nhiên có sẵn.
Tuy nhiên, con người hơn hẳn các động vật khác là nhờ trình độ trí tuệ vượt trội. Điều may mắn là nơi trí tuệ vượt trội này, con người đứng vào ngưỡng cửa của LƯƠNG TÂM.
Lương Tâm là gì?
Lương Tâm là trí tuệ phân biệt được điều thiện và bất thiện. Khi chúng ta bị đau đớn vì vết thương, bị khốn khổ vì đói kém, bị nhục nhã vì chưởi mắng… Chúng ta cũng thông cảm được người khác cũng đau đớn khi họ có vết thương, họ cũng khốn khổ khi bị đói kém, họ cũng nhục nhã khi bị chưởi mắng… Cái Lương Tâm là cái hiểu rằng "để cho người khác bị đau khổ là không tốt". Đại diện cho Lương Tâm của nhân loại là câu nói của các Thánh nhân Đông Tây kim cổ:
”Đừng làm cho người khác điều gì mà ta không muốn bị như thế".
Chính Lương Tâm đã khiến cho con người chiến đấu mãi với khuynh hướng vị kỷ bất thiện từ ngàn xưa đến nay. Có người chiến thắng được khuynh hướng vị kỷ trở nên vị tha thánh thiện; có người đã gục ngã trước khuynh hướng vị kỷ và trở nên ác độc tham tàn.
Mội điều may mắn khác nữa là từ xa xưa có những vị Phật giác ngộ nào đó, đã xuất hiện và đem đến cho con người niềm tin hiểu về Luật Nhân Quả Nghiệp Báo. Do tin hiểu Nhân Quả, con người càng mạnh mẽ đi về nẻo thiện, từ bỏ điều bất thiện, và Lương Tâm càng lúc càng sáng tỏ.
Như vậy, cái khuynh hướng vị kỷ là khuynh hướng có sẵn do Chấp Ngã có sẵn; còn cái Lương Tâm cao cả là điều phải do giáo dục và do sự phát triển trí tuệ mới có được.
Hiểu điều này, chúng ta càng thấy mình phải cố gắng rất nhiều trong việc tu dưỡng bản thân và cố gắng rất nhiều để giáo dục người khác. Nếu chúng ta không cố gắng, cái Ac sẽ tràn ngập thế giới này không mấy khó khăn.

4. Ở phần trên, chúng ta phân tích khái quát về Tâm khi Tâm đang hoạt động. Nhưng khi bước sang một chiều hướng khác, là khi Tâm dừng sự hoạt động để đi vào lắng sâu yên tĩnh, thì Tâm trở nên một cái gì lạ lùng, vô cùng kỳ diệu.
Chúng ta nói Tâm đi vào lắng sâu yên tĩnh không có nghĩa là Tâm rơi vào mông muội mê mờ, mà phải là luôn luôn tỉnh giác, sáng tỏ.
"Chỉ được gọi là ĐỊNH khi Tâm dừng suy nghĩ nhưng vẫn tỉnh táo rõ ràng."
Chúng ta so sánh những trạng thái của Tâm như sau:
– Một, thức tỉnh với suy tư vọng tưởng.
– Hai, mất ý thức rơi vào hôn mê do chấn thương hoặc bệnh lý…
– Ba, giảm ý thức rơi vào giấc ngủ, trong giấc ngủ vẫn có vọng tưởng và mộng mị.
– Bốn, không vọng tưởng suy tư nhưng ít tỉnh giác; gọi là vô ký hay hôn tịch.
– Năm, không vọng tưởng suy tư và cũng rất tỉnh giác.
Trong năm trạng thái trên, trạng thái cuối cùng là đường đi đến TUYỆT ĐỐI.
Dĩ nhiên khi Tâm được yên tĩnh và tỉnh giác thì đó chỉ mới bắt đầu của con đường. Con đường còn rất xa mới đến đích Tuyệt Đối.
Tuyệt Đối là gì?
Đạo Phật gọi chỗ Tuyệt Đối này là Niết Bàn Phật Tánh, …
Nơi Niết Bàn Tuyệt Đối này cái Chấp Ngã hoàn toàn không còn tồn tại.
Chỗ không còn TA, chỗ đó tức là TẤT CẢ.
Vì vậy vị Thánh đạt đạo tự thấy trong chỗ tịch lặng Tuyệt Đối đó là chỗ hòa đồng cùng muôn vạn loài trong khắp pháp giới vũ trụ (xin xem Nghiệp và Kết Quả, Năm Ấm là gì – Chơn Quang)
Còn ở trên đường đi Tâm sẽ phải trải qua nhiều mức độ định khác nhau. Càng vào Định chừng nào, Tâm càng trở nên vi diệu chừng nấy. Tâm càng lúc càng sáng tỏ, thênh thang, sắc bén, hoạt dụng, tinh tế hơn hạt bụi và trùm phủ hơn hư không.
Với những trạng thái Tâm đặc biệt mà hành giả mới lần đầu thể nghiệm như thế, rất nhiều rất nhiều người đã cho mình chứng đạo đồng với Phật. Sự hiểu lầm này dần dần làm giảm giá trị Đạo Phật và tạo ra nhiều tông phái khác nhau.
Một điều nguy hiểm nữa mà nhiều hành giả dễ bị khi chưa giải thoát hoàn toàn đó là, dù Tâm đã vào Định rất sâu, đã trở nên vô cùng đặc biệt vi diệu, thì cái Chấp Ngã vẫn chưa hết!
Vì sao?
Vì Chấp Ngã là một ý niệm sâu kín nhất. Chừng nào người ta chưa đạt đến Tuyệt Đối thì luôn luôn Chấp Ngã còn tồn tại.
Nhiều người đạt được những trạng thái Tâm vi diệu trong Định, đã ca ngợi Tâm đó, gán cho Tâm đó một giá trị cuối cùng không gì hơn được.
Ngày xưa còn có Phật, chính Phật sẽ là người xác nhận một vị Tỳ kheo đã viên mãn đạo quả Alahán hay chưa. Bây giờ không có kiểm chứng, chúng ta phải luôn luôn không được chấp nhận bất cứ trạng thái nào của Tâm là Tuyệt Đối, dù đạt được bất cứ trình độ nào. Nhờ không chấp nhận như thế nên chúng ta không tự mãn; nhờ không tự mãn như thế chúng ta còn nhân lành để đạt đến Tuyệt Đối; dù có thể qua nhiều kiếp về sau.
Nếu chúng ta vội vã chấp nhận một trạng thái Tâm nào đó là viên mãn, là Phật tánh, có nghĩa là chúng ta đã rơi vào lỗi Tăng thượng mạn. Tăng thượng mạn nghĩa là lạm nhận một giá trị Tâm chứng cao trong khi thật sự vẫn còn thấp. Chúng ta vội gán cho Tâm mình một giá trị cao bằng như Phật, đó chính là lỗi Tăng thượng mạn. Lỗi này sẽ làm chúng ta rất khó chứng đạo viên mãn trong nhiều kiếp về sau nữa, nếu không muốn nói sẽ bị thối thất.
Chúng ta phải cảnh giác rằng, dù Tâm rất an định, cái Chấp Ngã vẫn tồn tại nơi mà trí tuệ ta chưa thấy nỗi. Nếu không cẩn thận, cái Chấp Ngã này sẽ tiếp tục thúc đẩy ta tạo nên nhiều lỗi lầm kế tiếp.

