Canalblog
Editer l'article Suivre ce blog Administration + Créer mon blog
Publicité
ĐƯỜNG VỀ NẺO CHÍNH
28 novembre 2007

TRỢ NIỆM NGƯỜI LÂM CHUNG

VẤN ĐỀ NGƯỜI NIỆM-PHẬT

LÚC LÂM-CHUNG ĐƯỢC VÃNG-SINH

HAY KHÔNG?

1.HỎI:  Nếu bảo rằng người Niệm-Phật đều được vãng-sinh  Tây-Phương, tại sao tôi thấy có nhiều người xuất-gia cũng như tại-gia, bình-thường cũng hay Niệm-Phật và nói rằng mong được vãng-sinh.  Nhưng đến lúc lâm-chung, thì chết một cách mơ mơ hồ hồ.  Không thấy mấy ai được thực-sự vãng-sinh là tại sao?

ĐÁP:  Đó là do người Niệm-Phật đến lúc lâm-chung không đủ nhân-duyên.  Nếu nhân-duyên đầy-đủ thì chắc-chắn được vãng-sinh.

2.   HỎI:  Nhân-duyên là sao?

    ĐÁP:  Người tu bình-sinh chân-tín, thiết-nguyện, Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương mà đến lúc lâm-chung vẫn có được tâm-niệm nầy, thì đó là “nhân” TỰ-LỰC.  Nếu bình-sinh chưa biết về tín-nguyện, Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương, đến lúc lâm-chung may mắn được gặp thìện-hữu hướng-dẫn mà sinh tín, phát nguyện, cầu sinh Tây-Phương, thì đó cũng là “nhân”  TỰ-LỰC.  Giáo-chủ Tây-Phương Cực-Lạc Thế-Giới là Đức Phật A-Di-Đà cùng vạn-đức hồng-danh của Ngài có thể khiến cho chúng-sinh được sinh sang cõi Tây-Phương Cực-Lạc, thì đó là “duyên” THA-LỰC.

Lúc lâm-chung mà được thiện-hữu trợ-niệm, cũng là “duyên” THA-LỰC.

3.   HỎI:  Người tu đến lúc lâm-chung mà đầy-đủ nhân-duyên thì chắc-chắn được vãng-sinh, xin giải rõ lý nầy.

ĐÁP:  Người tu đến lúc lâm-chung mà chân tín, thiết nguyện, Niệm-Phật thì Đức Phật A-DI-ĐA` là “duyên” THA-LỰC, còn cái tâm năng-niệm là “nhân”  TỰ-LỰC.  Ngay lúc đó, dùng cái tâm năng-niệm mà niệm Đức Phật A-DI-ĐÀ thì Đức Phật A-DI-ĐÀ nhân cái tâm năng-niệm mà hiển-hiện.  Cái tâm năng-niệm lại nhờ sự hiển-hiện của Đức Phật A-DI-ĐÀ mà được thanh-tịnh.  Ngay phút giây đó, chính là TỰ-LỰC và THA-LỰC cảm-ứng đạo-giao, nhân-duyên hòa-hợp, do đó mà được vãng-sinh Tây-phương Cực-lạc.

4.   HỎI:  Người Niệm-Phật đến lúc lâm-chung mà không đủ nhân-duyên thì không được vãng-sinh.  Xin giải rõ lý nầy.

        ĐÁP:  Người tu lúc bình-sinh tín-nguyện Niệm-Phật mà công-phu chưa được thuần-thục, thì đến lúc lâm-chung tuy có tín-nguyện cầu sinh Tây-Phương (có “nhân”),  nhưng bị bệnh khổ và đủ thứ phiền-não bức-bách nên cái tâm Niệm-Phật khởi lên không nổi.  Nếu không có thiện-hữu hướng-dẫn, trợ-niệm (không “duyên”), lại gặp thân-thuộc không hiểu đạo-lý, cứ khóc-lóc, hỏi-han thì tâm người tu khởi lên đủ thứ tạp-niệm mà không được vãng-sinh.  Trường-hợp nầy gọi là có “nhân” mà không “duyên” nên không thể vãng-sinh.