5. Có một số kinh điển Phật Giáo hệ phát triển, một số Tông phái Đạo Phật cho rằng, nơi mỗi con người đều có sẵn Phật tánh. Phật tánh này đã bị che lấp bởi vọng tưởng phiền não. Nếu người ta nhờ một Pháp môn tu tập để vén đi vọng tưởng thì Phật tánh sẽ hiển lộ. Đó là lối tiệm tu (tu từ từ).
Hoặc người ta có thể nhờ một phương pháp khai thị đặc biệt nào đó thì vẫn có thể đốn ngộ được Phật tánh (ngộ bất ngờ).
Thật ra cái trạng thái Tâm mà một hành giả "Ngộ" được cũng chưa phải là Tuyệt Đối cuối cùng vì vẫn còn trên đường đi, và đặc biệt là vẫn còn Ngã Chấp chứ chưa hết hẳn.
Tuy nhiên xuất hiện được trạng thái Tâm như thế cũng là khá đặc biệt, cũng là đã có công đức của quá khứ.
Chúng ta nhấn mạnh lại điều này, để đạt được một trạng thái Tâm tỉnh giác an định như thế, dù là chưa đến Tuyệt Đối, cũng là do công do công đức từ quá khứ.
Công đức này có thể được kể như sau:
– Từng cung kính cúng dường một vị Thánh hay Phật nào đó.
– Từng làm lợi ích cho chúng sinh.
– Ít tạo lầm lỗi.
– Có quá trình cố gắng nhiếp tâm.
Chúng ta phải thấy chính cái công đức trong quá khứ đã tạo thành trạng thái Ngộ như vậy, chứ đừng bao giờ chấp do pháp môn hay tông phái hay thủ thuật của Thiền sư. Nếu do thủ thuật của Thiền sư thì tại sao dưới sự khai thị của một vị Thiên sư, mà người Ngộ người không! Nếu do pháp môn thì tại sao cùng tu một pháp môn người Ngộ người không!
Một số trường hợp khác khi người Ngộ bỗng cảm thấy cái trạng thái Tâm an định sáng suốt này như đã có sẵn tự bao giờ chứ không phải mới đây. Trường hợp như vậy là do vị này đã từng có sở đắc từ kiếp trước, kiếp này chỉ là lập lại mà thôi.

6. Khi Tâm không hoạt động theo chiều hướng suy nghĩ nữa mà đã đổi sang chiều hướng dừng suy nghĩ thì Nhân sinh quan và Thế giới quan cũng thay đổi. Hành giả không còn nhìn cuộc đời theo cách thức bình thường như trước.
Tất cả Triết học, khoa học, đường lối xã hội, chính sách kinh tế trên thế giới này đều do suy nghĩ của con người mà được thành lập nên. Từ "nội tâm suy nghĩ", con người đã chung nhau dựng lập nên đời sống sinh hoạt của nhân loại như thế này với đủ trò vui, hận thù, thương yêu, chiến tranh, giết chóc…
Nếu bây giờ con người thay đổi nội tâm của mình theo hướng khác, dừng suy nghĩ mà vẫn tỉnh táo biết rõ, thì con người sẽ tạo nên một thế giới mới không còn giống như bây giờ nữa. Trong thế giới đó, con người sẽ sống thâm trầm hơn, sâu sắc hơn, bình an hơn, từ bi hơn, đạo đức hơn và hạnh phúc hơn.
Những năng lực kỳ diệu của Tâm (dĩ nhiên là Tâm an định) sẽ được khai thác phát triển và dẫn con người sang một nền văn minh mới, không quá thiên về vật chất như bây giờ.
Trong Đạo Phật, Thần Thông của Tâm đã chứng ngộ đến Tuyệt Đối được phân ra sáu cách (Lục thông). Đó là:
– Túc mạng thông (khả năng nhớ lại vô lượng kiếp của mình).
– Thiên nhãn thông (khả năng quan sát sự lưu chuyển của chúng sinh và hiểu rõ nghiệp báo của tất cả).
– Thần túc thông (khả năng phi hành biến hóa).
– Tha tâm thông (khả năng biết rõ tâm của chúng sinh).
– Thiên nhĩ thông (nghe được tiếng của mọi loài ở khắp nơi).
– Lậu tận thông (khả năng thấy được chấp ngã, vô minh và không tạo lầm lỗi).
Sáu loại thần thông này cũng là tiêu chuẩn để chúng ta tự đánh giá mình đã đạt đến tuyệt đối hay chưa. Nếu tâm ta có đạt đến một mức độ an định thù thắng nào đó mà sáu thần thông trên vẫn chưa hiển lộ thì phải tự biết mình chưa đến đạo quả Alahán, chưa đạt được bản thể Niết Bàn cứu cánh. Nhờ vậy, ta sẽ không tự mãn giữa đường.

7. Tóm lại, cũng một cái Tâm này nếu ta sử dụng theo cách suy nghĩ thì tự nhiên sẽ bám chặt vào thân xác và thế giới vật chất để tạo thành lối sống đầy ràng buộc.
Cũng một cái tâm này, nếu ta sử dụng theo cách từ bỏ suy nghĩ mà vẫn tỉnh táo thì tự nhiên Tâm sẽ buông dần thân xác và thế giới vật chất để tạo thành lối sống tự do tự tại giải thoát.
Chúng ta cũng không nên cho Tâm này có sẵn Phật tánh, hay Phật tánh có sẵn trong Tâm. Vì sao? Vì Tâm chỉ là đường đi đến Tuyệt Đối chứ Tâm chưa phải là Tuyệt Đối.
Người tu không thể đi đến Tuyệt Đối bằng bất cứ cách nào khác bởi khoa học kỹ thuật, bởi tư duy suy nghĩ, mà người ta chỉ có thể đi đến Tuyệt Đối bằng con đường Tâm sâu vào an định.
Cái Bản Thể Tuyệt Đối đó ở cuối đường của Tâm nơi không còn Ngã Chấp. Hễ còn Tâm tức là còn Chấp Ngã, dù Tâm đạt đến mức độ định nào cũng vậy. Và khi vượt khỏi Chấp Ngã, đã đi hết con đường của Tâm thì Bản Thể Tuyệt Đối không còn là của riêng nữa. Nếu còn một chút ý niệm riêng tư thì cái đó vẫn còn Bản Ngã. Vì không còn Ngã Chấp nữa nên Bản Thể Tuyệt Đối trở thành một thể tánh chung đồng của vũ trụ vạn hữu, không còn khái niệm của riêng ai.
Vị Thánh chứng đạt Tuyệt Đối thì không còn thấy mình là mình nữa, mà tự thấy m ình là tất cả chúng sinh, tất cả vũ trụ pháp giới.
Vì thế Mười phương Phật cũng không khác gì một vị Phật, Tam thế Phật cũng không khác gì một vị Phật. Ta niệm danh hiệu một vị Phật cũng tức là niệm danh hiệu mười phương Phật; ta đảnh lễ một vị Phật cũng tức là đảnh lễ vô lượng Phật, vì Phật và Phật dung thông, Thánh và Thánh tương hợp.
Thế giới ngày nay bị lôi cuốn bởi cái hào nhoáng của kỹ thuật và tiện nghi vật chất nên con người càng quay lưng lại với sự tu tập tâm linh, và như vậy, con người càng bị lúng sâu vào khổ đau hệ lụy và tự hủy diệt. Chúng ta may mắn được là đệ tử Phật, có được niềm tin vào Nhân Quả và niềm tin vào Niết Bàn tuyệt đối, chúng ta nguyện lòng cố gắng tu hành để đủ khả năng chuyển hóa làm thế giới này quay về với nội tâm an ổn, từ bi và hạnh phúc.