        Lại cũng có người bình-thường tín-nguyện Niệm-Phật cho có lệ.  Đến lúc lâm-chung may-mắn được thiện-hữu trợ-niệm (có “duyên”), thân-thuộc cũng không khóc lóc làm chướng ngại.  Khổ nỗi người tu tự tâm mình sinh điên-đảo, tham-luyến thế-gian, không khởi tâm Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương (không “nhân”), bởi vậy theo ái-dục mà đầu thai các nẻo thiện ác.  Đây gọi là có “duyên” mà không “nhân” nên không thể vãng-sinh.

        Lại cũng có người bình-thường Niệm-Phật chĩ để cầu cho gia-đạo bình-an, mạnh-khỏe sống lâu v..v… Do đó đến phút lâm-chung thì chỉ có sợ chết.  Khi bệnh chưa nặng lắm thì cũng Niệm-Phật nhưng để cầu lành bệnh chứ không hề có tâm-nguyện cầu vãng-sinh (không “nhân”).  Đến khi bệnh trở nên nguy-kịch thì bệnh khổ bức-bách do đó không thể Niệm-Phật.  Thân-thuộc cứ theo thế tình mà làm động tâm thêm, lại không được thiện-hữu trợ-niệm (không “duyên” nên không thể vãng-sinh.

5.   HỎI:  Vậy thì người tu Niệm-Phật đến lúc lâm-chung, thế nào là nhân-duyên đầy đủ để được vãng-sinh?

ĐÁP:  Như có hạng người đại căn-cơ, lúc bình-sinh chân tín, thiết nguyện, Niệm-Phật.  Tín-nguyện đã rất chân-thiết, công-phu Niệm-Phật lại rất thuần-thục.  Đến lúc lâm chung, không cần phải người khác trợ-niệm mà vẫn cứ một mực tín-nguyện Niệm-Phật, tâm-niệm an trụ nơi hồng-danh của Đức Phật A-Di-Đà.  Kinh A-Di-Đà chép:  “Nhất tâm bất loạn tất được vãng-sinh.”  Là chỗ nầy.  Đây gọi là nhân-duyên đầy-đủ của hàng thượng-căn.

        Cũng có hạng người tu binh-thường chân-tín, thiết-nguyện nhưng công-phu Niệm-Phật chưa được thuần-thục.  Đến lúc lâm-chung thì lòng tín-nguyện cầu sinh Tây-Phương so với lúc bình-thường lại càng tha-thiết, không bị bệnh khổ hay các chướng-duyên làm dao-động.  Lại có được thiện-hữu trợ-niệm.  Nhờ vậy tâm của người nầy niệm-niệm an-trụ nơi hồng-danh của Đức Di-Đà mà được vãng-sinh.  Đây là nhân-duyên đầy-đủ của hàng trung-căn.

        Cũng có hạng người lúc bình-thường không biết gì về tín-nguyện Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương.  Đến lúc lâm-chung may-mắn được gặp thiện-hữu khai-thị.  Hoặc nói về y-chánh thanh-tịnh tran-nghiêm của Thế-Giới Cực-Lạc khiến tâm người nầy sinh hoan-hỷ hân-cầu.  Lại nói về Bổn-Nguyện tiếp-dẫn chúng-sinh của Đức A-Di-Đà khiến tâm người nầy sinh chánh-tín mà quyết-đinh Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương.  Quyến-thuộc lại chịu nghe theo sự hướng-dẫn của thiện-hữu, không làm điều gì có thể khiến cho tâm người bệnh dao-động.  Nhờ vậy ngay phút lâm-chung, người nầy Niệm-Phật với sự tha-thiết như đứa bé thơ bị lạc mẹ.  Do đó được từ-lực của Phật tiếp-dẫn mà vãng-sinh.  Đây là nhân-duyên đầy-đủ của hàng hạ-căn.