Hỏi: Có nơi nói rằng Tâm vốn sẵn thanh tịnh, chỉ vì vọng khởi làm che lấp chân tính. Nếu chúng ta biết gạn lọc vọng trần thì Tâm lại thanh tịnh như xưa. Đúng chăng?
Đáp: Nếu trước kia Tâm vốn sẵn thanh tịnh, rồi bị trần lao che lấp thì cái Tâm thanh tịnh đó không đủ sức tự giữ lấy mình. Nếu nó đủ sức tự giữ lấy mình thì đâu có bị trần lao khởi lên che lấp! Bây giờ chúng ta có khổ công tu hành để tìm lại cái Tâm đó thì ngày nào nó cũng bị trần lao che lấp lại. Thế nên cái thuyết nói Tâm vốn thanh tịnh cần được xét lại.
Hỏi: Vậy chúng ta tu là tìm cái gì nơi Tâm?
Đáp: Chúng ta tu là làm cho Tâm, từ trạng thái loạn động, trở nên thanh tịnh. Tâm thanh tịnh chính là con đường đi đến Vô Ngã, mà Vô Ngã cũng tức là Niết bàn Tuyệt Đối.
_________________

Bài 8
Ý NGHĨA CỦA CHỈ & QUÁN

1. Thông thường chúng ta vẫn nghe phân biệt hai loại Thiền Chỉ và Thiền Quán. Trong một số hệ phái, Thiền Quán được xem là chính thống ; còn Thiền Chỉ bị coi là ngoại đạo. Tuy nhiên, trong thực tế, dụng công cũng như trong kinh điển Nikaya truyền thống, cả hai loại Thiền đều có gía trị như nhau.
“Chỉ” có nghĩa là dừng lại
“Quán” có nghĩa là xem xét
“Thiền” thì luôn luôn có nghĩa là phải đạt được nội tâm thanh tịnh không còn
suy nghĩ.
Nếu so sánh ba ý nghĩa trên thì “Chỉ” có vẽ gần với “Thiền” hơn . “Quán” có vẽ như còn động hơn.

2. CHỈ
Ý nghĩa căn bản của Chỉ có nghĩa là dừng; Tuy nhiên “Chỉ”còn có nhiều nghĩa khác.
Ví dụ : Khi vọng tưởng khởi lên, ta liền khởi lên một mệnh lệnh cho tâm “hãy yên lặng”, vọng tưởng liền tắt. Mệnh lệnh đó chính là Chỉ.
Ví dụ : Khi nhìn thấy một món vàng bạc qúy gía, tâm ta xuất hiện ý tham. Ta liền tự nhủ “thôi, đừng tham nữa!”. Ngay đó, ý tham liền hết, tự nhủ, tự răn, tự kiềm
chế như thế chính là chỉ.
Trong kinh điển Nikaya. Đức Phật thường hay bảo hãy trừ diệt ác pháp, hãy trừ diệt cấu uế của tâm… Sự trừ diệt như thế cũng là chỉ.
Rồi kế đến, những phương pháp an trú tâm tại một vị trí nào đó cũng thuộc về chỉ
Ví dụ : Có hành gỉa an trú tâm tại mũi để theo dõi hơi thở ra vào. Sự theo dõi hơi thở thuộc về “Quán”, nhưng sự an trú tại một vị trí thuộc về Chỉ.
Ví dụ : Có hành gỉa an trú tại lòng hai bàn tay đang để lên nhau và thấy rất an ổn. Sự an trú như thế cũng thuộc về “Chỉ”.
Có hành gỉa an trú tâm ở hai vùng não phía sau và cảm thấy dễ kiểm soát vọng tưởng từ lúc mới khởi. Đó cũng là Chỉ mặc dù sự kiểm soát thuộc về Quán.
Có hành gỉa an trú tâm ở huyệt Nguyên Quang (dưới huyệt khí Hải bốn phân) và cảm thấy tâm yên lắng dễ chịu.
Có hành gỉa khi ngồi thiền bị đau chân mà cảm thấy chưa cần thiết phải xả thiền, nên an trú tâm tại nơi đau để đối diện với cái đau, để tập sự chịu đựng không phản kháng. Đó cũng là Chỉ.
Có hành giả tâm bẩm sinh dễ yên lắng, khi bắt chân ngồi thiền, chỉ cần hơi kiềm nhẹ lúc đầu một chút là Tâm được vào định. Tác ý kềm nhẹ nhẹ lúc đầu như thế cũng là Chỉ.

3.QUÁN :
Ý nghĩa căn bản của Quán là xem xét, nhưng sự xem xét đó chỉ đúng khi nó đưa tâm vào Định. Nếu càng xem xét càng động thì sự quán chiếu đó không đúng.
Quán là xem xét một đối tượng dựa trên một đạo lý.
Ví dụ: Khi hành giả quán thân, thì quán trên đạo lý Vô Thường, cứ tự nhắc tới nhắc lui một cách thông thả là thân này Vô Thường. Nhờ xem xét như vậy nên trong thâm sâu, tâm hành giả thóat khỏi tham đắm chấp trước và dần dần không khởi vọng tưởng nữa.
Có khi hành giả quán ra bên ngòai và nhìn thấy trần gian như mộng ảo phù du. Nhờ xem xét như vậy nên tâm hành già không còn ham muốn vào thế gian và đi vào an định. Tuy nhiên, khi hướng ra bên ngoài, chúng ta dễ “Quán” luôn mọi người mọi loài là hư ảo. Như vậy rơi vào lỗi mất Từ Bi và xem thường chúng sinh. Quả báo của lỗi đó quá nặng. Tuy quán thế gian là hư ảo nhưng hành giả phải khởi Từ Bi đối với vạn loài hữa tình.
Từ Bi cũng là một phép quán cực kỳ quan trọng trong Đạo Phật. Không có nền tảng Từ Bi, dù chúng ta có đắc Định thì vẫn chưa phải Đạo Phật. Vì vậy những ngày đầu đến với Đạo Phật, hành giả phải huân tập chan rãi tình thương yêu chúng sinh một cách sâu đậm vững chắc, và phải phát triển lòng Từ Bi đến suốt cuộc đời.
Đối với quán bất tịnh thì phải lấy thân mình mà quán, đừng quán thân người khác. Quán thân mình bất tịnh đến thuần thục thì tự nhiên không còn tham đắm thân thể người khác. Còn nếu quán thân người khác là bất tịnh thì giống như rơi vào lỗi chê bai người nên sẽ mắc quả báo tham đắm mạnh về sau. (“ghét của nào trời trao của đó”). Thật ra cái gốc của tâm Vô Nhiễm xả ly tham dục là do công đức lễ kính Phật, tôn trọng mọi người. Nếu không biết lễ Phật, không biết tôn trọng mọi người, tự cho mình hơn… thì nhân cách sẽ giảm sút và tham dục phát khởi.