6.   HỎI:  Người lúc bình-thường hoàn-toàn chưa biết tín-nguyện Niệm-Phật, đến lúc lâm-chung gặp được thiện-hữu khai-thị, sau khi nghe xong, tâm sinh hoan-hỷ, tín-thụ, phát-nguyện Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương.  Quyến-thuộc cũng không gây ra các chướng-ngại.  Lại được trợ-niệm mà vãng-sinh Tây-Phương.  Sao mà dẽ-dàng như vậy được?.

        ĐÁP:  Xin giải rõ thêm.  Người nầy lúc bình-thường chưa hề tín-nguyện, Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương là vì KHÔNG BIẾT.  Đến lúc lâm-chung gặp được thiện-hữu khai-thị mà sinh tâm quyết-định tín-nguyện Niệm-Phật.  Điều nầy chứng-tỏ rằng đời trước đã có căn-duyên Niệm-Phật.  Đây là “nhân” thù-thắng.  Được thiện-hữu khai-thị, trợ-niệm là “duyên” thù-thắng.  Trường-hợp nầy hy-hữu rất ít có.

7.   HỎI:  Chúng tôi là hàng Phật-tử tại gia.  Nếu đến phút lâm-chung của người thân mà không mời được thiện-hữu trợ-niệm thì phải làm sao đây để giúp thân-nhân được vãng-sinh?

    ĐÁP:  Quý vị có lòng như vậy thật đáng quý.  Xin đọc kỹ những điều hướng-dẫn sau đây.

      NHỮNG ĐIỀU MÀ QUYẾN-THUỘC

CỦA NGƯỜI LÂM-CHUNG CẦN CHÚ-Ý

        1.  Theo Phật-Pháp, phút lâm-chung là thời điểm rất quan-trọng của một kiếp người.  Vì sao vậy?  Vì đây là lúc có sự đột biến để thăng hay giáng theo sáu đường.  Những diều xảy ra ở phút lâm-chung (cận-tử-nghiệp) ảnh-hưởng rất lớn đến sự thăng-giáng nầy.  Đối với người tu Tịnh-Độ thì lại càng cực-kỳ trọng-yếu.

        2.  Khi có người thân sắp lâm-chung, nếu có Hội Trợ-Niệm cần phải mời họ đến.  Khi họ đã đến thì tất-cả mọi người trong nhà phải tuyệt-đối tuân theo sự hướng-dẫn của họ, không được xen ý riêng của mình vào.  Nếu không có Hội Trợ-Niệm thì người trong nhà lo trợ-niệm cũng được, cần-yếu là theo đúng Phật-Pháp (sẽ được trình-bày cặn-kẽ ở những phần sau).  Điều quan-trọng cần tuân-thủ là hãy làm ma-chay, đừng sát-sanh và cả nhà an chay trong thời-điểm nầy.  Khi bệnh người thân trở nặng thì chỉ lo trợ-niệm chứ ĐỪNG CHO UỐNG NHÂN-SÂM HAY TIÊM THUỐC HỒI-SINH.  Vì làm vậy rất trở-ngại cho chuyện vãng-sinh Tây-Phương.  Xin ghi nhớ điều nầy.

        3.  Phải biết rằng khi người thân lâm-chung, họ phải theo một trong bảy đường sau:  Ba đường dữ (Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sinh),  Ba đường lành (Trời, Người, A-tu-la), và Thánh-đạo Tây-Phương Cực-Lạc.  Mình trợ-niệm để giúp họ được vãng-sinh Tây-Phương, vĩnh-viễn thoát khỏi sáu nẻo luân-hồi.  Trái lại, nếu mình khóc-lóc, kêu réo, thở-than thì chỉ khiến cho họ động tâm mà đọa vào ba đường dữ.  Hãy suy-nghĩ cặn-kẻ điều nầy.

        4.  Trong kinh-điển Phật đã dạy tường-tận rằng nếu đọa vào ba đường dữ thì chịu muôn vàn thống-khổ, nhất là địa-ngục thời-gian lại rất dài lâu.  Những điều nầy là sự thực, chứ không phải là chuyện ngụ-ngôn mà Đức Phật đặt ra để răn đời.  Trái lại nếu được vãng-sinh Tây-Phương thì vĩnh viễn thoát khỏi ba đường dữ, được ở địa-vị bất thối-chuyển, thân-cận Đức A-Di-Đà và thánh chúng mà an vui tu-tập.

        5.  Nếu người bệnh bình-thường đã có tâm-nguyện Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương thì rất tốt.  Nếu không có tín-tâm hoặc không thông-hiểu về chuyện Niệm-Phật cầu sinh Tây-Phương thì người thân hãy giải-thích cho họ hiểu rằng “làm người không phải vĩnh-viễn cứ làm người.  Có sáu đường sinh-tử luân-hồi, trong đó ba đường dữ rất thống khổ mà lại dễ đọa vào.  Ngược lại Thế-giới Tây-Phương của Đức A-Di-Đà thì rất là an-lạc, được sinh sang đó thì vĩnh-viễn không bị đọa vào ba đường dữ.  Phước-lạc của người được sinh sang đó thật không thể nghĩ-bàn.  Điều-kiện để được vãng-sinh thì do Bổn-Nguyện của Đức A-Di-Đà nên rất dễ-dàng.  Hễ có tín-nguyện mà niệm Danh-hiệu của Ngài (NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT) thì lúc lâm-chung chắc-chắn được Ngài đến rước về cõi Tây-Phương Cực-Lạc.

        6.  Tâm-niệm của người sắp lâm-chung ảnh-hưởng rất lớn đến kiếp lai-sinh của họ (Cận-tử-nghiệp) do đó người thân làm sao để họ không bị phiền-não.  Khi họ còn tỉnh-táo hãy hỏi rõ những gì cần căn-dặn.  Làm sao để họ yên-tâm mà ra đi.  Tuyệt-đối đừng đem những vấn-đề nhiêu-khê của kiếp người mà làm họ bận-tâm trong thời điểm nầy.  Phải biết rằng làm vậy thì không những người chết bị đọa lạc, mà người sống cũng sẽ bị chướng-duyên nặng-nề trong tương-lai.

        7.    Nếu có thân-hữu hoặc bà con đến thăm người bệnh, thì trước khi họ gặp người bệnh hãy yêu-cầu họ đừng nói hay làm gì có thể gây chướng-duyên cho vấn-đề vãng-sinh.

        8.  Vấn-đề trợ-niệm cũng phải hết sức tế-nhị.  Khi người bệnh còn tỉnh-táo, hãy hỏi kỷ về ý-muốn của ho.  Ví dụ muốn được lớn tiếng trợ niệm hay niệm vừa đủ nghe là được, dùng khánh, mõ hay chuông v..v…Tùy theo hoàn-cảnh mà thiết-trí tượng Đức A-Di-Đà chứ không phải nhất-thiết là phải ở hướng Tây.  Đừng chấp-chặt theo hình-thức mà làm người bệnh phiền-não.