4.NHỮNG PHÁP MÔN CÓ CẢ HAI Ý NGHĨA CHỈ VÀ QUÁN :
Có những Pháp Môn thật ra bao gồm cả Chỉ và Quán .
Ví dụ: Phép Quán Hơi Thở. Việc xem xét theo dõi hơi thở ra vào thì không cần phải kèm theo một Đạo Lý nào. Vì không có Đạo Lý kèm theo nên rất giống với Chỉ. Hơn nữa, có khi hành giả an trú tâm tại ống mũi để theo dõi hơi thở nên càng thuộc về Chỉ. Tuy nhiên sự tỉnh giác theo dõi cũng có thể được xem là Quán.
Trường hợp an trú tâm tại vùng não phía sau cũng vậy. An trú tâm là thuộc về Chỉ, trong khi sự tỉnh giác kiểm soát vọng tưởng là thuộc về Quán.
Có trường hợp tâm hành gỉa khởi lên một phiền não, một pháp bất thiện như tham dục, sân hận, buồn khổ, … hành gỉa liền an trú Tâm ngay nơi niệm bất thiện để đối diện xem nó là cái gì, từ đâu mà khởi, liền đó tâm phiền não bất thiện tan biến. Việfc an trú Tâm như thế có thể gọi là Chỉ ; nhưng sự đối diện, sự tìm hiểu, sự thắc mắc thì thuộc về Quán.
Nơi công phu Điều thân ban đầu, hành gỉa vừa biết toàn thân, vừa thấy thân này là hư gỉa, cũng là bao gồm cả Chỉ và Quán, mặc dù thiên về Quán nhiều hơn.

5.QUÁN VÀ CHỈ THAY ĐỔI QUA LẠI :
Có trường hợp hành giảkhởi đầu sự tu tập bằng cách Quán Vô thường. Đến khi Tâm yên lắng rồi thì không cần quán nữa, chỉ cần giữ Tâm một chổ nơi vùng não phía sau mà thôi – Trú Tâm trước trán dễ phát hào quang, nhưng cũng dễ khởi ngã mạn. Nhu vậy, giai đoạn đầu hành giả tu Quán nhưng về sau biến dần thành Chỉ
Trường hợp hành giả khó nhiếp tâm nên khởi câu niệm Phật để sám hối. Tâm niệm sám hối như thế cũng thuộc về Quán. Lát sau buông câu niệm Phật và giữ được tâm yên lắng trở lại. Đó cũng là Quán rổi Chỉ.
Trường hợp hành giả theo dõi Hơi thở cho đến khi Tâm vào Định thì không còn cần phải cố gắng theo dõi nữa mà Hơi thở trở nên tự động kéo sự chú ý của Tâm vào đó khiến cho Tâm yên một cách tự nhiên. Giai đoạn này cũng thuộc về Chỉ.
Lại có trường hợp hành giả đang nhiếp tâm yên ổn bổng bị vọng khởi khó kềm chế. Hành giả không thể tiếp tục an trú tâm nữa mà phải xem xét nguyên nhân tại sao. Đến khi nào hành giả tìm thấy được lỗi lầm đã xuất hiện một vài ngày trước đó, rồi thành tâm niệm Phật sám hối thì tâm mới dần dần yên trở lại. Đó cũng là Chỉ nhưng chuyển qua Quán tạm thời.
Ta có thể hiểu Chỉ và Quán qua hình ảnh minh họa như sau. Khi việc đất nước chưa yên, ông vua phải lo toan, chống đỡ, dọn dẹp. Đó là Quán. Quán có công năng dọn dẹp, phá chấp của Tâm. Khi đất nước yên bình ông vua ngồi yên trên ngai để nghỉ ngơi và tiếp tục quan sát nhẹ nhàng, khi cần thì chỉ việc ra lệnh. Đó là Chỉ. Chỉ vừa có tính nghỉ ngơi mà vẫn biết rõ vừa ra lệnh.
Khi Quán đã khiến Tâm yên ổn thì tự nhiên phải chuyển dần qua Chỉ để cũng cố sức định. Đôi khi Tâm khởi vọng, định bị trục trặc, thì phải trở lại dùng Quán để dọn dẹp chướng ngại. Giống như ông vua, khi thì nghỉ yên, khi thì chống đỡ.
Không bao giờ việc tu tập thiền định luôn luôn suôn sẽ thẳng tiến mãi. Ai tu tập thiềun định đều thấy sức định khi tiến khi thối rất nhiều lần. Vì vậy phải biết dụng công linh động, dụng công phối hợp, và không được cố chấp một bề Chỉ và Quán

6.CHỈ QUÁN VỚI ĐỊNH TUỆ :
Dù tu Chỉ hay Quán, nhưng hành giả phải đạt được kết quả Định Tâm qua bốn mức thiền mà Phật đã nhắc đi nhắc lại suốt cuộc đời giáo hóa. Khi vào Định rồi thì tâm giống như đang tu Chỉ vì được an trú, nhưng sức tỉnh giác biết rõ thì giống như Quán
Nhiều người tu thiền được Định Tâm an ổn nhưng không có gì để trình bày thuyết giảng. Nếu có ai hỏi thì cũng trả lời theo công phu của mình, nhưng cũng nói đơn sơ giản dị, không biết trình bày chúc chiết chi tiết. Hầu hết những trường hợp như thế là do tu thiền về Chỉ, tâm dễ vào định. Đến khi nào Trí Tuệ khai phát (Ngộ đạo) thì hành gỉa xuất hiện biện tài hỏi đáp. Nhưng cũng có trường hợp Ngộ đạo rồi mà vị này vẫn không thuyết Pháp được vì nhân qủa chưa đủ, biện tài không xuất hiện. Dù sao khả năng thuyết Pháp có được cũng là do Phước.
Có người tu thiền tâm chưa vào định mà đã có kiến giải đã có thể trình bày thuyết giảng. Trường hơp như vậy là do tu tập thiền về Quán. Trí Quán cũng làm xuất hiện kiến giải hỏi đáp lanh lợi. Người này càng vào Định thì càng tăng trưởng kiến giải biện tài. Tuy nhiên nếdu hành giả ở trong trường hợp này thì dễ bị tồn tại tâm tế khó dứt trừ được. Phải lắng sâu để dứt trừ tâm tế thì mới vào được sơ thiền.
Đôi khi người ta dễ lầm lẫn giữa kiến giải và Tuệ. Người có tu tập, có học hỏi rồi có thể nói năng lưu loát để trình bày Giáo Lý thì chỉ được gọi là có kiến giải chứ chưa phải là Tuệ. Trí Tuệ chỉ thực sự xuất hiện sau khi hành giả thuần thục Trong Định.
Tuệ cũng có hai loại:
- Loại Tuệ giống như Thần thông biết chuyện qúa khứ vị lai, biết tâm người khác.
- Loại Tuệ thứ hai là thấy được Đạo Lý.
Nhũng Đạo Lý cao cả như Tứ Diệu Đế, Mười hai Nhân duyên, Thất giác chi…
Nếu không có Trí Tuệ của Phật thì đến bây giờ cũng không ai nhìn thấy cả.
Trí Tuệ Thần thông tuy khó mà không khó lắm. Trí Tuệ Đạo Lý mới thật sự là khó và cần thiết cho nhân loại
Nhiều vị tu hành đắc định có thần thông, biết nhiều chuyện trên đời, nhưng có khi vẫn chưa thấy được Đạo Lý thấu đáo, có khi thuyết Pháp vẫn sai với ý của Phật. Trí Tuệ để thấy được Đạo Lý rất là quý và rất là khó. Như vậy chúng ta phải phân biệt sự khác nhau giữa:
- Chỉ : là dừng tâm để an trú.
- Quán :là xem xét dựa trên Đạo Lý Phật dạy.
- Kiến giải : là sự lanh lợi tạm thời do học, do sáng ý.
- Tuệ thần thông :là loại Tuệ giác tâm linh biết nhiều chuyện mà người thường không thể biết
- Tuệ Đạo lý : là Trí Tuệ thực sự thấy được Chân Lý, lẽ phải trong cuộc sống, trong vũ trụ.
- Định : là kết quả do Chỉ và Quán đem lại khiến tâm không còn vọng tưởng. Định có nhiều tầng bậc.

11 novembre 2007

CHÙA TỪ QUANG 06000 NICE - FRANCE

CONTACT :
Pagode Từ Quang
Tradition : Mahâyâna vietnamien
32 rue Ménard 06000 Nice
Tél. 04.93.81.48.57

LPhuongphat_20a_20di_20da_205RPhuong

11112007021

11112007022

10 novembre 2007

CHÙA HỒNG HIÊN - PHÁP QUỐC

chuongnho1

Liên hệ :
Pagode Hông Hiên
13 rue Henri Gỉraud
83600 Frejus - FRANCE
Tel : + 33 ( 0 ) 494 53 25 29
Hoặc : + 33 ( 0 ) 608 70 06 43
Fax : + 33 ( 0 ) 494 82 01 94
E-mail :

pagode.honghien@yahoo.fr

ou

contact@pagodehonghien.org

CALENDRIER 2008

Animation de la pagode HỒNG HIÊN      

Discussion sur le bouddhisme ( Entrée gratuite )

-         06 JANVIER

-         03 FEVRIER

-         02 MARS

14H30 Animées par Daniel GADIOU

-         13 AVRIL

-         04 MAI

-         15 JUIN

14H30 Animées par Daniel GADIOU & Fleur PHAM

Pagode HỒNG HIÊN

13 rue Henri Giraud

83600 FREJUS

Tel : 04 94 53 25 29

Mobile : 06 66 66 90 56

SOYEZ LES BIENVENUS, ENSEMBLE DONNONS VIE À NOTRE PAGODE

Pour tous renseignements concernant les animations de la pagode, merci de contacter Marina CURTI au : 06 10 79 93 95 ou biochina@yahoo.fr

Frejus_pagode_520x345
Hồ sen trước chính điện

4
Vườn Lumbini nơi hoàng hậu Maha Maya hạ sinh hoàng tử Siddahata

2
Tượng Dức Phật dưới bóng cây bồ đề

5
Chuông cao 2.50m nặng 2 tấn được mô phỏng theo mẩu chuông chùa Thiên Mụ ở Huế

Chùa được xây dựng vào năm 1917 do những quân nhân Pháp gốc Việt trong thời kỳ Đệ nhất thế chiến nhằm gìn giử tín ngưỡng Phật giáo và tưỡng nhớ quê hương. Hiện nay ngôi chùa này được thành phố Frejus liệt kê vào một trong những địa điểm du lịch danh tiếng ở Pháp vì nơi đây có được tầm nhìn lý tưởng, khí hậu trong lành và nhiều địa điểm mang đậm sắc thái Á Châu ...

phatthichcanho5

Qúi đạo hữu muốn thĩnh kinh sách xin liên hệ :
Mme PHAM Thị Liên Hương
Residence Les Amarylis
109, Impasse du Surveret
83600 FREJUS
Tel : + 33 ( 0 ) 494 194 534
Hoặc : + 33 ( 0 ) 608 700 643
E-mail : lienhuongf@hotmail.com
Hoặc : huongfleur@yahoo.fr

7 novembre 2007

VIDEO PHẬT PHÁP ( Click vào links bên dưới xem trực tiếp )