        9.   Cũng có người bệnh do nghiệp-chướng của họ mà không muốn người khác thế họ Niệm-Phật, không muốn nghe người khác Niệm-Phật, hoặc nghe Niệm-Phật thì bực-bội.  Gặp trường-hợp nầy quyến-thuộc hãy đến trước bàn Phật, thành-khẩn vì họ mà cầu xin sám-hối.  Xin kể hai chuyện mới xảy ra gần đây.  Năm ngoái có một vị cư-sĩ, khi mẹ ông bị bệnh sắp mất, ông liền mời Hội Trợ-Niệm đến nhà để hộ-niệm cho mẹ.  Mẹ ông khi nghe Niệm-Phật, trong lòng bức-rức chịu không nổi nên yêu cầu đừng niệm!  Thầy quy-y của vị cư-sĩ thấy vậy, biết rằng đây là nghiệp-chướng phát hiện, liền tụng cho bà mấy bộ kinh Địa-Tạng.  Vị cư-sĩ cũng hết-sức thành-khẩn đối trước phật ăn-năn sám-hối cho mẹ.  Sau đó, bà đột-nhiên hoan-hỷ muốn nghe Niệm-Phật mà an-nhiên vãng-sinh.  Lại có một vị cư-sĩ khác, cha ông bị bệnh khi sắp mất thấy một người đàn bà và một con chó đến đòi mạng.  Cư-sĩ liền Niệm-Phật sám-hối cho cha thì ông không còn thấy nữa.  Sau đó cha ông lại thấy hai nhà sư hiện đến nói rằng:  “Ông đời trước ngăn-cản chúng tôi vãng-sinh,  nay chúng tôi đến để cản ông đây”.  Cư-sĩ lại vì cha đối trước Phật sám-hối và cầu siêu cho hai vị tăng.  Cha ông không còn thấy họ nữa.  Sau cùng cha ông thấy một lão tăng hiện đến mà bảo rằng:  “Oan-nghiệp của ông đã được tiêu trừ, ba lần bảy nữa ông sẽ được vãng-sinh.  Cứ nói ‘ba lần bảy’ là con ông hiểu.”.  Cả nhà đều cho rằng ‘ba lần bảy’ là 21 ngày.  Trợ-niệm bấy lâu đã mệt nay lại thêm 21 ngày quả thật là khó-khăn.  Không ngờ 21 giờ sau thì người cha được vãng-sinh.  Hai câu chuyện có thật trên đây cho thấy sự trọng-yếu của vấn-đề trợ-niệm lúc lâm-chung.

        10.  Khi người bệnh sắp tắt thở thì nếu đã có người trợ-niệm, thân-nhân hãy đối trước bàn Phật A-Di-Đà,  khẩn thiết cầu xin Ngài tiếp-dẫn thần-thức người chết vãng-sinh Tây-Phương.  Nếu người trợ-niệm ít hoặc không có, thân-nhân hãy đến gần người sắp chết mà trợ-niệm.  Nhớ là đừng đứng ngay trước mặt vì ở thời điểm nầy người chết rất dễ động tâm, trở ngại chánh-niệm.  Do đó không nên để cho thấy mặt.  Giọng Niệm-Phật nhớ đừng bi-lụy vì sẽ khơi dậy tình-cảm nơi người chết, khó mà vãng-sinh.  Thân-nhân cần ghi nhớ hai điều nầy.

        11.  Sau khi người chết đã tắt thở nhưng thi-thể chưa lạnh hẳn (nghĩa là thần-thức còn đó chưa đi), thân-nhân cần để ý các điều sau:

a.      Vẫn tiếp-tuc lớn tiếng Niệm-Phật trợ-niệm.

b.      Hãy coi chừng đừng để ruồi muỗi đậu lên thi-thể người chết vì họ vẫn còn cảm-giác!

c.      Đừng khám-xét thi-thể để đoán xem đi về đâu vì làm vậy rất có hại cho người mất.

d.      Nếu có ban Trợ-Niệm phải tuyệt-đối tuân theo sự hướng-dẫn của họ.

e.      Tuyệt-đối đừng tin theo các hủ-tục phổ-thông của thế-gian.  Xin nêu ra đây vài điều:               

·          Cho rằng khi thi-thể còn nóng, khớp xương còn mềm-mại, phải thay quần áo cho họ lúc nầy.

·          Cho rằng khi người thân tắt thở cần phải khóc lớn để đẩy lui hung-tinh!

·          Cho rằng hễ tắt thở là phải lo liệm ngay, nếu không sẽ mắc nợ “miên-sàng” v..v..

Publicité
Commentaires
ĐƯỜNG VỀ NẺO CHÍNH
  • Chúng con rất mong muốn trang Web này sẽ phục vụ nhiều người, nếu quí Chư vị thấy hữu ích, xin giới thiệu đến mọi người gần xa. Nguyện cho tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo. Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Ðại Từ Ðại Bi A Di Ðà Phật.
  • Accueil du blog
  • Créer un blog avec CanalBlog
Publicité
ĐƯỜNG VỀ NẺO CHÍNH
Publicité