arrow_blue_rt_md_wht   Click vào links bên dưới xem trực tiếp

  1. Trưởng Thành - Thích Chơn Quang
    http://video.google.com/videoplay?docid=5807169999183969834
  2. Hộ Trì Chánh Pháp, Thích Chơn Quang
    http://video.google.com/videoplay?docid=2826438260513818552
  3. Tình yêu và lý tưởng 01 - Chùa Hoằng Pháp
    http://video.google.com/videoplay?docid=-4731465792623037234
  4. Tình yêu và lý tưởng 02 - Chùa Hoằng Pháp
    http://video.google.com/videoplay?docid=1196678033379446509
  5. Kiếp luân hồi ( phim Mỹ, rất hay đáng xem ) - Chùa Hoằng Pháp
    http://video.google.com/videoplay?docid=-1105547351541816355
  6. Trở lại đường xưa ( Tập 1, phim Việt Nam ) - Chùa Hoằng Pháp
    http://video.google.com/videoplay?docid=-1472743699583985664
  7. Trở lại đường xưa ( Tập 2, phim Việt Nam ) - Chùa Hoằng Pháp
    http://video.google.com/videoplay?docid=-8880840140778702132
  8. Báo ứng hiện đời - Phần 1 ( Phim Tàu )
    http://video.google.com/videoplay?docid=3734044122140935950
  9. Báo ứng hiện đời - Phần 2 ( Phim Tàu )
    http://video.google.com/videoplay?docid=8194829510161631672
  10. Nghịch Duyên ( Phim Tàu )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-3292717466081069843
  11. Lòng lành đổi tướng thay tên - Tập 1 ( Phim VN - Chùa Hoằng Pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-2725482006323266198
  12. Lòng lành đổi tướng thay tên - Tập 2 ( Phim VN - Chùa Hoằng Pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-7161883560376764815
  13. Lẽ thật cuộc đời ( Chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-948782215382628108
  14. Nụ cười Di Lặc ( Chùa Hoằng Pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-2621369849399102728
  15. Quên quá khứ để vui sống ( Chùa Hoằng Pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-5147676832809842708
  16. Bỏ và nắm ( Chùa Hoằng Pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=719283762294269188
  17. Tiếng chuông thức tỉnh ( Chùa Hoằng Pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-832849428739438914
  18. Lợi ích của sự ăn chay ( Phim tài liệu Trung Hoa - Chùa Hoằng Pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=7711515644633927472
  19. Mục đích đến chùa ( Chùa Hoàng Pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-6778112876957704320
  20. Một chuyến hạnh ngộ ( Chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-7059158917513882196
  21. Chuyển hóa khổ đau ( Chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=1558319623271511524
  22. Vui đời vui đạo ( Chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=4131713759028061896
  23. Vui buồn mùa Xuân ( Chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-2166229600718512591
  24. Đối trị căng thẳng ( Chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=678034802607359282
  25. Bốn phương pháp cảm hóa lòng người ( Chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-1225327625754710095
  26. Tẩy trần ( Chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=727278515533344620
  27. Tham ái - 1,2 & 3 ( Chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-5280500275581013021
    http://video.google.com/videoplay?docid=-8135145028260809671
    http://video.google.com/videoplay?docid=-236132967095329901
  28. Ba chặng đường tu ( Chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-6769486617692132709
  29. Khuyên tu ( Chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-1153674394179101509
  30. Cách thức trợ niệm người khi lâm chung ( Chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-6725802907206383352
  31. Liên hoa mãi ngàn đời ( Chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=6951155278478337204
  32. Phật Giáo Là Gì ? ( Pháp sư Tịnh Không )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-3727009140861012770
  33. Phật Học Vấn Đáp 01, 02, 03, 04, 05 ( Pháp sư Tịnh Không )
    http://video.google.com/videoplay?docid=6575541119370714591
    http://video.google.com/videoplay?docid=6780437338687719576
    http://video.google.com/videoplay?docid=-6334586753804687376
    http://video.google.com/videoplay?docid=8568975748419174261
    http://video.google.com/videoplay?docid=1716230899252451958
  34. Hiếu Thân Tôn Sư ( Pháp sư Tịnh Không )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-4513839336121851175
  35. Thanh Tịnh Phước Đức, 01, 02 ( Pháp sư Tịnh Không )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-8963640552307247977
    http://video.google.com/videoplay?docid=2463098613020238607
  36. Lục Hòa Lục Độ, 01, 02 ( Pháp sư Tịnh Không )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-700387582067508164
    http://video.google.com/videoplay?docid=-4796539551140573522
  37. Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Tinh Hoa, 01, 02, 03 ( Pháp sư Tịnh Không )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-1625817664120984370
    http://video.google.com/videoplay?docid=-2713773114990390300
    http://video.google.com/videoplay?docid=7479053290451752843
  38. Rắn Báo Oán ( Chuyện nhân quả - Trung Quốc )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-3948729198725186341
  39. Thành Phật Chi Đạo ( Pháp sư Tịnh Không )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-5337686559363430295
  40. Phật Thuyết Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, 01, 02, 03, 04 ( Pháp sưTịnh Không )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-4691892135882667121
    http://video.google.com/videoplay?docid=231816200902558712
    http://video.google.com/videoplay?docid=-2344801774929482286
    http://video.google.com/videoplay?docid=1415118371086096641
  41. Những điều người tu Tịnh độ cần biết ( Đại Đức Thích Gíac Đăng thuyết giảng )
    http://video.google.com/videoplay?docid=1906001449198908789
  42. Khai thị Phật thất khóa 43 ( Hòa Tthượng Thích Trí Quảng thuyết giảng )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-2724894524819532275
  43. Quyết định vãng sinh ( Đại Đức Thích Giác Hóa thuyết giảng - Chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-7156872432164441814
  44. Hoằng pháp lợi sinh - Chùa Hoằng pháp
    http://video.google.com/videoplay?docid=-7427288929548598131
  45. Phương pháp đoạn trừ phiền não - Đại Đức Thích Viên Trí thuyết giảng, chùa Hoằng pháp
    http://video.google.com/videoplay?docid=3881238987209341124
  46. Nấc thang cuộc đời - Thích Giác Hạnh ( chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-4006420614848823459
  47. Làm sao tránh thảm họa chiến tranh - Đại Đức Thích Nhuận Nghi dịch ( chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=2073597382807372582
  48. Niệm Phật siêu thoát luân hồi - ĐĐ Thích Giác Tây thuyết giảng ( chùa Hoằng pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=3923024806810199813
  49. Quách Huệ Trân vãng sanh cận đại lưu xá lợi ( 2003 )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=1221498051117815292&q=vang+sanh&total=383&start=0&num=10&so=0&type=search&plindex=0
  50. Cụ Bà Triệu Vinh Phương vãng sanh lưu xá lợi
    http://video.google.fr/videoplay?docid=3877847891398878642&q=vang+sanh&total=383&start=10&num=10&so=0&type=search&plindex=4
  51. Địa Ngục Biến Tướng Đồ
    http://video.google.fr/videoplay?docid=-9203758756644525589
  52. Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh
    http://video.google.fr/videoplay?docid=6612788212449377809
  53. Tu Hành ở Chùa Vạn Phật Thánh Thành
    http://video.google.com/videoplay?docid=6067611689157360789
    http://video.google.com/videoplay?docid=-5827270676786445621
  54. Phật Giáo Nhân Sinh Quan và Phật giáo di dân học ( 01 & 02 )
    http://video.google.com/videoplay?docid=3804833895678416759
    http://video.google.com/videoplay?docid=-6239888671410625828&total=62&start=0&num=10&so=0&type=search&plindex=6
  55. An tâm niệm Phật - Đại đức Thích Gíac Đăng chủ giảng ( chùa Hoằng Pháp )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-339584721038954432
  56. Vượt qua khổ đau - Khóa tu một ngày an lạc ( Hòa thượng Thích Trí Quãng )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-4407185409175927320
    http://video.google.com/videoplay?docid=-7476341659608856946
  57. Nhiếp phục sợ hãi ( chương trình khóa tu một ngày an lạc chùa Phổ Quang Tân Bình )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-113403119269689015
  58. Chữ Hiếu trong đạo Phật ( chương trình khóa tu một ngày an lạc chùa Phổ Quang Tân Bình )
    http://video.google.com/videoplay?docid=3410026833461169038
  59. Niệm Phật và trị liệu ( chương trình khóa tu một ngày an lạc chùa Phổ Quang Tân Bình )
    http://video.google.com/videoplay?docid=-5142847288633851131
  60. Nụ cười an lạc  ( chương trình khóa tu một ngày an lạc chùa Phổ Quang Tân Bình )
    http://video.google.com/videoplay?docid=5926432743463683688
  61. Đối diện nghịch cảnh
    http://video.google.com/videoplay?docid=-1693844982536343501
  62. Hạnh khiêm tốn ( chương trình khóa tu một ngày an lạc chùa Phổ Quang Tân Bình )

    http://video.google.com/videoplay?docid=1517646175143651063

    http://video.google.com/videoplay?docid=8615445796630281808

    http://video.google.com/videoplay?docid=8927656372525262668

    http://video.google.com/videoplay?docid=-4060534275805296520
  63. Để con trưởng thành ( ĐĐ Thích Thanh Từ )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=-11366631413180018&q=THICH+THANH+TU&total=246&start=10&num=10&so=0&type=search&plindex=0
  64. Ánh sáng Phật pháp ( chùa Hoằng pháp - Hóc Môn )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=8583469303226597829 ( kỳ 1 )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=-7460144748299933404 ( kỳ 2 )

    http://video.google.fr/videoplay?docid=5654274342168854421 ( kỳ 3 )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=-3653976522538020708 ( kỳ 4 )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=-135095497719770853 ( kỳ 5A )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=-2669719631544108027 ( kỳ 5B )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=-209476207094561328  ( kỳ 6 )   
  65. Phật pháp nhiệm màu ( chùa Hoằng Pháp - Hóc Môn )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=-5975531269881368402 ( kỳ 1A )   
    http://video.google.fr/videoplay?docid=-5557673732717962256  ( kỳ 1B ) 
    http://video.google.fr/videoplay?docid=6091962100393938514 ( kỳ 2 ) 
    http://video.google.fr/videoplay?docid=8196516428523044383  ( kỳ 3A )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=-5937885917612215544  ( kỳ 3B )   
    http://video.google.fr/videoplay?docid=-3099593997606884409  ( kỳ 4 ) 
    http://video.google.fr/videoplay?docid=7044555497479156469  ( kỳ 5 )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=6182520565463505501&q=phat+phap+nhiem+mau&total=291&start=10&num=10&so=0&type=search&plindex=9  ( kỳ 6 )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=7329935647129178853 ( kỳ 7A )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=-2238482578472451453  ( kỳ 7B )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=2231481689482033823   ( kỳ 8A )
    http://video.google.fr/videoplay?docid=-1391821775335820848  (kỳ 8B )   


     


















7 novembre 2007

VÔ THƯỜNG & THƯỜNG QUA THI KỆ

phatdannho5Gia đình Phật tử Minh Hòa, Gíac Huyền, Diệu Thủy, Diệu Phượng, Minh Phúc nguyện xin hồi hướng công đức cho thân bằng quyến thuộc từ vô lượng kiếp,, cùng tất cả chúng sanh đều trọn Phật đạo. Nam mô A Di Đà Phật.

RPhuongGoldenBuddha___LPhuong

VÔ THƯỜNG & THƯỜNG QUA THI KỆ CÁO TẬT THỊ CHÚNG

Chuyên Đề Phật giáo - Xuân và Phật Di Lạc

Tác giả: Thích nữ An Trí    

Trong cuộc sống, con người thường dễ bị chi phối mất định hướng, chao đảo, sợ hãi trước những quy luật của vô thường. Bởi vì trên thế gian này có ai dám bảo đảm là mình trẻ mãi không già, mạnh hoài không đau, sống hoài không chết? Điều đó là không. Bởi vì ngay cả khoa học cũng phải công nhận rằng trong một giờ đồng hồ có hàng ngàn tế bào trong thân người bị hủy diệt và đồng thời sanh trưởng. Qua sự đào thải của các tế bào đã đưa chúng ta từ trẻ đến già, từ già đến chết. 

Trong KINH LĂNG NGHIÊM có một đoạn Đức Phật hỏi vua Ba Tư Nặc về lẽ sống chết. Vua bạch với Đức Phật rằng: 

- Bạch Đức Thế Tôn! Cái thân vô thường của con đây tuy chưa chết, nhưng hiện tiền nó tàn tạ dần, tàn tạ trong từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, từng sát-na một, khác nào như lửa đốt thành tro, cháy dần cho đến phút tiêu tàn. 

Vô Thường Và Thường Qua Thi Kệ Cáo Tật Thị Chúng

Thích nữ An Trí

Dòng đời luôn trôi chảy mãi, những gì đã qua đi không bao giờ trở lại, trên dòng sông miên man bất tận đó con người luôn đối diện với hoàn cảnh mới mẻ. Quá khứ là những gì đã qua làm cho con người nuối tiếc nhớ thương, vị lai là những ảo tưởng mơ hồ. Còn hiện tại là cái ngắn ngủi nhất mà con người luôn bỏ quên vì mãi tìm cầu ở tương lai hay tiếc thương cho quá khứ. Chúng ta không biết rằng hoàn cảnh xung quanh ta luôn thay đổi từng sát-na. Trăng tròn rồi khuyết, hoa nở rồi tàn. Có cuộc hội ngộ nào mà không có sự chia tay? Mỗi nhịp tim lên xuống đều liên quan đến sự hiện thành và tiêu tán của kiếp người mà sự sống chết chỉ là sương mờ giữa bình minh rạng rỡ. Nhận chân cuộc đời là vô thường huyễn hóa tạm bợ, Mãn Giác Thiền sư đã khai thác toàn diện luật vô thường để đề ra một quan niệm sống, một ý chí hành động trước sự thịnh suy của cuộc đời qua thi kệ “Cáo Tật Thị Chúng”.

       “Xuân đi trăm hoa rụng, 

       Xuân đến trăm hoa cười, 

       Trước mắt việc đi mãi, 

       Trên đầu già đến rồi. 

       Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết, 

       Đêm qua sân trước một cành Mai”. 

Bằng một phong thái an nhiên tự tại, vừa Thiền sư, vừa thi nhân, với một cành mai, một mùa Xuân, một mái đầu, Thiền sư đã cho chúng ta thấy sự đến, đi và trở lại của con người trước sự sống, cái chết, vô thường và thường vốn không hai.

       “Xuân đi trăm hoa rụng 

       Xuân đến trăm hoa cười”.

Xuân đến, Xuân đi theo luật tuần hoàn của vũ trụ. Xuân có một, nhưng tùy quan niệm, tâm tư, hoàn cảnh, hay nói chung, tùy nghiệp thức của mỗi người mà cảm nhận về Xuân khác nhau. Theo thường tình của thế nhân, có kẻ vui mừng hớn hở khi Tết đến Xuân sang, cũng có người lo sợ tiếc nuối lúc Xuân tàn: 

       “Xuân đang tới nghĩa là Xuân đang qua 

       Xuân còn non nghĩa là Xuân sẽ già 

       Và Xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”.

       (Xuân Diệu) 

Hoặc thất vọng u sầu khi nghĩ đến Xuân: 

       “Tôi có chờ đâu có đợi đâu 

       Mang chi Xuân đến gợi thêm sầu?”

       (Chế Lan Viên)

Với tâm hồn nhạy bén, chứng kiến cảnh đổi thay của vạn vật, những thi sĩ đa sầu đa cảm thường than thở xót thương cho số kiếp phù du của muôn loài.

Trái lại, dưới mắt Thiền sư, cõi lòng đã rũ sạch có, không và mặc nhiên với thị phi, nhân ngã, các Ngài nhìn mùa Xuân với hương tâm trí tuệ. Đối với các Thiền sư, mùa Xuân là miên viễn, là hằng hữu giữa lòng thực tại. Chân Không Thiền sư đã có một mùa Xuân đại thể sống động đánh thức chúng ta: 

“Xuân đi cứ ngỡ Xuân tàn 

Hoa dù nở rụng tiết Xuân vẫn là”.

       (Thơ văn Lý Trần tập 1, trang 302) 

Mùa Xuân không đến không đi nếu cõi lòng chúng ta gội sạch những não phiền. Ngược lại, nếu cuộc sống nội tâm chúng ta chưa trong sạch, cái nhìn chưa thấu đáo, và sự hiểu biết còn điên đảo ngược xuôi thì chúng ta sống bất an trong từng ngày, từng giờ, thì làm sao có được một mùa Xuân miên viễn? Cho nên, muốn có một mùa Xuân miên viễn xinh đẹp thì chúng ta phải luôn phản chiếu lại với chính mình và thật sự giác ngộ. Vì chỉ có giác ngộ chúng ta mới an hưởng một mùa Xuân an lạc. Chỉ có trí tuệ giác ngộ mới khai thác và mở được cánh cửa bí ẩn của mùa Xuân mà vua Trần Nhân Tông đã bộc lộ:

       “Thuở bé chưa từng rõ sắc không 

       Xuân về hoa nở rộn trong lòng 

       Chúa Xuân nay bị ta khám phá 

       Trải chiếu giường Thiền ngắm mặt hồng”. 

       (Thơ văn Lý Trần, tập 2 trang 463).

Khi chúng ta đã tìm hiểu rõ ràng những bí ẩn của nàng Xuân và tâm chúng ta lắng dịu những vọng tưởng lao xao của ngã chấp, lúc ấy chúng ta sẽ dạo lên khúc nhạc Thiền để cùng các Thiền sư vui bước song hành đón một mùa Xuân miên viễn. 

       “Trước mắt việc đi mãi

       Trên đầu già đến rồi”.

Trong cuộc sống, con người thường dễ bị chi phối mất định hướng, chao đảo, sợ hãi trước những quy luật của vô thường. Bởi vì trên thế gian này có ai dám bảo đảm là mình trẻ mãi không già, mạnh hoài không đau, sống hoài không chết? Điều đó là không. Bởi vì ngay cả khoa học cũng phải công nhận rằng trong một giờ đồng hồ có hàng ngàn tế bào trong thân người bị hủy diệt và đồng thời sanh trưởng. Qua sự đào thải của các tế bào đã đưa chúng ta từ trẻ đến già, từ già đến chết.

Trong KINH LĂNG NGHIÊM có một đoạn Đức Phật hỏi vua Ba Tư Nặc về lẽ sống chết. Vua bạch với Đức Phật rằng: 

- Bạch Đức Thế Tôn! Cái thân vô thường của con đây tuy chưa chết, nhưng hiện tiền nó tàn tạ dần, tàn tạ trong từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, từng sát-na một, khác nào như lửa đốt thành tro, cháy dần cho đến phút tiêu tàn. 

Thậm chí, thân mạng con người chỉ vỏn vẹn trong một hơi thở ra vào, nếu một hơi thở ra mà không trở lại thì ngàn năm vĩnh biệt. Trong KHÓA HƯ LỤC, vua Trần Thái Tông đã nói:

       “Xuất tức nan kỳ nhập tức 

       Kim triêu bất bảo lai triêu”. 

Nghĩa là: “Thở ra khó mong hít vào, sống ngày nay khó bảo đảm được ngày mai”. 

Vì biết rõ điều này cho nên Mãn Giác Thiền sư đã chọn thời tiết nhân duyên hợp lý nhất là lúc mình bệnh và sắp từ biệt cuộc đời để chỉ bày giáo hóa môn nhân. Đối với người học Phật, sự sanh tử là lẽ thường. Con người sanh ra có sống rồi chết là quy luật tất yếu. Nhưng trong cái thân vô thường này lại tiềm ẩn cái toàn tịnh toàn chơn. Cho nên hai câu cuối của bài thơ Ngài đã nói: 

       “Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết

       Đêm qua sân trước một cành Mai”.

Cành Mai nở vững vàng an nhiên thanh tịnh trong đêm đông giá rét là biểu lộ chơn tâm thường trú, nó đứng ngoài sanh diệt lục thức. Cành Mai lộng lẫy giữa đêm trường giá lạnh nhắc cho ta cái pháp thân Phật tánh thanh tịnh đứng ngoài mọi khái niệm không gian và thời gian. Cho nên hôm nay, ngày mai, sống hay chết, sanh hay diệt v.v... đều ứng hợp với nguyên lý tất định, đâu khác gì một làn khói lung linh mờ ảo, chẳng đáng để cho ta lưu tâm. Nếu chỉ duyên niệm vui buồn xuất hiện thì dòng sông phẳng lặng kia bắt đầu gợn sóng. 

Do đó, sống là phải biết đương niệm hiện tiền, không bị cảnh làm nhiễm, cũng không bị âm thanh sắc tướng dẫn nhập, thì dòng sông tâm tưởng muôn đời là dòng sông bất tuyệt. Ngài đã đánh tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai còn chìm đắm trong cảnh đời ảo mộng để rồi nhận chịu dòng sanh tử niệm niệm chuyển lưu. Do vậy khi niệm khởi biết là huyễn, tùy pháp huyễn mà làm thì không bị nó trói buộc. Nhận rõ chân tướng nhất như của tướng duyên sanh vô ngã cho nên không sợ hãi trước mọi biến động, mọi tình huống, mà luôn giữ được trạng thái an nhiên tự tại. Muốn được vậy thì phải có Thiền định quán sát, vận dụng trí tuệ chơn chánh để không rơi vào thế gian trí; vì trí thế gian không lý giải nổi thật tướng của các pháp nên sanh ra vọng tưởng điên đảo. Khi tâm trí ta không còn chi phối bởi những dao động trước các pháp, thì lúc ấy ta đã nắm vững nguyên lý “thực tại tuệ giác”. Nhận thấy rằng tự tánh của ta và vạn pháp vốn rất trong sáng, vắng lặng hồn nhiên và dung thông tất cả. Tất cả đều trôi chảy, chẳng có gì ngưng đọng để ta phải bám víu ngập ngừng. Nó như một dòng sông mà ta phải hòa mình vào để lắng nghe từ bên trong nhịp sống đang trôi chảy không cùng. Nếu ai biết trở về với nguồn sống nơi mình thì có thể hóa giải được tất cả mọi ràng buộc, khổ đau. Phải nhìn thấy rằng: Sóng phiền não của tâm thức chẳng phút giây nào ngừng nghỉ, nó cuốn trôi viên bảo châu vô giá của chúng ta và đẩy tất cả vào biển sanh tử. Do vậy chúng ta phải thấy được thật tướng của các pháp, để từ đó không còn chấp đắm vào cảnh duyên bên ngoài, vượt ra những vọng cầu sở chấp. Những ý niệm sanh diệt không còn trong tâm thức thì đạt được trạng thái chơn thường, chơn lạc. Vì thế mà cuộc sống, đối với cái nhìn của Thiền sư tự nhiên đâu vào đấy. Ví như: “Muôn sao hướng Bắc, nước về Đông”, không có gì phải bận lòng. Trạng thái nhất tâm ở điểm cao là sự trở về với cái sống toàn diện cho chính mình. Vấn đề đáng nói là việc loại trừ những tạp loạn đã len vào địa hạt tâm linh. Đó là tinh thần chủ đạo đúng pháp, từ hiện tượng để tìm về bản thể, từ sự tướng để tìm về lý tánh, từ những sinh hoạt hữu hình tìm về an trú cõi tâm linh. 

Tóm lại, bài thơ Ngài phú chúc cho môn đồ trước giờ thị tịch là bài học lớn cho chúng ta về tinh thần giác ngộ của Đạo Phật, về lẽ sống vô thường của con người và cảnh giới chung quanh. Đồng thời, Ngài cũng biểu thị cho đệ tử thấy rõ giá trị của kiếp người hoàn thiện với đầy đủ ý nghĩa sống phụng sự an lạc, lợi ích cho quần sanh đến hơi thở cuối cùng, đem ánh sáng Chân-Thiện-Mỹ truyền đạt, chuyển hóa, ý thức trước cuộc sống nhân sinh: 

       “Vạn pháp bởi duy tâm

       Vọng trần nên thức biến 

       Ngộ đạt lý vô thường 

       Bồ - đề chơn thị hiện”.    

Publicité
ĐƯỜNG VỀ NẺO CHÍNH
  • Chúng con rất mong muốn trang Web này sẽ phục vụ nhiều người, nếu quí Chư vị thấy hữu ích, xin giới thiệu đến mọi người gần xa. Nguyện cho tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo. Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Ðại Từ Ðại Bi A Di Ðà Phật.
  • Accueil du blog
  • Créer un blog avec CanalBlog
Publicité
ĐƯỜNG VỀ NẺO CHÍNH
Publicité